Microsoft sắp đóng cửa LinkedIn ở Trung Quốc sau chỉ trích về việc kiểm duyệt
Microsoft sắp từ bỏ phiên bản LinkedIn địa phương của tập đoàn này ở Trung Quốc, một hành động sẽ khiến nền tảng mạng lớn cuối cùng còn lại thuộc sở hữu của Hoa Kỳ tại nước này đóng cửa.
Năm 2014, LinkedIn đã du nhập vào Trung Quốc đại lục, một quốc gia nổi tiếng với các hoạt động kiểm duyệt rất hạn chế do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra. Nền tảng này hiện có khoảng 53 triệu người dùng tại đây, chiếm khoảng 7% tổng số người dùng LinkedIn toàn cầu.
Tuy nhiên, trang mạng chuyên nghiệp này mới đây đã bị chỉ trích ngày càng nhiều về hành vi chặn hồ sơ của các nhà nghiên cứu và những người khác có công việc liên quan đến Trung Quốc.
Trong một tuyên bố ngày 14/10, LinkedIn cho biết họ đã quyết định ngừng liên doanh kéo dài 7 năm khi đối mặt với “một môi trường hoạt động thách thức hơn đáng kể và các đòi hỏi phải tuân thủ cao hơn tại Trung Quốc.”
Thay vào đó, LinkedIn tuyên bố rằng họ sẽ thiết lập một ứng dụng tìm việc mới vào cuối năm nay có tên InJobs, tại đó không có nguồn cấp dữ liệu xã hội hay các tính năng chia sẻ bài đăng.
Tuyên bố này cho biết, “Mặc dù chúng tôi đã thành công trong việc giúp người dùng Trung Quốc tìm được việc làm và cơ hội kinh tế, nhưng chúng tôi đã không tìm được mức độ thành công tương tự trong các khía cạnh mang tính xã hội nhiều hơn của việc chia sẻ và cập nhật thông tin.”
Trung Quốc có một số [biện pháp] kiểm soát chặt chẽ nhất đối với Internet. Twitter và Facebook đã bị cấm tại quốc gia này hơn một thập niên trước. Google đã rời khỏi vào năm 2010, bốn năm sau khi ra mắt một công cụ tìm kiếm tự kiểm duyệt tại thị trường này.
LinkedIn đã thực hiện một số hành động gây tranh cãi kể từ khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc mà các nhà phê bình cho là nhằm xoa dịu Bắc Kinh. Điều đó bao gồm cả việc chặn đưa tin về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, loại bỏ sự hiện diện của một nhà hoạt động Thiên An Môn, và đóng băng tài khoản của một nhà phê bình Trung Quốc sau khi ông này gọi chính quyền Trung Quốc là một “chế độ độc tài hà khắc” và gọi truyền thông nhà nước [Trung Quốc] là “những cơ quan ngôn luận tuyên truyền.”
Việc xem xét kỹ lưỡng các hoạt động kiểm duyệt của nền tảng này đã được tăng cường kể từ tháng Sáu. Vào sáng ngày 03/06, trước thềm lễ tưởng niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, các nhân viên của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác đã được công ty này thông báo rằng hồ sơ của họ sẽ được ẩn đi tại Trung Quốc.
Nhiều ký giả và nhà nghiên cứu đã nhận được những thông điệp tương tự trong những tháng tiếp sau. Những người dùng chịu ảnh hưởng cũng được thông báo rằng tài khoản của họ ở Trung Quốc có thể được khôi phục nếu họ đồng ý xóa nội dung chưa xác định.
Trước chất vấn của The Epoch Times vào thời điểm đó, công ty cho biết “do các yêu cầu pháp lý địa phương ở Trung Quốc, hồ sơ và hoạt động của một số thành viên LinkedIn liên kết với các tổ chức xuất bản nhất định không được hiển thị ở Trung Quốc vào thời điểm này.”
Công ty này cũng chỉ ra một tuyên bố năm 2014 từ cựu Giám đốc Điều hành Jeff Weiner, theo đó lập luận rằng mặc dù LinkedIn ủng hộ quyền tự do ngôn luận, sự vắng mặt của nền tảng này ở Trung Quốc sẽ khiến người dùng Trung Quốc không có cơ hội “theo đuổi và hiện thực hóa các cơ hội kinh tế, ước mơ và các quyền quan trọng nhất đối với họ.”
Từ tháng Một đến tháng Mười Hai năm ngoái, LinkedIn đã nhận được tổng cộng 42 yêu cầu từ các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu gỡ bỏ nội dung, trong đó họ đã làm theo 38 yêu cầu, công ty này cho biết.
Làn sóng kiểm duyệt mới của nền tảng này đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Hoa Kỳ.
Dân biểu Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana) viết trong một bức thư hôm 24/09 rằng, “Việc LinkedIn sẵn sàng tuân theo chính quyền Trung Quốc đặt ra nghi vấn về việc làm thế nào mà Microsoft đã trở thành công ty công nghệ duy nhất có khả năng tiếp cận đáng kể vào thị trường Trung Quốc.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: