Mọi thứ quý vị cần biết về vụ rò rỉ phòng thí nghiệm
Từ năm 2014 đến 2019, tiền thuế của người dân Hoa Kỳ đã được chuyển đến Viện Virus học Vũ Hán thông qua tổ chức EcoHealth Alliance. Trước thực tế rằng các nhà khoa học Hoa Kỳ có chuyên môn về virus học cao hơn nhiều so với các khoa học gia Trung Quốc, điều này đặt ra một câu hỏi rõ ràng: tiền thuế của Hoa Kỳ đã chi trả cho loại nghiên cứu nào ở Vũ Hán, Trung Quốc? Tuyên bố đáng ngạc nhiên của Tiến sĩ Fauci trong một cuộc phỏng vấn có thể cung cấp câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này: “Quý vị không muốn đến Hoboken, New Jersey hoặc Fairfax, Virginia để nghiên cứu sự tiếp xúc giữa giữa người và dơi vốn có thể dẫn đến bùng phát một dịch bệnh, vì vậy quý vị đến Trung Quốc thôi.”
Với những gì mà chúng ta đã phải chịu đựng trong ba năm qua, bình luận “vì vậy quý vị đến Trung Quốc thôi” của ông Fauci cho thấy rằng ông đã không xét đến những tác động toàn cầu của việc một loại virus corona có khả năng lây truyền cao rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc chứa đầy các vấn đề nghiêm trọng về an toàn.
Thay vì sẵn lòng thừa nhận rằng bản thân ông, cùng với EcoHealth Alliance, và các cộng tác viên Trung Quốc của họ, là những nghi phạm của một trong những tội ác lớn nhất chống lại nhân loại, ông Fauci đã chọn âm mưu với cấp trên của mình, ông Francis Collins, để tuyên bố “rò rỉ phòng thí nghiệm” là một “âm mưu phá hoại” phải bị “dập tắt.” Đáng buồn thay, rõ ràng là ngay từ đầu, hai nhà khoa học lỗi lạc này đã có quyết định của mình về nguồn gốc của virus mà không có bằng chứng nào từ cả hai phía của cuộc tranh luận.
Tệ hơn nữa, do lo sợ các lệnh trừng phạt nhắm vào sự nghiệp cả đời của mình, các nhà khoa học nổi tiếng, vốn dựa vào ông Fauci để tài trợ cho nghiên cứu của họ, đã tập trung lại để ủng hộ cho lập trường “phản đối giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm.” Một trong những tập san khoa học danh giá, tạp chí Science, với sự thiên vị chính trị ngày càng trở nên rất rõ ràng, đã cố gắng tạo nên tính hợp pháp cho quan điểm của ông Fauci bằng cách xuất bản một bài báo từ các tác giả tuyên bố có “bằng chứng quyết định” cho thấy SARS-CoV-2 đã xuất hiện từ một loài động vật ở chợ Vũ Hán. Bài báo này được cho là đã “đập tan” giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, mặc dù vẫn để ngỏ rất nhiều không gian để tranh luận.
Tin tốt là Big Tech (các đại công ty công nghệ), các tập san khoa học, và hầu hết các nguồn tin tức truyền thông đã buộc phải ngừng kiểm duyệt bằng chứng đối lập khi những bằng chứng này đạt đến một lượng lớn đến mức không thể kiểm duyệt được nữa và bắt đầu tràn vào phạm vi công cộng. Nhưng khác xa với một “âm mưu”, có rất nhiều bằng chứng cho thấy chắc chắn rằng SARS-CoV-2 là một loại virus đã được tạo ra và lây lan từ một phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán. Trước khi đi vào bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 đã được tạo ra và rò rỉ từ một phòng thí nghiệm, chúng ta hãy bắt đầu một cuộc tranh luận xung quanh “bằng chứng quyết định” rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên và xuất hiện từ chợ hải sản Vũ Hán.
‘Giả thuyết nguồn gốc từ chợ’ dựa trên bốn tiền đề gây tranh cãi
Toàn bộ “bằng chứng quyết định” về nguồn gốc từ chợ do Tiến sĩ Fauci và những người khác viện dẫn có thể được gói gọn như sau: 1) các ca nhiễm “đầu tiên” được cho là đã sinh sống gần khu chợ này, 2) các chủng SARS-CoV-2 “đầu tiên” được cho là có liên quan đến khu chợ này, 3) các loài động vật hoang dã dễ lây nhiễm COVID-19 đã được bày bán tại chợ này, và 4) các mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã được tìm thấy ở môi trường xung quanh khu chợ này và được cho là “có liên quan đến các ca nhiễm ở người.” Đối với nhiều tiền đề vừa nêu, với một số tiền đề trong số đó sẽ được thảo luận tại đây, không có bất kỳ bằng chứng nào trong số này đạt đến mức gần như mang tính “quyết định” hết. Đây là lý do tại sao những người đánh giá đã buộc các tác giả phải loại bỏ cụm từ “bằng chứng quyết định” như một yêu cầu để xuất bản.
Các ‘ca nhiễm đầu tiên’ có thực sự sinh sống gần khu chợ này không?
Bài báo trên tạp chí Science đã dựa vào một báo cáo chung giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc để xác định “các ca nhiễm đầu tiên” là các ca nhiễm xảy ra vào hồi tháng 12/2019. Tuy nhiên, báo cáo chung WHO-Trung Quốc này cũng nêu rõ: “Dựa trên dữ liệu về trình tự phân tử, các kết quả cho thấy đợt bùng phát này có lẽ đã bắt đầu tại một thời điểm nào đó trong những tháng trước trung tuần tháng 12/2019.”
Tuyên bố này có vẻ phù hợp hơn với bằng chứng khác cho rằng đại dịch này đã bắt đầu trước tháng 12/2019. Các cuộc trao đổi khẩn cấp từ các cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc lưu hành tại Viện Virus học Vũ Hán vào tháng 11/2019 đã báo cáo về một “tình huống phức tạp và nghiêm trọng” tại phòng thí nghiệm này. Liệu “tình huống nghiêm trọng” đó có phải là khởi điểm của một “vụ rò rỉ” SARS-CoV-2 “từ phòng thí nghiệm” diễn ra trong thực tế, vài tuần trước khi phần còn lại của thế giới biết về đại dịch sắp xảy ra không?
Ngoài ra còn có nhiều bản tin từ các hãng thông tấn Trung Quốc và thậm chí cả tập san uy tín Lancet cũng ghi nhận rằng, các ca nhiễm đầu tiên đã xảy ra từ trước tháng 12/2019, cũng như bằng chứng dựa trên phòng thí nghiệm về sự lây lan toàn cầu ngay từ đầu tháng 11/2019. Hơn nữa, chúng ta không nên cảnh giác trước sự thật rằng một nhóm do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc dẫn đầu đã nộp đơn đề nghị cấp bằng sáng chế cho vaccine COVID-19 từ tháng 02/2020 (3 tháng sau tháng 12/2019, thời điểm mà bài báo trên tạp chí Science xem là thời gian đại dịch bùng phát lần đầu tiên) hay sao?
Nếu các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên thực sự xảy ra vào tháng 12/2019, thì điều này đồng nghĩa với việc các nhà nghiên cứu quân sự thiếu kinh nghiệm của Trung Quốc bằng cách nào đó đã xoay xở để sản xuất ra được một loại vaccine COVID-19 dựa trên phương pháp truyền thống, kém hiệu quả hơn, chỉ trong vòng hơn một tháng. Để so sánh, đại công ty bào chế vaccine Pfizer đã mất khoảng 9 tháng để sản xuất vaccine của họ dựa trên phương pháp mRNA hiệu quả hơn. Việc xác định một cách chính xác đúng ngày đại dịch bắt đầu sẽ cho phép chúng ta đánh giá được dữ liệu về “các ca nhiễm đầu tiên” có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Nếu bằng chứng đối lập là đúng và người ta đã bỏ sót hoặc phớt lờ các ca nhiễm trước tháng 12/2019, thì một bộ dữ liệu bắt đầu từ tháng 12/2019 rất có thể sẽ dẫn đến những kết luận đầy sơ hở về nguồn gốc đại dịch.
‘Các chủng virus đầu tiên’ có thực sự liên quan đến khu chợ này không?
Có lẽ bằng chứng rõ ràng nhất về việc che đậy hiện trường tội ác, là việc các nhà khoa học Trung Quốc lặng lẽ xóa bỏ ít nhất 13 trình tự gene đại diện cho các chủng SARS-CoV-2 sớm nhất khỏi cơ sở dữ liệu công cộng. Không có bất kỳ lý do chính đáng nào để làm như thế. May mắn thay, các tập dữ liệu này đã được sao lưu trước khi bị xóa bỏ, cho phép Tiến sĩ Jesse Bloom là người đầu tiên truy xuất các dữ liệu này từ Google Cloud và phân tích chúng.
Đây là bằng chứng cho thấy, bài báo trên Science mà nhiều người tuyên bố là đã “đập tan” giả thuyết về sự rò rỉ từ phòng thí nghiệm này, khó có thể đại diện đầy đủ cho các chủng virus lây lan khi mới bắt đầu đại dịch. Thêm vào ẩn đố đó, một trong những người chấp bút cho bài báo trên Science này đã tìm cách uy hiếp Tiến sĩ Bloom để ông không công bố những phát hiện của mình. Nếu bằng chứng về một nguồn gốc tự nhiên của SARS-CoV-2 là mang tính “quyết định” đến thế, thì sao lại có người cảm thấy cần phải kiểm duyệt một chuyên gia như Tiến sĩ Bloom?
Những loài vật dễ nhiễm bệnh COVID-19 đã được bày bán ở khu chợ này nhưng không xét nghiệm ra kết quả dương tính nào
Một số động vật được buôn bán ở khu chợ này đã bị nhiễm SARS-CoV-2 qua thí nghiệm thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc được xem là dễ bị nhiễm về mặt lý thuyết dựa trên sự hiện diện của các thụ thể tương thích. Tuy nhiên, báo cáo của WHO-Trung Quốc nêu trên tiết lộ rằng không có mẫu nào trong số 457 mẫu xét nghiệm lấy từ 188 con vật tại khu chợ này cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Một lời chỉ trích về những kết quả âm tính này cho rằng các nhà điều tra đã lấy “không đủ số mẫu xét nghiệm cần thiết” ở khu chợ đó. Đại dịch SARS-CoV-1 năm 2003–2004 lan rộng khắp thế giới gây ra khoảng 8,000 ca nhiễm được ghi nhận, dẫn đến khoảng 800 ca tử vong. Các nhà khoa học Trung Quốc đã ngay lập tức được điều động và trong vòng vài tháng đã phát hiện ra một loại virus giống hệt xuất hiện tự nhiên ở các con cầy hương được bày bán ở các chợ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ba năm sau, giờ đây, hàng ngàn con vật nữa đã được lấy mẫu, thêm hàng triệu trình tự gene đã được phân tích, và vẫn chưa có thứ gì gần giống như SARS-CoV-2 được phát hiện trong tự nhiên. Tại sao vậy?
Các mẫu kiểm định môi trường dương tính được tìm thấy ở khu chợ này đã được lấy quá muộn để có thể suy luận ra nguồn gốc của virus
Người ta đã phát hiện ra các mẫu kiểm định môi trường dương tính với SARS-CoV-2 tại khu chợ này. Tuy nhiên, các mẫu đó đã được lấy từ tháng 01 đến tháng 03/2020. Đến tháng 01/2020, dịch bệnh này có thể đã lây lan ở Vũ Hán hơn một tháng, và đã lan rộng ra toàn cầu, vì vậy chúng ta có thể suy ra bao nhiêu từ những mẫu này — vốn được lấy từ khu chợ buôn bán đông đúc đó vài tuần sau khi đại dịch bắt đầu? Trên thực tế, chính những người chịu trách nhiệm thu thập các mẫu này đã kết luận, “Khu chợ này có thể đã đóng một vai trò như một bộ khuếch tán do lưu lượng khách đến mỗi ngày cao.”
Nói cách khác, những người nhiễm bệnh rất có thể đã vào khu chợ đông đúc này và lây lan virus đó. Điều đáng chú ý là nhiều mẫu xét nghiệm dương tính đến từ các sạp hàng bán “các sản phẩm thủy sản,” hải sản, và rau quả. Không có sản phẩm nào trong số này có thể là một nguồn lây nhiễm tự nhiên của SARS-CoV-2. Trên thực tế, báo cáo WHO-Trung Quốc kể trên đã kết luận rằng nhiều mẫu kiểm định môi trường phản ánh “nhiễu từ các ca bệnh” (tức là những người bị nhiễm bệnh) do mức độ lây lan rộng khắp của virus này vào thời điểm đó.
Sau đây là một đánh giá về một số bằng chứng gián tiếp và dựa trên phòng thí nghiệm ủng hộ cho giả thuyết “rò rỉ phòng thí nghiệm.” Hy vọng rằng phân tích này sẽ đặt nền tảng cho việc thảo luận trung thực, có ý nghĩa, đem đến một nhận thức đúng đắn về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Nếu chúng ta không thể trung thực, thì làm sao chúng ta có thể giảm thiểu khả năng điều này xảy ra một lần nữa?
Các chủng SARS-CoV-2 đầu tiên thích nghi với con người một cách bất thường
Giả thuyết “nguồn gốc tự nhiên” cho rằng hồi tháng 12/2019, SARS-CoV-2 đã lây từ động vật sang người. Một loại virus vừa mới lây từ động vật sang người như vậy không nên liên kết với các tế bào người với xu hướng tương thích cao hơn so với các tế bào của động vật chủ đó. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của đại dịch, phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Nikolai Petrovsky đã có một khám phá đáng kinh ngạc rằng các chủng SARS-CoV-2 được công chúng biết đến sớm nhất đã thích nghi với con người một cách bất thường.
Trên thực tế, những chủng này cho thấy xu hướng tương thích cao nhất đối với các thụ thể tế bào người so với các thụ thể từ dơi, tê tê, và khoảng 11 loài động vật khác được biết là có thể mang virus corona. Hồi tháng 08/2020, Tiến sĩ Petrovsky đã gửi nghiên cứu quan trọng này cho một tập san hàng đầu, tạp chí Nature. Đây là một minh chứng nghiêm trọng về sự kiểm duyệt khi Nature đã trì hoãn xuất bản bài nghiên cứu này cho đến tận tháng 06/2021, tương ứng với thời điểm mà Tiến sĩ Fauci rốt cuộc đã thừa nhận rằng một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm có thể là nguyên nhân khởi phát đại dịch này.
Có động lực tài chính và phương pháp sẵn có để tạo ra các loại virus gây ra đại dịch
Một đề xướng tài trợ (pdf) bị từ chối được gửi tới Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tân tiến (DARPA) năm 2018 — mà các cộng tác viên của Liên minh EcoHealth và Viện Virus học Vũ Hán (WIV) là một bên tham gia — cung cấp cho chúng ta đủ thông tin để tìm ra động cơ và phương pháp có khả năng đã tạo ra SARS-CoV-2. Mục tiêu chính của khoản tài trợ này là tạo ra một “kho đầy đủ” các loại virus corona giống SARS được lấy từ một số hang dơi ở Trung Quốc.
Điều xảy ra sau đó là một phiên bản quy trình làm việc được đơn giản hóa do các nhà nghiên cứu đề xướng: 1) thêm các protein gai từ các virus corona trên dơi mới này vào lõi của một virus corona giống SARS trên dơi đã được miêu tả đặc trưng trước đó, và chèn các biến đổi gene vào các protein gai để tăng khả năng lây nhiễm nếu cần, 2) lây nhiễm các loại virus nhân tạo này cho chuột “nhân bản hóa” (chuột được cấy ghép để mang gene, tế bào, hoặc mô của người) 3) tìm ra để đánh dấu các virus chimera (virus lai tạp) có khả năng lây nhiễm sang những con chuột thí nghiệm này như các chủng gây đại dịch tiềm ẩn, và 4) chuẩn bị vaccine protein “gai” từ các chủng gây đại dịch tiềm ẩn này và sử dụng chúng để “chích ngừa” cho dơi trong hang động (Hình 1).
Các tác giả của đề xướng DARPA kể trên đã thảo luận về tầm quan trọng của việc phân tách protein gai bằng các enzyme của người, chẳng hạn như furin, đối với khả năng lây lan tối ưu và trở thành các chủng đại dịch của virus corona. Đáng chú ý, họ đã đề nghị chèn “các vị trí phân cắt dành riêng cho người” (ví dụ: vị trí phân cắt furin, furin cleavage site, hay FCS) vào các protein gai mà thiếu các vị trí phân cắt chức năng này và sau đó “đánh giá tiềm năng phát triển” của các virus đã qua chỉnh sửa này trong tế bào người.
Họ còn đề nghị sửa đổi các vị trí phân cắt ở các loại virus giống SARS có nguy cơ thấp và mức độ phổ biến cao lấy từ các hang dơi của Trung Quốc. Những nghiên cứu này chính xác là loại công việc có thể vô tình hoặc cố ý tạo ra virus gây ra đại dịch. Mặc dù đề xướng này nêu rõ rằng công việc nghiên cứu virus dạng chimera sẽ được thực hiện tại Đại học North Carolina, nhưng ông Fauci đã thừa nhận: “Tôi không thể bảo đảm cho mọi thứ đang diễn ra trong phòng thí nghiệm Vũ Hán đó, chúng tôi không thể làm điều đó.” Hơn nữa, bất cứ khi nào một đề xướng lớn như vậy (tức là một yêu cầu trị giá 14 triệu USD) được gửi đi, thì một phần lớn công việc sẽ được thực hiện trước đó nhằm cung cấp “bằng chứng về khái niệm” cần thiết để thuyết phục những người đánh giá.
Vị trí phân cắt furin độc nhất trong SARS-CoV-2 là bằng chứng của việc chỉnh sửa gene
Nhiều loại virus corona tự nhiên có chứa FCS, vậy tại sao FCS trong SARS-CoV-2 lại đáng ngờ đến vậy? Câu trả lời là bộ gene của hàng ngàn loại virus corona từ hàng trăm loài động vật khác nhau đã được giải trình tự, và rõ ràng là chỉ những họ hàng xa của SARS-CoV-2 mới có FCS (xem Hình 1A, Bảng 1)
Họ hàng gần nhất được biết đến của SARS-CoV-2, một loại virus corona trên dơi tên là RaTG13, có khả năng cùng lắm là lây nhiễm yếu vào tế bào người và không có FCS. SARS-CoV là họ hàng khác của SARS-CoV-2, và giống như tất cả các loài họ hàng đã biết khác, cũng không có FCS. Không có FCS, SARS-CoV-1 đã lan rộng khắp thế giới vào năm 2003–2004 nhưng đã biến mất sau khi lây nhiễm cho khoảng 8,000 người. Một so sánh về đoạn acid amin ngắn trong protein gai cho thấy rõ ràng FCS bị thiếu trong các loài họ hàng SARS-CoV-2 này (Hình 2).
Mã gene độc nhất của vị trí phân cắt furin ở SARS-CoV-2 là bằng chứng của việc chỉnh sửa gene
Ở các loại virus corona, cấu tạo chi tiết để tạo ra các protein như các protein gai bề mặt cần thiết cho sự lây nhiễm đều nằm trong bộ gene RNA của virus. Trình tự bộ gene cụ thể mã hóa vị trí phân cắt furin (FCS) ngắn và vô cùng quan trọng trong protein gai của SARS-CoV-2 là: CCU CGG CGG GCA CGU. Mỗi đoạn mã gồm ba chữ cái (gọi là codon) quy định acid amin cụ thể được sử dụng để xây dựng FCS. Do đó, CCU mã hóa “P” (đối với proline), CGG mã hóa “R” (đối với arginine), GCA mã hóa “A” (đối với alanine), và CGU cũng mã hóa “R.”
Như quý vị có thể thấy, có sự dư thừa trong mã gene này (ví dụ: có sáu codon khác nhau mà virus có thể sử dụng để mã hóa arginine). Tính năng kỳ lạ của FCS ở SARS-CoV-2 là các codon CGG kép này. Trên thực tế, CGG là một trong những codon hiếm nhất trong các loại virus corona ở người, nhưng lại có hai mã nằm ngay cạnh nhau trong FCS, một trong những chuỗi quan trọng nhất trong toàn bộ 29,903 “chữ cái” tạo nên bộ gene SARS-CoV-2 này.
Trên thực tế, đây là hai codon CGG duy nhất trong số 3,822 “chữ cái” mã hóa protein gai của SARS-CoV-2, và chúng là trường hợp duy nhất của bộ đôi CGG-CGG trong bất kỳ họ hàng gần nhất nào của SARS-CoV-2. Đáng chú ý, một FCS giàu arginine giúp tăng cường khả năng lây nhiễm tế bào của virus corona. Tại thời điểm này, không có gì đáng ngạc nhiên khi các codon CGG là mã ưa thích của các kỹ sư gene, những người muốn tạo ra một loại protein có chứa arginine trong tế bào người. Thật khó để phủ nhận rằng CGG-CGG trong SARS-CoV-2 FCS là bằng chứng “không thể chối cãi” về việc động chạm đến gene.
Các vị trí phân cắt đáng ngờ trong bộ gene SARS-CoV-2 là bằng chứng của việc chỉnh sửa gene
Một phương pháp để tạo ra virus chimera là sử dụng các enzyme cắt bộ gene chuyên biệt có tên là “Endonuclease.” Endonuclease có thể được sử dụng để cắt bộ gene của virus ở những vị trí cụ thể, sau đó các mảnh này có thể được kết hợp lại một cách chiến lược để tạo ra virus chimera. Các vị trí cắt được phân bố ngẫu nhiên trong bộ gene của các virus tự nhiên, nhưng các vị trí cắt này có thể được các nhà khoa học chèn hoặc loại bỏ một cách chính xác để tạo ra các virus chimera trong phòng thí nghiệm. BsmBI và BsaI là hai ví dụ về endonuclease mà các đồng tác giả của khoản trợ cấp DARPA đã sử dụng trong nghiên cứu trước đây để tạo ra virus corona chimera.
Khi có mặt, sự phân bố của các vị trí cắt BsmBI và BsaI trong các virus vốn được phân lập từ tự nhiên (ví dụ: SARS-CoV-1) được phân bố ngẫu nhiên trong toàn bộ bộ gene. Trong khi đó, sự phân bố của các vị trí cắt ở SARS-CoV-2 dường như không ngẫu nhiên và gợi ý thao tác di truyền trong phòng thí nghiệm (Hình 3). Thật kỳ lạ, một nghiên cứu trước đây liên quan đến EcoHealth Alliance đã mô tả việc chèn hai vị trí cắt BsaI vào một loại virus corona trên dơi có tên là “WIV1” (hay nói cách khác, Viện Virus học Vũ Hán 1), cho phép các nhà khoa học thực hiện các thay đổi đối với protein gai (xem Hình S9. Chiến lược thay thế đột biến).
Có thể tìm thấy hai vị trí phân cắt BsaI trong bộ gene của SARS-CoV-2 (Hình 3) ở cùng vị trí với các vị trí phân cắt BsaI được thiết kế chèn thêm vào WIV1 hồi năm 2017. Không thể phóng đại khả năng xảy ra sự trùng hợp hiếm có này. Theo các tác giả, “Các vị trí BsaI hoặc BsmBI đã được đưa vào [gai]. Sau đó, bất kỳ gai nào cũng có thể được thay thế vào bộ gene của [WIV1 được thiết kế trong phòng thí nghiệm] thông qua chiến lược này.” Chiến lược tương tự cũng có thể đã được sử dụng để xây dựng thứ sẽ trở thành bộ gene của SARS-CoV-2.
Bằng chứng gián tiếp mạnh mẽ ủng hộ giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm
Ba năm sau đại dịch hiện tại này, mặc dù có hàng ngàn động vật đã được lấy mẫu và hàng triệu trình tự gene đã được phân tích, nhưng vẫn không có gì gần với SARS-CoV-2 được phát hiện trong tự nhiên. Hoàn toàn trái ngược với giai đoạn 2003–2004, thái độ ban đầu của Trung Quốc đối với COVID-19 là làm “biến mất” các nhà khoa học và ký giả, che đậy, và đổ lỗi nguyên nhân gây ra đại dịch cho mọi thứ từ Quân đội Hoa Kỳ cho đến cá đông lạnh nhập cảng. Đây chính xác là loại hành vi mà quý vị có thể đoán được là từ một bên có tội.
Không ai (ngoại trừ chính quyền Trung Quốc không trung thực) từng phủ nhận rằng tâm chấn của đại dịch COVID-19 là Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng một đợt bùng phát bùng nổ như vậy bắt nguồn từ chợ Vũ Hán là bao nhiêu? Đây chỉ là một khu chợ trong số khoảng 40,000 khu chợ nằm rải rác khắp Trung Quốc, và khu chợ này tình cờ cách một phòng thí nghiệm mà vào năm 2017 đã trở thành phòng thí nghiệm virus học bảo mật cao đầu tiên ở Hoa lục.
Ở đây, một lập luận phản bác rằng SARS-CoV-1 là một sự lây lan tự nhiên từ một khu chợ, vì vậy đã có tiền lệ [cho nguồn gốc tự nhiên]. Tuy nhiên, ngay cả với virus SARS-CoV-1 vốn ít lây truyền hơn nhiều, thì không lâu sau khi virus này được đưa vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu, rốt cuộc virus cũng đã bị “rò rỉ” với hậu quả gây tử vong.
Nguồn gốc của SARS-CoV-2 là câu hỏi quan trọng nhất của đại dịch này, với những hệ lụy mở rộng theo cấp số nhân vượt xa khỏi việc giành được lợi thế về mặt chính trị. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, ngay cả tạp chí Nature cũng đã cảnh báo về vai trò ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc trong nghiên cứu y sinh bí mật ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ba năm sau, tất cả những gì chúng ta có là sự che đậy từ Trung Quốc và ông Fauci và thậm chí là không có bất cứ thứ gì gần với một tổ tiên tự nhiên của SARS-CoV-2. Trong suốt đại dịch này, người ta cứ lặp đi lặp lại những cụm từ sáo rỗng như “Hãy tuân theo khoa học” mà không thực sự tuân theo khoa học. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau làm điều đó, “Hãy tuân theo khoa học” (và logic), bởi vì bằng chứng di truyền cũng như bằng chứng gián tiếp cho giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm là điều mà bất kỳ người có lý trí nào cũng không thể phủ nhận.
Theo Viện Brownstone
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times