Một tâm trí tĩnh lặng, an yên
Tâm trí chúng ta luôn cố gắng vắt kiệt suy nghĩ từ các tế bào thần kinh; tuy nhiên, chúng ta có thể dạy nó cách nghỉ ngơi.
Trong một căn phòng yên tĩnh, chúng ta có thể tìm thấy sự tĩnh lặng. Và trong trạng thái tĩnh lặng đó, chúng ta có thể suy ngẫm về tâm trí của chính mình.
Điều chúng ta thường thấy là tâm trí [ta] cứ luôn [hoạt động] không ngơi nghỉ. Nó muốn quản cả ngàn chuyện, thường là do nó đang cảm thấy bất an hoặc sợ hãi. Nó muốn sửa chữa những lỗi lầm, hoàn thành những việc chưa làm, và bảo đảm rằng mọi thứ đều sẽ ổn. Nó muốn đáp ứng mọi nhu cầu của ta, từ bản năng sinh tồn cho đến nhận thức về ý nghĩa [sâu xa], sự gắn kết, và tình yêu thương.
Tâm trí chẳng chịu nghỉ ngơi, [mà cứ] muốn phải sửa chữa mọi thứ và có được mọi thứ nó cần.
Sẽ ra sao nếu chúng ta có thể để tâm trí mình thả lỏng thư giãn, đặt nó vào trạng thái hoàn toàn mãn nguyện với tự bản thân nó?
[Thực ra] trong mọi thời khắc, chúng ta chẳng cần gì [nhiều] ngoài những gì thiết yếu cho sự sinh tồn [của cơ thể] vật chất hay [những] hoạt động có ý nghĩa thường ngày. [Chúng ta] có thể có nguyện vọng chân thành muốn làm điều tốt cho bản thân và cho những người khác, nhưng nguyện vọng đó không nhất thiết phải khởi nguồn từ sự lo sợ.
Sự rèn luyện [tâm trí] này sẽ đem đến một trạng thái tĩnh tại, trạng thái mà chúng ta thấy đủ đầy mãn nguyện và mọi điều chúng ta cần đã nằm ở ngay bên trong bản thân ta.
Đó là một quá trình rèn luyện suốt đời.
Đây là cách tôi khuyên các bạn nên bắt đầu:
Hãy ngồi ở một nơi yên tĩnh. Nâng hông của bạn cao hơn đầu gối với một miếng đệm lót [bên dưới ghế] để giúp bạn ổn định và thoải mái hơn. Ngồi thẳng lưng nhưng thả lỏng người. Bạn có thể nhắm mắt hoặc mở nhẹ mắt và nhìn hơi hướng xuống dưới.
Tìm kiếm sự tĩnh lặng [trong tâm trí]. Hãy giữ nguyên tư thế này trong ít nhất 5 – 10 phút, [cũng có thể] lâu hơn nếu bạn muốn. [Điều quan trọng] không phải là thời gian lâu, mà là khi bạn cảm thấy bồn chồn không yên, hãy cứ ngồi lâu hơn một chút để luyện tập [tâm trí của bạn] trong trạng thái bồn chồn này.
Trải nghiệm sự thư giãn một cách trực tiếp. Hãy hướng sự chú ý của bạn sang những giác quan trên thân thể: âm thanh, mùi vị, và cảm giác của bạn ở thời điểm hiện tại. Những cảm giác này là những trải nghiệm trực tiếp về thế giới. Hãy khiến tâm trí bạn thả lỏng và nghỉ ngơi trong sự nhận thức cởi mở, phóng khoáng mà không làm gì cả, chỉ quan sát nó.
Hãy chú ý đến [những gì hiện ra trong] tâm trí bạn. Tâm trí bạn sẽ muốn trốn tránh trải nghiệm trực tiếp này. Đó là bởi vì nó cảm thấy không an tâm. Nó muốn đạt được những truy cầu của tự nó, giải quyết các vấn đề, hoặc đối mặt với những sự vô định hay nỗi sợ hãi. Không sao cả! Hãy quan sát những gì tâm trí đang làm. Nó đang cố gắng muốn giải quyết cái gì vậy? Hãy chú ý đến nỗi lo sợ hay ham muốn ẩn dưới những việc nó làm.
Trân trọng năng lực sáng suốt của tâm trí.
Tâm trí giống như một động cơ đầy năng lượng, đang cố gắng chuyển biến suy nghĩ và cảm xúc thành hiện thực một cách nhanh chóng [nhất]. Tâm trí không biết rằng bản thân nó đã tài giỏi, phong phú, và hoàn thiện mà không cần phải tạo ra [thêm] một suy nghĩ nào. Tâm trí của chúng ta rạng ngời, sáng sủa và tuyệt mỹ. Để có thể bắt đầu trân trọng những phẩm chất tươi sáng này của tâm trí, chúng ta cần có tinh thần ham hiểu biết, tôn trọng và rèn luyện – rèn luyện thật nhiều.
Hãy thực hành nào, ngồi xuống và tập quan sát tâm trí của chính bạn. Cuộc hành trình hướng vào nội tâm là cuộc hành trình quan trọng nhất mà bạn sẽ thực hiện.
Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách và là nhà văn của Zen Habits, một blog với hơn 2 triệu người đăng ký. Hãy ghé thăm trang ZenHabits.net
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: