Một ngày lễ kỷ niệm toàn cầu chiến thắng sự bắt bớ và tuyên truyền
Các học viên Pháp Luân Công tôn vinh môn tu luyện này và những lợi ích của nó vào tháng Năm hàng năm
Hồi năm 2000, môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công hầu như không được biết đến bên ngoài Trung Quốc – nếu như có ai ở Thành phố New York từng nghe nói về pháp môn này, thì việc đó rất có thể xảy ra trong bối cảnh một cuộc đàn áp lớn và chiến dịch tuyên truyền đầy thù hận do Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào năm trước đó.
Ông Alan Adler, giám đốc điều hành của nhóm nhân quyền Friends of Falun Gong (Những người bạn của Pháp Luân Công) và là một học viên ở New York thời ấy, cho biết: “Người ta không biết gì về môn tu luyện này.” Ngày Pháp Luân Đại Pháp là “một cơ hội để giúp họ hiểu được cuộc tấn công liên tục của những lời vu khống đến từ chế độ cộng sản.”
Ông Adler cho hay một Ngày Pháp Luân Đại Pháp của thế giới chắc chắn cuối cùng sẽ được công nhận, nhưng cuộc bức hại đã tạo ra “cảm giác cấp bách” xung quanh vấn đề này. Kể từ ngày 20/07/1999, các học viên Pháp Luân Công đã bị buộc phải đối diện với những lời phỉ báng thuộc loại cực đoan nhất, thường được báo chí phương Tây nhắc lại một cách thiếu cân nhắc. Ngày Pháp Luân Đại Pháp là cơ hội để lùi lại suy ngẫm và nhận định xem môn tu luyện này là gì. Ông Adler viết trong một tin nhắn văn bản, “Đây là một nỗ lực gốc rễ để định nghĩa chính chúng ta.”
Khi các học viên ở New York bàn bạc về ý tưởng này vào khoảng cuối tháng Ba và đầu tháng Tư năm 2000, họ nhận ra rằng ngày 13/05 sắp đến gần: đó là ngày sinh của nhà sáng lập Pháp Luân Công, Ngài Lý Hồng Chí, cũng như ngày mà ngài lần đầu tiên hướng dẫn năm bài công pháp tĩnh tại của môn tu luyện này cho công chúng ở thành phố Trường Xuân, đông bắc Trung Quốc vào năm 1992.
Ngày lễ kỷ niệm này nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu, phát triển theo cùng một cách thức mà chính môn tập này đã phổ truyền trên khắp Trung Quốc và sau đó là ra khắp thế giới: không có chỉ thị từ trên xuống, chỉ là sự kết nối giữa người với người.
Vào ngày 13/05/2000, khi Ngày Pháp Luân Đại Pháp đầu tiên được tổ chức tại Công viên Bryant, Manhattan: Những khuôn mặt tươi cười, thời tiết nắng ấm, những chùm bóng bay nhiều màu sắc được bơm khí heli, và khoảng 150 học viên đang thiền theo nhạc luyện công truyền thống Trung Hoa là một lời giới thiệu rõ ràng về tất cả những gì môn tu luyện này xoay quanh.
“Sự đón nhận là vô cùng tích cực,” ông Adler nói. “Rất nhiều người dân New York đang vội vàng, nhưng nhiều người đã dừng lại và hỏi chúng tôi đang làm gì, đồng thời rất thích tìm hiểu về môn tu luyện này và tập thử các bài công pháp.”
Ông Wang Cheng, một nhà tư vấn máy điện toán 31 tuổi tại thời điểm đó, đã giúp tổ chức sự kiện này.
Tại một trong những cuộc gặp không chính thức của nhóm, “Vợ tôi nói, ‘Người ta đang tổ chức cả Ngày Thái Cực Thế Giới nữa kìa, sao chúng ta không thể có Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới?’ Tôi nói ‘Ồ, đó là một ý tưởng hay.’ Chúng tôi đã trình bày ý tưởng đó trong cuộc gặp vào ngày hôm sau và nó đã được chốt.”
Đã gần một năm sau khi cuộc bức hại giáng xuống ở Trung Quốc — sau khi lãnh đạo Đảng đương thời Giang Trạch Dân xác định rằng sẽ có lợi cho tham vọng chính trị của ông ta nếu khích động một chiến dịch đấu tranh bạo lực kiểu Mao nhằm vào gần 100 triệu học viên Pháp Luân Công — ông Wang Cheng và các học viên khác nghĩ đây sẽ là “một cơ hội tuyệt vời để chấn hưng tinh thần của mọi người.”
Trong khi hầu hết những người tham dự đều ăn vận trang phục gọn gàng thường ngày, và một số mặc áo thun vàng mang tính biểu tượng của Pháp Luân Công, thì ông Wang Cheng mặc một bộ vest và thắt cà vạt cho sự kiện này, và đứng trên sân khấu được dựng lên tạm thời để đọc một bài thơ mà ông tìm thấy trên Minh Huệ (Minghui.org), một trang web của Pháp Luân Công, cho đám đông.
“Sự kiện này là để cho mọi người biết rằng, ‘Này, chúng tôi không chỉ là một nhóm người bị bức hại.’ Chúng tôi muốn cho họ thấy rằng đây là một môn tu luyện tuyệt vời và đáng để tôn vinh với tất cả mọi người trên toàn thế giới,” ông cho biết thêm.
Trải nghiệm cá nhân của ông Wang Cheng, theo lời ông, đã chứng minh hiệu quả của Pháp Luân Công. Trước khi ông tu luyện, “Tôi gặp vấn đề nghiêm trọng ở lưng và khuỷu tay. Lưng của tôi đau liên tục và xương khuỷu tay của tôi thì kêu. Khi tôi vươn người, các khớp xương sẽ kêu lục cục, lục cục, lục cục.” Nhưng sau đó, “Tôi thậm chí không nhớ là khi nào,” các vấn đề đã tan biến.
Tuy nhiên, hơn cả những lợi ích sức khỏe đơn thuần, ông Wang Cheng cho biết Pháp Luân Đại Pháp mang lại “sức khỏe nội tâm và giúp quý vị trở thành một người tốt hơn. Đại Pháp đã khiến tôi trở thành một người bình tĩnh hơn. Tôi bình tĩnh và hòa ái với người khác, và khoan dung với những thiếu sót của người khác. Việc tu luyện đã khiến tôi nhìn mọi thứ khác đi, thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp của bản thân về mọi thứ.”
Ngày lễ thường niên này cho ông cơ hội để cho mọi người thấy “môn tu luyện này tuyệt vời như thế nào và để có thêm nhiều người có thể tham gia cùng chúng tôi được thọ ích.”
Qua điện thoại, ông Wang Cheng đã thuật lại một cách ngẫu hứng cuộc trao đổi vào ngày hôm đó như trong trí nhớ của ông: “Này, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?” người đi ngang qua hỏi. “Chúng tôi đang kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp!” Người qua đường: “Ồ, đó là gì vậy, tôi chưa bao giờ nghe nói về nó.” Sau đó, ông Wang Cheng nói với họ tất cả về các nguyên lý đạo đức — chân, thiện, nhẫn — mà môn tu luyện dựa trên và giới thiệu với họ năm bài công pháp mà các học viên thực hiện hàng ngày. “Chúng tôi nói với họ Pháp Luân Đại Pháp là gì và tại sao chúng tôi đang kỷ niệm: Bởi vì Đại Pháp đã khiến tất cả chúng tôi trở thành những người tốt hơn.”
Bà Yun Song, một học viên Pháp Luân Công ở New York, người thường giúp tổ chức các sự kiện, nói rằng ngày hôm đó “mang lại cảm giác thực sự tích cực cho mọi người.” Bà nói, rất thường xuyên, Pháp Luân Công được người ta nghĩ đến trong bối cảnh các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra ở Trung Quốc. “Đây là một cơ hội để giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp từ một góc nhìn hoàn toàn khác.” Pháp Luân Công và Pháp Luân Đại Pháp là những tên gọi có thể dùng hoán đổi cho nhau của môn tu luyện này.
Vào cùng ngày sự kiện tại New York diễn ra, các học viên ở các nơi khác trên thế giới đã tổ chức ngày Pháp Luân Đại Pháp của riêng họ. Sau đó, những hình ảnh và tin nhắn đến từ Bắc Kinh, Boston, Chicago, Đan Mạch, Edmonton, Tokyo, và New Zealand, cùng nhiều nơi khác đã được chia sẻ.
Khi tìm kiếm trên Minghui.org, mặc dù số lượng lễ kỷ niệm Pháp Luân Đại Pháp đầu tiên bị giới hạn ở hàng chục, trong những năm sau đó, con số này thường xuyên lên đến hàng trăm. Và trong khi chỉ có khoảng 150 người tham gia sự kiện khiêm tốn ở Công viên Bryant cách đây 13 năm, các lễ kỷ niệm ở một số nơi trong những năm gần đây đã trở thành những sự kiện công phu: các sự kiện kéo dài cả ngày với các màn trình diễn vũ điệu và ca khúc truyền thống Trung Hoa, hoặc các cuộc diễu hành đầy màu sắc với các ban nhạc diễu hành và các thiếu nữ trong trang phục phi thiên, đôi khi lên đến hàng ngàn người tại cùng một thành phố của Đài Loan.
Ở Trung Quốc, hoàn cảnh năm 2000 hơi khác một chút. Các học viên Pháp Luân Công ở đó đã kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp bằng cách trình diễn các bài công pháp trên Quảng trường Thiên An Môn. Họ nhanh chóng bị công an mặc thường phục vây bắt, đánh đập, cho vào xe tải và đưa đi.
Anh Matthew Robertson là cựu biên tập viên tin tức Trung Quốc của The Epoch Times. Trước đây, anh là phóng viên của tờ báo ở Hoa Thịnh Đốn. Năm 2013, anh đã được trao giải Sigma Delta Chi của Hiệp hội Ký giả Chuyên nghiệp vì đã đưa tin về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: