Múa cổ điển Trung Quốc: Một lịch sử sâu sắc và phong phú ít người biết đến (P1)
Múa ballet cổ điển đã rất quen thuộc trong tâm trí chúng ta. Hầu hết chúng ta đều biết đến những diễn viên múa nổi tiếng và thời đại huy hoàng của ballet, cũng như các vở diễn kinh điển – “Giáng Sinh đến” (Christmas comes), “Kẹp hạt dẻ” (The Nutcracker). So sánh với ballet, múa cổ điển Trung Quốc là hệ thống múa phức tạp và có nội hàm thâm sâu hơn.
Tại Trung Quốc, Học viện Múa Bắc Kinh (Beijing Dance Academy-BDA) do Trung Cộng hậu thuẫn tuyên bố đã sáng tạo ra “múa cổ điển Trung Quốc”. Họ khẳng định như vậy đơn giản chỉ vì người dân tin là vậy. Do chương trình dạy múa của Học viện khá phong phú nên các thế hệ vũ công trẻ và các học giả đã tin tưởng nhầm lẫn vào tuyên truyền đó.
Nhưng tất nhiên, sự thật không phải vậy. Bà Guo Hua Ping, một giáo viên dạy múa cổ điển Trung Quốc ở New York cho biết: “Những gì BDA có là một chương trình, một phương pháp sư phạm và hệ thống các chuyển động của cơ thể mà đã điều chỉnh lại múa cổ điển Trung Hoa, và đưa nó vào hệ thống giảng dạy của học viện. Là như vậy.”
“Làm thế nào mà một hệ thống giảng dạy hiện đại lại có thể đột nhiên trở thành ‘cổ điển’ với lịch sử 5,000 năm?” bà Guo nói.
Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc 5,000 năm văn minh Trung Hoa của loại hình nghệ thuật này, chúng tôi đã trò chuyện với các chuyên gia, những người đã dành cả cuộc đời của họ để bảo tồn múa cổ điển.
Đào tạo trong nhạc kịch Trung Quốc
Năm nay, bà Guo Hua Ping đã hơn 80 tuổi, bà sinh ra ở Trung Quốc năm 1935 và lớn lên ở Bắc Kinh. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã chứng kiến loại hình nghệ thuật này phát triển, trở nên phổ biến và biến thành một thứ hoàn toàn khác.
“Tôi đã bắt đầu [múa] khi tôi khoảng 13 tuổi, và tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì khác kể từ đó. Bạn có thể gọi nó là gì khác ngoài số phận?” bà Guo nói.
Đây là thời điểm khi Trung Cộng mới nắm quyền, trước khi xảy ra Cách mạng Văn hóa. Bà Guo nhớ lại một số ký ức đầu tiên trong cuộc đời: các sự kiện năm mới tại các ngôi đền với những điệu múa và biểu diễn võ thuật.
“Có hai ngôi đền gần nơi tôi lớn lên,” bà Guo nói. Đây là những nơi tôn kính các thần linh, các sảnh lớn được xây dựng bởi các hoàng đế để tỏ lòng tôn kính với thiên thượng. Trong các ngày lễ lớn, người ta tổ chức lễ hội tại đó. Mọi người đổ xô đến cầu nguyện, thắp hương cho các vị thần và xem các buổi biểu diễn.
Bà tiếp tục: “Có những nhóm biểu diễn Kinh Kịch (Peking Opera), và họ sẽ trình diễn trên sân khấu – trang phục, diễn xuất, múa, đạo cụ, các chuyển động khác nhau của Kinh Kịch. Tất cả đã xuất hiện ở đó. Khi đó tôi còn rất nhỏ, và tôi đã yêu thích Kinh Kịch. Tôi về nhà và bắt chước những gì tôi xem, chỉ để vui là chính.”
Sau này bà hiểu rằng những tiết mục Kinh Kịch mà bà được xem là múa Trung Quốc thực sự, một loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống lâu đời đã được truyền thừa và phát triển qua nhiều thời đại.
“Đó mới thực sự là múa Trung Hoa,” bà nói; nó đã trở thành một điểm tham chiếu quan trọng cho bà sau này. Múa Trung Hoa bắt nguồn từ các điệu múa của hơn 300 loại vở nhạc kịch truyền thống của Trung Quốc, chẳng hạn như Côn Khúc (Kunqu Opera) và Kinh Kịch (Peking Opera). Đây là nguồn gốc chính của múa cổ điển Trung Hoa.
Bà Guo cuối cùng đã gia nhập một học viện quân sự biểu diễn nghệ thuật, có thời điểm nó được đặt tên là Công ty Nhà hát Trung Nam (Zhongnan Theater Company); khi nhà nước bắt đầu tuyển sinh, họ thấy rằng bà bộc lộ tài năng trong các tiểu phẩm và vở kịch nhỏ ở trường.
Ở học viện này, các chuyên gia Kinh Kịch đến giảng dạy cho sinh viên, họ từng là học trò của Mai Lan Phương (Mei Lanfang), một nghệ sĩ nổi tiếng – người đầu tiên quảng bá nhạc kịch Trung Quốc ra nước ngoài. Sinh viên có thể học chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau hoặc nhiều vai trò khác nhau, nhưng nhạc kịch Trung Quốc là nền tảng cơ bản cho tất cả, và mọi người đều tham gia các lớp học này.
Theo bà Guo, sinh viên không bắt đầu với một lý thuyết hoặc một khóa học kỹ thuật về luyện giọng hoặc chuyển động chân; toàn bộ những điều này đều được truyền tải thông qua sự trình diễn của giáo viên cho sinh viên. Giáo viên sẽ chọn những cảnh trong các vở nhạc kịch nổi tiếng và dạy sinh viên toàn bộ từ các bước chân, cách dàn dựng, cử chỉ, bài hát, thậm chí cả cách khởi động cho mọi lớp học. Bản thân các chuyên gia đều đến từ các đoàn sân khấu và sở hữu một hệ thống dạy nghề – một vũ công chính dẫn dắt một lượng học sinh.
“Giống như đoàn nghệ thuật mà tôi đã tham gia vào thời điểm đó, nhiều nhóm múa chuyên nghiệp trên khắp cả nước đã học và biên đạo các phong cách và kỹ thuật múa dựa theo các vở nhạc kịch truyền thống như Kinh Kịch và Côn Khúc, hay còn gọi là ‘múa cổ điển Trung Hoa,’” bà Guo nói.
Bà Guo đã mất một chút thời gian để thể hiện những động tác như một động tác quay đầu đặc biệt, cách đặt các ngón tay và chuyển động của bàn tay, sự thay đổi trong giai điệu nhạc. “Mọi người [các vũ công] đều biết điều này,” bà nói, mô tả một số bước căn bản và gọi tên chúng. Bà Guo nhớ lại cách nhiều nhân vật khác nhau đều bắt đầu bước lên sân khấu với màn giới thiệu như nhau, và cách sử dụng các đạo cụ khác nhau như song kiếm. Bà đặc biệt trình diễn một cảnh nhạc kịch, được dạy cho các lớp học trong giai đoạn đầu, mô tả một phụ nữ trẻ đang an ủi một hoàng đế bằng một bài hát. Đây là một loại hình nghệ thuật có hệ thống dựa trên những chuyển động mang tính biểu đạt và các vở diễn cổ điển lâu đời.
Vài năm sau khi bà Guo theo học tại học viện, nhà nước đã thành lập Trường Múa Bắc Kinh vào năm 1954, sau này được đổi tên thành Học viện Múa Bắc Kinh (BDA). Ngôi trường này là khởi đầu cho một trong những thay đổi lớn nhất đối với bộ môn múa Trung Quốc.
Khi thành lập trường, đầu tiên họ phỏng vấn nhiều chuyên gia Kinh Kịch để xác định cách dạy múa Trung Quốc có hệ thống và tốt nhất. Sau đó, các giáo viên dạy múa từ Liên Xô được mời đến để dẫn dắt các lớp học, họ đã giới thiệu thêm những thay đổi khác với múa Trung Quốc.
“Các vũ công từ Liên Xô… đã tạo ra một loại hình lai tạp giữa múa Trung Quốc và ballet,” bà Guo nói.
Ballet lai tạp
Trung Cộng và Liên Xô có quan hệ tốt vào thời điểm đó, và vì vậy, mặc dù Trung Quốc chưa “mở cửa” với thế giới, nhà nước đã mời nhiều chuyên gia vũ đạo Liên Xô làm giáo viên hướng dẫn.
Bà Guo giải thích cách BDA sử dụng phương pháp dạy múa ballet ngay từ đầu. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia múa ballet từ Liên Xô và hệ thống dạy múa ballet, họ đã tìm cách tổ chức lại múa cổ điển Trung Hoa vốn có nguồn gốc từ múa nhạc kịch Trung Quốc và một hệ thống giảng dạy tương ứng.
Những người hướng dẫn không thể tinh lọc được, càng không thể dạy được, một môn nghệ thuật đã phát triển đầy đủ qua hàng nghìn năm. Khi ngôn ngữ múa ballet được giới thiệu, một số yếu tố nhất định trong múa Trung Hoa đã tự động biến mất khỏi hệ thống các chuyển động biểu đạt — rõ ràng nhất là các kỹ thuật như nhào lộn giữa không trung và lật người.
Phương pháp sư phạm nước ngoài này làm biến mất nhiều yếu tố căn bản khác vì đặc điểm của mỗi hình thức vũ đạo là khác nhau.
“Có nhiều điểm khác biệt… Múa truyền thống Trung Quốc có những khởi đầu đột ngột và kiểu chuyển động tròn, những chuyển động quay vòng,” theo cô Vina Lee, một huấn luyện viên múa cổ điển Trung Quốc, người đã được đào tạo trưởng thành trong giai đoạn lai tạp giữa múa Trung Quốc và múa ballet. Vào giai đoạn đó, nó hỗn tạp đến mức cô không biết phần nào được rút ra từ múa ballet và phần nào là từ múa truyền thống Trung Quốc.
Cô Lee hiện là Hiệu trưởng của trường Đại học Phi Thiên ở ngoại ô New York. Cô chia sẻ thẳng thắn rằng chỉ đến khi đặt chân lên Hoa Kỳ, cô mới bắt đầu hiểu về múa cổ điển Trung Quốc, mặc dù cô đã là giảng viên múa ballet trong nhiều năm.
Hình thức lai tạp giữa múa Trung Quốc-ballet đã thống trị sân khấu trong vài thập niên trước khi nhường chỗ cho các hình thức khác. Sự ra đời của nó đã góp phần then chốt trong việc phá hủy nghệ thuật múa cổ điển Trung Quốc.
“Bởi vì Học viện múa Bắc Kinh đã sử dụng hình thức lai tạp giữa múa Trung Quốc và ballet này, nên cả nước đã bắt chước và nhân rộng nó. Họ đã đưa các vũ công xỏ chân vào đôi giày ballet và lên sân khấu,” cô nói.
“Nhưng, sử dụng múa ballet để diễn đạt những tư tưởng và tình cảm của người Trung Quốc, nó thực sự không hiệu quả. Bạn đang sử dụng một ngôn ngữ phương Tây để truyền tải nội dung của một nền văn hóa khác.” Ví dụ, hãy nghĩ xem chúng ta khó khăn như thế nào để dịch đúng một thành ngữ và giữ nguyên ý nghĩa của nó, sau đó lại nhân rộng cách dịch này ra.
Dịch thuật về những thứ hàng ngày có thể là một nhiệm vụ đơn giản, nhưng đây là nghệ thuật và nghệ thuật có nguồn gốc văn hóa sâu sắc. Ví dụ, phương Đông không có khái niệm về “Pietà”, và phương Tây không nhanh chóng quen thuộc với ý tưởng tu luyện.
“Mỗi cử chỉ, mỗi cái quay đầu, mỗi cái nhìn — chúng đều mang nét văn hóa riêng biệt”. Cô ấy chứng minh, chỉ trong những điều nhỏ nhặt như tư thế của của đầu, cách giữ cánh tay hoặc vị trí của các ngón tay; sự khác biệt là rõ ràng và dễ thấy. Những thay đổi nhỏ được tạo ra trong mỗi bước đi có thể tăng sức biểu đạt lên rất nhiều. “Hoặc, nếu phần trên cơ thể của bạn là điệu múa Trung Hoa nhưng chân bạn lại đang ở tư thế thẳng ngón chân của múa ballet, nó sẽ truyền tải điều gì?”
Cô Lee nói: “Không phải ballet không đẹp hay hoàn chỉnh mà nó là một hình thức hoàn toàn khác. Múa ballet nói về những đường thẳng dài, đẹp đẽ và những bước nhảy vọt và tiếp đất khéo léo. Làm thế nào để bạn kết hợp điều đó với múa cổ điển Trung Hoa? Và những vở ballet cách mạng [được Trung Cộng phê duyệt] có một thông điệp tuyên truyền rất mạnh mẽ, cũng không phù hợp với ballet cổ điển.”
Nhưng điều bất lợi lớn nhất đối với sự phát triển của múa Trung Quốc không phải là nó bị trộn lẫn một vài chuyển động của múa ballet. Mà nó đã loại bỏ truyền thống khỏi các chuyển động và mở ra cánh cửa cho quá trình lai tạp lớn hơn. Múa truyền thống Trung Quốc, phần lớn xuất phát từ Nhạc Kịch Trung Quốc, có nguồn gốc từ cung đình của các vương triều cổ đại, chưa bao giờ được truyền lại và giảng dạy trên quy mô lớn như toàn quốc. Không giống như sự lai tạp giữa múa Trung Quốc và ballet, chỉ trong một vài năm, mọi người đã quên hoặc buộc phải quên đi tầm quan trọng của các chuyển động và câu chuyện được truyền lại thông qua Nhạc Kịch Trung Quốc. Và sau đó, họ dễ dàng loại bỏ những thứ được cho là vụn vặt, không có ý nghĩa này.
Cuộc cách mạng
Trung Quốc và Liên Xô cuối cùng chia tách; các chuyên gia rời đi, và Cách mạng Văn hóa diễn ra ngay sau đó.
“Bạn phải theo Đảng hoặc bạn bị đưa đi làm việc trong các trại,” cô Lee nói, nhấn mạnh bạo lực đẫm máu trong thời kỳ đó. “Vì vậy, phát triển nghệ thuật bị gián đoạn trong một khoảng thời gian.”
Trong thời kỳ này, chỉ có cái được gọi là “Tám Vở Kịch Kiểu Mẫu” (Eight Model Plays). Bộ vở nhạc kịch và ballet này do vợ của lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông, Giang Thanh, dàn dựng nhằm tôn vinh cuộc cách mạng cộng sản và khơi dậy sự sùng bái Mao.
Bà Guo đã múa cả đời và không ai dám biểu diễn bất kỳ vở nhạc kịch nào khác trong thời gian đó. Mao muốn thay thế cái cũ bằng cái mới của chính mình; ngay cả Khổng Tử cũng bị ném ra ngoài. Ai dám cố gắng phát triển nội dung theo hướng truyền thống?
“Chúng tôi có thể biểu diễn những gì?” Bà biểu thị bằng một vài chuyển động đột ngột, kiểu chuyển động mà một đứa trẻ có thể nghĩ ra để chế nhạo Hitler hoặc Stalin trong một cuộc diễn hành, và sau đó làm mặt cười. Nếu bạn tra cứu “Nữ Biệt Đội Hồng Quân” (Red Detachment of Women), vở ballet nổi tiếng nhất của Trung Quốc hiện nay, nó thực sự trông giống như vậy. Các chủ đề bạo lực của chủ nghĩa Marx được truyền đạt thông qua vở ballet cổ điển trang nhã, trông giống như một con quái vật Frankenstein đang khiêu vũ.
Sau Cách mạng Văn hóa, các học viện trên toàn quốc được thay thế bằng các đoàn nghệ thuật biểu diễn khác nhau, một số đoàn nhiều lần đổi tên do nhà nước phân chia lại các đường quận huyện. Có trường vẫn dạy múa ballet, nhưng không có gì gọi là “múa truyền thống Trung Quốc” hay “múa cổ điển Trung Quốc”. Rất nhiều yếu tố khác nhau của múa truyền thống Trung Quốc, như kỹ thuật nhào lộn hay những cú đá chân ấn tượng, được sử dụng bởi bất kỳ ai theo cách mà họ muốn, đặc biệt là trong các cuộc thi thể dục dụng cụ và nhào lộn. Múa tại thời kỳ ấy là một mớ hỗn tạp, có rất ít triết lý và nội hàm đằng sau, ngoại trừ để làm lóa mắt, gây ấn tượng và thu hút nhiều khán giả nhất có thể. Không có cách nào khác để một nghệ sĩ chân chính mưu sinh trong một xã hội đã xa rời văn hóa.
“Đó là một thời kỳ rất hỗn loạn,” bà Guo nói. “Điều tồi tệ nhất có lẽ là người Trung Quốc không còn nhận ra những yếu tố nào là của người Trung Quốc trong nghệ thuật. Chúng tôi không thể nhận ra truyền thống của chính mình.”
Phần 2 : Múa cổ điển Trung Quốc: Một lịch sử sâu sắc và phong phú ít người biết đến (P2)
Do Catherine Yang thực hiện
Văn Thanh Bùi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: