Mức trần nợ là một đòn giáng mạnh
Đảng Cộng Hòa sẽ lại nhượng bộ về trần nợ?
Nợ công của Mỹ hiện là hơn 31.3 ngàn tỷ USD! Hãy xem đồng hồ nợ của Hoa Kỳ tăng theo thời gian thực (tại đây) và sửng sốt, kinh ngạc trước tốc độ tăng nợ nhanh như thế nào.
Như Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã cho biết, “nợ quốc gia (31.35 ngàn tỷ USD) là tổng số tiền vay nợ chưa trả của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ đã tích lũy trong lịch sử của quốc gia này.”
Món nợ ấy bao giờ mới có thể trả được?
Có lẽ quan trọng hơn là, liệu có cách nào để ngăn chặn việc tiếp tục vay nợ thế chấp bằng tương lai của đất nước này không?
Chúng ta hãy khám phá chủ đề này.
Quá trình
Điều I, Mục 8 của Hiến Pháp Hoa Kỳ trao cho Quốc hội quyền “Để vay Tiền trả sau của Hoa Kỳ.” Đây là cách mà nợ của Hoa Kỳ được tài trợ. Công khố phiếu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ được bán cho các nhà đầu tư và có thể được mua trực tiếp từ Bộ Ngân khố hoặc được các nhà đầu tư tư nhân riêng lẻ, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, các tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ hay ngoại quốc, và các chính phủ ngoại quốc/tiểu bang/địa phương, mua trên thị trường thứ cấp.
Tất cả các chủ nợ tài trợ cho vay nợ của Hoa Kỳ đều mong đợi được hoàn trả, kèm theo lãi suất. Các chủ nợ chính bảo lãnh nợ công của Hoa Kỳ bao gồm các công ty bảo hiểm, trái chủ tiết kiệm của Hoa Kỳ, các quỹ hưu trí tư nhân, doanh nghiệp do chính phủ tài trợ, ngân hàng, v.v. Ngày càng nhiều chính phủ ngoại quốc là những chủ nợ với số tiền khoảng 7.3 ngàn tỷ USD, bao gồm Nhật Bản (1.12 ngàn tỷ USD), Trung Quốc cộng sản (933 tỷ USD), Vương quốc Anh (663 tỷ USD), và các nước khác. Các chính phủ ngoại quốc sử dụng trái phiếu của Hoa Kỳ làm “nơi trú ẩn an toàn” và để chống đỡ đồng USD, giúp hàng xuất cảng của họ sang Hoa Kỳ rẻ hơn (và do đó cạnh tranh hơn).
Trong khi nợ của Hoa Kỳ tăng đột biến kể từ những năm 1970 là đáng lo ngại, thì vấn đề đặc biệt rắc rối là tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ, vốn gần như tăng vọt, đặc biệt là sau cuộc suy thoái năm 2008 và trong đại dịch, lên mức 125% chưa từng thấy trong năm nay. Tỷ lệ nợ trên GDP này cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ trong tương lai của một quốc gia, với bất kỳ tỷ lệ nào trên 100% được xem là rất đáng lo ngại về khả năng trả nợ hiện tại và tương lai. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng các nền kinh tế chậm lại đáng kể ở các quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP với hơn 77% liên tục trong thời gian dài, làm phức tạp khả năng tài trợ nợ công của quốc gia ấy. Tỷ lệ này của Hoa Kỳ đã vượt quá 77% kể từ năm 2008.
Chấm dứt tình trạng bội chi
Một cơ chế kiểm soát rất quan trọng có thể được sử dụng để ngăn chặn — hoặc chí ít là giảm thiểu — tình trạng bội chi là yêu cầu Quốc hội chấp thuận bất kỳ sự gia tăng nào đối với “trần nợ”, điều này cho phép chính phủ liên bang chi tiêu vượt quá thu nhập về sau.
Trần nợ là số tiền mà Bộ Ngân khố Hoa Kỳ có thể vay một cách hợp pháp để trả các khoản nợ trong quá khứ (tiền lãi) và chi trả cho các khoản chi tiêu mới do Quốc hội thông qua. Quốc hội đã định kỳ thông qua việc tăng trần nợ để tài trợ cho việc bội chi liên tục. Theo báo cáo của Ủy ban Chính sách Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện, mức giới hạn nợ này đã được nâng lên hoặc treo nợ 56 lần kể từ năm 1978. Việc treo nợ là một mánh khóe khéo léo để tạo điều kiện cho chi tiêu ngắn hạn tạm hoãn [tuân thủ] mức giới hạn nợ đã được thông qua trước đó trong một khoảng thời gian nhất định, sau khoảng thời gian này thì giới hạn đó tiếp tục có hiệu lực.
Năm 1978 rất quan trọng, vì năm đó đánh dấu sự khởi đầu của sự hoang phí của Quốc hội. Từ năm 1950 đến giữa những năm 1970, nợ của Hoa Kỳ vẫn không đổi ở mức khoảng 3 ngàn tỷ USD do những giới hạn được áp dụng đối với chi tiêu của quốc hội theo quy trình lập ngân sách đã được thực hiện kể từ khi Hoa Kỳ được thành lập. Cho đến năm 1974, chi tiêu được kiểm soát bởi các cuộc bỏ phiếu của quốc hội theo các dự luật khác liên quan đến việc phân phối ngân sách, các khoản thu nhập, và các ủy quyền cụ thể – thường là của các cơ quan nội các chính phủ (ví dụ: Quốc phòng, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Lao động, v.v.). Quá trình này tạo điều kiện cho công chúng giám sát các dự luật chi tiêu cụ thể và gây áp lực công khai lên các chủ tịch ủy ban để kiểm soát chi tiêu.
Tuy nhiên, Quốc hội do Đảng Dân Chủ kiểm soát vào năm 1974 đã thông qua Đạo luật Kiểm soát Tịch thu và Ngân sách của Quốc hội năm 1974 (Congressional Budget and Impoundment Control Act). Giống như nhiều dự luật của quốc hội trong những năm qua (“Đạo luật Giảm Lạm Phát” ngớ ngẩn được thông qua trong năm nay là một trường hợp điển hình), mục đích bề ngoài của đạo luật này chính xác là ngược lại với thực tế. Theo Encyclopedia.com, dự luật này nhằm “khắc phục các vấn đề như phân phối ngân sách muộn, sự phụ thuộc vào các giải pháp liên tục (các biện pháp chi tiêu ngắn hạn), thâm hụt ngân sách, và kiểm soát không đầy đủ đối với các chương trình phúc lợi.”
Trên thực tế, đạo luật năm 1974 này đã giúp Quốc hội dễ dàng chi tiền hơn thông qua việc bội chi, cũng như thông qua việc cắt giảm quyền ngăn chặn của tổng thống (quyền hành pháp từ chối chi tiêu tất cả các loại ngân quỹ do quốc hội phân phối). Sau đó, các ngân sách đã được giải quyết theo kiểu cả gói chung, và cuối cùng, dự luật [với số tiền lớn] đã tiếp tục tài trợ ngân sách cả gói cho chính phủ trở thành nghị trình của Quốc hội.
Do đó, loạt 56 lần tăng mức giới hạn nợ được nêu trên đã bắt đầu vào năm 1978, và hiện tại chúng ta đang có khoản nợ, hiện hữu trong suốt quá trình tồn tại của Hoa Kỳ, nay đã nhiều hơn gấp 10 lần so với trước năm 1974. Hậu quả này là bằng chứng cho thấy đạo luật năm 1974 thực sự khiến cho các vấn đề mà lẽ ra đạo luật này phải khắc phục được thêm phần bế tắc.
Nhưng tình trạng bội chi của Quốc hội không thể xảy ra nếu không có sự cơi nới mức giới hạn nợ. Đây là đòn giáng mạnh mà Đảng Cộng Hòa đã lãng phí hai lần dưới thời chính phủ Tổng thống Biden, cho phép khoản bội chi 5 ngàn tỷ USD của chính phủ Đảng Dân Chủ-Tổng thống Biden trở nên khả dĩ (cũng như lạm phát 8% sau đó!). Năm ngoái, Lãnh đạo Thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) và các thành viên Đảng Cộng Hòa khác đã nhượng bộ trước Đảng Dân Chủ hồi tháng 10/2021 và một lần nữa vào tháng 12/2021 với việc trao cho họ 2 lần mở rộng giới hạn nợ, vốn đã mở cửa thoát cho các dự luật chi tiêu của Đảng Dân Chủ năm nay.
Những ý tưởng kết luận
Liệu Đảng Cộng Hòa lại nhường bước cho Đảng Dân Chủ bằng cách tăng mức giới hạn nợ mà không nhượng bộ việc chi tiêu và một sự thay đổi các ưu tiên chi tiêu không? Người ta nói về việc Quốc hội thông qua một dự luật chi tiêu tổng hợp rất lớn trong một phiên họp cuối cùng từ nay đến tháng Một. Các dân biểu sắp mãn nhiệm trong Hạ viện muốn có thêm một món quà chi tiêu cho các nhà tài trợ và cử tri của họ.
Như tờ Politico lưu ý, rõ ràng là các quan chức Tòa Bạch Ốc muốn tăng mức giới hạn nợ và sử dụng thủ tục điều chỉnh ngân sách để tài trợ cho càng nhiều ưu tiên chi tiêu của Đảng Dân Chủ càng tốt trước khi Đảng Cộng Hòa tiếp quản Hạ viện vào tháng Một. Việc điều chỉnh ngân sách là một thủ thuật khéo léo khác để tránh ngưỡng tranh luận không giới hạn (filibuster) của Thượng viện và đạt được chi tiêu nhiều hơn thông qua một cuộc bỏ phiếu đa số quá bán.
Tuy nhiên, sự phản kháng đối với canh bạc này đang được thực hiện dưới nhiều hình thức: Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) có khả năng phản đối việc gia hạn mức giới hạn nợ này nếu không có phiếu thuận của Đảng Cộng Hòa, và ông McConnell đã công khai tuyên bố rằng việc gia hạn mức giới hạn nợ sẽ không kéo dài cho đến “thời điểm nào đó trong năm tới” (xét cho cùng, đó là thỏa thuận mà ông ấy đã thực hiện với Đảng Dân Chủ khi đồng ý tăng trần nợ hồi tháng Mười Hai năm ngoái). Hơn nữa, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang tranh luận xem ai sẽ là Chủ tịch tiếp theo, trong đó dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) ôn hòa đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các thành viên theo phái bảo tồn truyền thống về mặt tài chính trong nhóm các thành viên Đảng Cộng Hòa này để thực sự cắt giảm ngân quỹ cho các dự luật phân phối trước đây của Đảng Dân Chủ (đồng thời để kiểm soát chi tiêu).
Vẫn có khả năng rất thực tế là Đảng Cộng Hòa sẽ thông qua, gia hạn mức giới hạn nợ, và chấp nhận các cố gắng của Đảng Dân Chủ nhằm sử dụng thủ tục điều chỉnh ngân sách để tài trợ cho các ưu tiên của họ trong hai năm tới trước khi Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào năm 2023. Xét cho cùng, Đảng Cộng Hòa đã nhượng bộ nhiều lần trước đây về việc gia hạn mức giới hạn nợ. Áp lực của công chúng sẽ là mấu chốt để ngăn chặn sự nhượng bộ đó xảy ra trong khoảng thời gian này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times