Mối đe dọa tiềm ẩn: Nợ của chính phủ địa phương Trung Quốc
Vào cuối năm 2020, nợ chính phủ địa phương của Trung Quốc ở mức 3.97 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, con số này không bao gồm nợ tiềm ẩn, con số được cho là còn lớn hơn.
Cái gọi là “nợ tiềm ẩn” đến từ các tổ chức vay vốn, được chính phủ địa phương bảo lãnh. Các khoản vay này không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán, nhưng làm tăng nợ nần của chính phủ địa phương. Một xu hướng đáng lo ngại, khoản nợ này đã tăng gần gấp ba trong vòng 10 tháng qua. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs ước tính rằng các khoản vay ẩn tổng cộng là khoảng 8.2 ngàn tỷ USD, gần bằng một nửa GDP của Trung Quốc.
Trong nhiều năm, chính phủ trung ương đã gây áp lực buộc chính phủ địa phương phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, phần lớn trong số đó được tài trợ thông qua các công cụ thu xếp tài chính của chính phủ địa phương (LGFV). Giờ đây, cả các khoản nợ đã biết và nợ tiềm ẩn đều đã lên đến mức khủng hoảng và Bắc Kinh đã gợi ý rằng họ có thể cho phép một số LGVF rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Trong nỗ lực hạn chế nợ của chính phủ địa phương, một số tổ chức tài chính đang kết nối hệ thống của họ với Bộ Tài chính, cơ quan đang giám sát các LGFV. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ không còn cung cấp các khoản vay cho các tổ chức được chính phủ địa phương bảo lãnh tín dụng. Bắc Kinh cũng đang hạn chế việc bán trái phiếu [để vay mượn] của các chính phủ địa phương.
Để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, các cơ quan trung ương đã nói về việc phải minh bạch hơn. Tuy nhiên, ngoài khoản nợ tiềm ẩn của các chính phủ địa phương, Trung Quốc còn có khoảng 1 ngàn tỷ USD được gọi là các khoản nợ của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Đây là các khoản vay ngoại bảng từ các tổ chức phi ngân hàng, khó theo dõi và định lượng khi tính toán tổng số nợ công của Trung Quốc.
Các hoạt động mập mờ khác làm tăng thêm nợ nần nói chung của Trung Quốc là các sản phẩm quản lý tài sản và các sản phẩm đầu tư lợi suất cao, thường được sử dụng để tài trợ cho phát triển bất động sản. Bản thân các sản phẩm quản lý tài sản được bán dưới dạng rủi ro thấp, nhưng các khoản đầu tư thực tế bên trong thường có rủi ro cao, che lấp nguy cơ vỡ nợ—tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng thế chấp ở Hoa Kỳ. Do đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã hạn chế các sản phẩm quản lý tài sản đầu tư vào trái phiếu có xếp hạng dưới hạng AA.
Để tránh sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc, có thể đe dọa toàn bộ nền kinh tế, chính phủ đã áp đặt các hạn chế mới— được gọi là “ba lằn ranh đỏ”—vào tháng 08/2020. Thứ nhất, tỷ lệ nợ trên tài sản của một nhà phát triển bất động sản không được vượt quá 70%. Thứ hai, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá 100%. Và cuối cùng, các công ty bất động sản phải nắm giữ lượng tiền mặt ít nhất bằng các khoản nợ ngắn hạn của họ. Trừ khi một nhà phát triển đáp ứng ba tiêu chí này, họ không thể vay từ ngân hàng.
Những quy định và hạn chế mới này đã góp phần làm tăng việc sử dụng hệ thống [tín dụng] phi ngân hàng và các hệ thống tín dụng mập mờ khác, vốn vẫn nằm ngoài sự giám sát của chính phủ. Chính phủ địa phương tạo ra khoảng một phần ba doanh thu của họ thông qua việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản. Cuối cùng, việc vay nợ của các công ty bất động sản và chính phủ địa phương, thông qua tín dụng không được kiểm soát, đã khiến nợ công của Trung Quốc tăng vọt.
Các sản phẩm quản lý tài sản là một nguồn tài trợ đáng kể cho các LGFV, đặc biệt nếu chính phủ địa phương không thể vay vốn ngân hàng. Việc ngăn cản các sản phẩm quản lý tài sản đầu tư vào trái phiếu dưới tiêu chuẩn sẽ làm giảm nguồn tài chính và tính thanh khoản sẵn có cho các chính phủ địa phương, làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế của họ.
Viện dẫn rủi ro gia tăng do nợ—được chôn dấu dưới [danh nghĩa] là khoản nợ khác và che giấu khoản nợ khác —các quỹ hưu trí toàn cầu và các nhà đầu tư tổ chức đang rút khỏi trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ. Quỹ hưu trí lớn nhất trên thế giới, Quỹ đầu tư hưu trí của Chính phủ trị giá 1.75 nghìn tỷ USD của Nhật Bản, sẽ không còn mua các khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ của chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang phải chịu các hạn chế COVID-19, giảm thương mại toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu điện. Với sự bùng nổ của bong bóng bất động sản được dự đoán, nếu Evergrande, một trong những nhà phát triển lớn nhất, được phép vỡ nợ với khoản nợ 310 tỷ USD, nhiều chuyên gia tin rằng Bắc Kinh sẽ lựa chọn chi tiêu nhiều hơn để tránh sự sụp đổ kinh tế. Nếu đúng như vậy, thì chúng ta có thể mong đợi sự đàn áp đối với hoạt động tín dụng mập mờ sẽ mờ nhạt dần. Goldman thậm chí còn khuyến nghị chính phủ trung ương tăng hạn ngạch trái phiếu của các chính phủ địa phương, sử dụng nợ để tạo thanh khoản, để quản lý nợ hiện có.
Khuyến nghị này phù hợp với chiến lược kinh tế hiện tại của Trung Quốc, sử dụng nợ để trả nợ. Khoảng 60% trái phiếu do chính phủ địa phương phát hành không được sử dụng để đầu tư mới, mà là để trả nợ sẽ đáo hạn vào năm 2020 và 2021. Tương tự, Bắc Kinh gần đây tuyên bố sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay bằng cách tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới. và đầu tư vào mạng viễn thông, định vị vệ tinh, internet, hậu cần thông minh và vận tải.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: