Lý do người California thuộc ‘Cal-Exit’ rời đi
Ông Mike Kimmel cùng vợ, là người California bản địa, đã chuyển đến Arizona vào năm ngoái (2020). Ông Kimmel nói về tình yêu của mình với California – nhưng ở thì quá khứ.
“Chúng tôi đã yêu khu vực và tiểu bang mà chúng tôi đã sinh ra ở đó,” ông nói với The Epoch Times qua email. “Vẻ đẹp và sự đa dạng của tiểu bang vẫn không đổi trong những năm qua. Nhưng các loại thuế và quy định của chính phủ đã trở nên quá mức và không còn công bằng. Quận Los Angeles đã trở nên hết sức kỳ quái, quá đông đúc, giao thông chen chúc và đầy tội phạm.”
Ông Kimmel cho biết cộng đồng mà họ chuyển tới ở Arizona ít đông đúc hơn, có thể tiếp cận với các hoạt động ngoài trời (một công viên quốc gia lớn “theo đúng nghĩa đen là ở ngay sân sau của chúng tôi”), quy định của chính phủ thì hợp lý, chi phí sinh hoạt thấp hơn và thuế thấp hơn.
Ông nói: “Phần lớn hàng xóm của chúng tôi là người lánh nạn từ Cali, gồm nhiều người đến từ thành phố Long Beach và các vùng lân cận khu vực đó. Có ba người trong cộng đồng này là từ cùng trường trung học của tôi và nhiều người là từ cùng nhà thờ với chúng tôi ở Long Beach.”
“Chúng tôi nhớ những người hàng xóm và bạn bè của mình ở Cali, nhưng chúng tôi yêu thích quyết định của mình trở thành một phần của phong trào Cal-Exit.”
Vào năm 2020, một lượng lớn người dân California đã rời khỏi [tiểu bang]. Theo Nghiên cứu Sơ đồ Di trú năm 2020 của công ty dịch vụ vận chuyển Atlas Van Lines, lần đầu tiên kể từ năm 1995, California được công ty này xếp loại là một tiểu bang di dân, với số người chuyển ra khỏi tiểu bang nhiều hơn số người ở lại.
Tiểu bang Arizona là một điểm đến phổ biến. Theo dữ liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ, tiểu bang này chỉ đứng thứ hai sau Texas trong việc tiếp nhận nhiều cư dân mới nhất đến từ California vào năm 2019.
Theo các nghiên cứu di trú gần đây của Hoa Kỳ, California không phải là tiểu bang duy nhất có số lượng người di chuyển ra ngoài tăng cao hơn trong đại dịch.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên Địa ốc cho thấy, tính đến tháng 10/2020, 8.93 triệu người Hoa Kỳ đã di dời địa điểm cư trú kể từ khi đại dịch bắt đầu. Con số này tăng khoảng 94,000 người so với cùng kỳ năm 2019.
Ông John Peterson đã sống ở Nam California từ khi sinh ra, nhưng ông sẽ đến Laughlin, Nevada, vào tháng Ba tới.
“Tôi là một người California bản địa. Tôi yêu tiểu bang này,” ông nói với The Epoch Times. “Tôi nghĩ rằng Đảng Dân Chủ đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Việc phong tỏa này là quá ngoài tầm kiểm soát.”
Ông Peterson, 67 tuổi, cho biết: “Chúng tôi gần như đã quyết định ở lại California, rồi sau đó đại dịch ập đến. Tôi đã thấy cách mà [Thống đốc Gavin] Newsom đang giải quyết đại dịch. Tôi đã biết sẽ có những vấn đề nghiêm trọng.”
Ông từng dự tính ra đi trước đó, bởi vì “Tôi thực sự muốn nghỉ hưu và tôi e ngại, ngại nền kinh tế [xấu đi] và lo sợ toàn bộ hệ thống thuế vì cứ mỗi lần chúng tôi quay lại thì lại có thêm một loại thuế khác.”
Ông Peterson, đã làm việc cho một công ty về sàn nhà trong 12 năm qua, cho biết ông đặc biệt lo lắng về những thay đổi về thuế bất động sản với ý rằng “Dù sao thì tôi cũng không đủ khả năng để sống ở đây.”
“Một số điều trong tiểu bang này cần phải thay đổi và tôi thực sự không thấy nó xảy ra với vị thống đốc hiện tại. Thực sự không quan trọng cho dù đó là đảng viên Cộng Hòa hay Dân Chủ [với tư cách là thống đốc], nhưng có rất nhiều điều cần phải được thay đổi ở California.”
Gia đình ông Peterson đang bán căn nhà của họ ở thành phố Garden Grove thuộc Quận Cam và đã mua một căn nhà ở Laughlin (Nevada).
Ông Peterson nói rằng thật khó để chấp nhận rằng hầu hết thành viên gia đình họ vẫn ở Quận Cam, nhưng biết rằng ngôi nhà mới của họ “chỉ cách đó 4 giờ lái xe” khiến điều đó dễ chịu hơn.
Ngày càng có nhiều người muốn chuyển ra khỏi California, các nhà môi giới đang tìm kiếm những người muốn bán nhà. Một nhà môi giới từ Temecula, một người không muốn nêu tên, nằm trong số những người đã tạo các nhóm truyền thông xã hội để kết nối với những người như vậy.
Anh ấy đã lập một nhóm kín trên Facebook với chủ đề là “rời khỏi California”. Anh nói với The Epoch Times rằng nhiều bài đăng của các thành viên trên trang này nói họ rời đi vì sự lãnh đạo chính trị “thất bại” của tiểu bang này.
Một năm trước, có khoảng 5 người mỗi ngày tham gia vào nhóm trên, nhà môi giới này cho biết. Kể từ cuộc bầu cử tổng thống 2020, có khoảng 45 người mỗi ngày đã tham gia.
Anh nói, “70% đến 80% những người trên trang này có xu hướng bảo thủ và không hài lòng với nền chính trị [của tiểu bang].”
“Một số người sẽ phàn nàn rằng chính giá xăng và thuế cao đã khiến [họ chuyển đi]. Nhưng đây chắc chắn là lý do hoàn toàn vì chính trị. Gần đây, chúng tôi đã thấy rất nhiều điều tiêu cực về ông Newsom trong suốt [nỗ lực bãi nhiệm thống đốc]… Người dân rất không hài lòng với vị thống đốc này và cách ông ta giải quyết việc phong tỏa [COVID-19].”
Do Alex Murashko thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: