Mary Theroux: Giải pháp chấm dứt tình trạng vô gia cư cần theo ‘mô hình truyền thống của Mỹ’
San Antonio, Texas, đang giải quyết tình trạng vô gia cư trên quy mô lớn
Beyond Homelessness: Finding Hope, là một bộ phim tài liệu về cuộc khủng hoảng vô gia cư trên toàn quốc và các giải pháp khả thi cho tình trạng này. Được dẫn dắt bởi bà Mary Theroux, chủ tịch và Giám đốc điều hành của một tổ chức tư vấn theo chủ nghĩa tự do có trụ sở tại California, bộ phim mô tả vấn nạn vô gia cư đang gia tăng ở San Francisco và so sánh nó với các thành phố đã tìm ra các giải pháp trên diện rộng.
Bà Theroux nói rằng cách để chấm dứt tình trạng vô gia cư không phải là cách tiếp cận từ trên xuống dưới của chính phủ, mà là phương thức toàn bộ cộng đồng cùng nhau chung sức theo truyền thống Mỹ.
Nhóm làm phim tài liệu của bà nhận thấy rằng trong khi hầu hết các địa phương đều có các chương trình nhỏ hoạt động tốt, thì Haven for Hope của San Antonio ở Texas là chương trình quy mô lớn duy nhất đánh bại tình trạng vô gia cư thành công vì nó được mô phỏng theo một phương pháp tiếp cận toàn cộng đồng.
“Quan trọng nhất là, chương trình này được thực hiện thông qua một mô hình truyền thống của Mỹ, mang đặc trưng lý tưởng dân chủ của nhà khoa học chính trị Alexis de Tocqueville, khi mọi người trong cộng đồng đến bên nhau… [và] hình thành nên một đội đặc nhiệm,” để lập chiến lược về nhu cầu toàn diện của người dân, bao gồm phỏng vấn những người vô gia cư để tìm hiểu những gì họ đang tìm kiếm, bà Theroux cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình Fresh Look America của kênh truyền hình NTD.
“Nhưng quan trọng hơn, [việc] cung cấp dịch vụ chăm sóc chuyển đổi, dịch vụ chuyển đổi khu dân cư, để mọi người tự đưa bản thân mình rời khỏi đường phố nhằm phát huy tối đa tiềm năng của họ và sống một cuộc đời phong phú.”
Chương trình Haven for Hope có 140 đối tác làm việc đồng bộ với nhau trong khuôn viên của họ, để cung cấp các dịch vụ tùy theo nhu cầu: “… họ giải quyết trên cơ sở từng người một. Vì vậy, khi quý vị bước vào, họ sẽ nói, hãy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của quý vị, và sau đó điều gì đang cản trở quý vị tiếp tục cuộc sống của mình, và họ giải quyết vấn đề đó,” bà Theroux chia sẻ.
Không giống như San Francisco, “nơi quý vị giữ chặt người nào đó trong nhà, họ không thể sống thành công theo cách đó, và cuối cùng họ lại quay trở lại đường phố hết lần này đến lần khác”, tại Haven for Hope “những gì họ đang được nhận ngay từ đầu là tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện,” bà Theroux cho hay.
“Sự phục hồi là thực sự khó khăn.”
Sự gia tăng tình trạng vô gia cư do chính sách
Theo báo cáo năm 2020 của HUD, trước đại dịch, số lượng người vô gia cư đã tăng 7% từ năm 2019 đến năm 2020, trong khi số lượng người có nhà ở trên toàn quốc hầu như không thay đổi.
Tuy nhiên, bà Theroux cho biết những phát hiện của bà cho thấy tình trạng vô gia cư đang gia tăng trên toàn quốc và trở nên tồi tệ hơn ở nhiều thành phố lớn do sự thay đổi chính sách về Nhà ở và Phát triển Đô thị (HUD) của Hoa Kỳ bắt đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush và được tăng cường dưới thời chính phủ ông Barack Obama.
Chương trình HUD này, được gọi là Nhà ở Trước tiên, đã chuyển trọng tâm từ các căn nhà tạm trú sang nhà ở cố định, vốn hết sức đắt đỏ và mất nhiều thời gian để xây dựng, để lại rất ít tiền cho các nguồn lực khác quan trọng hơn, chẳng hạn như sức khỏe tâm thần, tình trạng nghiện ngập, và các dịch vụ sức khỏe thể chất mà những người vô gia cư vốn cần, bà Theroux cho biết.
“[Chính phủ] đã biến đường phố thành phòng chờ trong thời gian đó,” và “ngay từ đầu quý vị chưa bao giờ giải quyết những nguyên nhân gốc rễ [khiến] người nào đó rơi vào tình trạng vô gia cư.”
Bà cho biết, ngay cả những người thực sự được vào ở trong căn nhà cố định thường không có kỹ năng sống độc lập và cuối cùng lại quay trở lại đường phố, hoặc tử vong vì sử dụng ma túy quá liều.
“Đó là một giải pháp rất tồi, và chúng ta phải đảo ngược nó.”
Trong khi đó, Thống đốc California Gavin Newsom cho biết chính quyền của ông đã rót thêm nhiều tiền — hơn 12 tỷ USD — vào cuộc chiến chống lại tình trạng vô gia cư hơn bất kỳ thống đốc nào khác trước ông. Nỗ lực vào năm 2022 của chính quyền của ông nhằm chấm dứt tình trạng vô gia cư bao gồm cả việc tăng cường tài trợ cho các khu nhà ở nhanh gọn, trong đó có “những ngôi nhà tí hon” và Dự án Homekey.
“Chúng tôi đang tăng gấp đôi nỗ lực dẫn đầu quốc gia của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng vô gia cư,” ông Newsom cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 05/2022 về đề nghị ngân sách của mình, cũng là lúc ông thông báo tài trợ thêm cho Homekey, nói rằng dự án này đã vượt qua mốc 10,000 đơn vị nhà được tài trợ kể từ ngày bắt đầu cách đây chưa đầy hai năm.
Giải pháp nằm ở chỗ khác
“Quý vị phải chỉ ra được điều gì khiến họ rơi vào cảnh vô gia cư, hoặc điều gì khiến họ mãi trong tình trạng vô gia cư, để giải quyết vấn đề đó, và… bốn bức tường không làm được điều đó,” bà Theroux giải thích. “Quý vị chỉ chọn một người vô gia cư và cấp nhà ở cho họ, vì vậy họ vẫn là những người vô gia cư về mặt văn hóa, và quý vị không phải là đang giúp họ.”
Bà nói: chấn thương thời thơ ấu, những rối loạn sức khỏe tâm thần, và sự suy thoái kinh tế là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vô gia cư. Mặc dù nhiều người vốn đã nghiện ngập, nhưng nhiều người khác trở thành con nghiện như một cách để thoát khỏi nỗi đau khổ của cảnh vô gia cư.
Và thay vì khiến cuộc sống của họ dễ dàng hơn, điều các quan chức thành phố gọi là “giảm thiểu tác hại”, bà Theroux nói. “Chúng ta thực sự cần đem đến cho mọi người những nguồn lực để thoát khỏi tình cảnh nô lệ đó và phát huy tối đa tiềm năng của họ với tư cách là con người.”
Ông Newsom cũng đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần trong việc chống lại tình trạng vô gia cư và cho biết ngân sách của ông bao gồm cả việc đầu tư hàng tỷ dollar vào các chương trình sức khỏe tâm thần cho bộ phận người vô gia cư.
Trong khi bà Theroux tin rằng việc cấm ma túy không mang lại hiệu quả, bà cũng không tin vào việc sẵn sàng cho phép sử dụng ma túy để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác hại — chẳng hạn như cung cấp ống chích, giống như ở San Francisco. Bà cho biết giáo dục mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên, về thực chất của việc sử dụng ma túy, là chìa khóa để giảm tình trạng nghiện ngập.
“Chúng ta phải duy trì hoặc trả lại trật tự dân sự cho đường phố của chúng ta, và giải quyết nạn sử dụng ma túy thông qua giáo dục và điều trị, đồng thời giúp mọi người hiểu rằng đó không phải là một lựa chọn tốt. Và nếu quý vị bị nghiện, có một cách để không trở thành nghiện,” bà Theroux nói.
“Song song với điều đó, chúng ta phải giúp cho trẻ em hiểu rằng có một mục đích sống trên đời, và chúng ta đã tước đoạt đi thứ đó thật nhiều. Chúng ta đang nói với bọn trẻ rằng “không, chẳng có mục đích nào cả.”
Một yếu tố khác, quan trọng hơn, là trao quyền cho các gia đình, những người có thể giúp khơi gợi cảm giác thân thuộc và mục đích sống, bà nói.
“Chúng ta đang có một cuộc chiến về trẻ em ở đất nước này… Chúng ta đang cố gắng phá hủy tuổi thơ. Chúng ta có những gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng.”
Trong khi thực hiện bộ phim tài liệu này, bà Theroux cho biết bà đã gặp nhiều người từng trải qua những tổn thương thời thơ ấu không thể tưởng tượng nổi và những hệ thống gia đình tan vỡ, trong đó có một phụ nữ nói rằng, khi còn là một thanh niên vô gia cư, cô phải ngủ dưới gầm ô tô để thoát khỏi những kẻ săn mồi.
Sự kiểm soát quá mức của chính phủ
Ở California — một trong sáu tiểu bang tồi tệ nhất về tình trạng vô gia cư — luật phân vùng, chính sách biến đổi khí hậu, và sự kiểm soát của chính phủ đối với việc xây dựng các đơn vị nhà ở, đã khiến việc xây nhà trở nên vô cùng đắt đỏ và góp phần làm gia tăng tình trạng vô gia cư.
California là tiểu bang duy nhất có hơn 70% dân số vô gia cư không có nơi ở. Với 113,660 người, điều này khiến cho Tiểu Bang Vàng là nơi cư trú của hơn một nửa số người vô gia cư trên toàn quốc.
“Ngân sách giai đoạn 2021-2022 cung cấp 10.7 tỷ USD (5 tỷ USD Quỹ Chung) cho 50 chương trình liên quan đến nhà ở và vô gia cư của 15 cơ quan của tiểu bang,” theo kế hoạch chi tiêu của cơ quan lập pháp tiểu bang California. Trong ngân sách năm 2019, thống đốc đã dành 1 tỷ USD cho người vô gia cư và gần 2 tỷ USD cho nhà ở.
Rõ ràng, hàng tỷ dollar được phân bổ cho cuộc khủng hoảng này đã không giúp giảm bớt tình trạng vô gia cư ở các thành phố lớn của tiểu bang đó.
“Đó là kế hoạch hóa tập trung,” bà Theroux nói. “Chúng ta đã thấy tình trạng này ở tất cả các nước cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa, khi được kế hoạch hóa tập trung. Đó là kế hoạch rất đắt đỏ, và tiêu tốn nhiều thời gian, và rất không hiệu quả.”
Tại Texas, tình trạng vô gia cư vào tháng 01/2020 ước tính là 27,229 người và theo thống kê năm 2018, 54% trong số họ không có nơi ở. Theo Texas Tribune, cơ quan lập pháp tiểu bang đã phân bổ 25 triệu USD cho người vô gia cư vào năm 2019.
Lý do Haven for Hope của San Antonio thành công là vì chương trình này kết nối doanh nghiệp và cộng đồng phi lợi nhuận, cảnh sát, sở cứu hỏa, và chính quyền thành phố lại với nhau để cung cấp tất cả các dịch vụ mà mọi người cần để chấm dứt vòng tròn vô gia cư, bà Theroux cho biết.
Cộng đồng San Antonio bỏ rất nhiều thời gian và công sức vào Haven for Hope vì họ biết rằng chương trình này này cải thiện cuộc sống, và mọi người muốn giúp đỡ vì vậy việc đó thiết lập một “vòng tròn đạo đức”, bà Theroux chia sẻ. Trong khi quay phim ở đó, bà đã chứng kiến cách cộng đồng lớn hơn phản ứng trước lời kêu gọi giúp đỡ để chuẩn bị cho mùa đông.
“Tôi đã quan sát dòng xe hơi xuất hiện với túi ngủ mới, áo khoác mới, găng tay mới, bất cứ thứ gì, đúng là một làn sóng dồn dập sự ủng hộ và tham gia.”
Vượt ra ngoài chính trị
Bà Theroux tin rằng để nhân rộng Haven for Hope trên quy mô quốc gia, hoặc ở các thành phố khác, thì các nhà lãnh đạo sẽ phải vượt qua các đường lối chính trị [khác biệt], như họ đã làm ở San Antonio. Ở đó, bất chấp sự khác biệt của họ, một thị trưởng thuộc Đảng Dân Chủ và một doanh nhân Đảng Cộng Hòa đã làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp lâu dài.
“Điều quan trọng của hoạt động tình nguyện, khi làm việc với những người khác biệt với mình là quý vị thực sự học được rằng ‘Không, chúng ta đều giống nhau.’ Thực ra, tất cả chúng ta đều giống hệt nhau, và chúng ta phải lấy lại điều đó,” bà Theroux nói.
Mặc dù cánh tả và cánh hữu còn chia rẽ về nhiều vấn đề chính trị và xã hội, nhưng sự bất mãn của họ với chính phủ đang khiến hai bên xích lại gần nhau, điều mà bà Theroux coi là rất quan trọng để chống lại cuộc khủng hoảng vô gia cư-nghiện ngập.
“Chúng tôi không muốn mọi người nghĩ rằng bổn phận của chính phủ là phải quan tâm chăm sóc cho mọi người lẫn nhau. Bổn phận của chúng ta là hãy quan tâm chăm sóc lẫn nhau,” bà Theroux nói.
Cô Masooma Haq đã bắt đầu đưa tin từ Pakistan cho The Epoch Times từ năm 2008. Hiện tại, cô chuyên viết về nhiều chủ đề bao gồm chính phủ, văn hóa, và giải trí của Hoa Kỳ.