Lực lượng Tuần duyên Đài Loan, Hoa Kỳ họp bàn bất chấp sức ép từ Trung Quốc
BẮC KINH – Các sĩ quan từ lực lượng tuần duyên của Hoa Kỳ và Đài Loan đã họp bàn về việc cải thiện hợp tác và liên lạc bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cô lập nền dân chủ của hòn đảo tự quản này.
Cuộc họp trực tuyến được tổ chức hôm thứ Ba (10/08) diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và các nước khác có những hành động phản kháng lại chiến dịch gây sức ép của Bắc Kinh nhằm buộc Đài Loan chấp nhận quan điểm rằng hòn đảo này là một phần của Trung Quốc.
Hôm 10/08, Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ mà họ cử đến Lithuania và trục xuất đại diện đứng đầu mà quốc gia Baltic này cử tới Bắc Kinh vì quyết định cho phép Đài Loan mở văn phòng tại Lithuania dưới tên riêng của mình.
Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã gia tăng áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự đối với Đài Loan, nơi mà người dân của quốc gia này từ chối hoàn toàn yêu cầu của Bắc Kinh về sự thống nhất chính trị với đại lục. Từ lâu, Trung Quốc đã đang ngăn cản Đài Loan gia nhập Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, cũng như đã tăng cường sức ép như vậy kể từ cuộc bầu cử của Tổng thống Thái Anh Văn, một người có tư tưởng độc lập, hồi năm 2016. Bà Thái đã được bầu cử lại vào năm ngoái với đa số ủng hộ.
Mặc dù Hoa Kỳ chỉ duy trì mối bang giao không chính thức với Đài Loan để tôn trọng Bắc Kinh, nhưng nước này là nhà cung cấp vũ khí chủ chốt và là đồng minh chính trị thân cận nhất của hòn đảo này.
Trong một tuyên bố tại cuộc họp hôm thứ Ba, đại sứ quán trên thực tế của Hoa Thịnh Đốn tại Đài Bắc, Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, cho biết các bên đã “thảo luận về các phương án để cải thiện các phản ứng chung trên biển nhằm tìm kiếm và cứu nạn, cứu trợ thảm họa và các nhiệm vụ môi trường, cũng như các cơ hội để cải thiện giao tiếp và tiếp tục trao đổi đào tạo quân nhân.”
Tuyên bố này cho biết, “Hai bên cũng tiếp tục làm việc với các mục tiêu chung là bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; giảm đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; và tham gia vào các sự kiện chung về tìm kiếm cứu nạn trên biển và ứng phó với môi trường biển.”
Cuộc họp diễn ra sau khi Hoa Kỳ công bố kế hoạch bán 40 đại bác tự hành cho Đài Loan trong một thỏa thuận trị giá 750 triệu USD đã thu hút sự lên án mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh.
Trong bối cảnh mối bang giao với Trung Quốc ngày càng xấu đi, chính phủ của cựu Tổng thống Donald Trump đã tăng cường mối bang giao với Đài Loan, một lập trường mà Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn duy trì.
Trung Quốc không lập tức phản ứng với cuộc họp của hai bên lực lượng tuần duyên này, nhưng tuần trước đã chỉ trích mạnh mẽ giao dịch bán pháo kể trên là đang “can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gửi tín hiệu sai cho lực lượng ly khai ‘Đài Loan độc lập’ và gây nguy hiểm cho sự ổn định trên Eo biển Đài Loan.”
Hôm 06/08, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm (Wu Qian) cho biết trong một tuyên bố, “Trung Quốc [Quân đội Giải phóng Nhân dân] sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc và nỗ lực không ngừng để thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước.”
Cùng với sự suy thoái nhanh chóng trong mối bang giao với Hoa Thịnh Đốn, các chính sách ngoại giao ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc đã đặt nước này vào thế đối nghịch với một số nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Canada và Úc.
Hôm thứ Năm (12/08), Trung Quốc đã bác bỏ các kháng nghị của Canada về các bản án hà khắc mà tòa án Trung Quốc đưa ra gần đây đối với các công dân Canada mà các vụ án của họ được coi là liên quan đến vụ bắt giữ một giám đốc điều hành đứng đầu của đại tập đoàn công nghệ Huawei ở Vancouver.
Canada và các quốc gia khác, bao gồm Úc và Philippines, phải đối mặt với các cuộc tẩy chay thương mại và áp lực khác của Trung Quốc trong các cuộc tranh luận với Bắc Kinh về nhân quyền, virus corona và quyền kiểm soát Biển Đông. Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng du khách Mỹ phải đối mặt với “nguy cơ cao bị giam giữ tùy tiện” ở Trung Quốc vì những lý do khác ngoài việc thi hành luật pháp.
Bắc Kinh đang chặn hoạt động nhập cảng lúa mì, rượu vang và các sản phẩm khác từ Úc sau khi chính phủ nước này kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch virus corona.
Do Associated Press thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: