Mọi lúc mọi nơi, lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ
Phản ứng tài chính trong cuộc suy thoái COVID-19 là chưa từng có. Việc Đạo luật CARES được thông qua đã bơm hơn 2 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế. Đạo luật CARES II rất có thể sẽ giữ vững đà này.
Tuy nhiên, để gói kích thích tài chính có thể phát huy tác dụng thúc đẩy sự hồi sinh non yếu này như dự kiến, chính phủ cần có người ứng cứu (white knight). Người đó mang hình dáng của Jerome Powell, chủ tịch ngân hàng trung ương quốc gia chúng ta — Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Nếu Fed không sẵn sàng hấp thụ hết những trái phiếu chính phủ mới được ban hành ra để hỗ trợ cho khoản nợ quốc gia ngày càng lớn dần, thì tác động tài chính của Đạo luật CARES và có thể Đạo luật CARES II trong tương lai sẽ là vô nghĩa.
Không phải ngẫu nhiên khi doanh thu của chính phủ Hoa Kỳ tăng hơn 2 nghìn tỷ USD để tài trợ cho Đạo luật CARES, thì bảng cân đối của Fed cũng tăng một mức như vậy do họ mua lại tất cả các trái phiếu đó. Bằng chứng không thể nhầm lẫn này về sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tài chính và tiền tệ của chính phủ chúng ta đã minh chứng một cách hùng hồn thuật ngữ mà các nhà kinh tế học gọi là “tiền tệ hóa nợ công”. Một phép ẩn dụ thích hợp cho thuật ngữ này là “vận hành máy in”.
Trong bối cảnh vắng bóng áp lực lạm phát hiện nay, người ta có thể tự hỏi có gì sai trái khi giữ cho cỗ máy in tiền tiếp tục vận hành. Nếu chính phủ có thể hỗ trợ tài chính trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế cùng với sự hợp tác toàn diện và thậm chí kèm theo cả khích lệ từ Fed mà không có bất kỳ hậu quả tiêu cực nào, vậy thì tại sao không làm chứ?
Câu trả lời cho vấn đề này nằm ở sự khác biệt giữa ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, đúng là trong bối cảnh đất nước đang quay cuồng với những tác động kinh tế tàn khốc của đại dịch, chính phủ có thể chi tiêu thoải mái mà không khiến lạm phát quay đầu. Khi tỷ lệ thất nghiệp quá cao và các nhà đầu tư lo sợ về tương lai, việc bổ sung chi tiêu chính phủ đang bù trừ cho tiêu dùng tư nhân giảm đi. Mặc dù loại hình chi tiêu này thay thế loại hình chi tiêu khác, tổng tiêu dùng vẫn không đổi. Vì vậy, không có áp lực về giá cả. Tư duy ngắn hạn đó giải thích tại sao Fed sẽ tiếp tục cung cấp rượu cho bữa tiệc tiêu dùng của thị trường.
Tuy nhiên, về lâu dài, kịch bản sẽ thay đổi. Khi quá trình phục hồi tiếp tục và COVID-19 bắt đầu mờ đi trong tâm trí chúng ta, mọi người sẽ bắt đầu mở hầu bao. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm, và các nhà đầu tư nào nhìn ra được điều tuyệt diệu của mức lãi suất thấp kỷ lục này sẽ nhận thấy triển vọng cho các kế hoạch tốt nhất của mình.
Cuối cùng, khu vực tư nhân cũng tham gia cùng chính phủ trong bữa tiệc tiêu dùng, và giá cả sẽ bắt đầu tăng lên. Đó rất có thể là lúc Fed sẽ ngừng tài trợ cho bữa tiệc đó. Nhưng đến lúc đó, thường đã là quá muộn. Nhà kinh tế học vĩ đại và người đoạt giải Nobel Milton Friedman đã từng nói, “Mọi lúc mọi nơi, lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ”. Nhưng với tư cách là một học trò cũ của ông, tôi biết rằng giáo sư Friedman sẽ nói thêm rằng mối tương quan giữa tăng trưởng tiền tệ và tác động cuối cùng của nó lên giá cả là một mối quan hệ lâu dài và có khả năng biến đổi.
Nghiên cứu gần đây tại trường nghiên cứu kinh tế A. Gary Anderson tại Đại học Chapman đã chứng minh lời ông nói. Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đã có bốn giai đoạn mà tốc độ tăng trưởng hàng năm theo đơn vị tiền tệ, M2, vượt quá 13%.
Ví dụ, khi Thế chiến thứ hai sắp kết thúc, Fed đã hoảng sợ bởi những tác động tiêu cực đến nền kinh tế của việc chi tiêu quốc phòng giảm mạnh. Vì vậy, vào cuối năm 1944, Fed đã bắt đầu xả van, tăng M2 với tỷ lệ hàng năm đạt 20%. Lúc đầu, không có gì xảy ra cả, nhưng sáu quý sau (một năm rưỡi sau), lạm phát bắt đầu tăng, với mức tăng từ khoảng 2,5% lên gần 20% một năm sau đó.
Để chống lại cuộc suy thoái vào đầu những năm 1970, Fed đã tăng M2 lên gần 14%. Trong cơn say tiền tệ đó, giá cả thực sự đã giảm. Nhưng chín quý sau sau khi M2 bắt đầu tăng; lạm phát bắt đầu đi lên từ mức 3% trong quý 3 năm 1972 lên đến 12% vào cuối năm 1974. Quy luật này lặp lại như thể soi gương trong một chu kỳ giá cả tiền tệ khác vào giữa những năm 1970.
Chu kỳ thứ tư khi tăng trưởng M2 vượt quá 13% đã không xảy ra trong cuộc Đại suy thoái như nhiều người hoài nghi mà thực sự phải đợi đến năm 2020 trong những tháng đầu của đại dịch hiện tại. Nhưng khi nó xảy ra thì rất dữ dội, vì M2 đã tăng với tốc độ lên tới 20%.
Cho đến thời điểm này, cũng giống như tất cả các đợt kích thích tiền tệ cực đoan trước đây, giá cả vẫn không thay đổi. Nhưng chúng ta vẫn đang còn trong ngắn hạn. Một phương trình hồi quy mà ta đã ước tính từ năm 1970 đến thời kỳ hiện tại cho thấy rằng, độ trễ giữa ngắn hạn và dài hạn trung bình là chín quý. Độ trễ như vậy ám chỉ rằng lạm phát sẽ không xuất hiện cho đến cuối năm 2021 hoặc đầu 2022.
Liệu nỗi sợ hãi đó có ngăn cản Fed “vận hành máy in tiền?” Hầu như là không. Như một nhà kinh tế học vĩ đại khác của thế kỷ 20, John Maynard Keynes, đã nói, “Về lâu dài, tất cả chúng ta đều đã chết”.
James L. Doti là chủ tịch danh dự và giáo sư kinh tế tại Đại học Chapman.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.