Múa cổ điển Trung Quốc: Một lịch sử sâu sắc và phong phú ít người biết đến (P2)
Sau Cách mạng Văn hóa, các học viện trên toàn quốc được thay thế bằng các đoàn nghệ thuật biểu diễn khác nhau, một số đoàn nhiều lần đổi tên do nhà nước phân chia lại các đường quận huyện. Có trường vẫn dạy múa ballet, nhưng không có gì gọi là “múa truyền thống Trung Quốc” hay “múa cổ điển Trung Quốc”. Múa tại thời kỳ ấy là một mớ hỗn tạp, có rất ít triết lý và nội hàm đằng sau, ngoại trừ để làm lóa mắt, gây ấn tượng và thu hút nhiều khán giả nhất có thể. Không có cách nào để một nghệ sĩ chân chính mưu sinh trong một xã hội đã xa rời văn hóa.
Xem lại: Múa cổ điển Trung Quốc: Một lịch sử sâu sắc và phong phú ít người biết đến (P1)
Khám phá lại văn hóa Trung Quốc
Vina Lee, một huấn luyện viên múa cổ điển Trung Quốc, cho biết cô chưa bao giờ đặc biệt tự hào là người Trung Quốc cho đến khi cô học múa cổ điển Trung Quốc và nói rộng hơn là văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Cô nói: “Trước đây tôi không hiểu và nói thẳng ra là không quan tâm đến nghệ thuật Trung Quốc. Tôi không biết làm thế nào để thưởng thức chúng. Tôi phải nhận thức lại văn hóa là gì.”
Cô ấy mô tả chặng đường đó như một quá trình học hỏi, quay trở lại các nguyên tắc căn bản cả về tinh thần lẫn thể chất.
Cũng giống như múa ballet, qua nhiều thế kỷ đã trở thành hình thức biểu đạt của nhiều nền văn hóa phương Tây, múa cổ điển Trung Hoa là sự biểu hiện của văn hóa truyền thống Trung Quốc thông qua các chuyển động thẩm mỹ.
Chúng ta cần tính đến dòng thời gian: Đây là nền văn minh trải dài từ 5,000 năm trước, cùng những nhân vật có ảnh hưởng đến sự phát triển của văn minh Trung Hoa như Khổng Tử và Lão Tử, những người cùng thời với Socrates, cha đẻ của triết học phương Tây – hai nền văn minh huy hoàng. Và chỉ mới chưa đầy một thế kỷ, kể từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền ở Trung Quốc đã vung một nhát dao phá vỡ dòng truyền thống lâu đời.
Vậy văn hóa truyền thống Trung Quốc là gì? Cái gốc căn bản của nó là lý tưởng về sự hòa hợp giữa trời và đất, và sự tôn kính Thần linh. Văn hóa truyền thống Trung Quốc được cho là do “Thần truyền lại” bởi vì người Trung Quốc cổ đại tin rằng Thần linh ban tặng con người sự sống cùng với hầu hết các khía cạnh khác của văn hóa Trung Quốc.
Trước khi triều đại đầu tiên được thành lập, đã có Tam Hoàng hay những nhân vật nửa thần nửa nhân: Toại Nhân, người đã phát minh ra lửa; Phục Hy, người phát minh ra săn bắt và câu cá; và Thần Nông, người phát minh ra nông nghiệp. Sau đó, có những vị hoàng đế đầu tiên, những người được cho là sở hữu công năng hoặc có thể giao tiếp với Thần. Tất cả mọi thứ từ chữ viết cho đến quần áo và cai trị vương quốc đều có mối liên hệ rõ ràng với Thần.
Tác phẩm của các học giả và sử gia trải dài hàng thiên niên kỷ thường xuyên đề cập đến Thần và việc sống có đạo đức, phù hợp với thiên lý, để con người có thể nhận phúc báo. Những bài học lịch sử qua nhiều triều đại được đúc kết trong 5 đức tính căn bản là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Không thể tách rời văn hóa truyền thống Trung Quốc là tam giáo: Phật Giáo, Đạo Giáo, và Nho Giáo.
Cô Lee tiếp tục giải thích rằng hệ thống nguyên tắc này là một thành tố quan trọng để hiểu múa cổ điển Trung Hoa là gì, một phần là bởi vì khi hiểu được chúng, khán giả sẽ hiểu vì sao vũ công lại di chuyển theo cách này hay cách khác để truyền đạt một tư tưởng hoặc cảm xúc. Múa cổ điển Trung Hoa là một loại hình nghệ thuật kể chuyện, và để khắc họa hay thấu hiểu được các nhân vật lịch sử vĩ đại như Hoàng đế Khang Hy, Tướng quân Nhạc Phi, hoặc Nhà thơ Lý Bạch, bạn phải hiểu bối cảnh văn hóa của những câu chuyện này. Nếu bạn loại bỏ văn hóa ra khỏi múa Trung Quốc, đó thực sự không phải là múa Trung Quốc.
Tìm lại các chuyển động
Các chiến dịch của Trung Cộng đã phá hủy văn hóa truyền thống Trung Quốc, các nghệ sĩ có rất ít nơi nương tựa, ngay cả khi họ muốn hợp lại thành một đoàn nghệ thuật để trình diễn một thứ gì đó chân chính.
Nhưng nếu bạn hiểu biết về văn hóa truyền thống, thì theo những vũ công này, bạn đã nắm trong tay những mảnh ghép để xây dựng một thứ nguyên bản và truyền thống.
Cô Lee nói, ví dụ, có những quan niệm rõ ràng về sự nữ tính và nam tính lý tưởng, và không khó để biết liệu điệu nhảy của bạn có thể hiện điều đó hay không. Bạn cũng bắt đầu hiểu nghệ thuật Trung Quốc truyền thống là gì và có thể nhận ra tác phẩm nào không phải là nghệ thuật cổ điển Trung Hoa; một thứ ngôn ngữ trước đây bạn không hiểu giờ trở nên dễ dàng giải mã hơn.
“Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, nghệ thuật phần lớn đến từ tâm trí minh triết và tĩnh lặng. Một loại bình yên giống như một ốc đảo thanh tịnh giữa cuộc sống hiện đại, bận rộn của chúng ta,” cô Lee nói.
Văn hóa truyền thống Trung Quốc trở nên hữu ích để thấu hiểu kỹ thuật và thân pháp ẩn chứa trong loại hình nghệ thuật này.
Ví dụ, nhiều chuyển động trông tương tự như võ thuật, đã phát triển song song với nghệ thuật múa thẩm mỹ trong hơn 5,000 năm. Cô Lee chỉ ra rằng trong tiếng Trung, hai từ này đồng âm. Võ thuật là “wushu” và vũ đạo là “wudao”, mặc dù ký tự “wu” được viết khác nhau.
Trên thực tế, hai loại hình này có chung rất nhiều chuyển động. Lee thể hiện một cú đấm, và sau đó thể hiện cú đấm một lần nữa với khởi đầu nhanh hơn và kết thúc nhẹ nhàng hơn rồi xoay tay để kết thúc. “Bạn thổi hồn cho các chuyển động khi sử dụng chúng trong khiêu vũ,” cô nói.
Các chuyển động của múa cổ điển Trung Quốc được truyền lại trong triều đình và các vở nhạc kịch địa phương hàng nghìn năm trước khi chúng bị mai một từng phần vào cuối mỗi triều đại. Nhưng các chuyển động võ thuật không bị ảnh hưởng.
Ngay cả khi võ thuật đã trở nên phổ biến, hoặc khi chúng mất đi yếu tố tinh thần, các chuyển động và bộ động tác vẫn không thay đổi, và những võ sĩ cổ xưa trên núi vẫn truyền lại chúng.
Cô Lee nói: “Bạn không thể thay đổi các chuyển động vì chúng đều có chức năng riêng. Nếu bạn thay đổi nó, nó sẽ không phát huy tác dụng nữa.” Nếu ai đó tấn công bạn, bạn vẫn phải né tránh. Rõ ràng là có một cách tốt hơn hoặc tệ hơn để sử dụng giáo hoặc kiếm. Trên chiến trường không có chỗ cho các chuyển động duyên dáng.
Vì vậy, rất nhiều chuyển động và cách kết hợp đã được giữ lại, nhiều người coi đó là một điều may mắn. Những chuyển động này được lưu giữ trong võ thuật, cùng với các động tác được rút ra từ nhạc kịch Trung Quốc, tạo nên một ngôn ngữ vô cùng sống động.
Như các chuyên gia giải thích, múa cổ điển Trung Quốc rất biểu cảm bởi vì nội hàm đằng sau một động tác là nhân tố dẫn dắt cơ thể chuyển động. Đây được gọi là “yun” – “vận” hay thần thái của vũ công. Vũ công có thể là hiện thân của một vị hoàng đế hoặc anh hùng cụ thể nào đó trong truyền thuyết, hoặc một nhân vật ít cụ thể hơn, như một học giả từ thời nhà Đường, hoặc một công chúa trong triều đình Mãn Châu.
Tác động của văn hóa
Đây là lý do tại sao chỉ kỹ thuật thôi là không đủ. Bạn có thể là một vũ công với những cú đá cao nhất và những bước nhảy ấn tượng nhất, nhưng nếu bạn không có vốn hiểu biết về ngôn ngữ vũ đạo, ví dụ — thân pháp, sự hiểu biết văn hóa — khi lên sân khấu, bạn sẽ không thể diễn đạt một cách thuyết phục cho bất kỳ khán giả nào.
“Khi bạn hiểu biết đầy đủ về các điệu múa cổ điển Trung Quốc, bạn sẽ thấy giống như, ‘Ồ! Thật là một ngôn ngữ phong phú và vi diệu,’” cô Lee nói.
Nếu bạn trò chuyện với các nghệ sĩ múa cổ điển Trung Quốc ngày nay, nhiều người sẽ mô tả quá trình sáng tạo và luyện tập múa cổ điển Trung Quốc giống như quá trình học làm người. Một phần là do một nghệ sĩ biểu diễn thường đóng vai trò như một người phiên dịch về bề sâu và sự vĩ đại các trải nghiệm của con người. Cũng giống như các nhạc công cổ điển đang diễn giải cho người nghe những bản nhạc của những thiên tài đã khuất, các vũ công múa cổ điển Trung Hoa diễn giải văn hóa và lịch sử Trung Quốc cổ đại do Thần truyền.
Theo cô Lee, “Những câu chuyện này đều có bối cảnh văn hóa. Nếu bạn không thấu hiểu sự thuần khiết và tĩnh tại, bạn không thể biểu đạt được nó.”
“Để học múa cổ điển Trung Quốc, bạn cần phải có nền tảng đạo đức và văn hóa — đó là lý do tại sao mọi người cảm thấy những điệu múa thật đẹp,” cô Lee tiếp tục. Cô thường nghe khán giả phản hồi tiết mục thật tuyệt vời, và họ dần hiểu được bằng cách nào hoặc lý do tại sao họ cảm thấy sự điềm đạm, thanh tao đó.
Đó là bởi vì những nghệ sĩ này theo đuổi một vẻ đẹp siêu việt có trong chân, thiện, mỹ. Chỉ cần một cái liếc mắt hoặc một chuyển động khẽ xoay người có thể biến cái đẹp đó thành một thứ chỉ thuộc về giác quan đơn thuần — hoặc từ một thứ chân thành thành một thứ mỉa mai, thô tục.
“Nó bắt nguồn từ tâm trí bạn,” cô Lee nhắc lại. Ý niệm của bạn thúc đẩy chuyển động của bạn, và thông qua một ngôn ngữ phong phú và biểu cảm như vậy, khán giả chắc chắn hiểu những gì bạn biểu đạt. Mặc dù thân pháp không phải là vô hạn, nhưng nó có thể truyền tải những nội hàm vô biên.
Múa cổ điển Trung Hoa là loại hình nghệ thuật bộc lộ rõ nội tâm của bạn.
Hướng về truyền thống
Bà Guo, Hiệu trưởng của Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, và cô Lee đều là quản lý của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, có trụ sở tại New York. Shen Yun đã đưa múa cổ điển Trung Quốc nổi tiếng trên toàn thế giới.
Một số trường dạy múa ở Trung Quốc, do thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống, đã cố gắng kết hợp các chuyển động và các phong cách lại với nhau nhưng họ ít thành công hơn. Những người đã từng làm việc với Shen Yun đều công nhận rằng đây là vũ đoàn múa cổ điển Trung Quốc hàng đầu thế giới, nhưng Shen Yun cho biết thành tựu này đạt được không phải vì đó là mục tiêu của họ.
Bà Guo chia sẻ: “Những truyền thống 5,000 năm này, chúng rất quý giá và cần được trân trọng. Bảo tồn truyền thống là sứ mệnh không thể tách rời của các nghệ sĩ chúng tôi. Mỗi người trong chúng tôi đều có một phần trách nhiệm.”
“Chúng tôi đang quay trở lại với truyền thống và các giá trị truyền thống — điều này không hề dễ dàng. Ngay cả hệ thống giá trị ở đây [Phi Thiên] cũng khác, vì vậy mọi thứ chúng tôi thể hiện [so với các trường khác] trông cũng khác. Cho dù đó là Hàn Tín, Nhạc Phi hay Võ Tòng, làm thế nào bạn có thể thể hiện những nhân vật này với những cảm giác hiện đại? Bạn sẽ không thể nhận ra được họ. Và bạn đang cố gắng mang đến cho khán giả điều gì? Điều gì đó có ý nghĩa, có giá trị… Chúng tôi ở đây không phải để bán vé mà là để mang đến cho khán giả những điều tốt đẹp nhất, những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa, trí tuệ và các mối liên kết của nhân loại.”
Mặc dù không còn các “tiết mục cổ điển” vốn gắn liền với múa cổ điển Trung Quốc, và có lẽ các trường khác nhau đã tự sáng tạo ra phương pháp sư phạm trong vài thập niên gần đây, nhưng những động tác, hệ thống chuyển động, kỹ thuật, câu chuyện và sức truyền cảm của loại hình nghệ thuật này đã ra đời từ 5,000 năm văn minh Thần truyền.
Những người theo đuổi múa cổ điển Trung Quốc ngày nay không phải để tìm cầu “những màn trình diễn mang tính lịch sử”, mà là tìm cách kết nối sâu sắc với một nền văn hóa bị tước đoạt thô bạo khỏi người Trung Quốc cách đây chưa đầy một trăm năm. Trên thực tế, những phát triển trong múa Trung Quốc mà bà Guo đã chứng kiến trong cuộc đời mình là những phát triển do Trung Cộng áp đặt, hoặc là kết quả cho sự thúc đẩy hệ tư tưởng Marxist của chính quyền, chứ hoàn toàn không phải là những thay đổi có tổ chức của các nghệ sĩ. Cho đến ngày nay, múa Trung Quốc hiện đại chính là như vậy.
Do Catherine Yang thực hiện
Văn Thanh Bùi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: