Mùa đông ở Nam Cực lạnh kỷ lục
Trong khi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) gọi tháng 07/2021 là tháng Bảy nóng nhất trên Trái Đất trong 142 năm theo ghi chép lưu trữ, thì nhiệt độ gần đây ở lục địa Nam Cực, lục địa lạnh nhất hành tinh, đang trở nên buốt giá hơn bao giờ hết. Trên thực tế, khoảng thời gian bóng tối bao phủ vùng cực này trong năm 2021, từ tháng Tư đến tháng Chín, là thời kỳ lạnh nhất được ghi nhận ở gần Nam Cực.
Tiến sĩ David Bromwich thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Địa cực Byrd thuộc Đại học Tiểu bang Ohio nói với The Epoch Times rằng kỷ lục này dựa trên kết quả đo nhiệt độ trực tiếp tại Trạm Amundsen-Scott Nam Cực.
“Các phép đo vệ tinh bắt đầu vào cuối những năm 1970 cho nên đây không phải là một nguồn có thể tham khảo được”, ông viết trong một email.
“Chúng tôi cũng chưa tham khảo ý kiến của bất kỳ trạm nào khác”.
Nhiệt độ giảm xuống mức trung bình phá kỷ lục gần âm 78 độ F (khoảng âm 61 độ C) trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Chín, theo Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia (NSIDC).
Vào hôm 09/10, CNN đã phát hành một bài viết với tiêu đề “Sáu tháng vừa qua là thời kỳ lạnh nhất trong lịch sử của lục địa Nam Cực”.
Dòng tiêu đề này, vốn phóng đại phạm vi địa lý của đợt lạnh kỷ lục, có thể đã được dựa trên phiên bản trước đó của tuyên bố của Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia, trong đó tuyên bố rằng các mức nhiệt độ “trên lục địa Nam Cực” nằm trong số những mức nhiệt độ lạnh nhất được ghi nhận trong mùa đông này ở vùng Nam Cực (tháng Sáu, tháng Bảy, và tháng Tám) và lạnh nhất được ghi nhận từ tháng Tư đến tháng Chín.
Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia đã công bố thông tin làm rõ về điểm đó vào hôm 13/10, về sự biến hóa “trên lục địa Nam Cực” thành “cho phần nằm sâu bên trong của lục địa Nam Cực, đặc biệt là khu vực gần Nam Cực”.
“Thời tiết giá lạnh bất thường này được cho là do hai đợt gió cuốn kéo dài mạnh hơn mức trung bình bao quanh lục địa này, vốn có xu hướng cô lập dải băng này khỏi các điều kiện thời tiết ấm hơn”, tuyên bố của NSIDC viết. “Một xoáy cực mạnh trong bầu khí quyển thượng tầng cũng được quan sát thấy, gây ra một lỗ thủng đáng kể trên tầng ozone”.
Mùa đông lạnh giá cùng cực này đến chỉ một năm rưỡi sau khi một trạm nghiên cứu ở Nam Cực, Căn cứ Esperanza thường trú quanh năm của Argentina trên bán đảo cực bắc của lục địa này, vào ngày 06/02/2020 đã hứng chịu một đợt nhiệt độ cao kỷ lục mới cho lục địa này là: 18.3 độ C, hay khoảng gần 65 độ F.
Kỷ lục đó đã được Hiệp hội Khí tượng Thế giới (WMO) chính thức công nhận vào tháng 07/2021.
Các nhà bình luận khác đã nhấn mạnh xu hướng hạ nhiệt rộng lớn hơn trên lục địa Nam Cực, bao gồm cả bán đảo của lục địa này, trong những thập niên gần đây.
Tại trang web WattsUpWithThat, ông Pierre L. Gosselin đã thu hút sự chú ý đến một số bài báo khoa học gần đây đề cập hoặc phân tích xu hướng hạ nhiệt ở khu vực đó kể từ những năm 1990, xu hướng này theo sau xu hướng ấm lên mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20.
Một trong những bài báo mà ông Gosselin đã đề cập, được xuất bản trên tạp chí Nature vào năm 2017, theo dõi sự phát triển của nhiều loài địa y, phát hiện ra rằng tốc độ tăng trưởng của chúng bị giảm đi hoặc số lượng của chúng bị suy giảm trong nhiệt độ mát mẻ hơn vào những mùa hè gần đây ở lục địa Nam Cực.
Các nhà khoa học được các phương tiện truyền thông phỏng vấn về cái lạnh kỷ lục ở vùng Nam Cực này đã nhấn mạnh rằng không thể phủ nhận hoặc bác bỏ các tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu, bao gồm cả ở lục địa Nam Cực.
Ông Eric Steig, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Washington, nói với tờ The Washington Post rằng: “Một mùa đông lạnh giá là đáng chú ý, nhưng điều đó không làm thay đổi xu hướng dài hạn, vốn đang ấm lên này”.
Ông Zachary Labe, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Tiểu bang Colorado, nói với CNN rằng: “Mặc dù toàn cầu có thể ấm hơn mức trung bình nói chung, nhưng ở một số khu vực vẫn sẽ quan sát thấy các mức nhiệt độ lạnh hơn và thậm chí là có những đợt bùng phát giá lạnh khắc nghiệt”.
Ngược lại, các nhà khoa học đã không ngần ngại liên kết trạng thái ấm kỷ lục tại Căn cứ Esperanza vào năm 2020 với sự biến đổi khí hậu.
Ông James Renwick, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Victoria của thủ đô Wellington, nói với The Guardian Australia vào năm 2020 rằng: “Đó là một dấu hiệu của sự ấm lên đang diễn ra ở đó nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu”.
“Đây là một ghi chép từ chỉ một trạm duy nhất, nhưng kỷ lục này nằm trong bối cảnh những gì đang xảy ra ở các nơi khác và nhiều bằng chứng hơn cho thấy khi hành tinh này ấm lên, chúng ta sẽ nhận được nhiều kỷ lục hơn về việc ấm lên và ít kỷ lục hơn về cái lạnh”, ông Steve Rintoul, thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung của Úc, nói với The Guardian trong cùng bài báo đó.
Trên phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người dùng trích dẫn đợt lạnh kỷ lục ở gần Nam Cực như là lý do cho sự hoài nghi về tình hình biến đổi khí hậu, hay sự nóng lên toàn cầu, đã được đưa ra phổ biến.
“Ơ…. đây có phải là lý do tại sao ‘sự nóng lên toàn cầu’ lại được đổi nhãn là ‘biến đổi khí hậu’ không? (Biểu cảm suy tư) Nam Cực đã đóng băng trong mùa đông lạnh giá kỷ lục”, một người dùng ẩn danh viết trên Twitter.
Ông Nathan Worcester là một phóng viên về môi trường tại The Epoch Times.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: