Nghệ thuật và Cảm hứng Thần Thánh
Nếu chúng ta có thể hỏi Michelangelo về những phẩm chất cần thiết để tạo ra một kiệt tác nghệ thuật, thì chúng ta có thể hiểu được những giá trị đã định hướng nghệ thuật của ông. Có thể, ông sẽ đề cập đến “sự kiên nhẫn” vì những tác phẩm của ông đòi hỏi sự cần mẫn, chính xác và một bàn tay khéo léo. Ông cũng có thể nói rằng đó là “sự tận tâm” vì ông đã toàn tâm cống hiến cho nghệ thuật. Và có lẽ ông sẽ nói rằng ông có “đức tin vào Thần” vì ông tin rằng sứ mệnh nghệ thuật của mình đến từ Thiên Chúa.
“Nhiều người tin – và tôi cũng tin – rằng tôi đã được Chúa giao cho công việc này. Dù cho tôi có già đi, nhưng tôi không muốn từ bỏ nó; tôi làm việc vì tình yêu dành cho Chúa và tôi đặt tất cả hy vọng vào Ngài,” ông nói.
Michelangelo là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của thời kỳ Phục hưng Ý, thời kỳ đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và truyền cảm hứng cho chúng ta đến tận ngày nay bởi vẻ đẹp, sự hoàn hảo cũng như sự diễn tả cảnh giới vượt ra ngoài thế giới phàm tục. Ông sống trong thời kỳ mà người ta khám phá ra các tác phẩm của người La Mã và Hy Lạp cổ đại; và con người bắt đầu nhìn nhận lại quan điểm của bản thân về cuộc sống.
Điêu khắc là một loại hình nghệ thuật mà cổ nhân đã trở thành bậc thầy, nó có thể khắc họa cơ thể người với độ chính xác và vẻ đẹp tuyệt diệu. Không chỉ những người giàu có thời Phục hưng Ý mua các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, mà các nghệ sĩ cũng khao khát mô phỏng nó. Thiên tài Michelangelo đã để lại cho chúng ta những kiệt tác rất chân thực trong cuộc sống. Khi đứng bên cạnh một trong những tác phẩm điêu khắc của ông, chúng ta có thể cảm nhận thấy Madonna trong tiếng thở của Pietà hoặc cảm giác rằng David sẽ di chuyển để ném tảng đá về phía Goliath.
Tôi thấy thiên thần trong viên đá cẩm thạch và bắt đầu chạm khắc cho tới khi tôi giải thoát được ngài.
— MICHELANGELO
Các tác phẩm nghệ thuật của Michelangelo mô tả các cảnh tượng trong Kinh thánh; các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại miêu tả đền thờ các vị Thần của họ. Trong cả hai trường hợp này, người nghệ sĩ đều hướng về Thần để lấy cảm hứng và làm chủ đề. Michelangelo nói, “Tác phẩm nghệ thuật đích thực chỉ là cái bóng của sự hoàn hảo của Thần.” Ông cũng khẳng định mình không phải là người sáng tác đầu tiên cho các tác phẩm điêu khắc của ông. “Tôi nhìn thấy thiên thần trong viên đá cẩm thạch và tôi bắt đầu chạm khắc cho đến khi tôi giải thoát được ngài,” ông nói. Những lời của Michelangelo chỉ ra rằng tác phẩm nghệ thuật đã tồn tại trước khi ông chạm vào nó; nhiệm vụ của ông là triển hiện nó cho người xem.
Tuy chúng ta không thể biết chính xác nguồn cảm hứng nghệ thuật của ông đến từ đâu, nhưng lịch sử có nhiều ghi chép về những họa sĩ hoặc nhà điêu khắc theo trường phái nghệ thuật tôn giáo, họ tin rằng ánh sáng tiên tri đã dẫn hướng cho sự nghiệp của họ.
Hang động Đôn Hoàng
Ở Trung Quốc, thành phố ốc đảo Đôn Hoàng nổi tiếng với hang động Mogao, là quê hương của bộ sưu tập tranh và tượng Phật giáo đáng kinh ngạc. Hơn 500 hang động có chạm khắc cảnh tượng ở Thiên quốc, các vị Phật và các vị Thần. Các hang động vốn là địa điểm hành hương trong nhiều thế kỷ và lưu giữ một số kho tàng nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới.
Câu chuyện kể rằng vào năm 366 sau Công Nguyên, một nhà sư tên là Nhạc Tôn dừng chân tại đây và chứng kiến một khung cảnh thiên đàng huy hoàng — hàng ngàn vị Phật tỏa ánh hào quang xuất hiện trước mặt ông, xung quanh là các tiên nữ trên Thiên thượng đang chơi những khúc nhạc thần tiên. Là một họa sĩ và nhà điêu khắc chuyên nghiệp, Nhạc Tôn đã bước vào một hang động trên núi và bắt tay vào việc vẽ lại cảnh tượng này. Sau đó, có thêm nhiều nhà sư đến khu vực này và chứng kiến điều tương tự. Họ đi đến các hang động xung quanh và lấp đầy chúng bằng những hình ảnh lộng lẫy của thế giới khác.
Mặc dù Nhạc Tôn và Michelangelo sống cách nhau hơn một nghìn năm và thuộc những nền văn hoá khác nhau, nhưng họ đã để lại những di sản họ tin là do Thần truyền cho những người đương thời và thế hệ tương lai. Những tác phẩm nghệ thuật này nâng đỡ tinh thần con người thông qua vẻ đẹp và niềm vui. Chúng cũng khích lệ con người nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của Thần trong thế giới này.
Nghệ thuật Shen Yun và Thần
Ngày nay, một nhóm nghệ sĩ khác đang không ngừng sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật tinh tế, lấy nguồn cảm hứng từ các vị Thần. Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Đoàn Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun có trụ sở tại New York đã nỗ lực hồi sinh nền văn hóa truyền thống Trung Quốc đã mất và chia sẻ nó với thế giới.
Lưu diễn tại hơn 150 nhà hát mỗi năm, cùng với một dàn nhạc giao hưởng, Shen Yun trình diễn các điệu múa cổ điển của Trung Hoa, các điệu múa dân tộc và dân gian, và các điệu múa dựa trên những câu chuyện. Shen Yun cũng có những buổi độc diễn thanh nhạc và nhạc cụ, cùng với phông nền kỹ thuật số phối hợp với các vũ công một cách đầy nhịp nhàng và sáng tạo.
Mọi khía cạnh trong các buổi biểu diễn của Shen Yun đều diễn ra thật ấn tượng và hoàn hảo. Đội ngũ các nghệ sĩ không chỉ chú ý đến nội dung và kỹ thuật biểu diễn mà còn chú ý đến cảnh giới nội tâm của mình. Theo trang web của công ty, các vũ công, nhạc sĩ và đoàn biểu diễn đều lấy nguồn cảm hứng từ Thần, giống như những nghệ sĩ vĩ đại trong quá khứ đã làm.
“Đối với họ, sự kết nối tinh thần này là động lực để tạo nên những màn trình diễn xuất sắc, là tâm huyết đằng sau từng động tác của vũ công và từng nốt nhạc của nhạc sĩ. Đó là lý do tại sao khán giả có thể cảm thấy có điều gì đó khác biệt ở Shen Yun. Nguồn cảm hứng của họ, bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Hoa, là môn tu luyện tinh thần được gọi là Pháp Luân Đại Pháp,” trang web cho biết. Chú trọng vào việc cải biến tâm tính, phương pháp tu luyện thiền định này dựa trên các nguyên tắc Chân, Thiện và Nhẫn.
Cái tên Shen Yun (Thần Vận) trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “vẻ đẹp những vũ điệu của Thần”, và điều này trở thành hiện thực khi các nghệ sĩ, mặc trang phục cổ xưa của Trung Quốc hoặc hóa trang như những sinh mệnh trên thượng giới, nhảy múa uyển chuyển trên sân khấu. Các chuyển động của nữ vũ công rất tinh tế và nhẹ nhàng với kỹ thuật chính xác. Nam vũ công là hiện thân của sức mạnh và sự thanh lịch được xây dựng trên cơ sở thể lực vượt trội. Động tác của các vũ công đồng đều đến mức đáng kinh ngạc. Họ chuyển động đều như một, ngay cả trong những động tác phức tạp và đòi hỏi tốc độ nhanh.
Dàn nhạc giao hưởng là sự kết hợp giữa các nhạc cụ truyền thống của cả phương Đông và phương Tây, nhờ đó, chúng ta được thưởng thức những âm thanh mang sức mạnh của nhạc cụ phương Tây và tinh thần của nhạc cụ Trung Hoa. Khả năng hòa trộn các âm sắc riêng biệt trong hai hệ thống của Shen Yun hoàn hảo đến mức dường như những nhạc cụ này sinh ra là để kết hợp cùng nhau. Nhưng trên thực tế, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và là một cảnh giới mới trong âm nhạc cổ điển.
Các bản nhạc của Shen Yun là những sáng tác nguyên gốc phản ánh lịch sử, truyền thống dân tộc và dân gian của Trung Quốc cũng như thể hiện bản chất độc đáo của dàn nhạc. Các nhà soạn nhạc của Shen Yun sử dụng các kỹ thuật sáng tác cổ điển, tuân theo đạo lý của sự tốt lành và cảm hứng linh thiêng.
Chúng ta biết rằng nhiều nhà soạn nhạc phương Tây như Bach, Handel và Mozart tin rằng âm nhạc của họ được Thiên Chúa truyền lại. Các nhà soạn nhạc cổ đại Trung Quốc cũng cho rằng các tác phẩm của họ đã được thiên thượng dẫn lối. Họ đặc biệt chú ý đến sự hài hòa giữa trời, đất và cơ thể người. Jing Xian, một trong những nhà soạn nhạc, cho biết trong video “Âm nhạc của Shen Yun” (The Music of Shen Yun): “Từ ngàn đời nay, người xưa đã biết rằng âm nhạc tao nhã có thể nuôi dưỡng phẩm hạnh”. Theo bà, đây cũng là mục đích của âm nhạc Shen Yun và chúng ta có thể cảm nhận được điều đó qua những giai điệu yên bình, vui tươi và tràn đầy năng lượng.
Để tìm hiểu thêm, mời bạn truy cập website ShenYun.com
Madalina Hubert
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: