Mưa lớn khiến 60 mỏ than của Trung Quốc phải đóng cửa trong bối cảnh khủng hoảng điện
Mưa xối xả kéo dài gần 5 ngày liên tiếp đã buộc trung tâm khai thác than của Trung Quốc phải đóng cửa 60 mỏ than đá, làm tăng thêm áp lực lên một quốc gia vốn đang phải chật vật với một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Mưa như trút đã đổ ập xuống 11 thành phố ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc đã gây ra lũ lụt và sạt lở đất, phá hủy các tuyến đường sắt và các cây cầu, đồng thời gây ra nhiều thương vong. Cục khí tượng của tỉnh này cho biết hôm 10/10 rằng những trận mưa rào vẫn sẽ tiếp tục trong 10 ngày tới.
Hôm 08/10, chính quyền tỉnh Sơn Tây cho biết trong một thông báo, mưa lớn bắt đầu từ hôm 02/10 đã khiến 60 mỏ than, 372 các loại mỏ khác, 14 doanh nghiệp [sản xuất] hóa chất độc hại, và hơn 1,000 dự án xây dựng phải dừng hoạt động.
Việc tạm dừng này gây thêm căng thẳng khi nước này đang cố gắng sản xuất nhiều than hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng điện ngày càng nghiêm trọng. Sơn Tây là tỉnh sản xuất than hàng đầu của đất nước, chiếm hơn một phần tư tổng sản lượng quốc gia vào năm 2020. Khoảng 2/3 sản lượng điện của Trung Quốc đến từ việc đốt than.
Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến việc phân phối năng lượng ở hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc trong vài tuần qua. Việc cắt điện này cũng làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu người, gây tê liệt sản lượng công nghiệp, và gây tổn hại to lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hôm 29/09, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết, nhiều ngày trước khi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này diễn ra, Sơn Tây đã ký hợp đồng cam kết cung cấp than vào mùa đông cho 14 tỉnh trên khắp cả nước, bao gồm cả tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc.
Người dân sống ở Liêu Ninh và hai tỉnh lân cận, nơi mà nhiệt độ xuống mức 51 độ F (10.5 độ C) trong tháng Mười, gần đây đã bị cắt điện mà không hề được báo trước. Cư dân cũng phàn nàn về việc hệ thống đèn tín hiệu giao thông bị tắt, tín hiệu mạng yếu, và không có hệ thống sưởi ấm.
Khi lượng tiêu thụ điện năng của mùa đông gần chạm mốc đỉnh điểm, Bắc Kinh bắt đầu kêu gọi các công ty khai thác hàng đầu đẩy mạnh sản lượng than.
Tỉnh Sơn Tây vừa ra chỉ thị cho 98 mỏ than của mình tăng công suất hàng năm thêm 55.3 triệu tấn trong thời gian còn lại của năm, theo lời một quan chức từ chính quyền tỉnh xác nhận hôm 08/10 trong một văn bản đã được Reuters xem xét.
Chính quyền tỉnh cũng sẽ cho phép khoảng 51 mỏ than đã đạt đủ mức sản lượng tối đa hàng năm vẫn tiếp tục sản xuất trong quý IV này và nâng công suất lên 8 triệu tấn, vốn được dự kiến sẽ thêm 20.65 triệu tấn vào nguồn cung bổ sung.
Tuy nhiên, những trận mưa lớn này đã đặt ra nghi ngờ về việc liệu các quan chức có thể đạt được mục tiêu này hay không, bởi vì các thành phố sản xuất than then chốt bao gồm Lâm Phần, Hiếu Nghĩa, Giới Hưu, và Dương Tuyền đều nằm trong số các khu vực đang bị ảnh hưởng.
Các nhà phân tích cho rằng những nguyên do của cuộc khủng hoảng điện này có thể bắt nguồn từ một loạt sai sót về chính sách, bao gồm việc đóng cửa các nhà máy than, và một lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc.
Một nguyên nhân nữa là do quyết định năm 2016 của Bắc Kinh đã cho đóng cửa hơn 1,000 mỏ than trong một nỗ lực, vào thời điểm đó, nhằm giải quyết tình trạng thặng cung, nhà bình luận Trung Quốc Vương Hiểu Cương (Wang Xiaogang) nói với The Epoch Times.
Ông Vương lưu ý rằng lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc của Bắc Kinh cũng góp phần vào tình trạng thiếu than hiện nay.
Sau khi Thủ tướng Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch hồi tháng Tư năm ngoái (04/2020), Trung Cộng đã đánh vào một loạt thuế quan và hạn chế thương mại đối với nước này, bao gồm lệnh cấm nhập cảng than vào tháng 12/2020. Giới quan chức phương Tây đã mô tả các hành động của Bắc Kinh giống như là “sự cưỡng bách kinh tế” được mưu tính nhằm đe dọa Canberra phải có lập trường mềm mỏng đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc được cho là đã sử dụng hết một triệu tấn than đá mua được từ Úc vốn được dự trữ nhiều tháng trong các kho hàng dọc theo bờ duyên hải của Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm làm giảm bớt căng thẳng của cuộc khủng hoảng năng lượng này.
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: