(Một vài) lý giải về các quan điểm tài chính của Bắc Kinh
Nhiều chính sách ra khỏi Bắc Kinh những ngày này dường như mâu thuẫn, đặc biệt là đối với các vấn đề tài chính.
Một mặt, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chặn tất cả các con đường cho các doanh nghiệp nước này huy động vốn ngoại quốc, đặc biệt là bất kỳ khả năng nào của các công ty Trung Quốc trong việc phát hành cổ phiếu ra công chúng tại Hoa Kỳ. Nhưng đồng thời, các nhà chức trách, sau nhiều năm ngăn các công ty tài chính ngoại quốc không tiếp cận Trung Quốc, đã mời BlackRock của Mỹ xây dựng, bán, và quản lý các quỹ tương hỗ ở Trung Quốc. [Nghĩa là] không nêu tên họ, [nhưng] Bắc Kinh đang mời các công ty tài chính ngoại quốc khác làm điều tương tự. Nếu xét từ khía cạnh nào đó, kiểu hành vi này có vẻ không thể giải thích được, thì nó vẫn có vẻ hợp lý ở một khía cạnh quan trọng, và đó là mong muốn từ lâu của Bắc Kinh là đưa đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu và có lẽ một ngày nào đó sẽ thay thế đồng USD trở thành đồng tiền quốc tế hàng đầu.
Bắc Kinh không giấu giếm tham vọng của mình đối với đồng nhân dân tệ. Họ đã sử dụng ưu thế của Trung Quốc trong thương mại để thúc đẩy mục tiêu này cũng như những lợi thế chính trị đạt được thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”). Trong một số trường hợp, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng các đối tác thương mại phải ghi trong hợp đồng bằng đồng nhân dân tệ thay vì [chỉ là] hạch toán sổ sách dựa trên đồng USD thông thường. Mặc dù đồng nhân dân tệ đã đạt được những bước tiến trong hơn 5 năm kể từ khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần đầu tiên chấp nhận đồng tiền này như một phần của giỏ tiền tệ mà quỹ này dùng để tạo ra quyền rút vốn đặc biệt cho kế toán ngân hàng trung ương, đồng nhân dân tệ vẫn còn một chặng đường dài để vượt qua đồng USD.
Theo thống kê gần đây của IMF, chỉ khoảng 2% dự trữ tiền tệ toàn cầu được nắm giữ bằng đồng nhân dân tệ so với hơn 60% bằng USD. Chắc chắn, một số công ty tài chính toàn cầu đã dự báo đồng nhân dân tệ sẽ tăng thêm. Morgan Stanley dự đoán tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong dự trữ toàn cầu sẽ tăng lên 5% hoặc hơn vào năm 2030. Điều đó sẽ tạo thành một bước tiến đáng kể, nhưng nó vẫn khiến đồng nhân dân tệ ít quan trọng hơn so với đồng euro, thậm chí là đồng bảng Anh, và vẫn còn lâu mới thay thế được đồng USD. Các thước đo khác, chẳng hạn như tỷ lệ phần trăm của các hợp đồng thương mại được viết bằng các loại tiền tệ khác nhau, cũng kể câu chuyện tương tự.
Ngay cả khi giới lãnh đạo của đất nước ở Bắc Kinh lên tiếng về tham vọng với đồng nhân dân tệ của mình và chắc hẳn phải hân hoan vì những dự báo như của Morgan Stanley, họ chắc chắn từ lâu đã biết rằng khi mọi thứ vẫn như hiện tại, tình hình chỉ có thể tiến triển được như vậy. Đặc biệt, nền tài chính Trung Quốc, như hiện đang được cấu trúc, thiếu những gì cần thiết để hỗ trợ [thành] một đồng tiền toàn cầu. Sự cần thiết phải phát triển sự hỗ trợ đó dường như nằm sau những động thái mới nhất của Bắc Kinh.
Ví dụ, một đồng tiền dự trữ đòi hỏi có một thị trường tiền tệ thanh khoản. Trước khi các nhà giao dịch, nhà đầu tư, chủ ngân hàng, và chủ ngân hàng trung ương sẽ dựa vào một loại tiền tệ để giao dịch quốc tế, họ phải chắc chắn rằng họ có thể chuyển vào chuyển ra khỏi thị trường đó một cách nhanh chóng và dễ dàng, và làm điều đó ở mọi nơi trên thế giới vào hầu hết mọi thời điểm. Hãy xem một công ty xuất cảng được thanh toán bằng nguồn dự trữ toàn cầu không phải của riêng mình. Để đáp ứng việc trả lương và các nghĩa vụ của mình đối với nhà cung cấp, công ty này phải có khả năng thay đổi nhanh chóng từ đơn vị tiền tệ được trả sang đơn vị tiền tệ cần thiết để đáp ứng các nghĩa vụ này. Trung Quốc không chỉ thiếu các phương tiện và chuyên môn kinh doanh tiền tệ cần thiết, mà còn có các biện pháp kiểm soát đối với dòng tiền chảy vào và ra khỏi đất nước.
Tương tự, Trung Quốc cũng thiếu các công cụ đầu tư dựa trên đồng nhân dân tệ đủ để hỗ trợ đồng tiền của nước này đóng vai trò toàn cầu. Những điều này rất quan trọng bởi vì mọi người trên khắp thế giới phải giữ số dư bằng bất kỳ loại tiền tệ nào dùng như một khoản dự trữ và như một phương tiện giao dịch quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu của họ, quốc gia phát hành loại tiền như vậy phải cung cấp một loạt các phương tiện đầu tư —các tài khoản là chắc chắn, nhưng cũng cần cả những cách để kiếm tiền trên số dư nắm giữ trong cả khung thời gian ngắn và dài hạn. Trung Quốc đã và vẫn cung cấp ít lựa chọn ngoài thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu kém phát triển, và tài khoản lãi suất thấp tại các ngân hàng quốc doanh. Nếu không có nhiều lựa chọn hơn, rất ít người muốn giữ số dư bằng đồng nhân dân tệ.
Trong một thời gian, Bắc Kinh có thể đã tìm đến chuyên môn và cơ sở vật chất tài chính ấn tượng của Hồng Kông để đáp ứng những nhu cầu này và cho phép đồng nhân dân tệ vươn lên vai trò quốc tế hàng đầu. Nhưng có vẻ như nhu cầu chính trị nội bộ đã lấn át tham vọng đó. Cuộc đàn áp ở Hồng Kông đã bắt đầu thúc đẩy các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế ấn tượng của thành phố này đến Singapore và những nơi xa hơn nữa. Nhiều kinh nghiệm chuyên gia sẽ rời bỏ đi cùng những tổ chức đó và với những cá nhân không còn muốn ở lại Hồng Kông trong hoàn cảnh mới. Với những thế mạnh đang suy yếu một cách rõ ràng này, Bắc Kinh đã phải tìm kiếm một giải pháp khác. Cả hai động thái dường như trái ngược nhau này chắc chắn nhằm phục vụ mục đích đó.
Hãy xem về quyết định cắt đứt hoạt động kinh doanh của Trung Quốc khỏi các nguồn vốn ngoại quốc. Hiện tại, sự thiếu hụt dòng tiền có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng, nhưng theo thời gian, điều đó sẽ tạo ra áp lực lên các thỏa thuận tài chính hiện có để phát triển các phương tiện có thể huy động vốn cho các doanh nghiệp bị cắt khỏi vốn ngoại quốc. Đáp lại những nhu cầu như vậy cũng sẽ hình thành được các loại phương tiện đầu tư có thể làm hài lòng nhu cầu của những người phải giữ số dư đồng nhân dân tệ và giúp nó trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Các cơ sở đó càng phát triển một cách triệt để, thì cơ hội đồng nhân dân tệ sẽ vươn lên tầm cỡ toàn cầu càng lớn.
Quyết định mời BlackRock và các hoạt động tài chính ngoại quốc khác vào Trung Quốc sẽ bổ sung cho nỗ lực đó. BlackRock và những tổ chức khác sẽ không chỉ phát triển các phương tiện đầu tư cần thiết—quỹ trái phiếu và quỹ đầu tư ngắn hạn cũng như quỹ cổ phần—mà còn mang lại cho Trung Quốc chuyên môn và hệ thống giao dịch mà đồng nhân dân tệ cũng cần để hỗ trợ đồng tiền này như một loại tiền tệ toàn cầu. Các công ty này cũng sẽ đóng vai trò là hình mẫu để các đối tác Trung Quốc có được kiến thức chuyên môn đó cho riêng mình.
Liệu những nỗ lực này có mang lại cho đồng nhân dân tệ vị thế mà Bắc Kinh mong muốn hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ ở nhiều cấp độ. Chẳng hạn, không rõ ràng rằng những động thái này và những động thái khác tương tự như chúng sẽ biến đổi nền tài chính Trung Quốc đủ để cạnh tranh với những gì mà Singapore, Tokyo, London và New York đã cung cấp dồi dào, cho các đồng tiền của họ và cho đồng USD. Cũng không có gì rõ ràng rằng chính phủ ở Bắc Kinh, với sự yêu thích kiểm soát tập trung, có thể chấp nhận cho sự thử nghiệm và quyền tự do trong hành động cần thiết để tạo ra môi trường tài chính cần thiết.
Và ngay cả khi các bước đi của Bắc Kinh hoàn toàn thành công, sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ vẫn khó được bảo đảm. Ngoài giao dịch và chiều sâu tài chính, liệu đồng nhân dân tệ có phát triển hay không, nhiều thứ đằng sau một loại đồng tiền toàn cầu cũng còn phụ thuộc vào thực tiễn, thói quen và tập quán. Đã giữ vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu hàng đầu trong hơn 70 năm, đồng USD có nhiều lợi thế. Điều đó không đảm bảo rằng đồng tiền này sẽ giữ vị trí của mình vô thời hạn, nhưng điều đó có nghĩa là quá trình chuyển đổi sẽ mất một thời gian rất dài, đủ lâu để thử thách cả sự kiên nhẫn nổi tiếng của người Trung Quốc.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: