Ludwig van Beethoven: ‘Tôi yêu sự thật hơn bất cứ thứ gì’
“Tôi yêu sự thật hơn bất cứ thứ gì,” Beethoven viết cho Goethe cách đây 200 năm trước. Tất nhiên, Goethe cũng yêu thích sự thật, nhưng theo một cách khá lãnh đạm và có một khoảng cách nhất định. Beethoven thì thể hiện một tình yêu nồng nàn, gấp gáp và bất an.
Đối với ông, sự thật dường như có liên quan gì đó với Chúa, với chính tình yêu, công lý và vẻ đẹp. Chắc chắn, những điều này tạo nên những yếu tố trong âm nhạc của ông, đó là sự hùng tráng, chân thành và đẹp đẽ không thể diễn tả thành lời.
Mặc dù âm nhạc của ông tuyệt đẹp, Ludwig van Beethoven thì không. Bạn bè của ông nói rằng ông thấp, da ngăm đen, ngoại hình thô kệch, vụng về và kỳ quặc, khuôn mặt khá quê mùa, nhiều vết rỗ. Họ cũng lấy làm thích thú khi đề cập đến bờm tóc đẹp và hàm răng trắng sáng của ông.
Beethoven là con trai của một người nghiện rượu, ông bị ngược đãi và sống trong cảnh thiếu thốn từ những năm tháng đầu đời, nhưng ông được những người sáng suốt và có ảnh hưởng nuôi dưỡng, họ đã nhận ra tài năng tuyệt vời của ông ngay từ sớm. Mặc dù tính khí thất thường, nhiều dẫn chứng cho thấy ông là người có tấm lòng bao dung trong suốt cuộc đời mình.
Ở tuổi 29, trước ngưỡng cửa của thành công, ông đã viết cho em trai mình: “Nếu cuộc sống được cải thiện, âm nhạc của anh sẽ chỉ để phục vụ người nghèo”. Ông chưa từng kết hôn mặc dù ông luôn yêu ai đó, còn tình bạn với ông thì cứ gương vỡ lại lành.
Nỗi thống khổ mà ông phải chịu đựng đã sớm được an bài, vào năm 26 tuổi, ông bắt đầu mất thính giác rồi bị điếc hoàn toàn. “Di chúc Heiligenstadt” nổi tiếng được ông viết vào năm 1802 kể về nỗi tuyệt vọng và ý định tự tử của ông, nhưng nó cũng kể về một phép màu tuyệt vời, một sự mặc khải vĩ đại, sự khám phá ra sức mạnh không thể lay chuyển của ông và một điều chắc chắn rằng “anh không thể rời bỏ thế giới này cho đến khi thể hiện ra hết tất cả những gì anh cảm thấy bên trong mình.”
Những điều bên trong ông, âm nhạc tuyệt vời của ông không viết cho các lớp học, các học giả hay nhà phê bình. Nó được viết cho trái tim con người và loại trừ cả việc phân tích lẫn phê bình. Tuy nhiên, khi xem xét một số kiệt tác của ông theo thứ tự, người ta có một cái nhìn tổng thể về sự trưởng thành của ông, không chỉ với tư cách là một thiên tài mà còn đơn giản là một con người. Nó cho thấy một tâm hồn vĩ đại rộng mở theo năm tháng, quá trình này dần vững chắc qua những hy vọng của tuổi trẻ, những đấu tranh, những chiến thắng và cho đến cuối cùng là những cuộc trò chuyện không lời với Đấng [Tối Cao] mà ông đã cầu nguyện cả đời.
Bản nhạc bắt đầu với câu “Thiên nhiên chói lọi biết mấy, soi sáng trước tôi” do Beethoven sáng tác năm 19 tuổi. Đây là bản nhạc của một tinh thần trẻ trung, không sợ hãi và tràn đầy hy vọng cao thượng với lý do tốt đẹp. Người ta cảm nhận được âm hưởng của nhạc thính phòng trong thời kỳ đầu, phản ánh thế giới mà ông đang hướng tới trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 18, thời đại khai sáng của sự cân đối, logic và rõ ràng.
Những năm sau đó là những năm của Chủ nghĩa Lãng mạn, khi âm nhạc trở nên dễ hiểu và mang tính cá nhân hơn. Hình thức không còn quá cứng nhắc. Tiết tấu kịch tính nổi lên cùng những cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc của chính nhà soạn nhạc, đã chiếm vị trí nổi bật trong âm nhạc mà ông sáng tác. Có thể nghĩ đến ngay bản “Choral Fantasy for Piano, Orchestra and Chorus” (tạm dịch: Hợp xướng huyễn tưởng khúc cho Piano, Dàn nhạc và Hợp xướng). Đây là một bài thánh ca tuyệt vời về thiên nhiên và khả năng nhân loại có thể có được hòa bình, hạnh phúc trong cuộc sống này. Điều đáng chú ý là một tác phẩm như vậy đã được viết khi thính giác của ông không còn hoạt động.
Vở opera duy nhất của Beethoven, “Fidelio”, cũng được sáng tác trong thời kỳ này, ông xây dựng một kịch bản đã trở nên quen thuộc trong nhiều tác phẩm tiếp theo, đặc biệt là ở các phần chậm (slow movement) trong các bản nhạc dành cho tứ tấu đàn dây và piano sonata, đó là: sự xung đột, lời cầu xin Chúa giúp đỡ và một lối thoát tất yếu cùng với niềm vui của người phụng sự. Ví dụ tuyệt vời nhất về kịch bản này, với sức mạnh không gì sánh được, có thể được tìm thấytrong màn diễn cuối của vở opera “Fidelio”, và hồi cuối của bản Giao hưởng Số 9, “Ode to Joy”.
Âm nhạc của Beethoven là âm nhạc của lòng tín ngưỡng và tác phẩm “Missa Solemnis” là thành tựu đỉnh cao của ông, được viết “để đánh thức lòng mộ đạo hằng có trong cả người biểu diễn lẫn người nghe.”
Có lẽ bức chân dung vĩ đại nhất của Chúa Kitô được tìm thấy trong “Benedictus”. Những tiếng hát vang lên “Blessed is He that comes in the name of the Lord,” (tạm dịch: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến) nhưng không có từ ngữ nào diễn tả được Ngài, Đấng ban phước mà họ đang hát lời tôn vinh. Thay vào đó, một giai điệu độc tấu violin vang lên, một giai điệu tuyệt vời bay bổng trải khắp dàn nhạc và dàn đồng ca. Không có điều gì được viết hoặc nói, vẽ hay hát mà mang lại cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng và mạnh mẽ như vậy.
Hầu hết tất cả bản nhạc được đề cập ở trên đều có lời, nhưng trong những năm cuối cùng của Beethoven, ông không còn dùng từ ngữ để diễn tả những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, âm nhạc dễ dàng vượt ra khỏi ranh giới của ngôn ngữ, nó có thể kể về những giằng xé trong nội tâm sâu lắng hơn hay những chiến thắng vẻ vang.
Có một câu chuyện đẹp đã chứng minh điều này: Nỗi đau của một người mẹ trước sự ra đi của đứa con là rất lớn, và khi một người bạn thân của Beethoven mất đi đứa con trai bé bỏng, một cậu bé 6 tuổi, lúc ấy chính bản thân ông không thể tiếp cận và chia sẻ nỗi buồn cùng cô. Sau nhiều ngày không biết phải làm gì và nói gì, cuối cùng, ông mời cô đến thăm ông tại nhà riêng. Khi cô đến, ông ngồi xuống bên cây đàn piano và nói, “Bây giờ chúng ta sẽ nói chuyện với nhau bằng những giai điệu.” Họ không nói một lời nào sau đó. Ông chơi đàn trong một giờ, một cách ngẫu hứng, khi cô ngồi im lặng lắng nghe.
Câu chuyện kết thúc nhiều năm sau đó khi cô nói với Felix Mendelssohn (một nhà soạn nhạc, nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng người Đức): “Ngày hôm đó ông ấy đã nói với tôi mọi thứ tôi cần biết, và cuối cùng tôi đã tìm thấy khởi nguồn của niềm an ủi.”
Chúng ta có thể nói rằng bản sonata piano cuối cùng Op. 111, cho chúng ta biết “mọi thứ.” Đó là cuộc hành trình từ tuyệt vọng đến chấp nhận, và từ chấp nhận đến niềm vui, cùng những khoảnh khắc của điều kỳ diệu tĩnh lặng.
Khúc “Adagio” trong bản tứ tấu đàn dây cuối cùng String Quartet Op. 135 cho chúng ta cái nhìn về một điều gì đó còn vĩ đại hơn: Thế giới thanh bình mà Beethoven đã chạm tới ở cuối cuộc hành trình của đời mình. Đó là thanh âm của âm nhạc được bao bọc trong sự im lặng vô tận, một cuộc đối thoại thanh thản không lời giữa nhà soạn nhạc và Đấng Tạo Hoá. Đó là âm nhạc của những thiên hà lấp lánh, xinh đẹp, bí ẩn, đang xoay chuyển trong không gian bất tận để đến một nơi vĩ đại không thể biết trước được. Có lẽ đó là một sự bảo đảm rằng luôn có lối thoát cho khổ đau, rằng chúng ta sẽ dần dần thực sự hiểu ra.
Ngay trước khi qua đời, Beethoven đã nói, “Nơi thiên đường tôi sẽ nghe!” Ấn tượng của tôi là Beethoven luôn nghe thấy. “Tôi nhận được âm nhạc này trực tiếp từ Chúa!” ông hét vào mặt một nhạc sỹ hay than vãn.
Chúng ta là những người phàm nghèo khổ, dễ tổn thương, là những người dường như bị điếc, và đang cố gắng nghe thấy những thanh âm từ Chúa.
Raymond Beegle đã biểu diễn với tư cách là một nghệ sỹ dương cầm cộng tác tại các phòng hòa nhạc lớn của Hoa Kỳ, Châu Âu và Nam Mỹ; đã viết các vở The Opera Quarterly, Classical Voice, Fanfare Magazine, Classic Record Collector (UK) và New York Observer. Beegle đã từng là giảng viên của Đại học Tiểu bang New York – Stony Brook, Học viện Âm nhạc Phương Tây, và Viện Nghiên cứu Âm nhạc Hoa Kỳ ở Graz, Áo. Ông đã giảng dạy trong khoa âm nhạc thính phòng của Trường Âm nhạc Manhattan trong 28 năm qua.
Raymond Beegle
Phương Du biên dịch