Mục tiêu thực sự phía sau cơn bão ‘phong sát’ hàng loạt các nghệ sĩ của Trung Cộng là gì?
Gần đây phong trào chấn chỉnh các nghệ sĩ trong làng giải trí đang ngày càng lên cao, không chỉ có Triệu Vy, Trịnh Sảng mà nhiều ca sĩ, diễn viên khác cũng bị Trung Cộng kết “án tử”, bị truyền thông và người hâm mộ tẩy chay, v.v. Điều này không khỏi khiến nhiều người có cảm giác như “phong trào vận động đang trở lại”.
Vào ngày 29/8, sau hàng loạt tin đồn sang Pháp tránh “bão”, Triệu Vy đã bất ngờ đăng tải liên tiếp 3 bức ảnh lên mạng xã hội IG ở nước ngoài. Trong ba bức ảnh có một bức chụp món đồ chơi hình con hổ bằng vải thời thơ ấu, một bức chụp cây ăn quả, bức còn lại chụp phong cảnh bình yên trời xanh mây trắng. Cô còn bình luận thêm rằng, “Mùa này đẹp nhất… trò chuyện bên cha mẹ, như thể bản thân chưa từng lớn lên, thật tốt.” Đồng thời, cô còn trả lời những lời hỏi han từ người hâm mộ rằng “Bắc Kinh đầu mùa thu, thời điểm tốt nhất để đọc sách, thiên nhiên quả là một ảo thuật gia.”
Đương nhiên ai cũng hiểu rằng cô đang muốn báo bình an thông qua những bức ảnh này. Tuy nhiên vì trong nước cô đã bị “phong sát” hoàn toàn nên chỉ có thể đăng tải thông tin trên các nền tảng ở hải ngoại. Đồng thời, cô cũng làm rõ những tin đồn về việc cô dùng “chuyên cơ riêng đến một nhà máy rượu ở Pháp để lánh nạn”.
Nhìn bề ngoài thì có vẻ như Triệu Vy hiện đã vượt qua sóng gió, đang an nhàn trò chuyện với cha mẹ, hái trái cây ở nước ngoài, nhưng có lẽ thực tế cô lại không hề thư thái như thế. Những tin nhắn báo bình an của cô nhanh chóng bị xóa, tài khoản studio của cô và cả những bức ảnh do cô thủ vai cũng nhanh chóng biến mất trên mạng xã hội.
Điều này cho thấy rõ ràng tình hình hiện tại của Triệu Vy, thứ nhất dù cô đã ở nước ngoài nhưng vẫn cấm xuất cảng, thậm chí không thể loại trừ việc cô bị quản thúc tại gia. Cô được cơ quan chức năng cho phép sống bên cha mẹ, nhưng cái giá của sự cho phép đó là nếu cô làm bất cứ điều gì không nên làm thì cha mẹ cô sẽ trở thành mục tiêu “phong sát” tiếp theo.
Thứ hai, tin nhắn báo bình an của cô nhanh chóng bị xoá, điều này cho thấy chính quyền đang cấm cô lên tiếng. Đây cũng là điều cảnh báo rằng, cô cũng không hề thực sự được bình an.
Một nghệ sĩ nổi tiếng xấu số khác cũng nằm trong danh sách bị “phong sát” là Trịnh Sảng. Cô bị cấm lên sóng hoàn toàn và bị cơ quan chức năng phạt 299 triệu NDT vì tội trốn thuế. Nhưng cô có vẻ như may mắn hơn Triệu Vy vốn đang lơ lửng với bản án tù tội, vì ít nhất Trịnh Sảng cũng đã được cơ quan chức năng đưa ra kết luận sơ bộ. Điều kỳ lạ hơn là tài khoản Weibo studio của Trịnh Sảng vốn bị khóa vĩnh viễn đột nhiên được mở vào ngày 27/8. Sau đó cô còn đăng tải một lá thư xin lỗi nói rằng nhận thức về pháp luật của bản thân còn sơ sài, phụ lòng công lao đào tạo của nước nhà, cô đã rút ra bài học và sẽ thay đổi trong tương lai v.v.
Bức thư xin lỗi này dù về hình thức hay ngôn ngữ được sử dụng đều rất giống phong cách viết bản kiểm điểm trong cơ quan nhà nước Trung Quốc. Vì vậy một số người nghi ngờ liệu nó có thực sự do Trịnh Sảng viết hay không. Thực ra việc các minh tinh tìm người viết hộ đều là chuyện hết sức bình thường, nhưng điều khiến công chúng chú ý ở đây là lá thư xin lỗi đã ký và ghi rõ thời gian là 3:15 sáng, trong khi thời gian đăng tải lên Weibo là 5:15 chiều, chênh lệch thời gian đúng 10 tiếng.
Vậy chênh lệch 10 tiếng này có gì bất thường không? Trước đó Trịnh Sảng đã đệ đơn ly hôn với Trương Hằng vì bê bối mang thai hộ, địa điểm là ở Denver, Colorado, Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Trịnh Sảng rất quen thuộc với mảnh đất Denver, Hoa Kỳ. Trùng hợp là chênh lệch múi giờ giữa Trung Quốc và Denver là 10 tiếng.
Điều này khiến nhiều người suy đoán phải chăng Trịnh Sảng cũng đã bỏ trốn sang nước ngoài rồi?
Trên thực tế, nếu nhìn từ một góc độ khác, dù Triệu Vy hay Trịnh Sảng cũng vậy, việc có bỏ trốn thành công hay không không phải là yếu tố then chốt. Then chốt ở chỗ những ngôi sao sa vào đợt sóng gió này đều bị tung tin bỏ trốn. Nó cho thấy chiến dịch phong sát này hoàn toàn khác so với trước kia. Quá khứ rất nhiều người nổi tiếng cũng từng dính dáng đến các vụ bê bối, nhưng họ cùng lắm cũng chỉ cần lên tiếng xin lỗi hoặc bị phạt tiền. Họ không những không phải trốn chạy mà còn chủ động tung thêm tin tức để được nhiều người biết đến hơn, từ đó xây dựng tên tuổi trong ngành giải trí.
Nhưng lần này lại hoàn toàn khác. Lần khai đao “phong sát” với làng giải trí này cần đưa ra một số “tấm gương nghệ sĩ xấu”. Một mặt là chấn chỉnh giới nghệ sĩ, mặt khác cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo rằng sẽ thực hiện một chiến dịch xóa bỏ hình thái ý thức trong toàn dân.
Báo chí của Đảng hiếm khi đồng loạt đăng bài “phong sát” ngành giải trí
Hôm 29/8, các kênh truyền thông nhà nước như báo Nhân Dân, Tân Hoa Xã, CCTV, báo Quang Minh cũng như China News, Thời báo Hoàn Cầu, thậm chí cả báo Quân Đội, The Paper News, Interface News, Observer Network, China Business News và hàng chục phương tiện truyền thông của Trung Cộng đã theo dõi sát sao và đồng loạt đăng lại một bài viết của tài khoản nổi tiếng “Lý Quang Mãn bình luận”. Bài viết có tiêu đề “Mọi người đều có thể cảm nhận rằng, một cuộc cải cách sâu sắc đang được tiến hành.”
Các kênh báo chí của chính phủ từ trung ương đến địa phương đều đồng loạt đăng lại một bài viết của một cá nhân nào đó, thậm chí là đặt ở vị trí nổi bật nhất trên trang nhất. Đây thực sự là một điều hiếm thấy. Đây đương nhiên là có sự sắp xếp của Ban Tuyên giáo Trung ương và Phòng Công tác không gian mạng. Mục đích là cố tình tạo ra một làn sóng có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ khiến dư luận biết rằng: Đây là một bài báo có tính chỉ đạo rất cao và đánh dấu sự xuất hiện trở lại của một phong trào.
Tại sao bài báo này lại được đánh giá cao như vậy? Rốt cuộc bài báo đã nói về nội dung gì. Có thể tóm tắt ngắn gọn thành ba điểm sau:
- Bài báo trích dẫn ra ba đối tượng cụ thể là Triệu Vy, Trịnh Sảng, và Cao Hiểu Tùng và nói lần sóng gió này là một sự thay đổi xã hội trong lĩnh vực văn hoá, cũng nhắc nhở công chúng “nâng cao lập trường chính trị, nhận thức vấn đề từ góc độ duy trì an ninh chính trị và an ninh hình thái ý thức trên cộng đồng mạng”. Bài báo còn nhấn mạnh rằng, “Đây rõ ràng là một hành động chính trị và tất cả các địa phương phải dùng lập trường chính trị cao độ để nhận thức cuộc chỉnh đốn này.”
- Bài báo còn dẫn ra màn chỉnh đốn của chính quyền nhắm vào lĩnh vực kinh tế, tài chính trong những tháng gần đây, và đề cập đến chính sách“thịnh vượng chung” mới được đưa ra khiến các nhà tư bản run sợ. Từ đó nhận định Trung Quốc đang trải qua một sự biến đổi chính trị sâu sắc từ các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa và chính trị. Mục đích của cuộc cải cách là biến đổi từ lấy tư bản làm trung tâm sang lấy con người và xã hội chủ nghĩa làm gốc.
- Hoa Kỳ đang phát động một cuộc cách mạng màu chống lại Trung Quốc thông qua Đội quân thứ 5 của Trung Quốc. Vậy nên cuộc cải cách này là để đối phó với tình hình quốc tế căng thẳng, phức tạp và những cuộc tấn công mạnh mẽ mà Hoa Kỳ bắt đầu gây ra, do đó cần phải biến đổi từ tận gốc rễ.
Nếu coi phong trào chính đốn này như một phiên bản mới của Cách mạng Văn Hoá, thì bài viết này cũng tương tương với “Thông báo ngày 16/5.”
Những “Tấm gương nghệ sĩ xấu” đại biểu cho ai?
Đã là một phong trào vận động thì điều cần thực hiện trước tiên là nêu ra “tấm gương xấu” và toàn dân phê bình. Trong những “tấm gương xấu” mà chúng ta thấy, nếu Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm đại diện cho sự băng hoại đạo đức, sa ngã truỵ lạc, Triệu Vy đại biểu cho cấu kết kinh doanh, thông đồng ba bên với giới quan chức, thì Cao Hiểu Tùng đại biểu cho một ý nghĩa khác: Đó là đại diện cho những kẻ theo chủ nghĩa hư vô lịch sử. Ở đây xin nói thêm, những ai đi chệch khỏi phiên bản lịch sử Đảng chính thức ở Trung Quốc thì bị gọi là “đối tượng theo chủ nghĩa hư vô lịch sử”.
Vào ngày 28/8, Học viện Lịch sử Trung Quốc, trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Cao Hiểu Tùng: Luận điệu hoang đường, kẻ hư vô lịch sử, chỉ có thể bị lịch sử chôn vùi”. Bài viết cũng lên án kịch liệt “7 đại tội” của MC Cao Hiểu Tùng bao gồm: minh oan cho Tưởng Giới Thạch, gọi ông là một nhà trung thành chống Nhật; nói rằng Sự cố ngày 18/9 là do Trương Học Lương gây ra, phủ nhận tính chính nghĩa của Sự cố Tây An; thăm đền Yasukuni, khơi dậy linh hồn của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản; ca ngợi hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ và Ấn Độ; công khai nói rằng “quân đội dưới sự chỉ huy của đảng được gọi là Quân đội bảo vệ Đảng”, đó là vu khống Quân đội Giải phóng Nhân dân, v.v.
Rõ ràng, việc định tội Cao Hiểu Tùng vượt xa những “hành vi xấu” như lạm dụng ma túy, trốn thuế và rửa tiền trong ngành giải trí. Chúng hoàn toàn liên quan đến những vết nhơ trong lịch sử giả mạo của Trung Cộng và tính hợp pháp trong sự cai trị của nó. Đây mới là điều Trung Cộng thực sự sợ hãi nhất.
Việc liên tiếp phong sát nghệ sĩ giúp người ta nhận ra rằng phong trào này không chỉ nhằm mục đích chấn chỉnh những hành vi xấu trong ngành giải trí mà Trung Cộng còn đang phát động một chiến dịch loại bỏ chủ nghĩa tư bản từ tận gốc rễ, cũng là một phong trào chính trị nhằm mục đích tẩy trần.
Các ngôi sao của giới giải trí này trên thực tế đã được coi là phát ngôn viên của hệ tư tưởng tư bản, và thậm chí còn được ám chỉ là quân đội thứ 5 đang hợp tác với Hoa Kỳ trong việc phát động cuộc cách mạng màu. Do đó, Trung Cộng đã vận dụng mô hình vận động chính trị quen thuộc nhất của mình là dùng lời nói kết tội, dùng tư tưởng kết tội, những người có hành vi sai trái lại càng phải bị trị tội nặng nề hơn.
2 mục tiêu chính của các cuộc vận động ‘chỉnh đốn’
Những độc giả từng nghiên cứu lịch sử của Trung Cộng chắc điều biết rằng cốt lõi của các cuộc vận động chính trị của Trung Cộng là nhắm vào một nhóm người để “chỉnh người”. Nhưng đằng sau việc “chỉnh người” thực ra lại là một cuộc đấu tranh để phân phối lại quyền lực và tiền tài trong hệ thống Trung Cộng. Đó là lý do tại sao chúng ta đã thấy các tổ chức quản lý đảng như Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thường xuyên xuất bản các bài báo và hướng dẫn chỉ đạo dường như không hề liên quan gì đến chấn chỉnh ngành công nghiệp giải trí.
Vì vậy, theo quan điểm này, mục đích chính của phong trào này gồm hai mặt: một là sử dụng nó để tấn công các lực lượng tư bản chủ chốt. Mọi người đều biết rằng những thế lực tư bản chủ chốt này đều có liên quan đến các gia tộc có quyền lực chính trị. Vì vậy bản thân phong trào này chính là để tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng.
Một mục đích khác là củng cố sự thống trị của hệ tư tưởng cộng sản đỏ trong ngành giải trí. Dù ý thức hệ ấy có là phiên bản ca ngợi Đảng, hay là phiên bản “Đại Cách mạng Văn hoá lần 2” của Tập Cận Bình đều không có nhiều khác biệt. Bởi mục đích của chúng đều là củng cố tính chính danh, tính hợp pháp và địa vị của ông Tập Cận Bình với tư cách là người đứng đầu Chủ nghĩa cộng sản đỏ. Đồng thời, nó còn muốn tiếp tục làm suy yếu và trừ khử tất cả các giá trị và ý thức hệ “không phải của Cộng sản đỏ” ở Trung Quốc.
Tóm lại: Ông Tập Cận Bình đang củng cố tư tưởng và ý thức hệ của toàn dân Trung Quốc để chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ với Hoa Kỳ, lặp lại Cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa năm 1953 tại Trung Quốc.
Do Lý Hạo thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: