Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu? Ẩn ý nào đằng sau câu hỏi hóc búa này
Sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, cơ hội việc làm cạnh tranh hơn bao giờ hết. Vậy nên, để chuẩn bị tốt cho một cuộc phỏng vấn xin việc, ứng viên phải đầu tư hơn rất nhiều. Có rất nhiều người tự tin với phần thể hiện kĩ năng của mình, tuy nhiên, đến câu hỏi cuối cùng của nhà tuyển dụng “mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu” thì lại bối rối như “gà mắc tóc”.
Có người chủ quan, không tìm hiểu trước về mức lương của công ty, nên không biết con số nào là phù hợp. Có người thì không đủ tự tin với năng lực của mình nên không dám “trả giá”. Cuối cùng, họ sợ nói nhiều hoặc yêu cầu cao lại bị từ chối; còn nói con số thấp quá lại sợ mình bị thiệt. Vì vậy, cứ đắn đo mãi, cuối cùng lại để công ty tuỳ ý quyết định. Nhưng sau đó, họ cũng không được nhà tuyển dụng thông báo lại. Rốt cuộc, bạn nên làm gì với câu hỏi này?
Đừng vội trả lời, hãy làm rõ bản chất phía sau mức lương mong muốn
Nhà tuyển dụng họ có trách nhiệm tìm ra được ứng viên phù hợp cho công ty. Vì vậy, khi người phỏng vấn hỏi bạn về mức lương mong muốn, trở thành một khâu quan trọng để đánh giá việc bạn có thể thuận lợi đảm đương công việc hay không.
Khi trả lời, đừng vội đưa ra con số, đầu tiên hãy làm rõ ý nghĩa bản chất phía sau mức lương. Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn phán đoán giá trị bản thân của ứng viên. Nếu bạn đánh giá quá cao về bản thân mình, bạn sẽ đưa ra mức lương cao. Nếu bạn đánh giá thấp bản thân, bạn sẽ không dám biểu đạt và đàm phán mức lương. Điều này sẽ khiến bạn bộc lộ điểm yếu rằng bạn thiếu tự tin. Nhưng nếu bạn tự đánh giá quá cao bản thân mình sẽ khiến người phỏng vấn tự nhiên sẽ đánh giá thấp về bạn.
Thái độ đúng đắn bạn cần thể hiện ở đây là, mức lương quan trọng với bạn nhưng nó tương xứng với năng lực và giá trị bạn sẽ đem lại cho công ty. Cần phải nhìn thẳng vào năng lực bản thân, không được có biểu hiện tự ti, thấp kém, cũng không nên tỏ ra ngạo mạn.
Thực tế, người phỏng vấn có nhiều kinh nghiệm tuyển dụng sẽ đoán ra khoảng mức lương mong muốn của bạn thông qua những câu trả lời của bạn, từ đó phán đoán mức độ ăn khớp giữa tiêu chuẩn mức lương trong lòng ứng viên và tiêu chuẩn mức lương của doanh nghiệp. Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng cũng muốn biết nguyện vọng của bạn là gì.
Nếu bạn là thực tập sinh, câu trả lời của bạn sẽ là: Tôi mong muốn mức lương là…
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, câu trả lời thống nhất sẽ là: Tôi tin quý công ty sẽ có chế độ lương thưởng thỏa đáng và phù hợp.
Hãy nhớ, đừng vì quá căng thẳng mà che giấu suy nghĩ thật trong lòng mình, bạn hãy nhìn thẳng vào những mong muốn của bản thân.
Thể hiện đúng giá trị bản thân
1. Tìm hiểu phạm vi mức lương của doanh nghiệp
Bạn có thể chủ động hỏi nhà tuyển dụng mức lương mong muốn của công ty, sau đó căn cứ vào mức lương mong muốn của bản thân, và lấy giá trị trung bình.
Có thể bày tỏ như sau:
Tôi tin rằng quý công ty có hệ thống quy chế lương hoàn thiện và phù hợp. Tôi có tìm hiểu trên mạng và biết được mức lương của quý công ty từ 10-15 triệu, có thể giới thiệu cụ thể hơn giúp tôi được không ạ?
2. Nói rằng bạn khá linh hoạt trong vấn đề này
Bạn có thể đưa ra một câu trả lời “mở”, ví dụ như: “Mức lương mong muốn của tôi sẽ phù hợp với kinh nghiệm và bằng cấp của tôi”, hoặc “Nếu đây là một công việc phù hợp với tôi, tôi chắc chắn rằng chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận về mức lương”. Điều này thể hiện bạn sẵn sàng đàm phán.
3. Đưa ra một khoảng lương bạn có thể chấp nhận được
Cho dù bạn nói mình linh hoạt về mức lương, nhà tuyển dụng vẫn muốn nghe con số cụ thể. Và trong trường hợp này, bạn có thể đưa ra một khoảng lương mà bạn mong muốn. Dĩ nhiên, bạn cần phải nghiên cứu thị trường mức lương trước sau đó mới đưa ra các con số phù hợp.
4. Nghĩ về mức lương hiện tại của bạn
Không chỉ tìm hiểu về mức lương trên thị trường, bạn có thể đưa ra khoảng lương dựa theo mức lương cũ của mình, nhất là khi bạn chuyển việc trong cùng một ngành. Nếu lương ở công ty cũ của bạn thấp hơn lương thị trường, bạn hãy giả định rằng mức lương hiện tại của mình bằng với kỳ vọng của thị trường. Dĩ nhiên, nếu bạn chuyển việc tới một vùng khác, thì hãy cân nhắc chi phí sinh hoạt ở khu vực đó. Luôn định vị giá trị của bạn trong thị trường việc làm một cách chính xác và cẩn thận trước.
5. Nhấn mạnh về các kỹ năng của bạn
Bạn có thể nhấn mạnh một cách có chừng mực rằng bạn phù hợp với vị trí này của công ty, từ đó sẽ xứng đáng với một mức lương phù hợp: “Tôi đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vậy nên tôi mong muốn có mức lương trong khoảng từ X đến Z”.
6. Để đối phương đưa ra mức lương
Thường áp dụng cho những người mới, muốn thể hiện sự chân thành, mong muốn có được cơ hội.
Cách biểu đạt như sau: Mục đích đến phỏng vấn của tôi là được gia nhập vào tập thể quý công ty để cống hiến giá trị bản thân. Nếu quý công ty lựa chọn tôi, tôi sẽ cố gắng hết sức nâng cao giá trị bản thân để có được mức lương tương xứng.
Bạn có thể tìm hiểu trước mức lương chung của các vị trí tương tự có công bố trên mạng. Nếu tiêu chuẩn từ 9-12 triệu, vậy mức lương của bạn rất có thể là 9 triệu.
Tóm lại, dù bạn là người có kinh nghiệm lâu năm hay mới ra trường, mức lương luôn là yếu tố quan trọng với một vị trí. Vì vậy, tuyệt đối đừng ngại đàm phán mức lương trước mặt người phỏng vấn. Mức lương không chỉ thể hiện giá trị của cá nhân bạn mà còn là cơ hội để bạn chứng minh năng lực bản thân.
Câu trả lời không bao giờ là duy nhất, chỉ cần bạn có năng lực thực sự ắt sẽ có mức lương tương xứng với bạn. Và quan trọng hơn, bạn sẽ học được gì từ vị trí đó, hãy nhớ xem xét cả yếu tố này khi quyết định chấp nhận mức lương nhé!