Một nghiên cứu phát hiện hơn 90% gà trong các siêu thị ở Hoa Kỳ có sọc trắng
The Humane League (Liên đoàn nhân đạo) – một tổ chức phi vụ lợi ở Hoa Kỳ – đã công bố kết quả của cuộc khảo sát vào hôm thứ Hai (20/9) rằng, hơn 90% thịt gà mang nhãn hiệu tư nhân được bán trong các siêu thị ở Hoa Kỳ đều mắc một triệu chứng gọi là “sọc trắng”.
Cái gọi là “chứng sọc trắng” là một loại bệnh “loạn dưỡng cơ”, xảy ra do những con gà phải sinh trưởng nhanh quá mức. Khi chúng không thể theo kịp sự phát triển nhanh chóng bất thường, do áp lực quá lớn, tim của chúng sẽ không thể bơm đủ máu đến các cơ đang không ngừng tăng trưởng. Do không có đủ oxy và chất dinh dưỡng, cơ bắp của chúng sẽ bị viêm, và các cơ bị tổn thương sẽ được thay thế bằng mỡ, trông giống như các vết sẹo. Do đó, biểu hiện của chứng sọc trắng là: trên bề mặt của thịt gà xuất hiện những sọc trắng nhỏ, và thường thấy nhất là ở ức gà.
Tổ chức phi vụ lợi bảo vệ động vật toàn cầu The Humane League đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với thịt gà được bày bán trên các kệ siêu thị ở Hoa Kỳ từ tháng 5 đến tháng 7/2021, xem chúng có các sọc trắng và có giống như mức độ được báo cáo trên các tạp chí khoa học hay không.
Cuộc khảo sát đã nghiên cứu thịt gà được bán trong các siêu thị lớn ở 29 bang của Hoa Kỳ như Walmart, Kroger, Costco, Albertsons, Ahold Delhaize, Publix, Target, H-E-B, Meijer, Aldi, Wakefern, Trader Joe’s, HyVee, BJ’s Wholesale Club, Wegmans và Giant Eagle, v.v.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 99% số thịt gà tồn kho có sọc trắng rõ ràng. Còn khi lấy mẫu thống kê tại các siêu thị, kết quả cho thấy 100% thịt gà đóng gói đều có sọc trắng.
Tất cả 16 siêu thị được khảo sát đều có sọc trắng trên các lát ức gà mang nhãn hiệu riêng của họ; và 70% số thịt gà đóng gói có sọc trắng từ trung bình đến nặng. Trong đó, “nghiêm trọng nhất” là Wal-Mart, BJ’s và Meijer, số thịt gà trong siêu thị của họ có vệt trắng từ trung bình đến nặng lần lượt là 93%, 87% và 85%.
Ông David Coman-Hidy, Chủ tịch của The Humane League, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: “99% thịt gà mang nhãn hiệu tư nhân được bán trong các siêu thị lớn đều có sọc trắng. Thực tế này nên là một lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng ở khắp mọi nơi”.
Ông nói: “Triệu chứng này trực tiếp cho chúng tôi biết rằng, những con vật mới chỉ vài tuần tuổi này đã phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp. Các trang trại công nghiệp hóa đã kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta, khiến người Mỹ gần như không thể tìm được loại gà thay thế cho loại gà bị chứng bệnh này”.
Theo báo cáo của The Humane League, khoảng 10 năm trước, số thịt gà có sọc trắng là ít hơn 5%, nhưng con số này đã tăng lên đến 96% chỉ trong vòng 5 năm.
Tổ chức này cũng trích dẫn dữ liệu từ Viện Sentience, trong đó ước tính rằng 99% số động vật nuôi ở Hoa Kỳ hiện đang sống trong các trang trại công nghiệp hóa.
The Humane League cho biết, mặc dù một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy 50% người tiêu dùng nói rằng họ sẽ không mua gà có sọc trắng. Nhưng giờ đây, người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác, chỉ có thể mua gà nuôi công nghiệp mang thương hiệu tư nhân từ các siêu thị.
Tổ chức này viết rằng: “Các công ty thực phẩm phải cung cấp thịt gà tốt hơn bằng cách chuyển sang nuôi các giống gà sinh trưởng từ từ, để người tiêu dùng có thể lựa chọn, từ đó nâng cao sức khỏe của con người và phúc lợi cho động vật”.
Hội đồng Gà Quốc gia ở Hoa Kỳ đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với kết quả của cuộc khảo sát này. Người phát ngôn của hiệp hội này nói với CBS MoneyWatch rằng: “Sọc trắng không phải là một loại bệnh, mà là ‘yếu tố chất lượng trong thịt ức gà, nguyên nhân là do chất béo tích tụ trong cơ trong quá trình sinh trưởng và phát triển của nó’”.
Người phát ngôn này chỉ ra rằng chỉ có 3% đến 6% thương phẩm gia cầm có sọc trắng nghiêm trọng, và hầu hết thịt gà có sọc trắng nghiêm trọng đều được sử dụng để chế biến thay vì được bán dưới dạng phi-lê ức gà không xương, không da.
Người phát ngôn này kết luận rằng: “Vì vậy, khi người tiêu dùng mua thịt ở các cửa hàng, trên những miếng thịt này sẽ không có sọc trắng”.
Do Katabella Roberts, Diệp Tử Vy thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: