Mẹ của một cư dân New York tự tử sau khi bị tra tấn ở trung tâm tẩy não Trung Quốc
NEW YORK – Vào sinh nhật lần thứ 31 của cô Lưu Đan Bích (Liu Danbi) hồi tháng 12/2021 — sinh nhật đầu tiên trôi qua mà không có lời chúc mừng sinh nhật từ mẹ mình — cô đã không khóc. Cô cho biết nước mắt của cô từ lâu đã cạn khô.
Cô Lưu đã không gặp mặt mẹ mình kể từ khi họ từ biệt tại phi trường ở Trung Quốc cách đây 7 năm, trước khi cô lên chuyến bay đến Thành phố New York để học cao học tại Đại học Buffalo.
Khi họ từ biệt, dường như không có bất kỳ lý do gì, cô Lưu đột nhiên bị một nỗi đau bất ngờ ập đến và không thể kìm nén những giọt nước mắt.
“Tôi có linh cảm rằng đó là lời từ biệt cuối cùng dành cho mẹ tôi,” cô nói với The Epoch Times.
Mẹ của cô, bà Hoàng Thời Quần (Huang Shiqun), đã qua đời vào ngày 23/04 năm ngoái (2021) sau khi uống bảy chai thuốc do một bệnh viện tâm thần kê đơn. Thi thể của bà được phát hiện trong một cầu thang khuất của khu chung cư nơi bà sống cùng người chồng.
Lời nhắn cuối cùng của bà Hoàng được viết trên một tờ giấy dành cho người chồng của bà. “Anh là người chồng tuyệt vời nhất trên thế gian. Em chỉ là không đủ may mắn mà thôi.”
Trước khi qua đời ở tuổi 57, bà Hoàng đã bị dằn vặt trong hai năm với căn bệnh trầm cảm. Chứng bệnh này bắt đầu xảy ra trong thời gian bà bị bắt và sau đó bị giam giữ tại quê nhà ở Vũ Hán vì đã cố gắng nói sự thật về cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với đức tin của bà.
Trước đây là một giáo viên mẫu giáo ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, bà Hoàng là một học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần với năm bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn. Các báo cáo chính thức ước tính rằng có khoảng 70 triệu người đang theo học môn này ở Trung Quốc vào năm 1999. Nhưng vì lo sợ sự phổ biến của môn tu luyện này, mà nhà cầm quyền đã bắt đầu một chiến dịch tàn bạo để đàn áp Pháp Luân Công, dẫn đến việc bắt giữ hàng triệu học viên trong những thập niên vừa qua.
Trong ký ức của cô Lưu, mẹ cô luôn hoạt bát và lạc quan. Bà Hoàng thường bắt chuyện với những người lạ trên phố và kết bạn với những người bán hoa quả trong khu phố của bà. Bà có giọng hát hay và có biệt tài bắt chước ca sĩ Đặng Lệ Quân (Teresa Teng), một biểu tượng nhạc pop của Đài Loan trong những năm 1980, người đã chinh phục được người hâm mộ khắp Á Châu với những bản ballad lãng mạn da diết.
Bà Hoàng cũng cố gắng trở thành một giáo viên giỏi. Các bậc phụ huynh đôi khi có mang tiền và quà cho bà với hy vọng bà sẽ đối xử ưu ái với con họ hơn, nhưng bà đã từ chối tất cả. Bà Hoàng sẽ nói với họ, “Tôi chỉ đang cố gắng làm một người tốt bằng cách tuân theo chân, thiện, và nhẫn,” khi dẫn ba nguyên lý cốt lõi của môn tu luyện này. Bà sẽ nói đây là công việc của bà, và bà có nghĩa vụ phải làm thật tốt công việc của mình.
“Như thể là không có việc gì là quá khó đối với bà ấy,” cô Lưu nói. “Sự hiện diện đơn thuần của bà khiến tôi cảm thấy an toàn.”
Nhưng những đặc điểm đó đã biến mất khỏi bà sau khi bà trở về từ Trung tâm Giáo dục Pháp luật Quận Kiều Khẩu của Vũ Hán vào tháng 02/2018. Cơ sở này được các học viên gọi là “trung tâm tẩy não” vì có những hoạt động khiến các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ đức tin của mình qua sự kết hợp của tuyên truyền, ép buộc, và cưỡng bức dùng thuốc.
Cô Lưu đã không bao giờ biết được điều gì đã xảy ra với mẹ mình trong suốt một tháng bị giam giữ tại trung tâm này. Nhưng khi bà Hoàng quay trở về, bà không còn là chính mình nữa. Bà đã giảm 66 pound (30 kg). Bà luôn trằn trọc vào ban đêm và đi lại quanh quẩn trong nhà. Bà bị suy giảm thị lực và thính giác. Bà không thể đọc và thậm chí còn bị lạc trong chính khu phố của mình. Trong các cuộc gọi với cô Lưu, bà Hoàng có nói về việc bà bị rụng lông tay và chuột rút.
Đáng lo ngại hơn là những thay đổi về trạng thái tinh thần của bà. Từ một người hoạt bát, bà Hoàng trở nên dễ lo sợ và thu mình. Bà luôn kéo rèm xuống ngay cả vào ban ngày, và nói rằng bà sợ ánh sáng. Bất kỳ vị khách nào đến thăm cũng sẽ làm bà hoảng sợ, và bà không còn muốn ra ngoài nữa.
Bệnh viện cho gia đình biết rằng dây thần kinh sọ não của bà Hoàng đã bị thoái hóa.
“Bà nói với tôi rằng bà cảm thấy như thể mọi tế bào trong cơ thể mình đang bị tra tấn,” cô Lưu nói. “Tôi cảm thấy như bà luôn sẵn sàng nhảy lầu bất cứ lúc nào và từ bỏ sinh mạng của mình.”
Phần lớn thời gian bà Hoàng đều nằm trên giường, “đau khổ và cố gắng vượt qua,” cô Lưu cho biết.
Bà Hoàng thường xuyên nói với cô Lưu về những nỗi đau thể chất và tinh thần của mình, nhưng cả hai người đều thận trọng khi thảo luận về điều gì có thể là nguyên nhân, vì họ biết rằng cuộc trò chuyện qua điện thoại của mình có khả năng bị nghe lén. Cô Lưu nghi ngờ rằng các lính canh đã bỏ thuốc tâm thần vào thức ăn của mẹ cô trong thời gian bà bị giam giữ.
Cô đi đến kết luận này sau khi đọc các báo cáo trực tuyến về trung tâm giam giữ này và về những học viên có biểu hiện tương tự sau khi bị đánh thuốc tâm thần. Theo Minghui, một trang web chuyên theo dõi cuộc đàn áp Pháp Luân Công có trụ sở tại Hoa Kỳ, một số học viên đã kể lại rằng bữa ăn của họ có mùi thuốc.
Bà Tiêu Ánh Tuyết (Xiao Yingxue), một cựu nhân viên tại Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Quận Kiều Khẩu, đã bị chích ba liều thuốc không rõ nguồn gốc tại cùng một trung tâm này vào năm 2011 và phàn nàn về những cơn đau đầu dữ dội trong vài năm sau đó; cô Vương Ngọc Khiết (Wang Yujie), 24 tuổi, từng nôn ra bọt trắng sau khi bị chích thuốc không rõ nguồn gốc lên vai tại trung tâm tẩy não tỉnh ở Hồ Bắc. Cô đã bị mất thính giác và thị lực, và qua đời vào tháng 09/2011, bốn tháng sau khi được trả tự do, theo Minghui.
Cô Lưu chỉ có thể tìm hiểu về thời gian mẹ cô bị giam giữ từ những tin nhắn do bà Hoàng viết trên các mẩu giấy và giơ lên cho cô xem trong cuộc gọi video mà cô Lưu đã chụp lại để đọc sau đó. Bà Hoàng đã sử dụng phương pháp liên lạc im lặng này để tránh bị phát hiện bởi bất kỳ kẻ nghe lén nào.
Trong những mẩu giấy đó, bà Hoàng đã viết về sự tra tấn không ngừng: cách bà bị buộc phải ngồi trong một “lớp học” có hai lớp cửa kim loại suốt 15 giờ đồng hồ mỗi ngày, nơi các bản ghi âm và video phỉ báng Pháp Luân Công được phát bằng âm lượng lớn; cách các tù nhân, theo những giao kèo từ lính canh, không cho bà ngủ và xô đẩy bà nếu bà chỉ hơi nhắm mắt. Các lính canh đã cho bà rất ít thức ăn. Vào ngày thứ năm, thân thể bà Hoàng bắt đầu run rẩy không kiểm soát được. Trước đây bà từng đứng vững khi lính canh yêu cầu bà ký vào các văn bản từ bỏ đức tin của mình, nhưng vào ngày hôm đó, bà đã bỏ cuộc.
“Bà ấy không biết đó là gì, nhưng cảm thấy không thể kiểm soát được bản thân,” cô Lưu cho biết.
Bà Hoàng đã nhiều lần bị bắt viết “bài tập về nhà” để phỉ báng và “bày tỏ sự căm ghét” đối với đức tin của mình cho đến khi việc đó có thể làm hài lòng các lính canh.
Cảnh sát đã không buông tha cho bà Hoàng ngay cả sau khi bà được thả ra. Chưa đầy một năm sau, họ yêu cầu bà Hoàng ký một văn bản khác từ bỏ đức tin của bà. Biện pháp này là một phần của một chiến dịch “xóa sổ” trên toàn quốc nhằm loại bỏ các học viên địa phương.
Các quan chức cấp tỉnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã gây áp lực buộc chồng của bà Hoàng phải ly hôn bà.
Việc chấp nhận bà Hoàng đã ra đi là điều khó khăn với cha của cô Lưu, người cũng luôn phải sống trong tâm thái phòng bị cả ngày lẫn đêm để gắng sức giữ cho bà Hoàng được an toàn. Chị họ của cô Lưu nói với cô rằng cô chưa bao giờ thấy ông khóc như vậy.
“Ông ấy chưa bao giờ chuẩn bị tinh thần cho ngày đó,” cô cho biết.
Cô Lưu nói, thậm chí đến bây giờ, ông vẫn chỉ có thể ngủ được hai hoặc ba tiếng ngay cả khi có sự hỗ trợ của thuốc ngủ.
Mới đây, cha của cô Lưu đã gọi điện cho cô. Ông đã bị say. “Ông nói với tôi rằng ông không biết mình có thể sống tiếp như thế nào.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: