Mắc kẹt trong thành phố ‘bị tê liệt’: Cái giá phải trả cho chính sách ‘không COVID’ của Trung Quốc
Cậu bé ấy có thể còn ít tuổi, nhưng số lần xét nghiệm COVID-19 của cậu không hề ít.
Mới chưa đầy 2 tuổi, cậu bé này được sinh ra đúng vào thời điểm rối ren đầy biến động — vào tháng 01/2020 khi đại dịch bùng phát, chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh ban hành các chính sách phong tỏa sau nhiều tuần trì hoãn không chịu thừa nhận mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này.
Kể từ lúc cậu bé được chừng 3 tháng tuổi, em đã phải tiến hành xét nghiệm virus nhiều lần. Tính đến tháng Mười, em đã trải qua 74 lần xét nghiệm — trung bình ba ngày một lần trong những tháng gần đây — ngay cả khi em hầu như chỉ loanh quanh ở trong nhà và ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Quá trình này diễn ra thường xuyên đến mức bé không còn khóc khi nhìn thấy nhân viên y tế nữa. Mặc dù có vẻ như miếng gạc cổ họng đó khiến cậu bé buồn nôn, nhưng em vẫn sẵn lòng mở miệng ra cho họ làm xét nghiệm.
Cậu bé mới chập chững biết đi này đã trở thành một đề tài gây náo động giới truyền thông trong nước sau khi cha cậu, một thương buôn ngọc bích từ thành phố Thụy Lệ nằm ở biên giới phía nam Trung Quốc, đăng một đoạn clip ngắn của con trai mình lên mạng. Cư dân mạng yêu mến bé và nói đùa về biểu cảm kháng cự của bé, với một số bình luận đồng cảm rằng bé có thể nhìn thấy các nhân viên y tế nhiều hơn thấy bạn bè của mình.
Nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực tế ở quê hương của em, việc này lại không hề nhẹ nhàng chút nào cả.
Nằm ở phía tây nam Trung Quốc, thị trấn Thụy Lệ hẻo lánh xa xôi, một cửa ngõ để vào Miến Điện (Myanmar) nổi tiếng về ngọc bích và ngọc lục bảo, đã đang áp dụng một trong những chính sách đại dịch khắc nghiệt nhất chưa từng thấy.
Trong năm vừa qua, Thụy Lệ đã thực hiện 4 đợt phong tỏa với tổng dân số là 280,000 người của mình. Trong đó tổng thời gian bị phong tỏa là hơn 200 ngày và hiện đang tiếp diễn, thành phố này đã gần như rơi vào trạng thái tê liệt.
Phần lớn cuộc sống bình thường hàng ngày đã bị tạm dừng khi các quan chức của thành phố này chật vật ngăn chặn mọi ca nhiễm, một chính sách mà Bắc Kinh đã kiên quyết áp dụng, ngay cả khi phần lớn thế giới đã chuyển sang các biện pháp ngăn chặn ít hạn chế hơn.
Trong dịp lễ Halloween, khoảng 34,000 du khách đã bị phong tỏa tại Disneyland Thượng Hải cho đến nửa đêm để được kiểm tra COVID-19, vì một ca dương tính. Vũ Hán, Bắc Kinh và Thượng Hải đã hoãn việc chạy marathon khi quốc gia này chiến đấu với biến thể Delta dễ lây lan. Trang Hà, một quận ở đông bắc Trung Quốc, đã cố định tất cả các tín hiệu đèn giao thông thành màu đỏ vào ngày 04/11 để dừng các phương tiện giao qua lại khi có một ca nhiễm được báo cáo, và việc phong tỏa đột ngột ở Nội Mông đã khiến gần 10,000 khách du lịch mắc kẹt trong một thành phố chỉ có 35,000 người sinh sống sau khi phát hiện các ca nhiễm tại địa phương.
Tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, đầu tháng Mười Một, cảnh sát đã gửi một tin nhắn tới 82,000 cư dân cảnh báo họ không được rời khỏi nhà. Những người này được chỉ định là “bạn đồng hành trong không gian và thời gian”, một thuật ngữ mới do chính quyền đặt ra mô tả những người đã ở trong cùng khu vực với trường hợp dương tính với COVID-19 trong hơn 10 phút, hoặc 30 giờ tích lũy trong khoảng thời gian hai tuần.
Dù cho các nhà chức trách có dốc lòng cố gắng, thì virus vẫn ngoan cố tồn tại. Đợt bùng phát mới nhất kể từ ngày 17/10 cho đến nay có liên quan đến 1,000 trường hợp ở 20 tỉnh, con số lớn nhất được báo cáo từ Trung Quốc trong năm nay. Vì số ca nhiễm của quốc gia này cho đến nay có vẻ thấp một cách thần kỳ so với phần còn lại của thế giới, nên người dân và các chuyên gia đã đặt câu hỏi về các số liệu chính thức của Bắc Kinh, khi viện dẫn sự che đậy của nhà cầm quyền này đối với đợt bùng phát ban đầu và những đợt bùng phát khác trên khắp đất nước, cũng như thông lệ giảm bớt tin xấu để giữ gìn hình ảnh của họ.
Ung Nam Sơn (Zhong Nanshan), nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc, thừa nhận rằng chính sách không COVID đi kèm với tổn thất nặng nề, nhưng khẳng định rằng việc mở cửa thậm chí sẽ còn tổn thất nặng hơn.
‘Thành phố này bị tê liệt rồi’
Có lẽ không nơi nào áp dụng các biện pháp mạnh hơn ở Thụy Lệ.
Rạp chiếu phim, phòng tập thể thao, cửa hàng trang sức và tiệm cắt tóc lần lượt bị đóng cửa, trong khi đó người dân địa phương, phần nhiều là phải nghỉ việc, bị cấm rời khỏi thành phố. Việc tiến hành bán hàng thông qua phát trực tiếp (livestream) cũng như việc giao các mặt hàng ngọc bích đang bị đình trệ — các biện pháp mà các quan chức đã nêu ra là cần thiết để hạn chế dòng chảy của hàng hóa nhằm kiềm chế bùng phát dịch bệnh.
Anh Nhậm Hoa (Ren Hua, hóa danh), một nhà kinh doanh ngọc bích và cũng là một người cha, nói với tờ báo nhà nước The Paper rằng anh đã bị lỗ hơn 100,000 NDT (khoảng 15,700 USD) kể từ khi đại dịch này bắt đầu, và có lẽ chỉ có thể cầm cự được thêm vài tháng nữa.
Không chỉ có mình trường hợp của anh.
Giống như anh Nhậm và nhiều người dân địa phương khác, cô Hà Tú Lệ (He Xiuli, hóa danh), một gia sư, đã sống bằng tiền tiết kiệm được hơn nửa năm đồng thời phải trả tiền vay thế chấp tài sản của mình. Trường dạy thêm của cô ấy cũng trở thành nạn nhân của cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực giáo dục, và có khả năng sẽ không hoạt động trở lại ngay cả sau khi đợt bùng phát này kết thúc.
Hồi tháng Ba, các quan chức địa phương đã ra lệnh cấm toàn bộ các cửa hàng tạp hóa, chợ đầu mối và thậm chí cả các quầy hàng rong; họ không được phép mở lại cho đến gần đây. Do đó, các khu chợ bán rau quả hoạt động chui đã nở rộ. Nông dân dựng các sạp bán rau vào lúc nửa đêm, và rời đi trước khi mặt trời ló rạng, là lúc mà các cán bộ quản lý đô thị địa phương vào giờ làm việc và sẽ giải tán chợ.
Khi cô Hà đi ra ngoài vào ban ngày, chẳng có gì để xem cũng chẳng có gì để làm. Hầu hết các cửa hàng bán lẻ mà cô ấy nhìn thấy đã chìm trong bóng tối. Các con phố khác đều có những ngôi nhà được quây kín bằng lưới thép để không cho người dân tới gần.
“Toàn bộ thành phố này đều bị tê liệt rồi” cô ấy nói. “Chẳng thấy nổi một bóng người”.
Tổn thất tinh thần
Bạn trai của cô Hà sống khác làng với cô. Chẳng có chỗ để làm việc và ở nhà thì cũng chẳng có việc gì để làm, nên anh ấy đã giết thời gian bằng việc chơi điện tử.
Em gái của cô Hà là một giáo viên trung học đang dạy ở một quận lân cận. Do chính sách COVID-19 của trường, cô đã phải sống trong khuôn viên trường kể từ khi các học sinh đi học trở lại vào tháng Tám, mặc dù nhà cô chỉ cách 20 phút lái xe và con cô thì chưa được 2 tuổi. Khi chồng cô bị cách ly tại thị trấn biên giới ở Thụy Lệ, đứa trẻ này được phó mặc hoàn toàn cho bà ngoại chăm nom, và thật đáng buồn cho một người làm mẹ, rằng con cô dường như đang quên mất mẹ mình là ai rồi.
Khi em gái của cô Hà gọi video nói chuyện với con của cô ấy, thì đứa trẻ ít chú ý mẹ của mình, thay vào đó chập chững chạy theo bà và gọi bà là “mẹ”.
“Cứ vài ngày em tôi lại bị suy sụp tinh thần, nói rằng tốt hơn hết là cô ấy nên từ bỏ [công việc] để về nhà” cô Hà nói về em gái của mình.
Các cư dân cho biết chính phủ không hỗ trợ gì nhiều để giảm bớt khó khăn cho họ. Đối với cô He, hỗ trợ của nhà nước cho đến nay bao gồm một bao gạo khoảng 11 pound (5 kilogram), hai thùng dầu ăn, một chục trứng, và hai bịch mì. Anh Nhậm, người buôn bán ngọc, chỉ nhận được một bịch khẩu trang và một lọ thuốc khử trùng. Bạn trai của cô Hà đã nhận được 1,000 NDT, tương đương khoảng 157 USD.
Anh Lâm Toàn (Lin Quan), người điều hành một doanh nghiệp đồ trang sức ở Thụy Lệ và có một cô con gái đang học đại học, nói với The Epoch Times: “Cả ngày lẫn đêm cứ một mình ru rú trong nhà — đó là một cực hình”.
“Nếu tôi ngồi tù, ít nhất tôi biết ngày nào tôi có thể ra, đúng không? Và tôi không cần phải lo lắng về tiền bạc” anh nói. Trong khi đó nếu bị cách ly, “anh phải lo về mọi thứ — từ cha mẹ, con cái, thực phẩm, các khoản vay mua xe hơi, các khoản vay thế chấp nhà. … Chúng ta không kiếm được một xu nào nếu như cứ bị giam hãm trong nhà của mình thế này”.
Bị mắc kẹt
Hôm 26/10, một người đàn ông họ Tấn (Jin) đã nhảy từ lầu 4 của một khách sạn ở Thụy Lệ. Các quan chức sau đó cho biết người đàn ông này đã tự tử vì các khó khăn trong công việc, mặc dù trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc hay ở ngoài đời, thì cũng có nhiều người tỏ ra không được thuyết phục.
“Thật nực cười,” cô Hà nói. “Chúng tôi thậm chí không có việc làm, làm sao có thể gặp rắc rối liên quan đến công việc chứ?”
Trong số nhiều người, ngày càng có cảm giác rằng họ đang bị gò bó, mà không biết khi nào — hoặc liệu — những thử thách của họ có đi đến hồi kết hay không.
Ông Thành Hạo (Cheng Hao, hóa danh), một chủ tiệm cắt tóc, hiện chỉ có được một phần ba số khách hàng mà ông có trong thời kỳ trước đại dịch, tin rằng chính quyền cũng không có câu trả lời. Ông lưu ý rằng thành phố đã hai lần thay đổi các quan chức lãnh đạo sau khi họ không làm giảm được số ca nhiễm.
Ông nói với The Epoch Times: “Chúng tôi giống như đang nằm chờ tử thần rước đi vậy”.
Rời khỏi Thụy Lệ cũng không phải là một việc dễ dàng.
Khi thành phố này mở cửa trở lại một tuần vào tháng Bảy, cô Hà muốn đến tỉnh Vân Nam tìm vài việc để làm. Cô ấy đã làm hai bộ xét nghiệm ngoáy họng và ngoáy mũi (vì các quan chức tuyên bố bộ đầu tiên không hợp lệ vì đã trễ một ngày). Mặc dù đã kiến nghị với nhiều cơ quan của chính quyền, cô ấy đã không thể có được sự đồng ý của các quan chức cho rời khỏi Thụy Lệ.
Theo cô Hà và một cư dân Thụy Lệ khác thì trong mỗi khu dân cư lân cận, chỉ có hai người nộp đơn được phép rời Thụy Lệ mỗi ngày.
Cô Hà nói với The Epoch Times: “Anh có thể nộp đơn liên tục và vẫn được thông báo rằng có hàng trăm người đã xếp hàng trước mình”.
Vì vậy, cô đã từ bỏ nỗ lực này.
“Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu tôi kiên nhẫn hơn một chút,” cô nhớ lại suy nghĩ của mình vào thời điểm đó. Hơn ba tháng sau, cô ấy vẫn bị mắc kẹt ở Thụy Lệ.
Thành phố này đã có 49 ca nhiễm từ ngày 01/10 đến ngày 13/11 — chỉ là một giọt nước trong đại dương nếu đem so với mọi nơi khác trên thế giới này. Nhưng ở Trung Quốc, những con số như vậy là không thể chấp nhận được.
Tình trạng khó khăn của thành phố đã khiến ông Đới Vinh Lý (Dai Rongli), cựu phó thị trưởng của thành phố cho đến năm 2018, đưa ra lời kêu gọi trên blog cá nhân của mình vào tháng trước, một hành động táo bạo vì rằng các quan chức Trung Quốc thường cẩn thận không bao giờ đi ngược đường lối của Đảng. Trong một bài luận thẳng thắn có nhan đề “Thụy Lệ Cần Tổ quốc Quan tâm”, ông Đới đã thúc giục các cơ quan chức năng khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và đưa các chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần tới đây.
“Mỗi lần phong toả lại dẫn đến một tổn thất nghiêm trọng khác về tinh thần và vật chất; mỗi trận chiến chống lại virus lại thêm một tầng muộn phiền” ông viết.
Bài luận của ông Đới đã được lan truyền rộng rãi và khiến Thụy Lệ lọt vào tầm ngắm của nhà nước. Thị trưởng thành phố hiện tại, ông Thượng Lạp Biên (Shang Labian), nhanh chóng bác bỏ quan điểm cá nhân của ông Đới, nói với truyền thông nhà nước rằng “đến thời điểm hiện tại, Thụy Lệ không cần” sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Phó thị trưởng đương nhiệm, ông Dương Mưu (Yang Mou), cũng biện hộ rằng các quy định nghiêm ngặt này là cần thiết.
“Chừng nào Thụy Lệ chưa giảm số ca về 0, thì vẫn còn nguy cơ bệnh dịch lan ra bên ngoài” ông nói với các phóng viên vào ngày 29/10 trong một phản hồi rõ ràng cho bài luận của ông Đới.
Nhưng áp lực vẫn không ngừng tăng lên. Vào đầu tháng Mười Một, hàng trăm người từ Đồn Hồng và Hạ Muộn, hai ngôi làng ở Thụy Lệ, đã tập trung tại cổng làng yêu cầu được ra ngoài.
“Chúng tôi cần phải sống” cô Lý, người tham gia cuộc biểu tình ở Đồn Hồng, nói với The Epoch Times.
‘Tự lừa dối mình’
Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ diễn ra trong chưa đầy 100 ngày nữa, nhưng nhà cầm quyền không có dấu hiệu sớm nới lỏng chính sách không khoan nhượng của mình.
Một chiến dịch chích ngừa cho trẻ em dưới 3 tuổi trên toàn quốc đang được tiến hành. Một quy định du lịch mới từ Bắc Kinh vào ngày 13/11 là chỉ cần có quận nào phát hiện dẫu chỉ một ca dương tính thì sẽ không cho ai vào thành phố Bắc Kinh trong khoảng thời gian 14 ngày.
Thủ đô Bắc Kinh gần đây đã truy tố 19 người với cáo buộc “cản trở và gây hại cho việc ngăn chặn dịch bùng phát”, một tội hình sự ở Trung Quốc có thể bị xử phạt bảy năm tù.
Những bất ổn của đợt bùng phát này đã làm gia tăng tình trạng mua bán tích trữ ở các đô thị lớn của Trung Quốc, tạo ra những cảnh tượng như khách hàng chen lấn xô đẩy để mua các sản phẩm khan hiếm, thanh toán ùn ứ hàng giờ đồng hồ, và xe đẩy chở đầy thịt heo, theo như các video lan truyền trên mạng xã hội trong những tuần gần đây.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ ở Sydney, cho biết: “Chính những người dân thường đang phải chịu đựng thiệt thòi. Chính quyền địa phương sẽ muốn loại bỏ sự lây nhiễm “bằng mọi giá” vì lợi ích của chính họ, ông nói với The Epoch Times.
Ông nói: “Ở bất kỳ khu vực nào virus bùng phát, các quan chức địa phương ở đó sẽ có nguy cơ bị cách chức”.
Ngay cả một số chuyên gia Trung Quốc gần đây cũng thừa nhận rằng cách tiếp cận của nhà nước đối với sự bùng phát có thể không thực tế.
Ông Quản Dật (Guan Yi), một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông, gần đây đã nói với phương tiện truyền thông Trung Quốc ifeng rằng “chúng ta có thể đã mất cơ hội đạt được mục tiêu không COVID”.
“Giống như virus cúm A, cho dù mọi người có hài lòng hay không, nó sẽ vẫn tồn tại trong chúng ta trong một thời gian dài” ông nói vào giữa tháng Mười. Cuộc phỏng vấn nguyên gốc đã bị gỡ xuống.
Khi đất nước bước sang năm đại dịch thứ ba, một số cư dân tỏ ra cam chịu trước sự kiểm soát ngày càng thắt chặt do nhà nước một đảng này thực hiện.
“Cái gọi là chính sách không COVID về cơ bản là tự lừa dối mình” ông Lâm từ thành phố miền đông trung tâm Trịnh Châu nói với The Epoch Times. “Trong đợt bùng phát dịch bệnh hồi tháng Tám ở Trịnh Châu, bí thư thành ủy đã thề sẽ đưa số ca nhiễm virus về 0 vào cuối tháng… nhưng ngay cả sau khi họ tuyên bố thành phố này không có virus nữa thì các quy định vẫn nghiêm ngặt như trước”.
Ông Lâm Quân (Lin Yun), đến từ thành phố phía nam Quảng Châu, cũng nghĩ như vậy.
Ông nói với The Epoch Times: “Việc họ có đạt được mục tiêu không COVID hay không là tùy thuộc vào chính quyền”.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Bản tin có sự đóng góp của Cố Hiểu Hoa và Lạc Á
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: