Một người Mỹ kể lại việc từng bị tra tấn và bị tiêm thuốc trong ‘nhà tù đen’ của Trung Quốc
Sau khi bị tiêm một thứ chất không xác định, bị ép uống những viên thuốc không rõ nguồn gốc và bị đánh đập thậm tệ, một người Mỹ đến từ San Francisco đã nghĩ rằng ông sẽ không thể sống sót khỏi nhà tù đen bí mật của Trung Quốc.
Warren Rothman cho biết ông đã bị đưa đến bốn nhà tù đen khác nhau–đây là những chỗ bình thường vốn được các quan chức Trung Cộng biến thành nhà tù không chính thức để họ ngược đãi những người bị giam giữ mà không bị trừng phạt. Có một lần trong khi bị tra tấn, Rothman kể rằng ông đã bị trói, bị nhồi chất bẩn vào miệng, và bị đá và đấm.
“Lúc đó tôi thực sự nghĩ rằng cuộc đời tôi đến đây là chấm dứt ngay tại nơi đó. Tôi đã không chấp nhận điều đó, nhưng tôi nghĩ nó sẽ như vậy. Tôi nghe thấy những người gác ngục đùa cợt về tôi, làm thế nào tôi lại ho và phun ra chất bẩn này,” ông Rothman nhớ lại những gì đã diễn ra trong tâm trí mình vào thời điểm đó.
Trải nghiệm khủng khiếp này đã xảy ra cách đây hơn 10 năm, nhưng ông Rothman, một công dân Hoa Kỳ tốt nghiệp Đại học Yale, cho biết câu chuyện của mình nên là một lời cảnh báo cho bất kỳ ai đi du lịch đến Trung Quốc.
“Trung Quốc thực sự là một nhà tù đen khổng lồ. Đó là một nhà tù khổng lồ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ” của kênh EpochTV.
“Ngay cả một người nước ngoài có hộ chiếu và thị thực vào đó thì có thể không ra được. Anh ta thực sự chỉ có duy nhất một giấy phép có điều kiện để ra ngoài.”
Tác giả của cuốn sách “Kafka ở Trung Quốc: Cộng hòa Nhân dân Tham nhũng,” ông Rothman đã chỉ ra các ví dụ gần đây như—[hai] công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor—để giải thích cách Trung Cộng luôn có “một lý do giấu kín” để không thả những người nước ngoài, mặc dù họ có thể đã chẳng làm bất cứ điều gì sai.
Cả hai người cùng có tên là Michael này đã bị bắt giữ tùy tiện ở Trung Quốc kể từ tháng 12/2018, cùng thời điểm khi Hoa Kỳ cố gắng dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc.
Theo nhóm nhân quyền Safeguard Defenders, người dân từ nhiều quốc gia—trong đó có Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, cũng như hai ông Kovrig và Spavor—đã trở thành nạn nhân của “chính sách ngoại giao con tin” của chính quyền Trung Cộng.
Hiện tại, thông tin khuyến cáo về du lịch tại Trung Quốc của Bộ Ngoại giao cảnh báo công dân Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh “thi hành luật pháp địa phương một cách tùy tiện” và họ có thể bị giam giữ “mà không [cần thông qua] thủ tục tố tụng hợp pháp” khi đi du lịch ở Trung Quốc. Bộ Ngoại giao cũng cho biết chế độ Trung Cộng sử dụng việc giam giữ tùy tiện để “đạt được đối trọng [khi thương lượng] với các chính phủ nước ngoài.”
“Trung Cộng về cơ bản là một chế độ tội phạm. Chế độ này vận hành thông qua những tội ác,” ông Rothman nói. “Đây không phải là một chế độ mà chúng ta có thể làm bất cứ điều gì ngoại trừ việc phản đối.”
Trải nghiệm cực hình
Trước khi trở thành nhà văn, ông Rothman là một luật sư thương mại từng làm việc cho các công ty luật ở New York và Âu Châu trước khi thành lập công ty riêng của mình.
Ông Rothman kể lại, vụ giam giữ đó xảy ra vào năm 2008, vào một ngày sau khi đi dạo vào buổi sáng, ông quay trở lại căn hộ của mình ở Thượng Hải và phát hiện nơi này đã hoàn toàn trở thành một mớ hỗn độn.
Quá kinh hoàng, ông bắt đầu gói ghém hành lý vào một chiếc túi trong khi cân nhắc các lựa chọn của mình. Nhưng trước khi ông có thể đưa ra quyết định phải làm gì tiếp theo thì trời ập tối và 12 tên côn đồ xuất hiện trước cửa nhà của ông. Ngày hôm sau, một nhóm côn đồ lớn hơn gồm 15 người xuất hiện.
Vào ngày thứ ba, trợ lý của ông, một công dân Trung Quốc mà ông thuê, đã đột nhập vào căn hộ của ông, theo sau là bốn tên côn đồ. Họ lôi ông ra khỏi tòa nhà và ném ông vào một chiếc xe tải màu trắng không có biển hiệu. Ông bị đưa đến một nơi mà ông gọi là “nhà tù đen bốn sao” vì đó là một căn phòng trong một khách sạn bốn sao bình thường.
Không lâu sau, ông bị đưa đến một nhà tù đen khác—một gian phòng phía sau văn phòng của một bác sĩ nằm trong một trung tâm mua sắm đã xuống cấp.
Cuối cùng, ông được đưa đến một cơ sở trong đó có một khu bệnh viện. Ông bị trói vào một chiếc ghế trong ít nhất bảy giờ đồng hồ trong khi bị tra tấn.
“Họ đá và đấm vào chân, lưng, [và] tay tôi,” ông Rothman nhớ lại.
Sau đó,ông bị kéo đến khu bệnh viện của cơ sở này.
“Đó là một bệnh viện thực sự,” ông nhớ lại. “Và tôi ở đó, đang bị tra tấn trong một bệnh viện thực sự, và các bác sĩ và y tá chẳng hề bận tâm đến điều đó.”
Sau đó ông bị trói vào giường bệnh và một người phụ nữ mặc đồng phục y tá đã chích cho ông một loại thuốc không biết tên. Lúc đó, ông Rothman nghĩ rằng mũi chích này là một liều thuốc an thần vì ông được thông báo rằng sau đó ông sẽ được chích một mũi nữa—mũi chích mà ông đoán là sẽ chứa một loại thuốc gây chết người để kết liễu đời ông.
Tuy nhiên, mũi chích thứ hai đã không bao giờ xảy ra. Ông Rothman cho biết thay vào đó, ông bị buộc phải nuốt một vài viên thuốc không rõ thành phần.
Khi tiếp tục uống những viên thuốc không rõ nguồn gốc này, ông kể rằng ông đã có “những cuộc gặp liên tục với các nhân viên” của bệnh viện, trong đó họ hỏi về suy nghĩ và cảm xúc của ông.
“Hết 10 ngày, cuối cùng tôi cũng được họ thả đi. Nhưng tôi đã không biết cho đến ngày tôi rời đi rằng tôi sẽ thực sự được thả đi,” ông nói.
Những mối lo ngại
Chỉ sau khi đã suy ngẫm kỹ càng về những việc đã xảy ra, ông Rothman mới nhận ra điều gì có thể đã dẫn đến trải nghiệm đau khổ của mình.
Nhiều tháng trước khi quay trở lại căn hộ bị lục tung của mình, ông biết được rằng người trợ lý của mình đã giúp thu xếp một khoản hối lộ 3 triệu USD để bảo đảm rằng khách hàng của ông, một công ty Hoa Kỳ, có thể có được một thỏa thuận ở Trung Quốc.
“Tôi không có bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào. Tất cả những gì tôi có là những gì đã xảy ra với tôi,” ông Rothman nói. “Tôi không có bất kỳ kẻ thù nào khác ở Thượng Hải, nhưng tôi đã cố gắng và cố gắng tìm ra một số lý do cho việc này.”
Ông Rothman kể rằng ông đã mắng người trợ lý của mình trong ít nhất một giờ, và nói với anh ta rằng đó là “điều kinh tởm nhất” mà ông từng nghe tới.
Sau đó, ông đã viết một cuốn hồi ký về những trải nghiệm của mình ở Trung Quốc, bao gồm cả những ngày tháng ông đã trải qua trong các nhà tù đen.
“Tôi muốn cảnh báo mọi người. Tôi muốn mọi người đọc cuốn sách này và hiểu về hiện thực của Trung Quốc từ quan điểm của một người đã trải qua một số những điều kiện tồi tệ nhất của Trung Quốc,” ông giải thích.
“[Trung Quốc] là một quốc gia được xây dựng không dựa trên luật lệ; nó được xây dựng trên mệnh lệnh và mệnh lệnh thất thường. Mệnh lệnh có thể từ trên trời rơi xuống. Về cơ bản, các mệnh lệnh từ Đảng [Cộng sản Trung Quốc] là những gì tôi đang nói đến. Đó là những gì điều hành đất nước này.”
Ký giả Frank Fang sinh sống tại Đài Loan. Anh phụ trách đưa tin tức về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa Đài Loan
Jan Jekielek là biên tập viên cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng biên tập trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu Holocaust từng đoạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”
Do Frank Fang và Jan Jekielek thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: