Manga và tranh in truyền thống độc đáo của họa sĩ Katsushika Hokusai
Họa sĩ Nhật Bản Katsushika Hokusai đã sáng tác một số lượng đáng kinh ngạc các tác phẩm tuyệt diệu, đa phần là bản in. Ông bắt đầu sự nghiệp lẫy lừng của mình với tư cách là một thợ in, nhưng vào năm 30 tuổi ông bắt đầu vẽ tranh. Sau cùng ông bỏ nghề in vào cuối những năm 60 và tập trung vào việc vẽ tranh vào đầu những năm 70.
Trong triển lãm “Hokusai: Kẻ Say Họa” tại Bảo Tàng Quốc Gia Nghệ Thuật Á Châu Smithsonian (Phòng trưng bày Nghệ thuật Freer và Phòng trưng bày Arthur M. Sackler), 120 tác phẩm của Hokusai được trưng bày từ bộ sưu tập của Charles Lang Freer. Bộ sưu tập của Freer là bộ sư tập về Hokusai lớn nhất bao gồm các bức tranh, bản vẽ và bản phác thảo của Hokusai.
Cuộc triển lãm kéo dài một năm khai mạc vào tháng 11/2019 để kỷ niệm một trăm năm ngày mất của Freer. Đây sẽ là một trong những buổi triển lãm đầu tiên mà du khách có thể ghé thăm khi bảo tàng mở cửa trở lại.
Trợ lý giám tuyển nghệ thuật người Nhật của Japan Foundation, Frank Feltens, đã phụ trách cuộc triển lãm. Ông nói về quá trình sản xuất tranh in của Hokusai trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về một số tác phẩm của người nghệ sĩ này.
The Epoch Times: Hokusai đã hoàn thành khóa học về nghề in truyền thống Nhật Bản. Có phải việc học nghề truyền thống kết thúc vào thời Edo (1603–1867)?
Frank Feltens: Ngành công nghiệp in truyền thống được phân công lao động rất rõ ràng. Một nhà thiết kế bản in sẽ tạo ra bản thiết kế in, sau đó thiết kế này sẽ một thợ chạm khắc lên bản gỗ. Những tấm mộc bản này sẽ được đưa cho các thợ in để tiền hành in ấn. Tác phẩm hoàn thành sẽ được bán bởi một trong những nhà xuất bản điều hành các cửa hàng in ở Edo.
Hình thức phân công lao động này về cơ bản đã sụp đổ khi Nhật Bản hiện đại hóa vào cuối thế kỷ 19. Tuy vẫn còn những người chuyên làm nghề thủ công cổ xưa cao quý này nhưng ít hơn nhiều so với thời Edo, khi nó từng là một ngành kinh doanh khổng lồ và là phương tiện truyền bá thông tin phổ biến.
The Epoch Times: Bạn có một số thiết kế cho mộc bản sơ kỳ hiếm hoi của Hokusai trong triển lãm. Hãy cho chúng tôi biết lý do tại sao chúng hiếm.
Ông Feltens: Chúng tôi có một bộ sưu tập khá quan trọng các bản vẽ sơ bộ cho bản in “Hyakunin Isshu uba ge etoki” (“Một trăm nhà thơ, mỗi bài thơ là lời giải thích của người vú nuôi”). Đây là minh họa vào cuối thời Edo cho hợp tuyển thơ cổ “Một trăm nhà thơ, mỗi người một bài thơ” [của nhà thơ thế kỷ 12 Fujiwara no Teika]. Tất cả những bức vẽ này đều thuộc một bộ tranh được Hokusai thực hiện trong những năm cuối với nghề in. Chúng đặc biệt hiếm vì thường bị thất lạc trong quá trình tạo bản in. Thông thường, những bản vẽ này được chính các họa sĩ vẽ, rồi được dán trực tiếp trên khối khóa (khối gỗ trong quy trình sản xuất có khắc các đường viền cho toàn bộ bản in). Để đạt độ chính xác cao nhất, người thợ sẽ trực tiếp chạm khắc qua những bản vẽ đó.
The Epoch Times: Trong triển lãm, có một thứ trông giống như một cuốn sách với các hình ảnh minh họa hướng dẫn các bước nhảy.
Ông Feltens: Hokusai đã được một nhà xuất bản yêu cầu tạo hình ảnh minh họa cho sách hướng dẫn cách khiêu vũ, vì vậy tựa đề của cuốn sách này là “Tự học khiêu vũ”. Nó thực sự là một trong những ấn phẩm yêu thích của tôi. Bạn có thể sử dụng cuốn sách đó ở nhà và bắt đầu nhảy theo. Bạn biết được tất cả các động tác phổ biến vào thời điểm đó, vì vậy bạn có thể thể hiện chúng khi dạo phố.
The Epoch Times: Trong triển lãm, bạn sẽ thấy một số cuốn sách in tên là “Hokusai Manga”. Theo hiểu biết của tôi, manga của Hokusai khác với cách chúng ta nghĩ về manga bây giờ.
Ông Feltens: Đúng vậy. Manga hiện nay có thể là bất cứ thứ gì, từ truyện tranh đến bình luận xã hội, cho cả trẻ em và người lớn như nhau. Vào thời của Hokusai, thuật ngữ “manga” có nghĩa là vẽ nguệch ngoạc hoặc viết nhanh, vì vậy nó có nghĩa là một cái gì đó được tạo ra một cách ngẫu hứng.
Thuật ngữ “Hokusai Manga” thực chất là một loạt sách được sản xuất dựa vào các bức vẽ của Hokusai, bắt đầu từ năm 1814 khi ông còn sống. Những cuốn sách này trở nên phổ biến đến nỗi chúng tiếp tục được tái bản với những hình ảnh chưa dùng đến tại các xưởng vẽ của Hokusai sau khi ông qua đời từ lâu.
Động cơ tạo ra tập manga đầu tiên là để phổ biến kiến thức về phong cách của Hokusai cho một lượng độc giả rộng rãi. Nói cách khác, ông muốn khuyến khích mọi người sao chép và vẽ giống phong cách của ông, để tăng danh tiếng của mình.
Tôi nghĩ ông muốn khuyến khích mọi người vẽ như ông nhưng cũng nên vẽ hoặc chú ý đến tính nghệ thuật ngay từ đầu.
Bài phỏng vấn này đã được chỉnh sửa cho rõ ràng và ngắn gọn.
Để tìm hiểu thêm về triển lãm “Hokusai: Kẻ Say Họa” tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Smithsonian, bao gồm cả ngày mở cửa trở lại, hãy truy cập Asia.si.edu
Lorraine Ferrier
Phương Du biên dịch
Xem thêm: