Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan là quá ‘nguy hiểm’ không thể bỏ qua
HOA THỊNH ĐỐN – Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vi mạch bán dẫn máy điện toán toàn cầu đã nâng tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Đài Loan, quê hương của một số xưởng sản xuất vi mạch lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã không ngừng gia tăng gây hấn với Đài Loan, khiến cho nền độc lập và dân chủ của hòn đảo này trở nên quan trọng với phương Tây hơn bao giờ hết.
Theo tạp chí The Economist, Đài Loan hiện là “nơi nguy hiểm nhất hành tinh” do lo ngại về việc Trung Cộng sẽ sớm tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào hòn đảo này.
Bên cạnh các hệ lụy về chính trị và an ninh quốc gia, một kịch bản như vậy sẽ gây thương tổn cho nền kinh tế của nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ. Điều này sẽ gây ra biến động nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng của nhiều ngành công nghiệp lệ thuộc vào vi mạch bán dẫn của Đài Loan.
Theo Chủ tịch Rupert Hammond-Chambers của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Đài Loan, mọi người không thật sự hiểu thấu được những tác động của việc Trung Cộng kiểm soát Đài Loan.
Diễn thuyết tại một hội thảo trực tuyến do Viện Đài Loan Toàn Cầu tổ chức hôm 19/05, ông cho biết một cuộc xâm lược sẽ khiến cho hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn của Đài Loan ngưng trệ ngay lập tức, điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vi mạch bán dẫn là xương sống của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển vượt bậc, từ ô tô, điện thoại thông minh, đến hệ thống vũ khí tối tân. Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, chiếm 78% thị phần vi mạch toàn cầu.
Hòn đảo này là quê hương của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), một doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp này do dẫn đầu về các vi mạch bán dẫn tiên tiến.
“Đài Loan chiếm 92% sản lượng chất bán dẫn tinh vi nhất được sản xuất theo quy trình sản xuất 7 nanomet,” ông Stephen Ezell, phó chủ tịch Tổ chức Cái tiến và Công nghệ Thông tin (một tổ chức tư vấn về công nghệ) cho biết trong một hội thảo.
Ông Azell cho biết: “Sức mạnh của Đài Loan trong lĩnh vực bán dẫn phần lớn nhờ vào việc đi tiên phong trong mô hình xưởng sản xuất chất bán dẫn, nghĩa là họ tiến hành theo hợp đồng được ký kết với các công ty công nghệ đứng đầu như Qualcomm, Nvidia hay Apple.”
Ông lưu ý rằng chỉ riêng hãng Apple đã chiếm gần 25% doanh thu của TSMC.
“Hoa Kỳ cần phải quan tâm đặc biệt đến Đài Loan, bởi vì sự thịnh vượng của Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào sự thịnh vượng của Đài Loan.”
Đại dịch đã làm gia tăng đột biến nhu cầu về hàng điện tử tiêu dùng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi mạch bán dẫn trong năm nay. Các nhà sản xuất ô tô đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ cú choáng váng về nguồn cung này. Các công ty như General Motors và Ford đã phải tạm thời đóng cửa một số nhà máy.
Tác hại do tình trạng thiếu hụt vi mạch gần đây gây ra cho các nhà sản xuất ô tô đã khiến nhiều chính phủ phải hành động.
Hôm 17/02, Tòa Bạch Ốc đã gửi một lá thư đến chính phủ Đài Loan, yêu cầu được giúp đỡ để giải quyết tình trạng thiếu hụt cũng như “bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các công ty Hoa Kỳ đang tìm kiếm nguồn cung sẵn có.”
Tổng thống Joe Biden cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp hôm 24/02 để giúp tạo ra chuỗi cung ứng linh hoạt hơn cho vi mạch bán dẫn và các hàng hóa quan trọng khác.
Ông đã chỉ thị các cơ quan liên bang tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện trong 100 ngày để xác định “các nút tắc nghẽn” trong chuỗi cung ứng. Sau khi xem xét, Tòa Bạch Ốc có thể cân nhắc các phương án về chính sách khác nhau, bao gồm việc thúc đẩy sản xuất nội địa và làm việc với các đồng minh để cùng nhau đối phó với việc gián đoạn nguồn cung.
Hoa Kỳ làm sâu sắc thêm mối bang giao với Đài Loan
Hoa Thịnh Đốn từ lâu đã khá dè dặt về vấn đề Đài Loan do lo ngại sẽ khiêu khích Trung Quốc-quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này.
Hoa Kỳ không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, tuy nhiên vẫn duy trì mối bang giao không chính thức với hòn đảo tự trị này thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.
Đạo luật này cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan các thiết bị quân sự để tự vệ và thành lập một tổ chức bất vụ lợi được gọi là Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan, mà trên thực tế chính là đại sứ quán Hoa Kỳ tại nước này.
Tiến trình của mối bang giao Hoa Kỳ – Đài Loan đã thay đổi đáng kể dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, đặc biệt là sau các chuyến công du đến Đài Bắc của các quan chức cao cấp Hoa Kỳ vào năm ngoái.
Và trước khi mãn nhiệm vào tháng Một, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã dỡ bỏ các hạn chế tiếp xúc với các quan chức Đài Loan, đánh dấu tiến triển mới nhất nhằm làm sâu sắc hơn mối bang giao với hòn đảo dân chủ này.
Theo chủ tịch Hammond, cho đến nay, chính phủ ông Biden đang “thực hiện rất tốt việc củng cố những gì họ được thừa hưởng” từ chính phủ cựu Tổng thống Trump.
Ông nói, nhiệm kỳ của Tổng thống Obama “là thấp điểm trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc trong suốt 20 năm qua,” gọi đó là “thời điểm nghiệt ngã đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.”
Tổng thống Biden đã nhận ra mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc trong việc “thống trị chuỗi cung ứng chất bán dẫn” và kêu gọi đầu tư đáng kể để tăng cường sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước.
Trong khi các công ty Trung Quốc vẫn còn tụt hậu trong việc chế tạo và sản xuất chất bán dẫn, thì Bắc Kinh đang thực hiện một nỗ lực rất lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch nội địa. Là một phần trong chiến lược phát triển sản xuất trong nước và đi theo hướng tự cung tự cấp, Bắc Kinh đã gia tăng các cuộc tấn công mạng nhằm vào Đài Loan trong những năm gần đây.
“Kể từ khi Hoa Kỳ công bố các lệnh cấm đối với Huawei, ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan báo cáo rằng các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc đang ngày một gia tăng,” ông Alexa Lee, quản lý cao cấp tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin cho biết tại hội thảo.
Bên cạnh các cuộc tấn công mạng, Đài Loan cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh về mặt nhân tài ngày càng tăng từ phía Trung Quốc.
Ông Lee cho biết, các công ty Trung Quốc đã tăng cường các chiến dịch thu hút kỹ sư Đài Loan bằng cách đưa ra các mức lương và phúc lợi khổng lồ.
Là một phần của “chiến lược lưu thông kép,” Bắc Kinh nói rõ rằng họ muốn thắt chặt sự lệ thuộc của các chuỗi công nghiệp quốc tế vào Trung Quốc, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Adam Segal, chuyên gia về chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Diễn thuyết tại hội thảo, ông Segal cho biết, chính phủ ông Biden so với chính phủ tiền nhiệm thiếu rõ ràng hơn về cách thức họ sẽ làm chậm tốc độ của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.
Đội ngũ của ông Biden nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy sản xuất trong nước để tạo ra chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt, tuy nhiên việc di chuyển hệ sinh thái nhà cung cấp là “cực kỳ phức tạp,” ông nói.
“Một công ty lớn trung bình có khoảng 5,000 nhà cung cấp ở các cấp độ khác nhau. Đơn cử như Apple có 638 nhà cung cấp ở cấp một và gần 7,500 nhà cung cấp ở cấp hai,” ông nói, đề cập đến các nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp của iPhone.
Do đó, chiến lược chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ cần có một “thành phần ngoại giao rất mạnh mẽ,” ông lưu ý, chiến lược này liên quan đến việc hợp tác với các đồng minh, kể cả Đài Loan để bảo đảm an ninh và độc lập cho mạng lưới cung ứng của họ.
Hôm 18/05, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), đã công bố một dự luật sửa đổi lưỡng đảng nhằm cung cấp một ngân quỹ trị giá 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ trong 5 năm tới.
“Trung Cộng đang tích cực đầu tư hơn 150 tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn để có thể kiểm soát lĩnh vực công nghệ then chốt này,” bản tóm tắt của dự luật nêu rõ.
Theo ông Ezell, các dự luật như thế này là rất quan trọng để cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ.
Ông nói: “Nếu chúng ta sẽ cạnh tranh trong tương lai, điều đó cần được sự hỗ trợ trên cơ sở lưỡng đảng trong Quốc hội và chính phủ.”
Do Emel Akan thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: