Muốn có mối quan hệ tốt chỉ chào hỏi thôi chưa đủ, nên nói thêm 2 câu
Một nhân tố quan trọng quyết định việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với người khác, đó chính là “trò chuyện”. Ở đây, chúng ta tạm chia sự khéo léo trong việc bắt chuyện thành ba loại: hạng nhất, hạng 2 và hạng 3.
Đừng để cuộc trò chuyện rơi vào im lặng
Cuộc trò chuyện của những người không khéo khơi gợi trò chuyện thường có tình trạng này xảy ra:
Người hạng 3 sẽ bắt đầu từ câu: “Hôm nay rất nóng nhỉ.”
Người hạng 2 sẽ bắt đầu từ câu: “Nghe nói hôm nay sẽ nóng hơn 30 độ đó.”
Người hạng nhất sẽ bắt đầu tnhư thế nào?
Tôi: “Hôm nay nóng quá nhỉ.”
Đối phương: “Đúng vậy, nóng quá đây này …” (rơi vào im lặng)
Tôi: “Hôm nay rất nóng đó, nghe nói hơn 30 độ.”
Đối phương: “30 độ lận à, khó trách nóng như vậy.”
Tôi: “Đúng vậy …” (rơi vào im lặng)
So với cuộc trò chuyện không nói quá hai câu đã rơi vào im lặng, thì những người hạng nhất sẽ có một cuộc trò chuyện tự nhiên và kéo dài. Như vậy, khi bắt đầu nói chuyện rốt cuộc cần phải chú ý điều gì?
Bạn cho rằng đối tượng hứng thú nhất của mỗi người là ai? Là đối tượng yêu mến trong lòng? Hay là đối thủ cạnh tranh? Kỳ thực đều không phải! Đối tượng cảm thấy hứng thú nhất của mỗi người, chính là “bản thân mình”.
Chẳng hạn như, ánh mắt của bạn sẽ tìm đến ai đầu tiên trong những bức ảnh chụp tập thể khi tham gia các buổi du lịch ngoại khóa thời học sinh? Sẽ là khuôn mặt cô bạn nữ sinh mà bạn thích? Dường như không phải! Bạn chắc hẳn sẽ nhanh chóng đi tìm khuôn mặt của chính mình!
Lại đưa ra một ví dụ khác, khi tự giới thiệu mình và giới thiệu người khác, tình huống nào làm được tốt hơn? Nhất định là tự giới thiệu phải không? Vì chuyện của mình thì bản thân hiểu rõ nhất.
Mỗi người đều để ý bản thân mình nhất, nói về chuyện của mình cũng dễ dàng nhất. Và những người hạng nhất đều rất hiểu rõ điểm này.
Để ý những lời nói của người hạng nhất, bạn sẽ phát hiện họ sẽ đem chủ đề cuộc đối thoại tập trung ở đối phương, ví như cuộc trò chuyện này:
“Hôm nay nóng quá nhỉ, nghe nói sẽ hơn 30 độ đó, anh có sợ bị cảm nắng không?”
“Hôm nay thực sự nóng, máy điều hòa bật từ sáng. Nhiệt độ như này có thích hợp với anh không?”
“Hôm nay trời nóng quá đi, nhưng người ta nói rằng ‘đàn ông thuộc về mùa hè’. Anh có thích mùa hè không?”
Cứ như vậy, họ sẽ hướng trọng tâm cuộc trò chuyện về phía đối phương, và gợi mở chủ đề để cho đối phương dễ dàng đáp lại.
Chào hỏi khi lần đầu gặp
Người hạng 3 chào hỏi xong thì kết thúc.
Người hạng 2 chào hỏi xong sẽ nói thêm một câu.
Người hạng nhất sẽ như thế nào?
Ví dụ, vừa tới công ty liền cất tiếng chào hỏi sếp, chào hỏi đồng nghiệp tình cờ gặp khi đi trên tàu điện đến công ty, chào hỏi khách hàng lần đầu tiên gặp mặt.
Những lúc như thế này, nếu bạn chỉ nói “Xin chào”, “Chào anh” rồi kết thúc, cuộc nói chuyện không cách nào tiếp tục kéo dài. Các loại sách về giao tiếp đều sẽ khuyên mọi người lúc này cần “nói thêm một câu sau khi chào hỏi”. Ví dụ như:
– Khi chào quản lý: “Chào trưởng phòng. Hôm qua bận việc đến trễ như vậy, thật sự xin lỗi trưởng phòng.”
– Khi chào đồng nghiệp: “Xin chào! Bữa liên hoan tối qua vui vẻ không?”
– Khi chào hỏi khách hàng: “Chào ông! Có thể gặp ông là vinh hạnh của tôi.”
Tương tự như vậy, sau khi chào hỏi thì nói thêm một câu nữa.
Kiểu chào hỏi và nói chuyện như vậy quả thực không tệ, có điều…. dường như kết quả sẽ là:
– “Chào trưởng phòng. Hôm qua bận việc đến trễ như vậy, thật sự xin lỗi trưởng phòng.” Trả lời: “Cảm ơn.” (rơi vào im lặng)
– “Xin chào! Bữa liên hoan tối qua vui vẻ không?” Trả lời: “Vui….” (rơi vào im lặng)
– “Chào ông! Có thể gặp ông là vinh hạnh của tôi.” Trả lời: “Tôi cũng hân hạnh gặp cậu…” (rơi vào im lặng)
Cứ như thế, số người lâm vào tình trạng cuộc nói chuyện không cách nào tiếp tục kéo dài vẫn là chiếm đa số.
Muốn mở rộng cuộc trò chuyện một cách tự nhiên, chỉ chào hỏi thôi vẫn không đủ, cần phải hạ thêm một chút công phu ăn nói mới được. Xin gọi công phu ăn nói này là “nói thêm hai câu”. Sau khi chào hỏi xong, tốt nhất là nói thêm hai câu.
– “Chào trưởng phòng. Hôm qua bận việc đến trễ như vậy, thật sự xin lỗi trưởng phòng. Nói đi nói lại, thể lực của trưởng phòng thật là tốt quá đi!”
– “Xin chào! Bữa liên hoan tối qua chơi vui vẻ không? Chúng ta làm như vậy liệu có ầm ĩ quá không?”
– “Chào ông! Có thể gặp ông là vinh hạnh của tôi. Ngưỡng mộ danh tiếng của ông đã lâu.”
Sau khi chào hỏi không chỉ nói thêm một câu, mà nên nói thêm câu thứ hai.
Chúng ta thử tưởng tượng rằng, phía sau câu chào hỏi có hai cái hộp rỗng, vậy thì nhất định phải lấp cho đầy hai cái hộp rỗng đó.
Nói thêm hai câu sau khi chào hỏi
– “Đã lâu không gặp! Dạo này có khỏe không? Chúng ta mấy năm rồi không gặp nhau?”
– “Chào bạn. Mỗi lần nhìn thấy bạn đều rất có sức sống! Mình phải noi theo bạn mới được.”
– “Này! Bạn khỏe không? Dạo này có bận rộn không?”
Cứ như vậy, trong cuộc trò chuyện thì nên mở rộng chủ đề “nói chuyện phiếm”, để lấp đầy những chiếc hộp rỗng kia.
Người hạng nhất rất biết cách tạo ra một bầu không khí khiến cho đối phương dễ dàng đáp chuyện. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ chào hỏi, sau chào hỏi nói thêm hai câu. Điều này giống như đạp lên chân ga, giúp cuộc trò chuyện có thể thuận lợi khởi hành.