Mỏ lithium Thacker Pass có thể tàn phá môi trường, khu di sản văn hóa, và khiến nông dân phải di dời
Nằm bên trong một siêu núi lửa đã ngừng hoạt động, khu mỏ lithium Thacker Pass là nguồn lithium được biết đến lớn nhất ở Hoa Kỳ. Và một khi công ty Lithium Nevada bắt đầu đi vào vận hành và khai thác quặng mỏ lộ thiên này, dự kiến sẽ đem về hàng tỷ USD doanh thu và hàng triệu USD tiền thuế.
Dự án này cũng sẽ hủy hoại Peehee Mu’huh, một địa điểm linh thiêng của Bộ lạc Fort McDermitt, tàn phá môi trường ở địa phương, cũng như khiến nông dân và chủ trang trại trong khu vực phải di dời, ông John Hadder, giám đốc của Great Basin Resource Watch (GBRW), một cơ quan giám sát việc khai thác mỏ, nói với The Epoch Times.
Mặc dù vậy, hồi đầu năm nay, giấy phép cho dự án Khu mỏ Lithium Thacker Pass đã được phê chuẩn về kế hoạch khai triển theo tiến độ.
Những lời bàn tán xung quanh chuyện tiền bạc
Các ước tính chính xác có khác nhau, nhưng nhìn chung đều đồng tình rằng thị trường xe điện (EV) sẽ sớm [đạt] trị giá hàng ngàn tỷ USD. Và vì hầu hết các xe điện đều dựa vào pin lithium-ion, nên việc khai thác nguyên tố này mang đến lợi nhuận hấp dẫn, hứa hẹn con số tối thiểu — một số ước tính đã đưa ra giá trị lên đến mức 94.4 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, hiện tại, Hoa Kỳ phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về khoáng sản, một điều mà chính phủ TT Biden thừa nhận là một mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia.
Do đó, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị cho Hoa Kỳ tăng cường sản xuất khoáng sản trong nước để chống lại mối đe dọa này và hưởng lợi từ sự bùng nổ của xe điện. Xuất hiện công ty con của Lithium Americas, Lithium Nevada Corp. (LNC), và Thacker Pass.
Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1975, Thacker Pass nằm ở Quận Humboldt thuộc phía bắc Nevada và được ước tính chứa tương đương 3.1 triệu tấn lithium carbonate. 3.1 triệu tấn tương đương hơn 6.8 tỷ pound.
Quan trọng hơn, một khi đi vào hoạt động hoàn toàn, dự án Thacker Pass sẽ sản xuất 60,000 tấn mỗi năm (tpa), ước tính đủ để tạo ra 6 triệu xe EV một năm.
Tháng 12/2020, LNC đã phát hành Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (EIS) (bản cuối cùng) của họ cho Cục Quản lý Đất đai (BLM), trong đó tuyên bố rằng Lithium Nevada dự kiến “xây dựng và vận hành một mỏ lithium lộ thiên.”
Một vài trong số những tác động do EIS phát hiện bao gồm việc gây ô nhiễm nguồn nước ngầm với hàm lượng antimony, arsenic, sulfate, và tổng chất rắn hòa tan (TDS) cao hơn mức chấp nhận được, hủy hoại 5,695 (23 km2) mẫu Anh đất đai, và khiến mặt nước ngầm giảm 10 foot (3m). Ông Hadder chỉ ra rằng những ước lượng này là thận trọng vì việc phân tích đến từ nhà thầu khai thác.
Lưu ý thêm, EIS tiết lộ rằng khu mỏ này sẽ hủy hoại 52 di tích lịch sử hoặc tiền sử nhưng, một cách tích cực thì, sẽ tạo ra hơn 8.2 triệu USD tiền thuế trong Giai đoạn I (xây dựng và vận hành ban đầu) và trong Giai đoạn II (hoạt động hoàn toàn), tạo ra gần 9.2 triệu USD tiền thuế.
Sau EIS, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Nevada (NEPA) đã đẩy nhanh việc cấp các giấy phép Thacker Pass của LNC. Thế là bất chấp sự phản đối gay gắt từ cộng đồng và các bộ lạc Người Mỹ Bản địa trong khu vực, một điều mà ông Hadder tuyên bố là bất bình thường.
“Quy trình NEPA của liên bang đã được hoàn thành trong vòng chưa đầy một năm. Thông thường, quy trình NEPA diễn ra theo trình tự là từ 3-5 năm nếu tất cả đều ổn thỏa và có ít cho tới không có mối bận tâm nào từ cộng đồng,” ông Hadder cho biết.
“Các hoạt động khai thác hủy hoại môi trường nghiêm trọng và phá vỡ các cộng đồng lân cận, do đó quy trình cho phép việc khai thác phải được thực hiện cẩn thận và thận trọng cùng với việc phân tích nghiêm ngặt về các tác động môi trường và các phương pháp tiếp cận giảm thiểu.”
Cộng đồng phản đối sự phá hoại
Để nỗ lực bảo vệ đất đai của họ và chống lại sự bành trướng của LNC, các chủ trang trại ở bắc Nevada và các tổ chức như GBRW đã đệ đơn kiện, cáo buộc rằng cả BLM và LNC đã xúc tiến quá trình chấp thuận, phớt lờ tác động môi trường, và vi phạm các quyền của nguyên đơn.
Trong vụ Bartell kiện Ester M. McCullough/Cục Quản lý Đất đai, nguyên đơn Edward Bartell chỉ ra rằng trang trại của ông là bên sở hữu một vài giấy phép chăn thả của liên bang và sở hữu đất trang trại tư nhân và các quyền về nguồn nước mà mỏ lithium đe dọa.
“Khu mỏ này có thể ảnh hưởng đến khả năng trồng trọt và chăn nuôi trong khu vực. Chất lượng không khí sẽ giảm xuống và sẽ có lưu lượng xe tải liên tục vận chuyển vật liệu đến và đi từ mỏ quặng, và có khả năng gia tăng khan hiếm nguồn nước. Có một khả năng dễ nhận thấy là những người nông dân và chủ trang trại này cuối cùng sẽ bán hết gia sản của họ cho khu mỏ, và việc chăn nuôi theo hình thức gia đình sẽ chấm dứt trong khu vực này,” ông Hadder xác nhận.
Trong vụ Western Watersheds Project, Great Basin Resource Watch, Basin and Range Watch và Wildlands kiện Bộ Nội vụ Hoa Kỳ/Cục Quản lý Đất đai Hoa Kỳ, các luật sư đại diện cho nguyên đơn nêu rõ:
“Trong quá trình gấp rút thực hiện Dự án, các Bị cáo đã vi phạm các luật môi trường liên bang và che giấu các tác động môi trường nghiêm trọng của khu mỏ.”
Ông Hadder khẳng định một cách dứt khoát, “Khai thác lithium không phải là giải pháp khí hậu an toàn như đang được quảng cáo. Việc khai thác mỏ… là một tác nhân dẫn đến biến đổi khí hậu. … Có nhiều thứ dẫn đến biến đổi khí hậu hơn là mỗi việc phát thải carbon. Chính sự thay đổi việc sử dụng đất, sự mất đa dạng sinh học, và mất đi hệ thống tự hồi phục khi bị căng thẳng.”
“Việc khai thác mỏ làm trầm trọng tất cả các khía cạnh khác của biến đổi khí hậu đồng thời lấy đi một lượng lớn những môi trường lành mạnh hoạt động như các bể chứa carbon. Nhiều khu mỏ trong số này sẽ không bao giờ được phục hồi và trở thành di sản độc hại của ngành công nghiệp khai thác đối với cảnh quan,” ông Hadder cho biết.
Trong khuynh hướng phát triển thú vị, thì kế hoạch vận hành một khu mỏ lộ thiên của LNC có nghĩa là dự án Thacker Pass sẽ sử dụng các kỹ thuật khai thác tương tự như các mỏ than. Nó cũng sẽ phát thải khoảng 132,588 tấn khí nhà kính mỗi năm trong Giai đoạn II. Để so sánh, một phương tiện chở khách thông thường thải ra khoảng 4.6 tấn carbon dioxide mỗi năm, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường.
Tuy nhiên, không giống như than đá, một khi được chiết xuất, quặng lithium thuộc loại đất sét phải trải qua một quá trình rửa trôi acid mới để tách lithium ra khỏi đất sét. Theo LNC, quặng lithium phải được “nghiền nhỏ, sàng lọc, và sau đó được vận chuyển dưới dạng bùn sệt đến chu trình chiết lọc nơi mà acid sulfuric sẽ được thêm vào để gắn kết khối quặng và chiết tách lithium ra khỏi đất sét.”
Yêu cầu đó, vốn cũng được ám chỉ trong EIS, sẽ có tác động môi trường đáng kể, ông Hadder tuyên bố.
“Nhà máy acid sulfuric sẽ là một nguồn gây ô nhiễm không khí — [bụi] hạt mịn, nitơ oxide, lưu huỳnh dioxide, và khí hydro sunfua cùng với các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thông thường. Một khi quặng này được rửa trôi và lithium được chiết xuất ra, thì những thứ còn lại chỉ là chất thải sẽ có tính acid và là một nguồn ô nhiễm nước tiềm ẩn trong một khoảng thời gian không xác định — có thể là một trăm năm hoặc hơn.”
Ngoài ra, theo báo cáo của LNC, trong số những vấn đề khác, thì mỏ Lithium Pass Thacker sẽ cần 2,600 mẫu feet nước/năm trong Giai đoạn I và 5,200 mẫu feet nước/năm trong Giai đoạn II. Con số đó là khoảng chừng 847 triệu gallon nước hàng năm, và gần 1.7 tỷ gallon nước khi khu mỏ đi vào hoạt động hoàn toàn.
Nước được lấy từ giếng Quinn-Production ở Orovada Subarea Hydrographic Basin nơi mà, ông Hadder đã chỉ ra cho The Epoch Times và Ủy ban Bảo vệ Môi trường Nevada, đã được phân bổ tổng thể khoảng 30,271 mẫu feet nước hàng năm.
Chấn thương lịch sử, cần được xem xét lại
Tác động môi trường là một trong những yếu tố đáng xem xét với dự án Thacker Pass, nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất.
Hôm 16/06, Hội nghị Quốc gia của người Mỹ Anh Điêng (NCAI), tổ chức quốc gia lâu đời nhất và lớn nhất của các chính quyền Bộ lạc Thổ dân người Mỹ Anh Điêng và Người bản địa Alaska, đã thông qua một nghị quyết có tiêu đề “Ủng hộ An toàn của Người bản xứ Qua việc Chống lại các Đồn trú Lao động của Thacker Pass,” trong đó nêu chi tiết về một trong những lý do họ phản đối khu mỏ Thacker Pass.
Nằm cách khu vực ranh giới được bảo tồn của Fort McDermitt Paiute và Shoshone chỉ 15 dặm là Peehee Mu’huh, một địa điểm linh thiêng có lịch sử đẫm máu.
Từ thời xa xưa, người Paiute và Shoshone đã chăm sóc [đất đai], trồng trọt, và sinh sống ở Peehee Mu’huh. Tuy nhiên, vào năm 1865, trong khi những người thợ săn đi vắng, một nhóm kỵ binh của Hoa Kỳ đã tấn công bất ngờ phụ nữ, trẻ em, và người lớn tuổi không được bảo vệ.
Khi những người thợ săn quay trở về, “họ có thể ngửi thấy mùi của thứ gì đó đang thối rữa. Họ liền nghĩ tới một vụ thảm sát, những người già, phụ nữ, và trẻ em của họ đang nằm trên cây ngải đắng già với nội tạng bị lôi ra ngoài khắp nơi tại đoạn đèo có hình lưỡi liềm khi nhìn từ phía đông. Chính vì vậy mà khu vực này có cái tên được đặt theo tiếng người Bản địa: Peehee Mu’huh hay ‘trăng thối rữa,’ ông Daranda Hinkey, một thành viên bộ lạc Fort McDermitt Paiute Shoshone, giải thích.
Ngoài ra, theo lời truyền lại và theo NCAI, nguyên nhân của vụ thảm sát là do Hoa Kỳ muốn có các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.
Kể từ sau vụ thảm sát, người dân của các bộ tộc Paiute và Shoshone đã xem Peehee Mu’huh như một địa điểm chôn cất và tâm linh thiêng liêng và tôn vinh địa điểm này bằng các nghi lễ.
Trong một tuyên bố chính thức phản đối khu mỏ này, Người dân Ted Mountain, một nhóm người Mỹ Bản địa được thành lập để bảo vệ vùng đất tổ tiên của họ, tuyên bố: “Xây dựng một mỏ lithium trên địa điểm thảm sát này ở Peehee Mu’huh sẽ giống như xây dựng một mỏ lithium ở Trân Châu Cảng hoặc Nghĩa trang Quốc gia Arlington.”
Cho đến nay, các nỗ lực pháp lý và các nghị quyết đã không ngăn được khu mỏ lithium của LCN tiếp tục thực hiện kế hoạch tàn phá Peehee Mu’huh.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times