Lý giải những ồn ào xoay quanh những mảnh vỡ rơi từ hỏa tiễn mạnh nhất của Trung Quốc?
Hồi tháng trước, Trung Quốc đã phóng lên quỹ đạo hợp phần đầu tiên của một trạm vũ trụ thường trực bằng hỏa tiễn mạnh nhất của nước này. Tuy nhiên, thay vào đó sự chú ý của quốc tế lại tập trung vào các mảnh vỡ bị rơi trở lại Trái đất mà các nhà phê bình cho rằng đã bị che giấu đi.
Chuyện gì đã xảy ra?
Hỏa tiễn Trường Chinh 5B (Long March 5B) đã được phóng thành công vào quỹ đạo hôm 29/04, đây là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 nhiệm vụ cần thiết để hoàn thành trạm vũ trụ thường trực đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2022.
Các báo cáo từ truyền thông đã cảnh báo về việc tầng lõi của hỏa tiễn này đã bị rơi trở lại Trái đất một cách “mất kiểm soát”, điều này gợi lại ký ức về những mảnh vỡ từ chuyến bay của hỏa tiễn Trường Chinh 5B đầu tiên hồi tháng 05/2020, đã làm hư hại các tòa nhà khi nó rơi xuống Bờ Biển Ngà.
Tàn dư từ hỏa tiễn này cuối cùng đã rơi xuống Ấn Độ Dương vào hôm Chủ nhật mà không gây thương vong nào sau 10 ngày rơi tự do, nhưng Trung Quốc đã bị chỉ trích vì không minh bạch về thời điểm các mảnh vỡ bị rơi xuống và dự đoán quỹ đạo của các mảnh vỡ.
Trung Quốc đã nói gì?
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã không nói gì vềviệc hỏa tiễn này sẽ rơi trở lại Trái đất cho đến trước khi nó tiếp đất vào sáng hôm Chủ Nhật (09/05) theo giờ Bắc Kinh, trái ngược với thông lệ của quốc tế là có thể đưa ra các thông báo công khai ban đầu trước đó vài ngày.
Ông Richard de Grijs, giáo sư vật lý thiên văn học tại Đại học Macquarie cho biết: “Điều đó khiến các nhà quan sát nước ngoài phải nhanh chóng vạch ra đường đi của phần nặng nhất đã bị tách ra từ Trường Chinh 5B và ước tính điểm tiếp đất cuối cùng của nó trên Trái đất.”
“Điều này đã gây ra sự lo ngại cho rất nhiều quốc gia trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.”
Các mảnh vỡ đó đã rơi xuống Ấn Độ Dương gần Maldives và Ấn Độ.
CNSA đã từ chối bình luận về việc này.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời các phóng viên hôm thứ Hai (10/05) rằng Trung Quốc đã chia sẻ kết quả dự đoán về quỹ đạo rơi của các mảnh vỡ thông qua “các cơ chế hợp tác quốc tế,” khi được hỏi liệu Maldives và Ấn Độ đã được thông báo hay chưa.
NASA cho biết các quốc gia phát triển ngành không gian phải giảm thiểu tối đa rủi ro đối với con người, tài sản và tối đa hóa tính minh bạch, và Trung Quốc đã không đáp ứng được “các tiêu chuẩn có trách nhiệm” ở cả hai khía cạnh này.
Sự thực ít người biết
Các nhà khoa học biết rất ít về hỏa tiễn này – bao gồm cả việc nó được thiết kế để bốc cháy khi vào tầng khí quyển.
Tầng lõi này đã không được tách ra cho đến khi khoang chứa của nó – mô-đun trạm vũ trụ Thiên Hà – tiến vào quỹ đạo. Trái lại, các tầng của hỏa tiễn thường rơi ra nhanh hơn, khiến các vị trí hạ cánh của chúng dễ dự đoán hơn.
Tuy nhiên việc rơi xuống quá nhanh có thể gây ra rủi ro là không thể đưa được một khoang chứa khổng lồ vào quỹ đạo. Trường Chinh 5B chỉ có một tầng lõi, không giống như các hỏa tiễn khác có hai hoặc thậm chí có đến 3 tầng.
“Có vẻ như thiết kế hỏa tiễn của Trung Quốc ưu tiên sức mạnh hơn tất cả những thứ khác, nghĩa là đủ mạnh để phóng các trọng tải nặng lên trên quỹ đạo,” Giáo sư De Grijs nói.
Các nhà khoa học cho biết, khả năng mà rác vũ trụ gây thiệt hại tài sản và tính mạng của con người là rất nhỏ, vì hầu hết các mảnh vỡ sẽ cháy rụi trong bầu khí quyển của Trái đất, nhưng các bộ phận cứng hơn có thể vẫn bị sót lại.
Ông Moriba Jah, phó giáo sư về kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Texas cho biết: “[Hỏa tiễn này] đã không bị ép phải rơi trở lại trái đất và đã được thả nổi theo các quy trình tự nhiên để loại bỏ nó khỏi quỹ đạo.
Ông nói, “nên tránh sự tiêu hủy hỏa tiễn một cách tự nhiên bằng mọi giá” vì nguy cơ các bộ phận lớn của hỏa tiễn có thể vẫn còn nguyên vẹn sau khi rơi trở lại trái đất.
Sự chệch khỏi chuẩn mực
Tầng lõi chính của hỏa tiễn này dài khoảng 33 mét (108 feet) và có đường kính 5 mét (16.4 feet).
Chính quyền Trung Cộng đã không công bố dữ liệu chính thức về trọng lượng của nó, nhưng các nhà quan sát cho rằng nó nặng khoảng 21 tấn, nặng hơn hai trạm vũ trụ mẫu trước đó của Trung Quốc là Thiên cung 1 và Thiên cung 2 cộng lại.
Cho đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về thiệt hại từ vụ phóng hỏa tiễn gần đây.
“Trong năm qua, hai trong số các tầng thuộc hỏa tiễn Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã không cháy hết khi rơi trở về trái đất, do đó, đó là một sai lệch đáng lưu ý so với tiêu chuẩn,” ông De Grijs nói.
Tại Trung Quốc, thường xuyên có những tin tức báo cáo của các kênh truyền thông vềcác mảnh vỡ từ các vụ phóng hỏa tiễn.
Dự kiến tiếp theo, Trường Chinh 5B sẽ đưa hai mô-đun trạm vũ trụ khác vào tháng Năm và tháng Tám năm sau. Các nhiệm vụ khác sẽ liên quan đến các hỏa tiễn Trường Chinh 7 và Trường Chinh 2F có kích cỡ nhỏ hơn.
Do Ryan Woo (Reuters) thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: