Lực lượng Armenia nã pháo vào thành phố thứ hai của Azerbaijan trong đợt leo thang xung đột
Hôm 4/10, Azerbaijan cho biết các lực lượng Armenia đã nã pháo vào Ganja, thành phố thứ hai của họ, trong một đợt leo thang quân sự tại vùng Nam Caucasus khởi phát từ cách đây một tuần.
Phía Armenia khẳng định rằng họ không hướng hỏa lực “dưới bất kỳ hình thức nào” về phía Azerbaijan. Tuy nhiên, thủ lĩnh của Nagorno-Karabakh, một vùng đất của người Armenia nằm trong Azerbaijan, cho biết lực lượng của ông đã phá hủy một căn cứ không quân ở Ganja.
Sự leo thang xung đột quân sự này kéo theo nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Azerbaijan và Armenia, vốn là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, có thể dẫn đến sự tham dự của các cường quốc khác. Trong khi Azerbaijan nhận được sự ủng hộ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ thì Armenia lại có hiệp ước quốc phòng với Nga.
Các cuộc giao tranh giữa các lực lượng Azeri và Armenia khởi phát cách đây 1 tuần đã gia tăng trong hai ngày vừa qua (2-3/10) và lan rộng ra ngoài khu vực ly khai Karabakh.
Bộ trưởng Quốc phòng Azeri Zakir Hasanov nói: “Việc bắn vào lãnh thổ của Azerbaijan từ lãnh thổ của Armenia rõ ràng là hành động khiêu khích và làm mở rộng khu vực xung đột.”
Ganja, với dân số 335,000 người, cách thủ phủ Stepanakert của Karabakh khoảng 100km (60 dặm) về phía bắc và cách thành phố Vardenis của Armenia 80km. Azerbaijan trước đó đã cáo buộc Armenia bắn vào lãnh thổ của mình từ Vardenis, nhưng Yerevan đã phủ nhận điều đó.
Armenia cho biết Azerbaijan đã sử dụng sân bay ở Ganja làm căn cứ cho các chiến đấu cơ của họ thực hiện các cuộc không kích ném bom vào Nagorno-Karabakh.
Thủ lĩnh của Nagorno-Karabakh, ông Arayik Harutyunyan cho biết lực lượng của ông sẽ nhắm vào các thành phố Azeri.
Ông nói, “Các đơn vị quân đội thường trực đóng tại các thành phố lớn của Azerbaijan từ nay trở đi sẽ trở thành mục tiêu của quân đội quốc phòng [chúng tôi].”
Thương vong nặng nề
Dù không thể có được số liệu chính xác, nhưng thương vong từ cuộc giao tranh tuần qua đã lên tới hàng trăm người.
Armenia cho biết các thành phố Stepanakert và Martakert của Karabakh đã bị tấn công bởi lực lượng không quân và các tên lửa tầm xa của Azerbaijan.
Cả hai bên đều cáo buộc bên còn lại nhắm vào dân thường để tấn công.
Bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn từ phía Nga, Hoa Kỳ, Pháp và Liên minh châu Âu, hai bên đối lập vẫn gia tăng các hành động thù địch vào cuối tuần, kèm theo đó là những lời lẽ hung hăng.
Hôm 3/10, Armenia cho biết họ sẽ sử dụng “tất cả các phương tiện cần thiết” để bảo vệ người Armenia khỏi cuộc tấn công của Azerbaijan, và thủ tướng của họ đã so sánh cuộc chiến đấu này giống như cuộc chiến của thế kỷ 20 chống lại đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ.
Azerbaijan cho biết hôm 3/10 rằng các lực lượng của họ đã chiếm được một loạt các ngôi làng. Armenia thừa nhận rằng các chiến binh người Armenia ở một số nơi đã bị áp lực và cho biết tình hình trên mặt đất đang biến động.
Đây là các cuộc đụng độ tồi tệ nhất kể từ những năm 1990, với khoảng 30,000 người đã thiệt mạng. Tình hình này đã làm dấy lên lo ngại quốc tế về sự ổn định ở vùng Nam Caucasus, nơi chứa các đường ống dẫn dầu và khí đốt của Azeri đến các thị trường thế giới.