Một bài viết để hiểu lý do H&M bị tẩy chay tại đại lục
Nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài, bao gồm H&M, đã vấp phải làn sóng tẩy chay mới ở Trung Quốc do đã bày tỏ lo ngại về điều kiện của người lao động ở Tân Cương vào năm ngoái (2020).
Việc tẩy chay hàng ngoại do Đoàn Thanh niên Cộng sản của Trung Cộng tổ chức, mốc thời gian là sau khi cuộc đàm phán Hoa Kỳ-Trung Quốc ở Alaska tan vỡ. Hoa Kỳ liên kết với Liên minh Châu Âu, Anh và Canada để áp lệnh trừng phạt đối với bốn quan chức Trung Cộng và một cơ quan liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vào thứ Tư (24/03), trên tài khoản Weibo chính thức của mình, Đoàn Thanh niên Cộng sản đưa ra lời chỉ trích đầu tiên về tuyên bố của H&M về việc ngừng sử dụng bông Tân Cương vào năm ngoái, nói rằng H&M “một mặt tung tin đồn tẩy chay bông Tân Cương, một mặt lại cố gắng kiếm tiền ở Trung Quốc? Đúng là vọng tưởng hão huyền!” Những ngôn luận này đã thu hút sự ủng hộ một chiều của hơn 400,000 cư dân mạng Trung Quốc. Những câu tẩy chay như “cút đi” và “Đừng mong ăn cơm Trung Quốc mà lại đập nồi Trung Quốc” đã tràn ngập trên mạng.
Tiếp theo đó, nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã dẫn đầu trong việc loại bỏ các sản phẩm và cửa hàng của H&M, đồng thời kêu gọi các nền tảng khác như Taobao và Tmall làm theo. Phong trào tẩy chay này sau đó đã lan sang các thương hiệu khác, và một làn sóng các ngôi sao showbiz cũng tới tấp ủng hộ, và cũng cắt bỏ các thương hiệu liên quan đến vụ việc này.
Ở Trung Quốc cứ vài năm một lần lại diễn ra các hoạt động tẩy chay hàng ngoại do một lý do nào đó. Ví dụ: năm 2005 để phản đối Nhật Bản trở thành thành viên thường trực hội đồng bảo an LHQ nên hàng hóa Nhật Bản bị tẩy chay, năm 2008 do việc chạy tiếp sức rước ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh mà tẩy chay hàng hóa Pháp, năm 2012 tẩy chay hàng hóa Nhật Bản do phản đối quần đảo Điếu Ngư là thuộc Nhật Bản, và năm 2017 do Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD nên đã tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc.
Vào năm 2021, do các lệnh trừng phạt của nhiều quốc gia đối với các quan chức và công ty có liên quan đến Trung Cộng ở Tân Cương đã gây ra làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc. Các thương hiệu bị tẩy chay lần này đến từ ít nhất 5 quốc gia-Thụy Điển, Tây Ban Nha, Mỹ, Đức và Nhật Bản, đây là lần mà số quốc gia bị Trung Quốc tẩy chay nhiều nhất từ trước đến nay.
Trung Cộng bất mãn khi bị nước ngoài trừng phạt, cần chuyển dịch sự phẫn nộ của công chúng trong nước
Nhìn vào cao trào tẩy chay ở Trung Quốc, một học giả ngành kinh tế không muốn nêu tên đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng, đây là tiền đề cho sự xấu đi trong mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ. “Trong nước họ có thể phải tìm được một lối thoát cho sự bộc lộ cảm xúc của dân chúng, nên phải làm bộ đưa ra hành động này.”
Ông tin rằng loại tẩy chay có yếu tố chính trị và cảm tính này “giống như tính khí của một đứa trẻ, thiếu tầm nhìn chiến lược” và nó giống như một ngọn lửa giả, sẽ không kéo dài.
Các lệnh trừng phạt đối với bông Tân Cương bắt nguồn từ chính phủ cựu TT Trump của Hoa Kỳ, và nhắm vào các vi phạm nhân quyền của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Cho dù lượng tin tức lớn trong người dân hay báo cáo chính thức đều cho thấy rất rõ Trung Cộng đã tăng cường đàn áp dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong những năm gần đây, bao gồm các hình thức: giam giữ quy mô lớn khoảng 1 triệu người, các chương trình cưỡng chế cải tạo bắt buộc, và giám sát có tính xâm phạm cao, đàn áp tôn giáo, cưỡng chế phụ nữ triệt sản và cưỡng bức lao động.
Vào tháng 7 năm ngoái, chính phủ của ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Cộng đương nhiệm hoặc tiền nhiệm ở Tân Cương, Trung Quốc, với lý do họ “vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.”
Vào tháng 12 năm ngoái, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với bông và các sản phẩm bông được xuất cảng bởi “Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương” của quân đội Trung Cộng. Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương là một tổ chức chuẩn quân sự (nửa quân sự) làm kinh tế trực thuộc Trung Cộng.
Vào tháng Một năm nay, chính phủ Trump đã cấm hoàn toàn việc nhập cảng bông và các sản phẩm từ cà chua được sản xuất ở Tân Cương vì lo lắng rằng chúng được sản xuất bởi những người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động trong các trại giam của Trung Cộng. Theo luật của Quốc hội, chính phủ Trump xác định rằng chính quyền Trung Cộng đã phạm “tội ác diệt chủng và chống lại loài người” vì đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vào tháng Hai, Quốc hội Canada và Hà Lan lần lượt thông qua các đề nghị, khẳng định rằng các hoạt động của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương là “hành động diệt chủng.”
Vào tháng Ba, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh công bố lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức Trung Cộng và một công ty ở Tân Cương vì đã vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Cho đến nay, Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc và New Zealand sau đó đã đưa ra các tuyên bố trừng phạt hoặc lên án các quan chức và tổ chức, cơ quan của Trung Cộng.
Sau đó, Trung Cộng chính thức tuyên bố phản công lệnh trừng phạt và trừng phạt 10 thành viên của Nghị viện và học giả Âu Châu.
Các công ty nước ngoài biến thành bánh quy kẹp nhân, hai bên khó lòng mà thương thảo được
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết trong một văn bản trả lời Đài tiếng nói Hoa Kỳ hôm thứ Năm (25/03): “Nói chung, khi xu thế chính trị hóa kinh doanh tiếp tục gia tăng, ngày càng nhiều công ty châu Âu đang đối mặt với tình thế khó khăn tiến thoái lưỡng nan. Một mặt dư luận châu Âu yêu cầu các công ty phải thể hiện rõ là có nguyên tắc trách nhiệm với xã hội. Nhưng mặt khác, nếu (các công ty) thể hiện ra phương diện có trách nhiệm và bảo đảm rằng chuỗi cung ứng không bị chỉ trích, họ sẽ bị coi là có thái độ chống Trung Quốc (Trung Cộng), và lại vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân Trung Quốc.”
Các quan chức Trung Cộng và thậm chí một số nhóm doanh nghiệp nước ngoài đã đánh đồng lẫn lộn Trung Cộng với người dân Trung Quốc, họ nghĩ rằng bất cứ ai muốn Trung Cộng phải gánh chịu trách nhiệm cũng tương đương với việc chống lại Trung Quốc.
Ví dụ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, bà Hoa Xuân Oánh, đã nói trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Năm (25/3) rằng không cho phép người nước ngoài “ăn cơm của Trung Quốc lại đập vỡ bát của Trung Quốc.” Đồng thời, đối với lần tẩy chay các công ty nước ngoài do Trung Cộng tổ chức này, bà nói là “Người dân Trung Quốc cũng có quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình cũng như bày tỏ cảm xúc của mình.”
Ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại của Ủy ban Trung ương Trung Cộng, cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong cuộc gặp Trung Quốc-Hoa Kỳ tại Alaska vào tuần trước. Ông nói: “Đại đa số các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc nói rằng môi trường kinh doanh ở Trung Quốc rất tốt, và không ai ép buộc họ ở lại Trung Quốc. Họ nhìn thấy lợi nhuận ở Trung Quốc và họ nhìn thấy những cơ hội to lớn ở Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến họ ở lại Trung Quốc.”
Ông Steve Bestow, một nhân viên truyền thông cao cấp của Hoa Kỳ, đã viết trên trang web “American Spectator” (Người quan sát Hoa Kỳ) vào thứ Hai (22/3), đề nghị rằng nếu muốn Trung Quốc nghiêm túc đối đãi với chính phủ Biden, ông Biden cần có một chính sách mạnh mẽ và chặt chẽ nhất quán, bao gồm cả luật yêu cầu các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc cấm sử dụng các sản phẩm do những người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động làm ra trong chuỗi cung ứng của mình, áp dụng các mệnh lệnh tương tự với những gì chính phủ Trump ban hành trước khi mãn nhiệm, và xem xét các áp dụng chính sách tương tự như các chính sách áp thuế thực chất của ông Trump, bởi vì Trung Cộng chỉ sợ những up hiếp thực chất, Hoa Kỳ chỉ có thể tin tưởng vào những lời hứa đáng tin cậy.
Các công ty nước ngoài bị tẩy chay nói gì?
Cư dân mạng Trung Quốc đã chĩa mũi nhọn vào “Kế hoạch Bông tốt hơn,” của Tổ chức Quốc tế thúc đẩy sản xuất bông bền vững (BCI). Tổ chức này đã tuyên bố vào tháng 10 năm ngoái rằng việc tiến hành các hoạt động thẩm tra ngày càng trở nên khó khăn do các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, và tổ chức này đã đình chỉ việc cấp giấy chứng nhận nguyên liệu bông cho niên vụ 2020-2021 của Tân Cương.
Các sản phẩm và nguyên liệu đã đạt chứng nhận của BCI phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền lợi người lao động. Các thành viên của BCI còn có Nike, Adidas, H&M và Hệ thống bán lẻ nhanh (Fast Retailing) của Nhật Bản.
Sau đây là thông tin chi tiết về hoạt động của một số công ty thời trang nước ngoài tại Trung Quốc do Reuters đưa tin.
Inditex
Theo báo cáo thường niên của công ty Tây Ban Nha Inditex, công ty có 337 cửa hàng ở Trung Quốc đại lục-trong số đó có 141 cửa hàng là của thương hiệu hàng đầu Zara, thương hiệu này đã mở cửa hàng lớn nhất ở châu Á tại khu phố Vương Phủ Tỉnh của Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái.
Theo trang web của công ty này, họ thu mua từ 477 nhà cung cấp và quản lý 2,318 nhà máy ở Trung Quốc.
Công ty cho biết đến năm 2025, 100% bông của họ sẽ là hữu cơ, có thể tái chế và được mua thông qua BCI.
H&M
Công ty Thụy Điển H&M có 505 cửa hàng ở Trung Quốc.
Trong giai đoạn 12 tháng kể từ tháng 11/2019 đến 11/2020, Trung Quốc là thị trường lớn thứ tư của H&M, với doanh thu 9.75 tỷ krona Thụy Điển (SEK).
Theo trang web của H&M, Trung Quốc và Bangladesh là thị trường sản xuất hàng may mặc lớn nhất của H&M. Theo dữ liệu trên trang web của mình, nhà bán lẻ này sở hữu hoặc có liên hệ hợp đồng với hơn 1,300 nhà máy trong hai nước này.
H&M đã tuyên bố rằng sau khi BCI cắt đứt liên kết với Tân Cương vào 10/2020, bông của họ sẽ không còn được mua từ Tân Cương nữa.
Vào thứ Năm, H&M đã rút lại tuyên bố gây ra cuộc tẩy chay, vốn đã được đưa ra từ rất lâu.
Nike
Trong báo cáo tài chính của mình, Công ty Hoa Kỳ Nike cho biết rằng trong quý đầu tiên kết thúc vào tháng Hai, doanh thu tại Trung Quốc đại lục đã tăng 51%, với tổng doanh thu đạt 2.28 tỷ USD.
Một tuyên bố trên trang web của Nike nói rằng họ không tìm nguồn bông từ Tân Cương, nhưng “việc truy ngược lại để tìm nguồn gốc nguyên liệu là một lĩnh vực luôn luôn được quan tâm.”
Adidas
Công ty Adidas của Đức cho biết trong báo cáo thường niên năm 2020 rằng doanh thu ròng tại Trung Quốc (không bao gồm Reebok) là 4.3 tỷ euro và tổng doanh thu là 18.4 tỷ euro.
Theo báo cáo hàng năm, 15% giày dép, 20% quần áo và 36% phụ kiện và thiết bị như bóng và túi của Adidas được sản xuất tại Trung Quốc.
Trong báo cáo tác động xã hội năm 2020, công ty tuyên bố rằng họ đã kêu gọi các nhà cung cấp ngừng mua sợi bông từ Tân Cương, đồng thời ủng hộ quyết định của BCI cắt đứt liên kết với Tân Cương, đồng thời tuyên bố rằng tập đoàn này là nguồn bán bông chính.
Bán Lẻ Nhanh (Fast Retailing)
Fast Retailing của Nhật Bản có khoảng 800 cửa hàng Uniqlo ở Trung Quốc đại lục, tương đương với số lượng cửa hàng tại thị trường quê hương Nhật Bản. Công ty này cho biết trong quý IV năm 2020, lợi nhuận của họ tại Trung Quốc đại lục đã tăng lên đáng kể.
Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/8/2020, doanh thu của công ty này tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan là 455.9 tỷ yên (4.1 tỷ đô la Mỹ), chiếm 22% tổng doanh thu.
Trang web của Fast Retailing cho biết, hơn một nửa số nhà máy sản xuất vải và xưởng may của hãng được đặt tại Trung Quốc.
Fast Retailing tuyên bố rằng không có sản phẩm Uniqlo nào được sản xuất ở Tân Cương, cũng như không có đối tác sản xuất nào mua vải từ các nhà máy dệt ở Tân Cương.
MUJI
Muji của Nhật Bản có tổng cộng 975 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó có 275 cửa hàng ở Trung Quốc đại lục.
MUJI cho biết các cửa hàng Trung Quốc của họ sẽ tiếp tục bán các sản phẩm bông Tân Cương. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Cộng hôm thứ Năm cho biết đại diện của MUJI tại Trung Quốc nói rằng họ đã sử dụng bông Tân Cương trong một nỗ lực nhằm vạch rõ ranh giới với các thương hiệu nước ngoài khác đang bị tẩy chay.
Công ty cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ lo ngại về các báo cáo về lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử ở Tân Cương.
Gần đây, họ đã tiến hành thẩm tra đối với các nhà máy ở Tân Cương và chuỗi cung ứng của họ không liên quan trực tiếp đến các nhà máy ở Tân Cương. Đồng thời, họ cũng ủy nhiệm một nhóm kiểm tra độc lập để thực hiện thẩm tra thực tế.
Do Ye Ziwei thực hiện
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: