Lý do thực sự Trung Quốc muốn có Tây Tạng
Khi tôi viết bài này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện hành vi diệt chủng văn hóa ở Tây Tạng. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu một Tây Tạng “xã hội chủ nghĩa hiện đại mới”, cũng như “Hán hóa” người dân Tây Tạng.
Để đảm bảo sự tuân thủ hàng loạt, ĐCSTQ đã thực hiện một loạt các chính sách mới trong khu vực được cho là tự trị này. Ở Tây Tạng, các hoạt động và thực hiện bị cấm hiện nay bao gồm thăm viếng các ngôi đền và sử dụng chuỗi hạt Mân Côi, hoặc bất kỳ đồ vật tôn giáo nào khác.
Theo Nhóm Nghiên cứu Chính sách (POREG), Bắc Kinh “đã chỉ định các nhân viên đặc biệt trong từng văn phòng và cộng đồng báo cáo về các cán bộ và quan chức của Tây Tạng vi phạm các luật này.” Bất kỳ người nào bị phát hiện tham gia vào bất kỳ hoạt động hoặc thực hiện bị cấm nào đều phải đối mặt với “việc bị chính phủ sa thải, từ chối mọi quyền lợi đặc biệt, và thậm chí bị bắt giữ.”
Trong nỗ lực xóa bỏ DNA văn hóa của quốc gia này, tiếng Tây Tạng không còn được dạy trong trường học nữa. Thay vào đó, tiếng Quan Thoại giờ đây là ngôn ngữ giảng dạy mới.
Các nhà sư của quốc gia này cũng đang bị đàn áp và trừng phạt vì những tội ác bịa đặt. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, hai nhà sư gần đây đã nhận “bản án 17 và 15 năm tương ứng, chỉ vì tranh cãi với các cán bộ trong buổi giáo dục.”
Hôm 10/12, ông Go Sherab Gyatso, một nhà văn và nhà giáo dục người Tây Tạng, đã bị kết án một thập kỷ sau song sắt. Tội của ông ta ư? Ông từ chối tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nên lưu ý rằng hôm 10/12 là Ngày Nhân quyền, một sự kiện đã làm tăng thêm một cấp độ tàn ác nữa cho bản án tù này.
Vì sao, người ta tự hỏi, vì sao Trung Quốc lại ám ảnh đến thế về Tây Tạng, một vùng đất xa xôi với dân số hơn 2 triệu người một chút kia chứ? Khi xem xét kỹ hơn, thì lý do trở nên rõ ràng. Sự ám ảnh đó có liên quan đến nước; cụ thể hơn là nước ngọt.
Ai kiểm soát nước thì kiểm soát tương lai
Trên toàn cầu, 1.1 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch, theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF). Mỗi tháng, ít nhất 2.7 tỷ người gặp phải tình trạng khan hiếm nước. Đến năm 2025, như Liên hợp Quốc cảnh báo, “gần 1.8 tỷ người sẽ sống trong các khu vực khan hiếm nước tuyệt đối và 2/3 dân số thế giới có thể phải đối mặt với các tình trạng căng thẳng về nước.”
Chỉ có 3% lượng nước trên thế giới là nước ngọt. Khoảng 3/4 lượng nước ngọt trên hành tinh này được lưu trữ trong các sông băng. Khi nghĩ đến những con sông băng, người ta sẽ tự khắc nghĩ đến Nam Cực. Tuy nhiên, cao nguyên Tây Tạng có hơn 46,000 sông băng, khiến cao nguyên này trở thành nơi có trữ lượng nước ngọt lớn thứ ba trên thế giới, sau Nam Cực và Greenland.
Các nhà nghiên cứu băng hà coi cao nguyên Tây Tạng là “cực thứ ba.” Những người khác gọi nó là “tháp nước” của Á Châu, và bởi có lý do chính đáng. Các con sông lớn của Á Châu bắt đầu từ cao nguyên này: Indus, Sutlej, Brahmaputra, Irrawaddy, Salween, Mekong, Yangtze và Hoàng Hà. Ít nhất 240 triệu người ở 10 quốc gia khác nhau — Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Miến Điện (Myanmar), Nepal, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam — dựa vào những con sông này để sinh tồn. Đây là lý do thực sự tại sao quyền kiểm soát Tây Tạng là không thể thương lượng đối với ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ.
Theo học giả Yong Jiang, ở Trung Quốc, hàng triệu công dân phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trầm trọng, đặc biệt là ở miền bắc đất nước này. Tình trạng khan hiếm nước của Trung Quốc “có đặc trưng bởi nguồn nước địa phương không đủ cũng như chất lượng nước giảm do ô nhiễm ngày càng gia tăng, cả hai đặc trưng này đều gây ra những tác động nghiêm trọng đến xã hội và môi trường.”
Tất nhiên, Trung Quốc không là độc nhất về các cuộc khủng hoảng liên quan đến nước. Trên khắp khu vực Á Châu—từ Mông Cổ đến Pakistan—một cuộc khủng hoảng về nước có ảnh hưởng tới 270 triệu người. Nguồn nước ngọt của Tây Tạng chưa bao giờ quý giá như ngày nay. Nếu ĐCSTQ kiểm soát những vùng nước này, họ sẽ có đòn bẩy to lớn trên hầu hết lục địa Á Châu.
Cao nguyên Tây Tạng cũng có các trữ lượng lớn về bạc, chì, và kẽm, cũng như đồng và vàng. Trong những năm gần đây, việc Trung Quốc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Tây Tạng đã đạt được tốc độ đáng kể. Sự khai thác này bao gồm các trại lao động cưỡng bức.
Theo Free Tibet, một nhóm chuyên tâm vào mục tiêu chấm dứt sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với lãnh thổ hẻo lánh, chủ yếu là Phật giáo này, Tây Tạng là nguồn lithium số một của Trung Quốc, được sử dụng trong pin sạc cho điện thoại di động, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, và xe điện. Khi thế giới đối mặt với tình trạng thiếu lithium “trầm trọng”, Trung Quốc tiếp tục thu lợi từ nguồn cung cấp dường như vô tận của Tây Tạng.
Cao nguyên Tây Tạng cũng là nơi có uranium, một kim loại nặng được sử dụng để tạo ra điện trong các nhà máy điện hạt nhân. Theo Bloomberg, ĐCSTQ có kế hoạch xây dựng “ít nhất 150 lò phản ứng mới trong 15 năm tới, nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới đã xây trong 35 năm qua,” do đó cho phép Trung Quốc “vượt qua Hoa Kỳ với tư cách là nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới.”
Có thể làm gì để giúp người dân ở Tây Tạng? Có thể làm gì để ngăn ĐCSTQ khai thác Cao nguyên Tây Tạng? Vào tháng 12/2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật, được gọi là Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng (TPSA), nâng cấp sự hỗ trợ của Hoa Thịnh Đốn đối với người dân Tây Tạng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi dự luật có rất ít tác động đối với các trường hợp xảy ra trong khu vực. Chừng nào Tây Tạng vẫn tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thì chẳng có lệnh trừng phạt nào có thể ngăn cản việc ĐCSTQ gây ra nhiều khốn khổ hơn nữa cho người dân Tây Tạng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: