Meta đe dọa xóa tất cả tin tức khỏi Facebook nếu Quốc hội thông qua dự luật thương lượng truyền thông-công nghệ lớn
Công ty mẹ của Facebook, Meta đã cảnh báo rằng họ sẽ rút các bài báo khỏi nền tảng truyền thông xã hội của mình nếu Quốc hội thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Bảo tồn Báo chí (JCPA).
Dự luật được Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) giới thiệu hồi tháng 03/2021 này sẽ loại bỏ một cách hiệu quả một số luật chống độc quyền hiện hành; giúp các hãng thông tấn nhỏ dễ dàng cùng nhau đàm phán chung với các đại công ty công nghệ như Facebook để được chia lợi nhuận quảng cáo kỹ thuật số lớn hơn.
JCPA đã nhận được sự ủng hộ từ hàng chục nhà lập pháp Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa nhưng không phải ai cũng đồng ý với dự luật này.
Ông Andy Stone, người đứng đầu bộ phận truyền thông chính sách của Meta, đã viết trên Twitter hôm thứ Hai (05/12) rằng luật này “được xem xét một cách thiếu cân nhắc” và lưu ý rằng Quốc hội được cho là đang xem xét thông qua dự luật như một phần của dự luật quốc phòng hàng năm vào tháng Mười Hai.
Ông Stone nói rằng nếu các nhà lập pháp thông qua dự luật, Meta “sẽ buộc phải xem xét xóa hết tin tức khỏi nền tảng của chúng tôi thay vì tuân theo các cuộc đàm phán do chính phủ ép buộc, coi thường bất kỳ giá trị nào mà chúng tôi cung cấp cho các hãng thông tấn qua việc tăng lưu lượng truy cập và đăng ký.”
Ông nói thêm rằng dự luật không công nhận rằng các hãng thông tấn và đài truyền hình đưa nội dung lên nền tảng này vì “nó mang lại lợi nhuận cho họ – chứ không phải ngược lại.”
‘Tiền lệ khủng khiếp cho tất cả các doanh nghiệp Mỹ’
Ngoài ra, ông Stone cho biết dự luật sẽ tạo ra một “tiền lệ khủng khiếp cho tất cả các doanh nghiệp Mỹ” vì nó sẽ tạo ra một “tổ chức giống như cartel đòi hỏi một công ty tư nhân phải trợ cấp cho các tổ chức tư nhân khác.”
Đây không phải là lần đầu tiên Meta đưa ra lời đe dọa như vậy; năm ngoái, một luật tương tự của Úc, có hiệu lực hồi tháng Ba, đã chứng kiến Facebook chặn tất cả tin tức trên trang chủ của họ ở nước này. Đại công ty công nghệ sau đó đã đảo ngược quyết định của mình sau khi đàm phán với chính phủ Úc.
Theo luật hiện hành ở Hoa Kỳ, các hãng truyền thông in ấn và trực tuyến bị cấm thành lập một liên minh chung và yêu cầu các công ty công nghệ nhượng bộ để cho phép nội dung của họ được đăng trên nền tảng.
JCPA sẽ loại bỏ điều đó, thay vào đó tạo ra quyền miễn trừ bốn năm theo luật chống độc quyền của Hoa Kỳ cho phép các hãng thông tấn thương lượng với các đại công ty công nghệ để có được phần doanh thu quảng cáo lớn hơn nhằm đổi lấy nội dung tin tức của họ được xuất bản trên các trang web.
Cụ thể, dự luật nêu rõ: “Người tạo nội dung tin tức có thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật chống độc quyền khi tham gia đàm phán với bất kỳ người tạo nội dung tin tức nào khác trong khoảng thời gian 4 năm kể từ ngày ban hành Đạo luật này để cùng nhau giữ lại nội dung khỏi, hoặc thương lượng với, một nhà phân phối nội dung trực tuyến về các điều khoản mà theo đó nội dung tin tức của người tạo nội dung tin tức có thể được phân phối bởi nhà phân phối nội dung trực tuyến.”
Sự đe dọa của Facebook là ‘phi dân chủ và không thỏa đáng’
News Media Alliance, một nhóm thương mại đại diện cho các nhà xuất bản báo chí, được cho là đã kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật này như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho Năm tài chính 2023.
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (05/12), nhóm thương mại gọi sự đe dọa của Facebook là “phi dân chủ và không thỏa đáng”, đồng thời chỉ ra thực tế là các nền tảng công nghệ trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức trên toàn cầu, điều mà nhóm cho biết đã chứng minh rằng tin tức là có nhu cầu và giá trị kinh tế.
“Những lời đe dọa này đã được thực hiện trước khi chính phủ Úc thông qua luật tương tự để trả thù lao cho các hãng thông tấn, nhưng không thành công, và rốt cuộc các nhà xuất bản tin tức vẫn được trả tiền,” nhóm này cho biết. “Luật của Úc đã tạo ra vô số việc làm cho các ký giả địa phương và 140 triệu dollar [Úc] cho các hãng thông tấn, tương đương với hàng tỷ dollar Mỹ.”
Tuy nhiên, dự luật đã không nhận được sự chấp thuận rộng rãi, với hơn hai chục nhóm, trong đó có Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU), Trung tâm Dân chủ và Công nghệ (CDT), Tri thức Công cộng, và Hiệp hội Công nghiệp Máy điện toán và Truyền thông (CCIA) kêu gọi các nhà lập pháp không thông qua nó như một phần của dự luật NDAA.
Bản tin có sự đóng góp của Joseph Lord
Phương Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times