Mãn Đô Hải Tư Cầm cứu vãn gia tộc hoàng kim, phục hưng Hãn quốc Mông Cổ
Nàng là một thiếu nữ quý tộc trên thảo nguyên, vốn dĩ nên có một cuộc sống êm đềm hạnh phúc, cùng với một chàng hoàng tử anh tuấn cưỡi ngựa nắm tay đi hết cuộc đời. Tuy nhiên, đế quốc Mông Cổ của nàng đang đối mặt với khảo nghiệm sinh tử tồn vong gay gắt. Nàng phải đưa ra sự lựa chọn giữa mưu cầu hạnh phúc cá nhân hay là cống hiến đời mình cho quốc gia và dân tộc.
Hơn hai trăm năm sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, hậu duệ của gia tộc hoàng kim, từ chinh phục trung nguyên cho đến khi lui về phía Bắc đại mạc, đã trải qua sự thay đổi thịnh suy của các triều đại. Đế quốc Mông Cổ hiển hách một thời đã trở thành “Bắc Nguyên”, Những khó khăn mà Đế quốc Mông Cổ phải đối mặt không chỉ là đời sống đi xuống bởi hoang mạc khô cằn, mà còn là sự tranh quyền đoạt thế giữa các thủ lĩnh bên trong bộ tộc và những kẻ thù hùng mạnh bên ngoài bộ tộc. Vào thời khắc quan trọng khi mà tình thế quốc gia đang lâm nguy, đời sau điêu tàn, ai có thể đứng ra chống chọi, xoay chuyển càn khôn, thực hiện phục hưng đế quốc Mông Cổ, tạo dựng lại uy danh của gia tộc hoàng kim?
Người đời thường nói rằng thời thế tạo anh hùng, nguy cơ to lớn của Hãn quốc Mông Cổ đã hun đúc nên một người con gái huyền thoại xưa nay hiếm gặp – Mãn Đô Hải Tư Cầm.
Sự lựa chọn của người thiếu nữ
Mãn Đô Hải, còn có tên gọi khác là Mãn Đô Hải Tư Cầm, Mãn Đô Hải Cáp Đồn, hoặc là Mãn Đô Hải Triệt Thần Phúc Tấn, bà là con gái của Tể tướng của Uông Cổ bộ – Xước La Bái Thiết Mộc Nhĩ. Vùng đất Uông Cổ bộ là sự kết hợp giữa nông nghiệp và chăn nuôi, luôn là một bộ tộc thịnh vượng, giàu có với thương mại phát triển trong Đế quốc Mông Cổ, đồng thời đây còn là một thị trấn quan trọng cho sự giao dịch thương mại và giao lưu văn hóa giữa châu Á và châu Âu. Sau Giám quốc công chúa A Lạt Hải, Uông Cổ bộ thần phục Mông Cổ, mấy đời kết thông gia với gia tộc hoàng kim, trở thành hoàng thân quốc thích có địa vị tôn quý trong Hãn quốc Mông Cổ .
Uông Cổ bộ tuy ngồi hưởng vinh hoa phú quý, nhưng bộ lạc du mục bên ngoài lại là một cảnh tượng hoàn toàn khác. Hãn Vương của Bắc Nguyên không còn thực lực để tiếp tục thống nhất thảo nguyên nữa, Mông Cổ một lần nữa có nguy cơ chia cắt. Vào thời đại Mãn Đô Hải sinh sống, nhà Nguyên đã bị diệt vong hơn 80 năm, trong khi đó triều đình Hãn Mông Cổ với nền tảng không vững chắc, vừa trải qua một cuộc thảm sát và tổn thất sinh lực lớn.
Ngõa Lạt bộ thuộc vùng tây bắc Mông Cổ, còn được gọi là Vê-lát, thủ lĩnh của họ lúc mới đầu cũng thông qua các cuộc chiến tranh để tranh đoạt ngôi vị Đại Hãn, trở thành Hãn Vương Mông Cổ duy nhất bên ngoài gia tộc hoàng kim. Để củng cố địa vị và quyền lực của mình, hắn đã nhẫn tâm tàn sát các hậu duệ của gia tộc hoàng kim. Nhưng chính vì việc này mà bản thân hắn đã nhận phải báo ứng, chỉ trong vòng một năm, cuộc nội chiến đã khiến hắn mất mạng. Vào thời điểm đó, Đại Hãn mới kế vị Mãn Đô Cổ Lặc và người cháu Ba Ngạn Mông Khắc – thủ lĩnh của Ngạc Nhĩ Đa Tư, là những hậu duệ duy nhất còn sót lại của Thành Cát Tư Hãn.
Từ nhỏ đã được nghe về nguồn gốc các thời đại của Hãn quốc Mông Cổ và Uông Cổ, cùng với những câu chuyện kiến công lập nghiệp rung động lòng người của gia tộc hoàng kim, trong lòng của Mãn Đô Hải dần dần phác họa ra hình ảnh của một đế quốc đã từng phồn vinh cường thịnh, nhất thống sơn hà. Hoặc cũng có thể ngay từ lúc bắt đầu hiểu chuyện thì chí hướng và tài năng học vấn, cũng như tầm mắt và trái tim của Mãn Đô Hải đã khác với những người con gái quý tộc bình thường khác, nàng đọc sách luyện chữ, cưỡi ngựa bắn tên, với mục đích tương lai trong thời buổi loạn lạc có thể tạo nên thành tựu, truy tìm và phục hưng lại Hãn quốc hùng mạnh trong lòng bà.
Năm Mãn Đô Hải 14 tuổi, nàng gặp bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời. Cháu đời thứ 12 của Thành Cát Tư Hải – đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc, đã gửi thư mời đến Uông Cổ bộ, thỉnh cầu được cưới Mãn Đô Hải thông minh xinh đẹp. Từ tình thế lúc đó có thể thấy rằng Kim Trướng của Khả Hãn Mông Cổ hoàn toàn không phải là nơi chốn gửi gắm tốt nhất. Đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc 22 tuổi này tuy có huyết thống cao quý nhưng lại không có quyền lực thực tế, không còn phong thái xưng hùng thảo nguyên của tổ tiên nữa. Bên ngoài bộ lạc có kẻ địch hùng mạnh là Ngõa Lạt, bên trong bộ lạc thì có Thái sư chuyên quyền, có thể nói là loạn trong giặc ngoài, con đường phục hưng Mông Cổ càng thêm khó khăn trùng trùng.
Tuy nhiên, Uông Cổ bộ của Mãn Đô Hải chưa bao giờ vì sự suy thoái nhất thời của gia tộc hoàng kim mà phản bội lại lời thề liên minh đã ký kết dưới thời của Thành Cát Tư Hãn. Người Uông Cổ nhờ quy phục Mông Cổ mà trở nên cường thịnh, mặc dù đã hơn 200 năm trôi qua, nhưng lòng trung thành và sự biết ơn của họ đối với Khả Hãn vẫn không thay đổi, vẫn bảo vệ Hãn quốc Mông Cổ đang trong tình thế bất ổn. Mãn Đô Hải cũng tuân theo truyền thống thông hôn giữa Uông Cổ và Mông Cổ, tiến vào triều đình Hãn Mông Cổ, trở thành tiểu Cáp Đồn (vợ) của Đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc.
Mặc dù thực lực của Đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc không bằng tổ tiên, nhưng ông vẫn là người mà trái tim của toàn bộ người dân trên thảo nguyên luôn hướng về, vẫn là huyết thống duy nhất của Hãn Vương Mông Cổ. Khi nàng kim chi ngọc diệp xinh đẹp đến bên cạnh Đại Hãn Mông Cổ đang trong tình cảnh sa sút khốn đốn, Mãn Đô Hải và Đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc cùng nhau gánh vác trọng trách phục hưng gia tộc hoàng kim, một lần nữa thống nhất thảo nguyên.
“Hạ giá” tiểu Khả Hãn
Vào thế kỉ 15-16 vùng đất Mông Cổ quần hùng tranh bá, thế sự biến đổi khôn lường. Hơn 10 năm kể từ khi Mãn Đô Hải thành hôn, nàng hết lòng chăm sóc cho Khả Hãn, hạ sinh được hai công chúa, trợ giúp ông lên kế hoạch cho tương lai của Mông Cổ. Trong suy nghĩ của họ, một thành viên khác của gia tộc hoàng kim là Ba Ngạn Mông Khắc – thủ lĩnh của Ngạc Nhĩ Đa Tư chính là người thừa kế lí tưởng. Đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc rất xem trọng người cháu này, vì vậy mà phong cho làm “Tế nông” tương đương với chức phó Hãn dưới một người trên vạn người, đồng thời còn ban tặng thắt lưng vàng quý báu.
Tuy nhiên số phận không hề cho Đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc cơ hội để xoay chuyển tình thế, ngược lại còn có ý tiến thêm một bước thử thách gia tộc ngoan cường này. Công Nguyên năm 1479, Thái sư Mông Cổ là Diệc Tư Mã Nhân không ngừng kích động chia rẽ mối quan hệ giữa đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc và Ba Ngạn Mông Khắc, khiến hai bên nảy sinh nghi kị. Ba Ngạn Mông Khắc nghe theo lời kiến nghị của quân sư, không còn cách nào khác đành phải lánh nạn đi nơi khác, nhưng giữa đường bị ám sát bởi sát thủ của Diệc Tư Mã Nhân.
Đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc hay tin Ba Ngạn Mông Khắc đã qua đời thì vô cùng đau buồn, do vậy mà ngã bệnh, uất ức trầm cảm mà chết. Đến lúc này, Mông Cổ lại phải đối mặt với một mối nguy cơ to lớn hơn nữa, nhìn về tương lai, hai người đàn ông duy nhất còn sót lại của gia tộc hoàng kim đều lần lượt qua đời, rốt cuộc thì còn có ai có thể danh chính ngôn thuận kế thừa chức vị Khả Hãn.
Là quá phụ của Đại Hãn Mãn Đô Cổ Lặc, Mãn Đô Hải tạm thời kế thừa tất cả tài sản trong bộ tộc, quân đội, gia súc, lãnh địa v.v… của Khả Hãn Mông Cổ. Theo truyền thống kết hôn cận huyết thống của dân tộc du mục, bà phải mang theo của cải phong phú đó để kết hôn với Đại Hãn đời kế tiếp. Tuy nhiên, bởi vì Đại Hãn quá cố không có con nối dõi, vì vậy gia tộc hoàng kim đối mặt với hoàn cảnh không người kế vị.
Những người con cháu họ hàng xa và những thủ lĩnh quý tộc của các bộ lạc khác vì dòm ngó đến vị trí Khả Hãn nên cũng bắt đầu rục rịch hành động. Bọn họ tranh nhau đề xuất cầu hôn với Mãn Đô Hải. Quá trình truyền thừa ngôi vị Khả Hãn lần này biến thành một cuộc cạnh tranh ai có thể cưới được Mãn Đô Hải thì người đó có thể kế vị. Mãn Đô Hải ở nơi hậu cung vốn dĩ một lòng muốn làm người vợ hiền nội trợ, chỉ trong một đêm đã trở thành nhân vật được quan tâm nhất Mông Cổ, nhất cử nhất động của bà đều có tác động đến tất cả bách tính trên thảo nguyên.
Vị Hậu phi 33 tuổi này đã là “người già” thuộc hàng ngoại tổ mẫu rồi, tuy vậy tình thế cấp bách của Mông Cổ không cho phép bà chỉ ở yên trong nội cung, bà bắt buộc phải ra trước triều chính, chủ trì đại cục Bắc Nguyên. Đồng thời bà phải nhanh chóng lựa chọn ra người kế thừa chính thống để làm phu quân mới của mình, cũng chính là Đại Hãn mới của Mông Cổ, để bảo đảm cho Hãn quốc Mông Cổ có thể tiếp tục phát triển một cách bình ổn. Như vậy, bà mới có thể kế thừa di chí của tiên vương, bảo vệ gia tộc hoàng kim.
Ngay cả khi chỉ còn một chút hi vọng, Mãn Đô Hải cũng không bỏ cuộc. Bà kiên quyết cự tuyệt những người trong lòng mang đầy dã tâm đến cầu hôn, phái người đi khắp nơi tìm kiếm hậu duệ của gia tộc hoàng kim. Trời không phụ lòng người có tâm, Mãn Đô Hải cuối cùng cũng có được tin mừng: con trai của Ba Ngạn Mông Khắc có thể vẫn còn sống trên đời! Hóa ra lúc đó Ba Ngạn Mông Khắc đã dẫn theo con trai cùng tháo chạy, sau khi ông bị giết, thì đứa trẻ cũng bặt vô âm tín. Sau khi thăm dò khắp nơi, Mãn Đô Hải cuối cùng cũng đã tìm được người kế thừa duy nhất còn sót lại – một đứa trẻ mới 7 tuổi, Ba Đồ Mạnh Khắc.
Bà thận trọng đưa đứa trẻ với số phận long đong này quay trở về triều đình Hãn Mông Cổ, chăm sóc cẩn thận. Mãn Đô Hải mời đại phu tốt nhất đến để điều dưỡng sức khỏe cho Ba Đồ Mạnh Khắc; lại mời võ sĩ dũng mãnh nhất đến để dạy các loại võ nghệ cho cậu. Dưới sự ủng hộ to lớn của bà, Ba Đồ Mạnh Khắc lên ngôi Hãn Vương, đặt tôn hiệu là “Đạt Diên Hãn”, ý nghĩa là “Đại Hãn của cả thiên hạ”. Tôn hiệu này kí gửi sự kỳ vọng tha thiết của Mãn Đô Hải và Hãn Vương về việc thống nhất Mông Cổ, khôi phục Nguyên triều thịnh thế.
Do vậy, Mãn Đô Hải đã đưa ra một quyết định trọng đại, cải giá lấy Đạt Diên Hãn. Hôn nhân của hai người mặc dù ngày nay có thể cảm thấy đây là một việc kinh hãi thế tục, dù sao đi nữa thì giữa hai người không chỉ là sự chênh lệch 20 năm tuổi tác, mà còn có sự chênh lệch về thân phận thế hệ. Nhưng đây cũng chính là điểm siêu việt người thường của Mãn Đô Hải. Gánh vác sứ mệnh truyền tục ngôi vị Khả Hãn và phục hưng Mông Cổ, bà đã dũng cảm đưa ra sự lựa chọn trọng đại lần thứ hai trong đời mình.
Phụ tá ấu chủ, thống nhất trung nguyên
Sau khi xác lập Hãn Vương Mông Cổ thì con đường phục hưng Mông Cổ mới vừa bắt đầu. Triều đình Hãn Mông Cổ sau 200 năm đang trong thời kỳ mẫn cảm với quốc vương nhỏ tuổi, lòng dân nghi hoặc. Khả Hãn nhỏ tuổi liệu rằng có thể bình an trưởng thành để trở thành một vị minh quân văn thao võ lược, thủ lĩnh các bộ lạc liệu có dốc sức trung thành với triều Hãn, đại nghiệp thống nhất trung nguyên liệu có thể thực hiện? Những điều này đều là những chuyện lớn ngày đêm canh cánh trong lòng của Mãn Đô Hải.
Đối với Đạt Diên Hãn mà nói thì Mãn Đô Hải là thê tử, nhưng bà lại càng là phụ mẫu tái sinh và là người thầy trong cuộc đời của ông. Vào thời điểm ông khốn đốn bất lực nhất thì bà đã thay đổi cuộc đời của ông, dốc hết tâm huyết để nuôi dưỡng và bồi dưỡng ông. Điều quan trọng hơn hết đó chính là Mãn Đô Hải còn dùng thân phận Hoàng hậu nhiếp chính để giúp Đạt Diên Hãn dẹp yên mọi kẻ địch, tạo nên thế cục quần hùng nhiếp phục, nội ngoại an định.
Việc lớn đầu tiên mà Mãn Đô Hải làm chính là chinh phạt kẻ địch hùng mạnh nhất của Mông Cổ – Ngõa Lạt bộ. Dựa vào lượng của cải to lớn mà Uông Cổ bộ tích lũy được, bà đã vì quân đội Mông Cổ mà nuôi dưỡng chiến mã, chế tạo binh giáp, thành lập đội quân tinh nhuệ được trang bị hoàn hảo. Hơn nữa, chính bản thân Mãn Đô Hải cũng cởi bỏ cung bào hoa lệ sặc sỡ để khoác lên mình áo giáp, đích thân xuất trận.
Trong Mông Cổ nguyên lưu có đoạn ghi chép về cuộc chiến chinh phạt Ngõa Lạt của Mãn Đô Hải như vậy: “Triệt thần phu nhân Mãn Đô Hải anh minh thông tuệ, búi tóc trái đào, dùng cái đãy da để mang theo quốc chủ Đạt Diên Hãn, làm người tiên phong dẫn đầu, tiến đánh thảo phạt Vệ Lạt Đặc tứ bộ (Ngõa Lạt), tiến đánh vùng đất Tháp Tư Bác Nhĩ Đồ, chiếm được nơi này”
Lúc xuất chinh, Mãn Đô Hải đem theo Đạt Diễn Hãn bên mình, để ông ngay từ nhỏ đã được rèn luyện qua các cuộc chiến tranh. Trong cuộc chiến giữa hai đội quân, bà dẫn đầu binh mã, xung phong đi đầu, bà vung binh khí xông về hướng kẻ địch hùng mạnh. Sự gan dạ sáng suốt cùng với dũng khí của bà đã khiến những người đàn ông bên phe địch phải cảm thấy xấu hổ, hơn nữa đội quân Mông Cổ trên dưới được cổ vũ khích lệ khiến sĩ khí càng thêm phấn chấn. Kết quả của cuộc chiến có thể đoán biết được, đại quân Mông Cổ giành được đại thắng lợi, thu hoạch vô số.
Trong Mông Cổ Hoàng Kim Sử cũng có miêu tả tương tự, Mãn Đô Hải ở trên chiến trường ra sức chiến đấu, đến nỗi mũ ở trên đầu rơi ra, đai mũ móc sau gáy, mà bà vẫn không có thì giờ chú ý đến nó. Binh sĩ của địch trông thấy còn chủ động đưa mũ của mình cho bà. Mãn Đô Hải vẫy chiếc mũ và tiếp tục chỉ huy giết địch.
Sau khi chinh phục Ngõa Lạt, địa vị của Đạt Diên Hãn càng được củng cố. Tiếp theo sau đó, Mãn Đô Hải bắt tay vào việc chỉnh đốn nội chính trong triều đình, phái người diệt trừ Thái sư Diệc Tư Mã Nhân, không chỉ giúp Đạt Diên Hãn báo được mối thù giết cha, hơn nữa còn mượn cơ hội này để phế bỏ chế độ Thái sư, diệt trừ tận gốc tai họa của việc quyền thần lộng quyền.
Mãn Đô Hải còn khôi phục lại chế độ dưới thời kỳ của Thành Cát Tư Hãn, phân chia lại Mông Cổ thành 6 “vạn hộ”. “Sát cáp nhĩ” trở thành trung ương vạn hộ, làm nhiệm vụ hộ vệ cung đình, do Khả Hãn trực tiếp thống lĩnh, trong đó dũng sĩ ưu tú nhất sẽ là thân vệ quân của Khả Hãn. Việc làm này của bà đã làm gia tăng một cách mạnh mẽ thực lực và quyền uy của Hãn Vương.
Sau khi xử lý hàng loạt các việc chính trị trong ngoài xong, Mãn Đô Hải còn có một sứ mệnh quan trọng hơn nữa, đó chính là duy trì dòng dõi cho gia tộc hoàng kim. Đợi sau khi Đạt Diên Hãn trưởng thành, Mãn Đô Hải ở độ tuổi hơn 40, trước sau lần lượt sinh cho ông 7 người con trai và 1 người con gái, trong đó có 3 cặp là sinh đôi, những gian nan và hiểm nguy mà Mãn Đô Hải đã chịu đựng, tuyệt không hề thua kém bất kỳ cuộc chiến tranh và khảo nghiệm nào mà bà đã đối diện trong cả cuộc đời mình. Bà còn cưới những người con gái quý tộc trẻ trung khác cho Đạt Diên Hãn, khiến cho huyết mạch của gia tộc hoàng kim không ngừng sinh sôi nảy nở. Sau đó, con trai thứ 3 của bà đã kế thừa ngôi vị Khả Hãn, còn những người con trai khác cũng lần lượt trước sau trở thành những tướng lĩnh quan trọng gánh vác trách nhiệm bảo vệ Mông Cổ.
Đến khi Đạt Diễn Hãn trưởng thành, trở thành một quân chủ đủ khả năng một mình đảm đương mọi việc rồi, thì Mãn Đô Hải không còn xuất hiện trước triều đình nữa, mà rút lui trong im lặng, trong sử sách không hề tìm được thêm bất kì ghi chép có liên quan nào nữa. Có người nói rằng Mãn Đô Hải đã chết trong một trận chiến nào đó, có người lại đoán rằng bà chết vì khó sinh, nhưng phần lớn người ta đều tin rằng bà sau khi hoàn thành xong sứ mệnh phục hưng gia tộc hoàng kim thì đã quay trở về hậu cung, âm thầm nuôi dạy con cái, cho đến lúc già đi. Còn Đạt Diên Hãn sau khi tự mình chấp chính đã chinh chiến tứ phương, một lần nữa thống nhất Mông Cổ, trở thành một vị quân chủ của một triều đại phục hưng.
Mãn Đô Hải đã trải qua hơn nửa cuộc đời đầy thăng trầm, cuối cùng để lại cho người đời sau một kết cục không rõ ràng với nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên những cống hiến và lòng trung thành của bà với Mông Cổ đã đổi lấy sự truyền tụng và kính ngưỡng đời đời kiếp kiếp của người dân trên thảo nguyên. Vào lúc gia tộc hoàng kim đối mặt với tai họa ngập đầu, bà đã dựa vào sức của bản thân mình, cứu vãn cả gia tộc thần thánh nhất trong lòng người dân Mông Cổ, đặt nền tảng cho việc một lần nữa thống nhất các bộ lạc của tộc Mông Cổ. Một người phụ nữ kỳ tài như vậy, không những là Hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ của Mông Cổ, mà còn là nữ anh hùng phục hưng Mông Cổ.
Tư liệu tham khảo:
- Mông Cổ nguyên lưu;
- Mông Cổ Hoàng Kim sử
Lan Âm thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa Ngữ
Xem thêm: