Mùa nóng, giá điện cũng “nóng” theo. Nguyên nhân vì đâu?
Truyền thông VN liên tục đưa tin về việc người dân “than thấu trời” khi hóa đơn tiền điện tăng vọt. Công chúng không đồng tình trước lời giải thích của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Báo Lao động hôm 18/6 dẫn lời từ anh Lê Ph. ở Hà Nội cho biết, hoá đơn tiền điện tháng 6 của gia đình tăng gấp 4,5 lần, dù vẫn đang trong thời gian được hỗ trợ 10% giá điện do ảnh hưởng từ dịch cúm Vũ Hán. “Nếu trong tháng 4 và tháng 5, số tiền tôi phải thanh toán là khoảng 1 triệu đồng, thì sang tới tháng 6, con số này vọt lên 4,5 triệu đồng với 1.526kWh, trong khi mức sử dụng điện không tăng”.
Ông B.T.A ở Sài Gòn cho biết từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, trung bình mỗi tháng gia đình tiêu thụ trên dưới 400 KWh điện. Bắt đầu từ tháng 4/2020, mức tiền điện đột ngột tăng, trung bình mỗi tháng 720 KWh dù mức dụng sử dụng điện trong gia đình không thay đổi so với các tháng trước.
“Việc tăng tiền điện xảy ra sau khi Công ty Điện lực Thủ Thiêm thay mới đồng hồ điện bằng công-tơ điện tử cho gia đình tôi từ ngày 11/3/2020. Tôi nhận thấy đây là nguyên nhân dẫn đến việc tăng mức tiêu thụ điện một cách bất thường”, ông T.A nói trên báo Người lao động, hôm 21/6.
Đặc biệt, báo chí trong nước còn đưa tin về hai trường hợp khách hàng tại Quảng Ninh và Quảng Bình đã “tá hỏa” khi phát hiện hóa đơn tiền điện tăng gấp chục lần.
EVN lại ra thông cáo báo chí
Trước bức xúc của người dân về việc tiền điện tăng bất thường, hôm 23/6, EVN đã đưa lên báo chí thông cáo, với lời lẽ “quen thuộc” như bao nhiêu năm nay, rằng: “Một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là những sai sót cá nhân, hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người”.
Ngoài ra, EVN cũng không quên “lặp lại” những câu nói như: do “nắng nóng”; do “gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa”; do “mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều”,… để giải thích nguyên nhân tiền điện tăng vọt.
Nguyên nhân vì đâu?
Báo Tuổi trẻ trong một bài viết mới đây khẳng định: “Phần lớn người dân không đồng tình với giải thích của EVN”. Một chuyên gia trong ngành điện cho hay hóa đơn tiền điện tăng vọt có nguyên nhân từ việc ngành điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo kiểu bậc thang. Theo đó mỗi “bậc thang” ấn định số kilowatt/h tiêu thụ có mức giá khác nhau. Chỉ cần ngày ghi đồng hồ điện sớm hay muộn một chút thì lượng điện của tháng trước (lẽ ra ở bậc thang thấp) sẽ bị tính vào tháng sau (ở bậc thang cao hơn), và dĩ nhiên sẽ phải chịu thêm mức tiền điện lũy tiến.
Báo cũng dẫn lời GS Trần Đình Long – phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, cần phải sửa ngay biểu giá bán lẻ điện kiểu bậc thang vì biểu giá này rất phức tạp, bộc lộ quá nhiều bất cập.
Ông Ngô Trí Long- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng việc tính tiền điện theo lũy tiến bậc thang mới chính là nguyên nhân khiến giá tăng cao như vậy, theo tờ Tổ quốc, hôm 23/6.
Cũng theo tờ báo, Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, hoá đơn tiền điện tăng “sốc” trong thời gian qua cần phải làm rõ, cần có sự giám sát của Thanh tra Chính phủ. Còn ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế thì đề nghị nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra. Liệu rằng những cách đó có hiệu quả trước một tập đoàn độc quyền về điện trên toàn cõi Việt Nam như EVN?