Mạo Khởi Tông – ‘Kẻ ngốc’ nhìn thấu sắc tức thị không nơi thế gian
Đại thần triều Minh Mạo Khởi Tông, tự là Tông Khởi, xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc ở tỉnh Giang Tô. Trong thời gian tại chức, ông một lòng noi theo gương của danh thần thời Bắc Tống là Bao Chửng. Bởi vì bản tính cương trực, làm quan cương chính liêm khiết, nên mấy chục năm ở chốn quan trường, những người muốn hối lộ ông đều không tìm được ai dám tìm đến ông để biếu tặng lễ vật.
Mạo Khởi Tông nhậm chức tại Đoan Châu, vùng này nổi tiếng với sản phẩm nghiên mực Đoan Khê (làm từ đá Đoan Khê). Mạo Khởi Tông không lấy bất cứ khối đá nào ở đó, người đương thời hài hước gọi ông là “kẻ ngốc”. “Kẻ ngốc” này cùng với con trai trưởng của ông là Mạo Tương đều nổi tiếng thiên hạ bởi tài văn chương và khí tiết của mình. Mạo Khởi Tông thuở trẻ còn có một đoạn giai thoại thú vị về việc “giới sắc”.
Mạo Khởi Tông chú thích Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
Thời thiếu niên, Mạo Khởi Tông vào mỗi buổi sáng sớm đều sẽ thành tâm tụng đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, do đó ông hiểu sâu đạo lý nhân quả báo ứng. Lúc đó, từng có một thiếu phụ muốn bỏ trốn cùng với Mạo Khởi Tông, nhưng đã bị Mạo Khởi Tông kiên quyết cự tuyệt.
Mạo Khởi Tông kính trọng Thần linh, tâm địa đoan chính thuần khiết, thích làm điều thiện, Thần linh cũng rất xem trọng ông. Vào kì thi hương năm Mậu Ngọ, trong lúc làm bài thi, Mạo Khởi Tông có cảm giác đầu óc hôn trầm tựa như đang trong mộng vậy, thậm chí đến cả đề thi cũng nhìn không được rõ, tuy nhiên bài thi của ông dường như được Thần linh trợ giúp, nhờ đó mà đã đỗ kì thi hương.
Trong kỳ thi hội tiếp theo sau đó, Mạo Khởi Tông tuy không đỗ, nhưng sau khi về nhà ông vẫn tiếp tục kiên trì với việc đèn sách. Một ngày nọ, ông nghĩ đến việc tham dâm háo sắc sẽ làm giảm công danh và tổn hại phúc đức của người ta, nhưng điều này lại thường bị các học sĩ phớt lờ, do đó ông liền ở phía dưới 2 câu “kiến tha sắc mỹ, khởi tâm tư chi” (thấy người mỹ lệ thì sinh tà tâm) trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên mà liệt kê ra rất nhiều những ví dụ thực tế về báo ứng, chứng minh ác báo đáng sợ của tà dâm. Sau khi ông viết xong thì đứng trước tượng Thần mà đốt, thông qua việc này để cầu xin Thần linh minh chứng cho ý chí của mình.
Sự nguy hại của sắc tâm
Chú thích ở dưới hai câu “kiến tha sắc mỹ, khởi tâm tư chi” nói như thế này, trong rất nhiều các loại ác nghiệp, duy chỉ có sắc giới là dễ phạm nhất. Từ xưa đến nay, những người đạo đức bại hoại, tự chuốc lấy họa ấy, đa phần đều do sắc dục mà khởi. Một niệm sắc dục tuy nhỏ, nhưng chỉ cần nó vừa khởi thì các loại ác niệm khác đều theo đó mà ùn ùn kéo đến.
Sắc tâm sẽ sản sinh ra những tâm nguy hiểm nào? Trong sách có nói đến, nếu không có duyên phận mà lại đi cưỡng cầu, thì sẽ sinh ra tâm vọng tưởng; vì để có được mỹ sắc, trong lòng sẽ thường nảy sinh toan tính, dụ dỗ người khác; nếu bị ngăn trở thì sẽ sinh ra tâm sân nộ oán hận; bị sắc dục mê hoặc đến thần hồn điên đảo thì sẽ sinh ra tình chí mê loạn; nhìn thấy người khác có được mỹ sắc nhưng bản thân lại không có, thì sẽ sinh ra ác tâm đố kị; vì để tranh đoạt mỹ sắc, còn có thể sinh ra tâm giết người.
Sắc dục có thể phá hủy đạo đức nghề nghiệp và làm tiêu giảm công danh phúc thọ của con người. Đa phần các loại nghiệp duyên đều do sắc mà sinh ra. Những người an phận thủ thường nhưng không có con cháu kia, các văn nhân tài tử cả đời cô quạnh cũng đều là những bi kịch được tạo thành bởi nguyên nhân từ sắc.
La Hiến Nhạc nằm mộng thấy Thần dụ
Công việc sao chép, thêm chú thích vào Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Mạo Khởi Tông được một người tên gọi là La Hiến Nhạc, người huyện Nam Xương trợ giúp.
Tháng giêng năm Mậu Thìn (năm 1628), dưới thời Sùng Trinh đế, La Hiến Nhạc nằm mộng thấy 3 vị Thần nhân, trong đó có một ông lão râu tóc bạc trắng, hai bên trái và phải của ông là 2 người thiếu niên trẻ tuổi. Lão ông đưa cho thiếu niên đứng bên trái một quyển sổ nhỏ rồi bảo: “Ngươi hãy đọc đi” .
Cậu thiếu niên ngân nga đọc một hồi lâu, La Hiến Nhạc nghe rất rõ ràng, những gì mà cậu thiếu niên đó đọc chính là toàn bộ chú giải của Mạo Khởi Tông về “kiến tha mỹ sắc”. Sau khi cậu thiếu niên đọc xong, lão ông chỉ nói hai chữ “nên đậu”. Sau đó, lão ông lại bảo cậu thiếu niên bên phải đọc một bài thơ. Cậu thiếu niên liền ngâm:
Tham tương chiết quế quảng hàn cung, tất tín tam thiên sắc thị không
Khám phá thế gian mê nhãn tương, bảng hoa nhất đáo mãn thành hồng.
Đại ý của bài thơ này là, Mạo Khởi Tông ngắt nhành quế ở cung Quảng Hàn, bởi vì ông không bị mỹ sắc mê hoặc, tin rằng sắc tướng trong tam thiên đại thiên thế giới này vốn đều là không. Ông chú giải khuyên người giới sắc, khiến người trong thế gian nhìn thấu sắc tướng mê hoặc lòng người, không tham luyến chấp trước. Chính nhờ công đức khuyến hóa này của ông, đã khiến ông có tên trên bảng vàng, được dân chúng khắp thành chúc tụng.
Kỳ mộng “bảng hoa” ứng nghiệm
Sau khi người thiếu niên ngâm xong đoạn thơ, ông lão cười lớn một tiếng rồi cùng hai người họ rời đi. La Hiến Nhạc sau khi tỉnh lại đã ghi chép kĩ lưỡng những gì nhìn thấy trong giấc mộng, rồi gửi cho con trai của Mạo Khởi Tông, ông nói: “Phụ thân của ngươi sắp đỗ đạt rồi, nhưng “bảng hoa” được nhắc đến trong giấc mộng là gì thì ta quả thật không biết”, kết quả đến ngày yết bảng, Mạo Khởi Tông quả nhiên đậu tiến sĩ.
Về sau, Mạo Khởi Tông phát hiện chú giải về “bảng hoa” trong các hồ sơ lưu trữ của Trần Tông Cửu, ý nghĩa chính là khoa cử vào thời nhà Đường, khi lễ bộ yết bảng, phàm là những tên họ hiếm gặp thì đều được gọi là “bảng hoa”. Họ “Mạo” thuộc họ hiếm gặp, do đó La Hiến Nhạc trong mộng nghe thấy hai chữ “bảng hoa” ngụ ý chính là chỉ Mạo Khởi Tông vậy.
Có người nhận xét rằng, các học sĩ có thể đắc được công danh, thì ngoài văn chương tài trí ra, còn cần phải có phúc báo. Vận mệnh của Mạo Khởi Tông hoàn toàn không giống như người sẽ đỗ đạt tiến sĩ, nhưng thông qua hai sự việc kì lạ, một là được Thần linh trợ giúp trong kì thi hương, sự việc còn lại là trước kì thi đình thì bạn của ông nhờ nằm mộng mà biết được ông sẽ trúng bảng. Đây lẽ nào không phải là phúc báo mà Mạo Khởi Tông có được nhờ khuyên răn người “giới sắc” sao?
Tư liệu tham khảo:
- Mạo Hiến phó kí sự
Do Hồng Hi thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: