Lý trí và Chích ngừa
Bertrand Russell nói rằng một người lý trí giữ vững những niềm tin của anh ta ở một mức độ tỷ lệ thuận với bằng chứng ủng hộ cho chúng: theo đó có thể nói thêm rằng anh ta cũng sợ hãi những mối nguy hiểm với mức độ tương ứng với khả năng mà chúng sẽ xuất hiện.
Thật không may, theo định nghĩa này thì không một người lý trí nào từng tồn tại hoặc có thể từng tồn tại. Ngay cả khi có thể đo lường mức độ niềm tin hay nỗi sợ hãi của một người bằng một thước đo xác thực và có thể lặp lại nhiều lần, thực tế là không ai trong chúng ta thực sự dành cả đời hoặc có thể dành cả đời để kiểm tra chỉ số đó cho tất cả những gì anh ta tin tưởng hay lo sợ. Chúng ta có thể thỉnh thoảng hay bất chợt thực hiện được việc đó đã là tốt lắm rồi. Chúng ta buộc phải phần lớn tin tưởng hoặc là nghe theo thiên kiến của chúng ta.
Lúc này đây không có chủ đề nào khiến người ta háo hức hơn chủ đề chích ngừa để chống lại bệnh dịch, và đó vẫn luôn là chủ đề hấp dẫn từ trước đến nay. Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tại Vương quốc Anh, có lẽ phong trào xã hội phổ biến nhất và dai dẳng nhất là nhắm vào việc chích ngừa bệnh đậu mùa, mà một vài loại vaccine cuối cùng đã loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này trên thế giới.
Đương nhiên, những người gièm pha thành quả đó có thể chỉ ra rằng miễn là có nguồn virus tồn tại ở bất cứ nơi nào đó trên thế giới (như nó vẫn tồn tại), hoặc một số nhà khoa học điên rồ hay chính phủ độc ác nào đó có thể tạo ra virus, thì việc mất khả năng miễn dịch cộng đồng với căn bệnh sau khi nó bị xóa sổ, sẽ khiến nhân loại rất dễ bị tấn công bởi sự tái bùng phát dữ dội chưa từng có của căn bệnh đó, hoặc thậm chí những kẻ sở hữu virus dễ dàng nắm thóp các chính trị gia bằng cách đe dọa phát tán nó ra.
Nhưng, như lời của một trong những nhân vật trong cuốn “Rasselas” của Tiến sĩ Johnson đã nói rằng “Sẽ chẳng có nỗ lực nào hết, nếu chắc chắn ngay từ đầu người ta đều vượt qua được mọi rào cản có thể gặp phải.” Do đó, nhân loại tất yếu sẽ vừa hưởng lợi vừa là nạn nhân từ vụ giao kèo của thần Prometheus.
Vì vậy, nói một cách chặt chẽ nhất thì việc khẳng định thường xuyên rằng chúng ta không biết được tác động lâu dài từ các vaccine của Pfizer và Moderna là chính xác nhưng chưa thỏa đáng. Mà là chúng ta không biết được tác động lâu dài của phần lớn những việc mà chúng ta làm. Hơn nữa, chúng ta thường ngộ nhận về những lý do hợp lý cho những việc chúng ta làm.
Chẳng hạn như, hàng triệu, có thể là hàng chục triệu người hiện nay dùng thuốc mà không hiểu lý do tại sao họ lại uống thuốc. Tinh thần của họ bế tắc suốt trong khoảng thời gian mà bác sĩ kê toa điều trị cho họ (dù họ có kê thuốc hay không) và giúp cho mỗi bệnh nhân của mình cảm thấy khá hơn.
Do đó, khi người ta dùng thuốc để giảm cholesterol hoặc để hạ huyết áp, họ nghĩ rằng các loại thuốc đó khiến họ cảm thấy khá hơn đối với cá nhân họ: nếu họ không nghĩ vậy, thì có thể họ sẽ không dùng chúng. (Vì lý do này, khoảng một nửa số bệnh nhân được kê đơn thuốc hạ huyết áp đã bỏ thuốc trong vòng một năm.)
Nhưng trên thực tế, tuyệt đại đa số các trường hợp, những loại thuốc này không mang lại lợi ích gì cho mỗi cá nhân, mặc dù nếu quý vị đưa chúng cho đủ số người trong thời gian đủ lâu, một số người – một nhóm ít người – sẽ tránh được cơn đau tim hoặc đột quỵ mà đáng ra họ sẽ mắc phải nếu không dùng thuốc.
Nhiều người sẽ phải chịu đựng chút bất tiện của việc dùng thuốc hàng ngày hoặc chịu đựng các tác dụng phụ của nó để cho một số người có thể được hưởng lợi cực lớn. Điều này rất khác với việc người mắc bệnh viêm phổi dùng thuốc kháng sinh hay người bị suy giáp dùng thyroxine.
Đôi khi một bác sĩ phải độc đoán. Tôi đã từng có một bệnh nhân bị huyết áp hơi tăng và vì thế, theo thống kê, thì người này có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn. Tôi đã đưa cho anh ấy thông tin thống kê tốt nhất mà tôi có được và hỏi rằng liệu anh ấy có muốn được điều trị hay không.
“Tôi biết đâu được,” anh ấy nói. “Ông là bác sĩ mà.”
Tôi nghĩ câu trả lời của anh ta hết sức khôn ngoan. Tôi quyết định rằng anh ấy không nên uống thuốc, phần vì nguy cơ của anh ấy không cao lắm, phần vì tôi nghĩ anh ấy có thể bị các tác dụng phụ và chất lượng cuộc sống bị suy giảm, và một phần vì tôi không nghĩ anh ta sẽ uống thuốc đầy đủ và tôi cũng không muốn anh ta cảm thấy tội lỗi vì không làm như vậy. Anh ấy rất vui với lời khuyên đó của tôi.
Chích ngừa thì lại khác. Quyết định của bệnh nhân ở trên chủ yếu ảnh hưởng đến bản thân anh ta, mặc dù vậy, chẳng ai có thể sống cô độc cả, nên vẫn có một khả năng nhỏ là những người khác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của anh ta.
Trái lại, chích ngừa không chỉ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh của từng bệnh nhân mà còn ngăn sự lây truyền của căn bệnh và có thể hoàn toàn loại bỏ nó.
Điều này gần như đúng hoàn toàn với bệnh bại liệt. Cũng may là căn bệnh này không đòi hỏi tất cả mọi người phải chích ngừa: khi một tỷ lệ đủ lớn dân số được chích ngừa, những người còn lại được hưởng lợi như thể họ đã được chích ngừa vậy. Chích ngừa do đó là một lựa chọn của cả cá nhân và xã hội.
Với tôi, nỗi sợ chích ngừa Covid-19 dường như bị phóng đại và phi lý. Sự thực rằng không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn lý trí không ngăn được việc chúng ta cần phải cố gắng trở nên lý trí nhất có thể.
Dưới đây là một vài số liệu từ Cục Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe của Anh Quốc (MHRA), tổ chức truy vết tác hại của thuốc và thiết bị y tế. Cơ quan này có một kế hoạch mà theo đó bất kỳ bác sĩ, y tá hoặc thành viên nào của cộng đồng đều có thể báo cáo bất kỳ tác dụng có hại đáng nghi nào cho họ.
Tính đến ngày 05/04/2020, 31,622,367 người đã được chích liều vaccine đầu tiên và 5,496,716 người được chích liều thứ hai. Tổng cộng, có 43,890 báo cáo về tác dụng phụ với vaccine Pfizer và 126,577 với vaccine Astra-Zeneca. 11 triệu người đã được chích vaccine Pfizer và 20.6 triệu người được chích vaccine Astra-Zeneca.
Phần lớn các tác dụng phụ được báo cáo là không nghiêm trọng và do những dao động trong báo cáo, chẳng hạn do bị ảnh hưởng bởi thông tin quảng cáo, nên không có kết luận nào về tần suất tương đối có thể được rút ra từ những số liệu thô sơ này.
Đã có 314 ca tử vong trong vòng một tháng sau khi chích vaccine Pfizer và 521 ca với Astrazeneca, được cho là xảy ra với những người có liên quan đến chích ngừa, cũng có nghĩa là tỉ lệ tử vong đối với vaccine của Pfizer là 1/35,032 ca; và đối với vaccine của Astrazeneca là 1/39,539 ca.
Tuy nhiên, bản thân những con số này là vô nghĩa, vì không có bằng chứng nào về mối quan hệ nhân quả giữa vaccine và tử vong; Trong bất kỳ tháng nào, một số người trong số 31,000,000 người, đặc biệt bao gồm cả bộ phận dân số già nhất có thể tử vong, theo tính toán nhanh của tôi ít nhất là 25,000 người. Vì vậy, số ca tử vong sau chích ngừa trong một tháng không thể được coi như là mối quan hệ nhân quả.
Một ngoại lệ dường như là huyết khối (cục máu đông), cá biệt, nhưng không phải chỉ duy nhất, tại xoang tĩnh mạch não. Đã có 100 trường hợp được báo cáo, với 22 trường hợp tử vong, tức là tỷ lệ tử vong là 1/936,364 liều được chích.
Nếu chúng ta để tâm đến 1/936,364 cơ hội tử vong vì một thứ gì đó, thì bất kỳ hoạt động nào của con người cũng sẽ phải dừng lại. Ngay cả khi một nửa số trường hợp này bị bỏ sót, con số này vẫn là 1/468,182. Sửa lời Tiến sĩ Johnson một chút, sẽ chẳng có nỗ lực nào hết nếu chắc chắn ngay từ đầu người ta đều tránh né được mọi nguy hiểm có thể xảy ra.
Ông Theodore Dalrymple là một bác sĩ đã nghỉ hưu. Ông là biên tập viên cộng tác của Tạp chí Thành phố New York (the City Journal of New York) và là tác giả của 30 cuốn sách, trong đó có cuốn “Cuộc đời ở dưới đáy” (Life at the Bottom). Cuốn sách mới nhất của ông là “Cấm vận và Những câu chuyện Khác” (Embargo and Other Stories).
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Theodore Dalrymple thực hiện
Thu Anh biên dịch
Xem thêm: