‘Một lực lượng vì lợi ích toàn cầu’: Lãnh đạo Bộ Tứ nhóm họp tại Tòa Bạch Ốc giữa mối đe dọa từ Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của Đối thoại An ninh Tứ giác, thường được gọi là “Bộ Tứ,” vào hôm 24/09, tại đây liên minh này đã ca ngợi những nỗ lực cải thiện pháp quyền tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh sự ngoan cố của chính quyền Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực.
Hôm thứ Năm (23/09), các quan chức cao cấp của chính phủ TT Biden thông báo rằng Bộ Tứ sẽ thành lập các nhóm làm việc mới để giải quyết các vấn đề liên quan đến không gian và vấn đề an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như phối hợp trong các dự án an ninh mạng quan trọng.
Ông Biden nói trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh: “Nhóm họp này gồm các đối tác dân chủ có chung thế giới quan và có tầm nhìn chung cho tương lai đang cùng nhau đảm nhận những thách thức hệ trọng của thời đại chúng ta. Chúng ta là bốn nền dân chủ lớn với lịch sử hợp tác lâu dài. Chúng ta biết cách hoàn thành mọi việc và chúng ta sẵn sàng đối mặt với thử thách này.”
Hội nghị thượng đỉnh đã diễn ra khoảng một tuần sau khi Hoa Kỳ, Úc, và Anh Quốc công bố một liên minh an ninh mới tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được nhiều người coi là một nỗ lực chống lại Bắc Kinh.
Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ cho biết Bộ Tứ “sẽ đóng vai trò là một lực lượng vì lợi ích toàn cầu.”
Phát ngôn này của thủ tướng Ấn Độ được đưa ra khi mối liên kết được tăng cường và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bộ Tứ đang gây ra căng thẳng với Bắc Kinh, nơi mà sự thù hận ngày càng tăng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dẫn đến một loạt các chiến dịch [tuyên truyền] thông tin sai lệch được tạo ra nhằm hạ thấp lòng tin của quốc tế đối với diễn đàn này.
Chống lại các mối đe dọa từ Trung Cộng
Hôm 23/09, các quan chức cao cấp của chính phủ TT Biden cho biết Bộ Tứ sẽ thành lập một nhóm làm việc về các vấn đề không gian và một “nhóm cấp rất cao” để giải quyết các năng lực và các công nghệ cụ thể được thiết kế để củng cố sự phục hồi không gian mạng để chống lại sự tấn công, có thể kết hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Các nhà phân tích cho rằng, những nỗ lực như vậy ngày càng trở nên quan trọng đối với an ninh quốc tế, khi ĐCSTQ nỗ lực đạt được sự ngang bằng với Hoa Kỳ về năng lực nguyên tử, không ngừng phát triển vũ khí chống vệ tinh và tham gia vào các hành vi gián điệp mạng.
“Chúng tôi có một nỗ lực mạnh mẽ về an ninh mạng đang thực hiện cùng với Bộ Ngoại giao sẽ được nâng cao ở cấp lãnh đạo,” một quan chức cao cấp của chính phủ TT Biden cho biết trong một cuộc gọi với giới báo chí liên quan đến Bộ Tứ.
“Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện các bước để tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng trọng yếu chống lại các mối đe dọa mạng — một điều gì đó đã cản trở cả bốn quốc gia chúng tôi.”
Ông John Mills, cựu giám đốc chính sách an ninh mạng, chiến lược và các vấn đề quốc tế tại Bộ Quốc phòng, nói rằng việc tăng cường tập trung vào bảo đảm cơ sở hạ tầng trọng yếu sẽ là sự bổ sung đáng hoan nghênh cho các nỗ lực của Bộ Tứ cả nội địa và quốc tế.
“Đó là tin tốt,” ông Mills nói với The Epoch Times. “Cơ sở hạ tầng trọng yếu là chỗ mà chúng tôi phải cải thiện.”
Ông Mills lưu ý rằng các nỗ lực chia sẻ thông tin, đào tạo và tập trận chung, cũng như vấn đề an ninh cơ sở hạ tầng trọng yếu là không thể thiếu đối với an ninh của cộng đồng quốc tế sau nhiều cuộc tấn công mạng gần đây vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Hoa Kỳ bao gồm cả ngành khí đốt tự nhiên và nông nghiệp.
Cụ thể, ông Mills hy vọng rằng các sáng kiến đã được công bố sẽ dẫn đến việc Ấn Độ và Úc tham gia vào cuộc tập trận an ninh mạng Locked Shields thường niên do Trung tâm Phòng thủ Không gian mạng Hợp tác NATO tổ chức tại Estonia.
Ông Mills nói: “Nhật Bản đã có một vị thế cao trong Locked Shields. Chúng ta nên bảo đảm rằng Ấn Độ và Úc cũng tham gia vào.”
Cho đến giờ vẫn chưa rõ hoạt động cao cấp về vấn đề an ninh mạng này là gì, nhưng hoạt động này có thể có sự tham gia của các quan chức mạng đứng đầu trong chính phủ như giám đốc không gian mạng quốc gia Chris Inglis, giám đốc an ninh mạng của Cơ quan An ninh Quốc gia Rob Joyce, và phó cố vấn an ninh quốc gia về an ninh mạng và công nghệ mới nổi Anne Neuberger.
Nhìn chung, ông Mills hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ đánh dấu sự tăng cường ngoại giao hiệu quả từ phía Hoa Kỳ.
Ông Mills nói: “Điều mà các đối tác quốc tế yêu quý và mong đợi là sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, không phải là thuyết giảng. Họ muốn các biểu hiện hữu hình và có thể hành động được trong các thỏa thuận của chúng ta. Họ không muốn nói chuyện trừu tượng.”
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở
Mặc dù các nhà lãnh đạo [Bộ Tứ] không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng điều này thể hiện rất rõ trong tuyên bố mở đầu của họ, đặc biệt là trong việc Bộ Tứ nhấn mạnh vào việc bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở — một khu vực mà Bắc Kinh đang thi triển sức mạnh quân sự và kinh tế của mình.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Sự kiện này thể hiện tình đoàn kết bền chặt giữa bốn quốc gia và cam kết kiên định của chúng tôi đối với tầm nhìn về một khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh rằng bốn quốc gia này là “các nền dân chủ tự do tin tưởng vào một trật tự thế giới ủng hộ tự do.”
Ngôn từ của các nhà lãnh đạo đều đã nhấn mạnh những nhận xét trước đây rằng bản chất đa phương trong công việc của Bộ Tứ là cần thiết cho sự thành công của các quốc gia dân chủ ở khắp mọi nơi và bản thân tính quốc tế của cuộc đối thoại này là một tầm nhìn thay thế cho chính sách ngoại giao theo định hướng bá quyền của ĐCSTQ.
Ông Casey Fleming, Giám đốc điều hành của công ty tình báo và rủi ro chiến lược BlackOps Partners, nói với The Epoch Times rằng hội nghị thượng đỉnh này là một bước đi quan trọng đầu tiên nhằm củng cố tất cả các quốc gia dân chủ cùng chống lại các mối đe dọa mạng từ ĐCSTQ và các quốc gia khác.
Ông Fleming nói: “Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ là một sự khởi đầu tuyệt vời. Nhưng họ cũng phải làm việc để ngay lập tức đưa tất cả các quốc gia dân chủ vào để ứng phó hiệu quả với chiến lược chiến tranh hỗn hợp không giới hạn mà các đối thủ của chúng ta sử dụng.”
“Tất cả các nền dân chủ bắt buộc phải liên kết chống lại liên minh chiến lược hiện có giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Hàn chống lại các quốc gia dân chủ trên thế giới,” ông Fleming cho hay. “Các nhóm làm việc cao cấp của Bộ Tứ phải mở rộng để phối hợp trên tất cả các khía cạnh của an ninh mạng, chiến lược, rủi ro, đổi mới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.”
Một liên minh toàn cầu của các quốc gia dân chủ chống lại chế độ độc tài có thể đang là mục tiêu xa xôi, nhưng ông Biden cùng những người đồng cấp của ông trong Bộ Tứ đã báo hiệu rằng một liên minh rộng lớn như vậy có khả năng sẽ được hình thành.
Trong một tuyên bố chung trước Hội nghị thượng đỉnh, ông Biden và ông Morrison cùng nhấn mạnh rằng việc làm này của họ có ý định gửi đi một thông điệp chung về tình đoàn kết cho toàn thế giới.
“Mối liên hệ đối tác của chúng tôi phù hợp với tất cả các nền dân chủ khác trên thế giới,” ông Biden nói.
“Và chúng ta có rất nhiều việc phải làm.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: