Một nửa các hội đồng của London được phát hiện đang sử dụng công nghệ giám sát Trung Quốc có liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Theo dữ liệu được cung cấp độc quyền cho Thomson Reuters Foundation, ít nhất một nửa số quận của London đã mua và khai triển các hệ thống giám sát do Trung Quốc sản xuất liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo giữa những người ủng hộ quyền riêng tư và các nhà lập pháp.
Các yêu cầu về quyền tự do thông tin (FOI) được đệ trình vào cuối năm 2020 về tất cả 32 hội đồng ở London và tiếp theo là 20 hội đồng các thành phố lớn nhất của Anh Quốc cho thấy khoảng 2/3 trong số đó sở hữu công nghệ được sản xuất bởi hai công ty Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Theo dữ liệu do nhà nghiên cứu quyền kỹ thuật số Samuel Woodhams thu được và được xem xét độc quyền bởi tổ chức Thomson Reuters, có ít nhất 28 hội đồng sở hữu công nghệ sản xuất bởi Hikvision-nhà thầu cung cấp các hệ thống giám sát video lớn nhất thế giới đồng thời là nhà cung cấp cho các cơ quan cảnh sát Tân Cương.
Bảy hội đồng đã sử dụng công nghệ sản xuất bởi Công ty TNHH Công nghệ Đại Hoa Chiết Giang (Zhejiang Dahua Technology Co Ltd), nhà sản xuất thiết bị giám sát lớn thứ hai của Trung Quốc.
Tổng cộng có 16 hội đồng ở London đã sử dụng công nghệ do Hikvision hoặc Đại Hoa sản xuất—cả hai công ty này đều chịu những hạn chế thương mại nghiêm ngặt ở Hoa Kỳ.
Sáu quận và ba hội đồng khác ở London đã không hồi đáp những yêu cầu làm rõ mối liên hệ của họ với những công ty Trung Quốc này, hoặc là đã phủ nhận việc có đủ dữ liệu để tiết lộ những gì họ đã khai triển.
Ông Woodhams, người làm việc cho tổ chức nghiên cứu internet Top10VPN, cho biết, “Chúng tôi đang có được một bức tranh rõ ràng hơn về mức độ lan tỏa công nghệ của các công ty này ở Anh Quốc—và tần suất sử dụng quỹ công để mua chúng.”
Từ việc theo dõi sự lây lan của đại dịch virus corona đến xử trí tội phạm, công nghệ giám sát được khai triển ngày càng rộng rãi trên toàn thế giới vì những lý do an toàn và sức khỏe cộng đồng, nhưng các nhà phê bình cũng nêu ra những lo ngại về quyền riêng tư và sự phân biệt đối xử.
Dữ liệu FOI cho thấy mức độ mà Anh Quốc phụ thuộc vào công nghệ giám sát của Trung Cộng bất chấp việc nghị viện điều tra hồ sơ nhân quyền của Hikvision và Hoa Kỳ đưa cả hai công ty này vào danh sách đen do có liên quan đến cuộc đàn áp các dân tộc Hồi Giáo thiểu số.
Vụ việc bị vạch trần sau khi 9 nghị sỹ viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ vào năm 2019 bày tỏ lo ngại về thực tế rằng Hikvision là nhà cung cấp thiết bị giám sát (CCTV) hàng đầu cho Anh Quốc vào năm 2016.
Nghị sỹ Đảng Dân chủ Tự do Alistair Carmichael, người đồng soạn bức thư nói trên, nói với tổ chức Thomson Reuters Foundation rằng chính phủ nên cấm việc thu mua công nghệ của Hikvision và Đại Hoa.
“Chúng ta không nên làm việc với các công ty tạo điều kiện cho việc đàn áp,” ông nói trong một tuyên bố qua email, đồng thời nói thêm rằng các hội đồng địa phương không nên mua công nghệ từ các công ty này “cho đến khi họ chứng minh có sự thay đổi trong đường lối hoạt động.”
Ông Woodhams cho biết các hội đồng địa phương là nhà đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng giám sát của Anh Quốc vì họ chịu trách nhiệm việc mua và khai triển máy quay ở các không gian công cộng như đường phố, bãi đỗ xe, và nhà ở.
Các yêu cầu về FOI tiết lộ rằng các hội đồng đã mua được nhiều loại công nghệ của Trung Cộng, từ những máy quay đến phần cứng giám sát, bao gồm cả các máy ghi hình kỹ thuật số và máy ghi hình kết nối mạng, vốn cho phép lưu trữ và phân tích cảnh quay.
Không một nhà chức trách địa phương nào ở Anh Quốc cho biết họ đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Trung Cộng.
Ngoại trừ việc hội đồng quận Hammersmith và quận Fulham ở phía tây London đã tiết lộ rằng họ sở hữu 1,790 máy quay “Dark Fighter” của Hikvision. Chúng được thiết kế để quan sát trong điều kiện ánh sáng yếu và một số mẫu máy có thể chọn ra được biển số xe, theo một tài liệu giới thiệu của Hikvision.
Bà Silkie Carlo, giám đốc nhóm bảo mật Big Brother Watch, cho biết các thiết bị công nghệ Trung Quốc là một phần trong quá trình nâng cấp cuốn chiếu các hệ thống máy quay đã được thực hiện trên khắp nước Anh trong nhiều thập kỷ.
“Nhiều người có cùng một quan niệm về các máy quay giám sát CCTV là chúng chỉ là những bản ghi thụ động, nhưng điều mà chúng ta phải thừa nhận là nó đang ngày càng giám sát chủ động hơn,” bà Carlo nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Chúng ta đang nói về việc phân tích cảnh quay, lập hồ sơ mọi người, xử lý dữ liệu.”
Một phát ngôn viên của Hikvision cho biết công ty này “đã cam kết tôn trọng tất cả các luật, các hướng dẫn và những quy định của Anh Quốc do các cơ quan có thẩm quyền đặt ra.”
“Là một nhà sản xuất không bán trực tiếp cho người dùng cuối, chúng tôi không giám sát hoạt động của các sản phẩm của mình, nhưng chúng tôi bảo đảm rằng các máy quay của chúng tôi được thiết kế để bảo vệ sự an toàn của nhân dân,” phát ngôn viên đó cho biết trong các diễn giải qua email.
Đại Hoa đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Một phát ngôn viên Bộ Gia cư, Cộng đồng và Chính quyền Địa phương Anh Quốc cho biết họ đã tư vấn cho tất cả các hội đồng về những rủi ro xảy ra khi mua các công nghệ mới và bảo họ hãy tham khảo các hướng dẫn của Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia về các chuỗi cung ứng.
Một phát ngôn viên của Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) cho hay các hội đồng được kỳ vọng sẽ “tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu,” và nói thêm rằng ICO đã không quy định những nhà cung cấp giám sát nào mà các hội đồng được phép giao dịch.
Các nhóm dễ bị tổn thương ngoài rìa xã hội
Máy quay giám sát được trang bị phần mềm nhận dạng khuôn mặt có thể theo dõi tội phạm bằng cách quét mọi người trong những không gian công cộng và sử dụng AI để so sánh họ với danh sách mà cảnh sát dùng để theo dõi những người đang bị truy lùng.
Một số lực lượng của Anh Quốc đã cùng những tổ chức khác trên khắp thế giới sử dụng các thiết bị như vậy trong những năm gần đây, và cảnh sát cho rằng nó giúp việc trị an nhanh gọn hơn.
Năm ngoái (2020), một tòa án Anh Quốc đã ra phán quyết rằng việc lực lượng Cảnh sát South Wales sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt để truy tìm những kẻ tình nghi đã vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu và bình đẳng, phán quyết đó đã được các nhà vận động ca ngợi là một “chiến thắng lớn” trong cuộc chiến chống giám sát.
Hội đồng Cardiff ở Wales tiết lộ họ có 40 máy quay Hikvision, mặc dù họ không tiết lộ các dòng sản phẩm đó.
Một phát ngôn viên của hội đồng trên cho biết các máy quay này được thu mua bởi một bên thứ ba có trách nhiệm duy trì cơ sở hạ tầng giám sát của họ, và họ không biết có lệnh cấm nào của Anh Quốc đối với công nghệ của Hikvision hay không.
Hội đồng Wandsworth ở London tiết lộ rằng họ đang nâng cấp hệ thống giám sát hiện nay của mình bằng một mạng lưới các máy quay trực tuyến do Đại Hoa cung cấp, thêm vào đó họ không có kế hoạch chạy tính năng nhận dạng khuôn mặt trên cảnh quay. Hội đồng này đã không hồi đáp yêu cầu bình luận thêm.
Tất cả các hội đồng của Anh Quốc đã mua công nghệ Trung Quốc nói trong các phản hồi về FOI của họ rằng họ hiện đã đang không khai triển các hệ thống nhận dạng khuôn mặt.
Nhưng một số hội đồng thừa nhận có sở hữu phần cứng bổ sung ngoài các máy quay ra—bao gồm cả máy ghi hình kỹ thuật số và máy ghi hình nối mạng—mà có thể được cấu hình để thực hiện nhận dạng khuôn mặt hoặc các tác vụ phân tích khác, ông Woodhams cho biết.
“Dù là nó (công nghệ) không được sử dụng cho các khả năng có tính xâm nhập nhất tại thời điểm này, thì cũng không phải là điều quá ngạc nhiên để làm điều đó,” ông nói và lưu ý rằng cả Hikvision và Đại Hoa đều tạo ra các hệ thống nhận dạng khuôn mặt.
Bà Carlo cho biết, “ngoài nhận dạng khuôn mặt, còn có các loại tác vụ khác có thể được thực thi… có thể là phát hiện bất thường, nhiều loại phân tích hành vi, phân tích nhân khẩu học.”
Bà nói thêm rằng những công cụ này có nguy cơ gây hại cho các nhóm dễ bị tổn thương ngoài rìa xã hội, và trích dẫn việc lập hồ sơ về người Hồi giáo trong các hoạt động chống khủng bố và [thực tế rằng] các hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã nhận dạng sai khuôn mặt người Da đen.
‘Mua nó một cách bí mật’
Cô Caitlin Bishop, giám đốc chiến dịch của nhóm quyền kỹ thuật số Privacy International có trụ sở tại Anh Quốc, đã kêu gọi các hội đồng “đứng ra và giải thích lý do tại sao họ cần công nghệ này và họ có bao nhiêu.”
“Thay vào đó, họ bí mật mua nó và hy vọng không ai phát hiện ra,” cô chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Ông Woodhams, nhà nghiên cứu đã đệ trình các yêu cầu về FOI, cho biết có “rất ít cuộc thảo luận công khai về quy trình mua sắm này” và không có dữ liệu nào về số tiền của người đóng thuế đã chi cho công nghệ giám sát.
Ví dụ, số lượng 1,790 máy quay Hikvision ở khu Hammersmith và Fulham có thể có giá lên đến 350,000 bảng Anh (tương đương 485,000USD), ông Woodhams ước tính dựa trên giá bán lẻ.
Hội đồng này đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Chỉ có một hội đồng, Camden ở London, cho biết họ có chính sách chống lại việc mua một số công nghệ giám sát do Trung Quốc sản xuất, mặc dù phản hồi về FOI tiết lộ rằng họ vẫn vận hành một máy ghi hình Hikvision.
Một phát ngôn viên cho biết hội đồng này sẽ “ưu tiên thay thế bất kỳ thiết bị giám sát nào không tuân thủ (với chính sách của họ).”
Theo dõi người Duy Ngô Nhĩ
Các nhà lập pháp và các nhóm nhân quyền đã bày tỏ lo ngại về những mối liên kết của Anh Quốc với Hikvision và các công ty công nghệ Trung Quốc mà họ cho rằng đã thiết kế các hệ thống phát hiện người Duy Ngô Nhĩ, cùng với các công cụ nhận dạng khuôn mặt có thể cảnh báo chính quyền về nơi ở của người dân.
Liên Hợp Quốc ước tính có hơn một triệu người Hồi giáo Trung Quốc-nhiều người trong số họ thuộc dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ-đã bị giam giữ tại tỉnh Tân Cương, nơi các nhà hoạt động cho rằng những tội ác chống lại loài người và diệt chủng đang diễn ra.
Trung Quốc đã phủ nhận tuyệt đối không có hành vi vi phạm nào và nói rằng các trại của họ trong khu vực đó thực hiện việc đào tạo nghề và giúp chống lại chủ nghĩa cực đoan. Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh Quốc đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Cuộc tranh luận về vai trò của các tập đoàn trong hành xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ngày càng lan rộng trên phạm vi quốc tế, với việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt lên những công ty công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc tiếp tay cho việc đàn áp.
Tháng 08/2020, chính phủ Hoa Kỳ đã cấm tất cả các nhà thầu liên bang mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ bất kỳ công ty nào sử dụng các sản phẩm của năm công ty Trung Quốc trong đó có Hikvision và Đại Hoa.
Ông Aziz Isa Elkun, một nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ tại London, cho biết việc mua máy quay Trung Quốc của các hội đồng Anh Quốc đã “gây phẫn nộ” và đã làm suy yếu cam kết của chính phủ Anh Quốc trong việc ngăn chặn hàng hóa liên quan đến khu vực Tân Cương xâm nhập vào chuỗi cung ứng.
“Những trại tập trung này là các căn cứ thử nghiệm công nghệ Trung Quốc—họ thử nghiệm chúng trên người Duy Ngô Nhĩ … và sau đó họ đem ra buôn bán và cố gắng kiếm tiền từ nó,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, đồng thời ông cũng kêu gọi cấm công nghệ này.
Một phát ngôn viên của Hikvision cho biết, “chúng tôi đã đang hợp tác với chính phủ Anh Quốc và các bên liên quan để làm rõ những hiểu lầm về công ty chúng tôi và giải quyết những lo ngại của họ.”
Bà Carlo cho biết các công ty công nghệ Trung Quốc không nên được hưởng lợi từ những quỹ công.
“Đối với người nộp thuế ở Anh Quốc thì thật khó hiểu khi tài trợ cho các công ty hợp tác với nhà nước Trung Quốc, lập hồ sơ về sắc tộc, và cho phép những gì giống như là thanh lọc sắc tộc… chúng ta không thể không phản đối cái nhà tù do Trung Quốc xây dựng cho chính chúng ta,” bà nói.
Do Avi Asher-Schapiro thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: