Mục sư bày tỏ với ông Blinken: Tín đồ Cơ Đốc Nigeria muốn có quyền tự do ngôn luận
Trong chuyến công du đầu tiên đến Phi Châu, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã ký một thỏa thuận viện trợ trị giá 2.1 tỷ USD với Nigeria để hỗ trợ về y tế, giáo dục, nông nghiệp, và quản trị nhà nước tốt. Nhưng một nhà thuyết giáo Baptist ở một thị trấn nhỏ đã nói với ông trong một cuộc họp kín hôm 19/11 rằng, điều mà các tín đồ Cơ Đốc Nigeria bị đàn áp muốn nhất là quyền tự do ngôn luận.
Mục sư Joseph Hayab, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nigeria của giáo phận tiểu bang Kaduna, nói với ông Blinken trong một cuộc họp nhóm nhỏ rằng, “Gần đây họ đã đưa ông Luka Binniyat – một ký giả vào sau song sắt vì đã tường thuật một câu chuyện có thật cho khán giả Mỹ”.
“Chính quyền của chúng tôi đầy dối trá, và để bảo đảm thế giới này không biết được sự thật về những gì đang xảy ra ở Nigeria, họ đang bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Ông Binniyat ngồi tù chỉ vì chính phủ muốn bịt miệng ông ấy,” ông Hayab nói với The Epoch Times, hồi tưởng lại cuộc gặp của ông với ông Blinken.
Ông Hayab và bốn đại diện xã hội dân sự khác của Nigeria đã gặp Ngoại trưởng Blinken để trao đổi những quan điểm “chân tình” tại Đại sứ quán của nước này.
Ông Binniyat, một người viết bài đóng góp cho The Epoch Times, đã bị bắt vào ngày 04/11 và sau đó đã bị kết tội “theo dõi trên mạng” (‘cyberstalking’) vì đưa tin về một câu chuyện mà một quan chức cấp cao cho là mối đe dọa đối với ông. Theo dõi trên mạng là một tội danh mà các chuyên gia cho rằng được chính phủ Nigeria sử dụng để dập tắt tiếng nói của các ký giả. Ông Binniyat đang bị giam cầm trong nhà tù chính của tiểu bang Kaduna.
Ông Hayab cho biết, việc Bộ Ngoại giao gần đây gạch tên Nigeria khỏi danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (country of particular concern, hay gọi tắt là CPC) — một quốc gia bị đánh giá là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo — đã khiến ông thất vọng.
“Làm sao họ có thể nói rằng tình hình đang được cải thiện khi mà vào ngày 31/10, cả một hội thánh Baptist gồm 66 người đã bị bắt cóc, và chỉ mới đêm qua thôi, những tên cướp đã tung ra một đoạn video nói rằng họ làm điều đó bởi vì họ chống lại các tín đồ Cơ Đốc?” ông Hayab nói. “Những gì mà ông [Blinken] đã làm khiến chúng tôi bất ngờ, vì các tín đồ Cơ Đốc ở Nigeria và những người khác đang bị bức hại cảm thấy như thể họ không thể nhờ cậy vào sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ”.
“Điều đó chẳng khác nào bảo một người đang đau ốm trong bệnh viện là hãy về nhà chờ chết”.
Ông Hayab cũng nói với ông Blinken rằng việc sử dụng thuật ngữ “cuộc xung đột giữa nông dân và những người chăn nuôi gia súc” để mô tả các vụ sát nhân ở Nigeria là không đúng.
“Khi những tên cướp hoặc những kẻ khủng bố đến một ngôi làng vào ban đêm và nổ súng vào những người vô tội, làm thế nào ông lại có thể mô tả họ như những người chăn nuôi gia súc?” ông nói. “Những người sử dụng câu chuyện xung đột giữa nông dân và những người chăn nuôi gia súc chỉ đơn giản là sử dụng nó để đánh lạc hướng khỏi các nguyên nhân thực sự”.
“Bộ trưởng Blinken cảm ơn chúng tôi vì đã thẳng thắn và nói rằng đó là lý do tại sao ông ấy mời tôi đưa ra quan điểm khác với quan điểm chính thức”.
Những người ủng hộ tự do tôn giáo ở Hoa Thịnh Đốn đã phản đối mạnh mẽ việc Bộ Ngoại giao chỉ định một đánh giá có lợi hơn cho Nigeria, vốn được công bố vào giữa tháng Mười Một.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chấn chỉnh lại quyết định không thể lý giải nổi này, và thay vào đó tiếp tục truyền thống lâu đời của Hoa Kỳ là bảo vệ những người bị đàn áp trên toàn thế giới,” ông Sean Nelson, phó chủ tịch phụ trách tự do tôn giáo tại Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế, viết trong một email gửi The Epoch Times. “Không một lời giải thích nào được đưa ra có thể biện minh cho quyết định này. Trái lại, tình hình ở Nigeria đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua”.
“Hàng ngàn người theo Cơ Đốc Giáo, cũng như người theo Hồi Giáo phản đối việc các mục tiêu của các nhóm khủng bố và dân quân, đã bị nhắm vào, bị sát hại và bắt cóc, và chính quyền đơn giản là không nguyện ý ngăn chặn những hành vi tàn bạo này. Các vụ kiện về tội báng bổ thường xuyên được đưa ra để chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số ở miền Bắc, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa nhân văn. Việc gỡ bỏ trạng thái CPC cho Nigeria sẽ chỉ làm tăng thêm sự độc tài của chính quyền ở đó”.
Chuyên gia Nhân quyền Ann Buwalda, giám đốc điều hành của Chiến dịch Năm Thánh (Jubilee Campaign), cũng đồng quan điểm.
“Việc Bộ Ngoại giao loại bỏ Nigeria khỏi danh sách những nước vi phạm tự do tôn giáo là một bước lùi đáng kể trong nỗ lực buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm,” ông Buwalda nói với The Epoch Times trong một email. “Hoa Kỳ đã chọn khen thưởng cho sự thất bại thảm hại của Nigeria trong việc giữ an toàn cho công dân của họ cũng như theo đuổi công lý cho những người sống sót và nạn nhân của bạo lực thánh chiến và các tội ác thù hận. Điều này diễn ra khi các tín đồ Cơ Đốc ở Đông Bắc Nigeria đang bị sát hại mỗi ngày”.
Nam tước Caroline Cox thuộc Hạ viện Anh Quốc cũng lên tiếng phản đối hành động này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Bà Cox nói: “Chúng tôi kêu gọi Bộ Ngoại giao hủy bỏ quyết định loại Nigeria khỏi danh sách ‘Các Nước Vi Phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo’. Chúng tôi nhận được các báo cáo hàng ngày về bạo lực khủng bố, thảm sát, cưỡng bức di dời, cưỡng bức cải đạo, cưỡng ép kết hôn, và bắt cóc đòi tiền chuộc. Các chuyên gia nói rằng tổ chức tôn giáo thường bị lợi dụng để chiêu mộ và kích động các hành vi bạo lực. Trong nhiều trường hợp, các cuộc tấn công là do sự thù ghét đối với những người không chịu từ bỏ niềm tin tôn giáo của họ”.
Ông Blinken, người đã phục vụ trong và ngoài chính phủ với tư cách là chuyên gia về chính sách ngoại giao từ năm 1993, nói với các lãnh đạo của Phi Châu ở Kenya, Nigeria, và Senegal rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ coi các quốc gia Phi Châu là “những đối tác bình đẳng” dưới thời chính phủ Tổng thống Biden. Ông cho biết hôm 19/11 rằng chuyến thăm Nigeria và các nước khác của ông chú trọng đến “liên kết đối tác” nhằm ngăn chặn đại dịch, đẩy lùi sự nóng lên toàn cầu, mở rộng khả năng tiếp cận các dự án năng lượng tái tạo, phục hồi nền dân chủ, cũng như đạt được hòa bình và an ninh.
“Các thỏa thuận về cơ sở hạ tầng quốc tế thường không rõ ràng, mang tính cưỡng chế; chúng tạo thành gánh nặng cho các quốc gia với khoản nợ vượt quá khả năng chi trả; chúng phá hoại môi trường; chúng không phải lúc nào cũng đem lại lợi ích cho những người dân thực sự sống ở đó,” ông Blinken nói khi công bố gói viện trợ cho Nigeria. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ khác đi”.
Theo một số bản tin của giới truyền thông, ông Blinken chưa bao giờ đề cập đến Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Nigeria. Nhưng thông điệp mà ông truyền tải đó là Hoa Kỳ có thể làm tốt hơn Trung Quốc trong việc xây dựng nền kinh tế của Nigeria cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống ở quốc gia Phi Châu này.
Ông Douglas Burton là một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từng được cử đến Kirkuk, Iraq. Ông viết tin tức và bài bình luận từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: