Mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) và áp chế tài chính xanh
Cho đến nay, thông điệp lớn từ hội nghị khí hậu Glasgow là vai trò của tài chính trong việc loại trừ carbon trong nền kinh tế toàn cầu. Đó là một diễn tiến nguy hiểm. Trong bài phát biểu của mình trước Hội nghị Các bên lần thứ hai mươi sáu (Conference of the Parties 26 – COP26) vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, đã cam kết hành động để “điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống tài chính vì mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).” Tài chính chiếm vị trí trung tâm một phần lớn là do các chính sách bất cập của chính phủ. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, khoảng 2/3 lượng khí thải toàn cầu có liên quan đến hoạt động của các hộ gia đình tư nhân. UNEP cho biết, việc giảm thiểu chúng đòi hỏi những thay đổi lớn trong lối sống của mọi người.
Thay vì áp đặt thuế carbon thực sự gây tổn hại – mức mà Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu ước tính mức tối thiểu là 135 USD một tấn, sẽ tăng lên 14,300 USD một tấn để đạt Net Zero vào năm 2050 – các chính phủ thích đẩy trách nhiệm nặng nề này cho giới tài chính với hy vọng rằng họ sẽ đưa ra được một đường lối không gây đau thương để đạt được Net Zero. Cho đến nay, các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính – đặc biệt là Fed và SEC ở Hoa Kỳ – đã luôn vờ rằng sự can thiệp của họ vào chính sách khí hậu là bị thúc đẩy từ lo ngại về rủi ro tài chính do khí hậu. Như tôi trình bày trong báo cáo mới của mình cho RealClearFoundation, “Climate-Risk Disclosure: A Flimsy Pretext for a Green Power Grab” (Công bố về rủi ro khí hậu: Tiền đề mỏng manh cho việc nắm lấy quyền lực xanh), rủi ro tài chính do khí hậu là màn tung hoả mù để giành lấy quyền lực xanh. Giờ đây, ông Sunak đã giúp cho cả thế giới và đã phơi bày về bản chất của điều này.
Các tổ chức tài chính đã ký cam kết với Liên minh Tài chính Glasgow vì Net Zero nắm giữ số tài sản trị giá hơn 130 ngàn tỷ USD. Ông Sunak tuyên bố: “Đây là một thành lũy về tiền vốn mang tính lịch sử cho quá trình chuyển đổi sang Net Zero trên toàn thế giới.” Ông Sunak có thể đã đọc từ một bài viết được chuẩn bị bởi ông Mark Carney, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh và là người đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp Liên minh Tài chính Glasgow. Ông Carney nói: “Chúng ta phải xây dựng một hệ thống tài chính hoàn toàn tập trung vào Net Zero. (Tuy nhiên), dù có thể là tỷ phú và triệu phú, nhưng các nhà tài phiệt tài chính (chỉ) là người giám sát tiền của người khác. Điều còn thiếu trong cơn sốt đầu tư vào Net Zero và ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) là chữ B—chữ B trong từ bên thụ hưởng (Beneficiaries). Một hệ thống tài chính hoàn toàn hướng đến tài trợ cho Net Zero sẽ không phải là hệ thống tập trung vào người tiết kiệm và nhà đầu tư. (Như) Các quỹ hưu trí tồn tại để tạo ra thu nhập bảo đảm cho tiền lương hưu; công ty bảo hiểm cần phải duy trì thanh khoản để thanh toán cho các yêu cầu bảo hiểm. Bỏ qua chữ B sẽ là một công thức cho sự sụp đổ về tài chính.
Ông Carney xác định nhu cầu tài chính cho Net Zero vào khoảng 100 ngàn tỷ USD. Giám đốc điều hành của Bank of America, Brian Moynihan, nói với Greg Ip của Wall Street Journal: “nếu có một dòng doanh thu thì nguồn tài chính sẽ là vô tận.” Cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo khi các giám đốc ngân hàng ngừng nói về rủi ro và sự thận trọng, mà bắt đầu nói như nhân vật Buzz Lightyear (trong hoạt hình Toy Story). Các dòng doanh thu này hiện không tồn tại, nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ được tạo ra — được thúc đẩy và hỗ trợ bởi các chính phủ và các tổ viện trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới. Ở phía bên kia của mô hình, lợi tức đầu tư vào việc sản xuất năng lượng hydrocacbon cần thiết để duy trì cho hệ thống và nền kinh tế vận hành sẽ bị lấp liếm, và đẩy chi phí của nó lên cao. Vào ngày mà ông Sunak nói, tốc độ gió thấp đã khiến chi phí phải trả cho các nhà máy nhiệt điện than là 4,000 bảng Anh (5,400 USD) mỗi megawatt giờ để giúp duy trì hoạt động hệ thống chiếu sáng cho hội nghị COP26.
Cuối cùng, nguồn thu mà dựa vào đó ông Moynihan và các chủ ngân hàng khác cho vay sẽ đến từ người đóng thuế và người tiêu dùng. Chi phí năng lượng cao hơn và sự gián đoạn nguồn cung sẽ khiến việc cung cấp tài chính cho Net Zero, vốn được coi là có rủi ro thấp này, trở nên khó khăn hơn. Khi các chủ ngân hàng nói về giá trị xã hội của các khoản cho vay của ngân hàng, điều đó mang đầy đủ nội hàm tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống. Năm 1987, ngay sau khi chính phủ của Tổng thống Reagan bãi bỏ quy định Tiết kiệm & Cho vay (S&L), nhà kinh tế học Sam Peltzman của Đại học Chicago đã cảnh báo về những nguy cơ đối với tiền vốn ngân hàng khi các ngân hàng bị chính phủ khuyến khích đưa tín dụng vào các lĩnh vực “xứng đáng” với xã hội như nhà ở. Sau đó là cuộc khủng hoảng S&L, thứ tiêu tốn chi phí đóng thuế của người dân Hoa Kỳ lên đến 124 tỷ USD. Hai thập kỷ sau, một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn hơn xảy ra, cũng bắt nguồn từ việc cấp tín dụng cho lĩnh vực nhà ở. Việc sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để trợ cấp chéo cho Net Zero có nguy cơ gây ra một khủng hoảng tài chính (mà quy mô của nó) sẽ khiến cho khủng hoảng năm 2008 có vẻ tương đối nhỏ bé—giống như cách mà chúng ta nhìn nhận cuộc khủng hoảng S&L ngày nay.
Những suy nghĩ như vậy chắc hẳn đã xa rời khỏi tâm trí của ông Sunak khi chủ nhà của COP Glasgow đã chọn doanh nghiệp Anh làm mục tiêu cho sự đối xử đặc biệt này và thông báo rằng Vương quốc Anh sẽ trở thành “trung tâm tài chính liên kết Net Zero” đầu tiên. Tầm nhìn này cho thấy các doanh nghiệp đang buộc phải đệ trình các kế hoạch chuyển đổi để đạt Net Zero dưới sự kiểm soát độc lập của một đội chuyên trách. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu, kết nối với nhau. Khoảng 62% doanh thu của nhóm 100 công ty hàng đầu trên sàn Financial Times Stock Exchange được tạo ra bên ngoài Vương quốc Anh. Đơn phương áp đặt Net Zero lên các công ty niêm yết tại Vương quốc Anh sẽ gây ra một khoản thuế khí hậu đối với họ, buộc họ phải nhường thị phần và lợi nhuận cho các đối thủ cạnh tranh không thuộc Vương quốc Anh. Là một cựu giám đốc ngân hàng của Goldman Sachs, ông Sunak biết rõ điều này, nhưng một sự công bố đầy tốn kém tại một hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc rõ ràng cũng đáng so với thiệt hại cho các doanh nghiệp Anh. Ông Sunak khoe khoang, để lộ một thói quen có được từ ông Tony Blair là hay nói những câu không có động từ: “Hơn 130 ngàn tỷ USD vốn tư nhân đang chờ được triển khai; và một hệ thống tài chính xanh hơn, đang được thực hiện.”
Các chính sách khí hậu gián tiếp không thể thay thế cho hành động trực tiếp của chính phủ nhằm ngăn chặn nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hoạt động có gây phát thải khí nhà kính. Việc sử dụng hệ thống tài chính làm công cụ chính sách chủ yếu của quá trình loại bỏ cacbon sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được và tạo ra những biến dạng lớn đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu và sự vận hành theo chức năng của một xã hội thương mại. Nhà sử học Adam Tooze gọi sự chuyển giao năng lượng này là một “thí nghiệm lịch sử”. Cuộc khủng hoảng khí hậu bước vào một giai đoạn mới, đầy hiểm nguy khi các bộ trưởng tài chính, ngân hàng trung ương, và các nhà lãnh đạo tài chính đều tìm cách cứu hành tinh — bằng tiền của người khác.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Rupert Darwall là thành viên cấp cao của Tổ chức RealClear và là tác giả của “Chế độ chuyên chế xanh: Vạch ra gốc rễ toàn trị của Tổ hợp công nghiệp khí hậu” và báo cáo “Thòng lọng khí hậu: Kinh doanh, Net Zero, và chủ nghĩa chống tư bản của IPCC”.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: