Mục tiêu thống trị thế giới dài hạn của Rồng Nhện
Phần 2 của loạt bài 3 phần ‘Mạng lưới các Mục tiêu và Mục đích Địa chính trị và Kinh tế của Trung Cộng’
Với sự phô trương hoành tráng, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã đưa ra hai sáng kiến chiến lược vào năm 2013 nhằm xây dựng một đế chế thuộc địa trên toàn thế giới và khôi phục Trung Quốc lên vị thế lãnh đạo thế giới: Sáng kiến Vành đai và Con đường (còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”) và Sản xuất tại Trung Quốc 2025.
Kể từ đó, những sáng kiến này đã được giới thiệu và lý giải là chủ yếu [chỉ] mang tính chất kinh tế, nhưng chúng ngụy trang cho những nỗ lực thứ cấp quan trọng được khai triển bởi các bộ máy của Trung Cộng nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế đã nêu, cũng như hơn thế nữa.
Những nỗ lực này tạo thành một mạng nhện ngày càng mở rộng nhằm lôi kéo phần còn lại của thế giới thông qua hối lộ, tham nhũng chính trị, luận điệu giả dối, bẫy nợ, và cưỡng chế. Trạng thái cuối cùng của tất cả những cách thức này là sự thống trị và kiểm soát của Trung Cộng trong hầu như tất cả các lĩnh vực của xã hội nhân loại.
Bài viết này là phần thứ 2 trong số 3 phần tóm tắt ngắn gọn về nhiều mục tiêu thứ cấp và mục đích của Rồng Nhện, tất cả đều có tác dụng hiệp đồng và hỗ trợ lẫn nhau. Phần 1 có thể đọc ở đây
Tận dụng Đại dịch để mở rộng ảnh hưởng, tăng trưởng kinh tế
Nỗ lực này liên quan đến việc tuyên truyền về huyền thoại “kiểm soát dịch bệnh” của Trung Cộng để thuyết phục các quốc gia khác sử dụng phương pháp của Trung Cộng, cũng như việc mua cổ phần kiểm soát trong các doanh nghiệp ngoại quốc đang gặp khó khăn, dễ bị tổn thương bởi sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Kế hoạch này cũng liên quan đến sử dụng “ngoại giao vaccine” thông qua việc cung cấp vaccine do Trung Quốc sản xuất cho các quốc gia được nhắm tới kỹ càng trên khắp thế giới—nơi mà “lòng vị tha” của Trung Cộng có thể được làm đòn bẩy cho lợi thế địa chính trị, bao gồm hỗ trợ cho các mục tiêu của Trung Cộng tại Liên Hợp Quốc. Đừng bận tâm đến những câu hỏi về hiệu quả của những loại vaccine đó; hiệu ứng tuyên truyền mới là quan trọng nhất đối với Trung Cộng.
Làm cho các thành phố lớn của Trung Quốc trở nên ‘thông minh hơn’
Ông Tập đã công bố mục tiêu này vào năm ngoái. Ông ta nói: “Các thành phố lớn có thể trở nên ‘thông minh hơn’ bằng cách sử dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, và công nghệ trí tuệ nhân tạo để hiện đại hóa quản trị đô thị.” Điều mà ông ta giữ không nói ra là định nghĩa về “hiện đại hóa quản trị đô thị”, trong tiếng địa phương Trung Cộng liên quan đến việc mở rộng trạng thái giám sát vào mọi ngóc ngách của xã hội Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng hộ chiếu kỹ thuật số và hệ thống tín nhiệm xã hội để giám sát và quản lý “hành vi đúng đắn” – do Trung Cộng phê chuẩn – đối với tất cả công dân Trung Quốc.
Thống trị các đại dương trên thế giới
Định nghĩa của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) về mục tiêu này là “phấn đấu vì sức mạnh hướng ra đại dương.” Trung Quốc đã có những hạm đội đánh cá lớn nhất thế giới, các hạm đội vận tải container lớn thứ ba thế giới, và bây giờ là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Trung Cộng đang trên đường thành lập các căn cứ ở ngoại quốc để từ đó phát huy sức mạnh hàng hải và bảo vệ các lợi ích hàng hải của Trung Quốc gắn liền với Con đường Tơ lụa Trên biển, cũng như có khả năng trang bị các tài sản khí tài của PLAN (tại các căn cứ đó) cho các mục đích gây ảnh hưởng trong khu vực.
Dẫn đầu thế giới về công nghệ tiên tiến thế hệ tiếp theo
Mục tiêu của Trung Cộng là kiểm soát công nghệ thế hệ tiếp theo để thống trị nền kinh tế thế giới trong tương lai. Đây là danh sách ngắn các công nghệ chính mà Trung Cộng muốn kiểm soát: 5G, trí tuệ nhân tạo, hệ thống thanh toán di động, chuỗi khối/ tiền điện toán để “chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế thế giới,” công nghệ về robot, và công nghệ nhạy cảm để khai thác dưới lòng biển.
Kiểm soát các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế
Trung Cộng tìm cách giành quyền kiểm soát quy trình chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế bằng cách thay thế Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) với “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035.” CCP tìm cách kiểm soát các tiêu chuẩn, kiểm soát sự phát triển, tích hợp, và triển khai/sử dụng công nghệ trong tương lai.
Thực hiện kế hoạch nhân đôi các trường đại học hàng đầu
Mục tiêu ở đây là phát triển 100 trường đại học tốt nhất của Trung Quốc thành các tổ chức đẳng cấp thế giới vào năm 2049 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Điều này bao gồm việc thu hút các học giả ngoại quốc đến các trường đại học Trung Quốc và tài trợ cho các nghiên cứu chung, cũng như thúc đẩy trao đổi học thuật và khoa học với các trường đại học ngoại quốc.
Thúc đẩy sự kết hợp quân sự-dân sự để nâng cao năng lực của PLA
Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc, Trung Cộng đã phát triển và thực hiện chiến lược “tối đa hóa mối liên kết giữa quân đội và khu vực dân sự để xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc.” Đây là một chính sách liên kết phù hợp với mục tiêu trước đó liên quan đến việc tận dụng 100 “trường đại học đẳng cấp thế giới” để phát triển các công nghệ quân sự và lưỡng dụng cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA hay quân đội Trung Quốc).
Xóa bỏ sự thiếu hụt về công nghệ chiến tranh dưới biển
Đây là một ví dụ cho thấy sáng kiến kết hợp quân sự-dân sự đang được tận dụng để đạt được một mục tiêu quan trọng khác, đó là xóa bỏ một lợi thế quân sự quan trọng và mang tính quyết định mà Hoa Kỳ có được trong công nghệ tàu ngầm. Điều này bao gồm cảm biến âm thanh và hệ thống liên lạc, dẫn đường ngư lôi, và các phương tiện không người lái dưới biển.
Khai thác quyền tiếp cận nền kinh tế Trung Quốc để đạt được các mục tiêu địa chính trị
Mục tiêu chính là sử dụng hệ thống hiệp ước và liên minh của Hoa Kỳ với một mạng lưới toàn cầu gồm “quan hệ đối tác của Trung Quốc.” Để đạt được mục tiêu này, việc ép buộc thông qua kiểm soát quyền tiếp cận nền kinh tế Trung Quốc cho phép Trung Cộng gây áp lực với các chính phủ ngoại quốc, các tổ chức quốc tế, truyền thông ngoại quốc và Hoa kiều. Kết quả của mục tiêu này bao gồm các nhượng bộ hấp dẫn để (đổi lấy) quyền tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc, gồm các yêu cầu đầu tư trực tiếp, các thỏa thuận chuyển giao công nghệ, và các liên doanh có lợi cho phía đối tác Trung Quốc.
Triển khai ‘Con đường tơ lụa về y tế’ mới
Trung Cộng đặc biệt quan tâm đến việc thiết kế lại trật tự chính trị và kinh tế dựa trên luật lệ tự do sau Đệ nhị Thế chiến để khẳng định vai trò lãnh đạo của Trung Quốc, (cũng như) các biện pháp trọng thương, và cuối cùng là quyền kiểm soát. Mục tiêu này bao gồm việc xây dựng lại các tiêu chuẩn y tế toàn cầu, các biện pháp kiểm soát và các phương pháp có lợi cho sự ích kỷ dài hạn của Bắc Kinh. Theo đó, việc này được diễn ra dưới hình thức “ngoại giao y tế” và “Con đường Tơ lụa về Y tế” kèm theo của ông Tập.
Chủ nghĩa cơ hội trong việc thúc đẩy các lợi ích của Trung Cộng
Mục đích là để uốn nắn các sự kiện hiện tại như khủng hoảng, thiên tai, và chiến tranh ở ngoại quốc theo lợi ích chung của Trung Cộng. Trung Cộng sử dụng phương pháp tiếp cận “toàn bộ chính phủ” trong việc khai thác các cơ hội, gửi các thông điệp cùng khuôn mẫu tới tất cả các cơ quan chính phủ, tới các hãng thông tấn đã bị kiểm soát, các đoàn ngoại giao, trao đổi khoa học, các tổ chức quốc tế, và lãnh đạo của Trung Cộng.
Theo đuổi ba mũi nhọn
Theo ông HR McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, Trung Cộng đang sử dụng chiến lược ba mũi nhọn gồm kết nạp, ép buộc, và che giấu để đạt được các mục đích và mục tiêu cả sơ cấp và thứ cấp về địa chính trị. [Vậy nên] mọi sáng kiến ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục và quân sự của Trung Cộng đều cần phải được kiểm tra dưới kính hiển vi phân tích chi tiết để xác định xem ba mũi nhọn này đang bị Trung Cộng khai thác như thế nào để đạt được mục đích của Trung Cộng.
Biến các nhà ngoại giao Trung Quốc thành ‘sói chiến’
Mục đích là sử dụng mạnh mẽ các đoàn ngoại giao Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các thủ đô và các tổ chức quốc tế ở ngoại quốc nhằm “lấp đầy khoảng trống” khi Hoa Kỳ “rút lui” khỏi sân khấu thế giới, như Trung Cộng đã hình dung và sắp đặt. Thay vì ngoại giao Trung Cộng nhẹ nhàng và thụ động trong vài thập kỷ qua, ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy các đoàn ngoại giao của mình trở nên mạnh mẽ hơn và khắt khe hơn trong việc thể hiện vai trò lãnh đạo của Trung Cộng trên trường thế giới.
Thiết lập quyền bá chủ khu vực dọc theo vùng ngoại vi của Trung Quốc
Để dẫn đầu thế giới và có một cơ sở vững chắc để từ đó thể hiện sức mạnh quân sự và kinh tế, Trung Quốc phải trở thành bá chủ khu vực, cụ thể là, ở Đông và Đông Nam Á. Điều này liên quan đến việc đe dọa, ép buộc và mua chuộc – bất cứ cách gì có thể để đạt được các mục tiêu kinh tế và quân sự của Trung Cộng ở các nước láng giềng, bao gồm việc thống trị các vùng biển trong khu vực, kiểm soát thị các trường kinh tế và quan hệ thương mại theo các điều kiện của Trung Quốc.
Kiểm soát tất cả Hoa kiều
Mục tiêu là mở rộng luật an ninh quốc gia mới cho tất cả người Trung Quốc bất kể họ sống ở đâu. Việc kiểm soát này đem lại khả năng tác động đến các sự kiện và chính sách chính trị ở các quốc gia có dân số thiểu số người Hoa đáng kể. Một mục tiêu chính của Trung Cộng là sử dụng luật pháp để buộc các quốc gia khác tuân thủ sự kiểm soát của Trung Cộng đối với người Hoa ở ngoại quốc – một phương tiện ngấm ngầm để bắt đầu mở rộng việc tuân thủ khung pháp lý Trung Cộng trên toàn thế giới. Kể từ ngày 30/06/2020, luật an ninh quốc gia lần đầu tiên được áp dụng tại Hồng Kông để cắt giảm và gắn các quyền tự do cá nhân và kinh tế với những thứ được Trung Cộng cho phép.
Thực hiện bộ luật dân sự Trung Quốc trên toàn thế giới
“Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã được thông qua tại kỳ họp thứ ba của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 hôm 28/05/2020. Bộ luật này quản lý vi mô xã hội Trung Quốc—kinh tế, xã hội, du lịch, giáo dục, v.v. – và bắt buộc tất cả mọi công dân phải tuân thủ. Điều 1 bao gồm cụm từ chính, “Phát triển chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc, và tiếp tục các giá trị chủ nghĩa xã hội cốt lõi.” Cụm từ đó nói lên ý định của Trung Cộng trong việc chuyển giao các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi mang bản sắc Trung Quốc cho các quốc gia khác!
Kết luận
Các nỗ lực thứ cấp đang được theo đuổi dưới sự bảo trợ của BRI và các sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” đều có mục đích và hiệu quả sâu rộng. Mỗi nỗ lực, cuối cùng đều liên quan đến việc mở rộng sự kiểm soát của Trung Cộng đối với các quá trình ra quyết định nhằm đạt được “tương lai chung” mà Tập Cận Bình và các thuộc hạ của ông ta đã tuyên truyền trong nhiều năm qua: tương lai của nhân loại dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Trung Cộng.
Phần 3 của loạt bài này sẽ hoàn thành việc khảo sát các mục tiêu và mục đích thứ cấp của Rồng Nhện.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Stu Cvrk là một thuyền trưởng về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông đã giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở vùng Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua học vấn và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục cổ điển và tự do có vai trò làm nền tảng quan trọng cho bình luận chính trị của ông.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: