Michaelangelo và ‘người kết vòng hoa’
Domenco di Tommaso Curradi di Boffo Bigordi, là cái tên tiếng Ý với thanh âm dễ chịu của một danh họa nổi tiếng với các bức bích họa tuyệt đẹp thời đầu Phục Hưng. Ông có biệt danh là Domenico Ghirlandaio, có nghĩa là “Domenico người kết vòng hoa”.
Những bức chân dung của ông khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng bởi cách bố cục các nhân vật sống động trong khung cảnh, với nét mặt được đặc tả đầy tinh tế. Một số nhân vật được vẽ với mắt nhìn thẳng vào người xem khiến họ cảm thấy mình là một phần của sự kiện trong tranh. Để khán giả có sự tương tác với tác phẩm không đơn giản chút nào vì họa sĩ cần phải vẽ hình dáng và cử chỉ các nhân vật thật chân thực và sống động.
Khán giả sẽ như lạc hồn vào chốn thiên cảnh ngút tầm mắt với núi non, sông hồ và bóng hình của những thành phố xa xăm. Xem tranh của ông hẳn sẽ có một chút áp lực, vì bạn sẽ phải quyết định xem gì trước tiên: các nhân vật với nét biểu cảm như đang kể một câu chuyện hay khung cảnh bao la vô tận tuyệt mỹ?
Khi các nhà tài phiệt được nhấn mạnh trong tranh
Các kiệt tác của Domenico cũng mô tả kết hợp các sự kiện có từ lâu đời và văn hóa xứ Florence đương thời. Chẳng hạn các bức tranh có chủ đề sự kiện trong Kinh Thánh cổ xưa, được ông vẽ kết hợp với trang phục Phục Hưng, các tục lệ xã hội và kiến trúc truyền thống của Florence. Đáng chú ý là vị trí của những người có sức ảnh hưởng (như các nhà tài phiệt) được đặt cạnh ngang hàng những nhân vật trong Kinh Thánh. Trái với các thời đại trước, khi các nhà tài trợ được vẽ nhỏ hơn trong tư thế quỳ gối cầu nguyện ở phía cạnh của bức tranh.
Điều này thể hiện một chuyển biến lớn từ thành kính thiêng liêng sang thường nhân hóa. Có thể thấy rõ trong bức tranh “Thăm viếng” (Visitation) tại nhà nguyện hợp xướng Santa Maria Novella. Dựa theo tỉ lệ và vị trí có thể thấy nhóm phụ nữ ở phía bên tay phải thuộc về đoàn tùy tùng của Elizabeth. Người phụ nữ dẫn đầu nhóm là Giovanna degli Albizzi, vợ của Lorenzo Tornabuoni. Người phụ nữ lớn tuổi ở phía góc phải là Dianora Tornabuoni, vợ của Tomaso Soderini và là em gái của nhà tài trợ.
Cả gia đình của nhà tài trợ đã được Domenico đưa vào tranh cho ta thấy một mô hình thu nhỏ của các nhà lãnh đạo xã hội Florence thời đó. Cái danh của gia tộc Tornabuoni được lặp đi lặp lại trong toàn bộ tác phẩm. Điều này hoàn toàn khác với tác phẩm vẽ trên gỗ cùng tên của ông, Mary Jacobaea và Mary Salome xuất hiện nổi bật trong ánh sáng thanh nhã và không có một nhân tố bất thường nào trong khung cảnh thiêng liêng này. Lý do gì khiến các bức chân dung có sự tương phản như vậy? Cái uy của nhà tài phiệt hay sự nhượng bộ của người họa sĩ?
Domenico đã nghĩ gì khi ông vẽ? Ông muốn làm hài lòng các nhà tài trợ hay mong cầu một khoản thù lao lớn? Hay cũng như họ, ông có cùng tham vọng quyền lực và công danh, khiến ông vẽ họ sánh ngang với các nhân vật trong Kinh Thánh?
Hẳn là những người có sức ảnh hưởng này muốn tạo ấn tượng với các giáo dân, rằng với tư cách là một nhà tài trợ, họ có được sự bảo hộ từ các Thánh Thần, tạo dựng một hình tượng thể hiện quyền lực tối cao của họ. Điều này đúng với những gia tộc danh giá như Medici hay Tornabuoni. Với gia tộc Medici nói riêng, công cuộc tìm kiếm danh lợi quyền hành có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội thời đó. Từ một gia đình vô danh giàu có họ trở thành một gia tộc quyền lực ở Ý, bằng các sách lược khôn khéo và các trò chơi chính trị tàn nhẫn.
Domenico Ghirlandaio là một nghệ sĩ không biết mệt mỏi. Ông có nhiều học trò, trong đó Michaelangelo là người nổi tiếng nhất. Năm 13 tuổi, Michaelangelo là một thực tập sinh được trả lương tại xưởng vẽ của Domenico Ghirlandaio. Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, Michaelangelo phải cố gắng lèo lái qua những cuộc chiến quyền lực này.
Người nghệ sĩ phải đối mặt với một quyết định: họ có nên lựa chọn con đường đảm bảo nguồn lực tài chính, để có thể tiếp tục phát triển khả năng nghệ thuật của mình và sống một cuộc đời sung túc, hay từ bỏ những cuộc chiến danh quyền giữa các nghệ sĩ và tách mình khỏi những nhà bảo trợ? Rõ ràng là nghệ thuật trong thời đại đó đan xen với niềm tin, chính trị và sự cạnh tranh.
Thầy nào trò nấy
Tác phẩm nổi bật nhất của Domenico có lẽ là bức chân dung của người ông và đứa cháu, cho ta thấy một khuôn mặt bị tàn phá đến biến dạng bởi thời gian đối lập với nét đẹp thánh thiện của đứa cháu, một sự thật trần trụi. Bức tranh 1480 đó treo ở bảo tàng Louvre, Paris.
Tại Rome 20 năm sau, Michaelangelo đã cực kỳ thành công theo cách của mình sau thời gian học nghệ thuật bích họa từ người thầy đáng kính. Đúng là “thầy nào trò nấy”.