Luật sư Matas: Ông David Kilgour cống hiến hết mình vì lòng trắc ẩn với các nạn nhân bị lạm dụng nhân quyền
Tất cả những ai đã từng biết đến David Kilgour sẽ luôn nhớ về ông ấy. Tuy nhiên, ông ấy sẽ không ra đi. Sự mẫu mực của ông ấy sẽ vẫn mãi nhắc nhở chúng ta về sự khác biệt giữa thờ ơ và đồng cảm, giữa mập mờ và trung thực, giữa thỏa hiệp và giữ vững lập trường, giữa sống tốt [cho bản thân] và làm điều tốt [cho người khác]. Ông ấy chưa mất đi bởi ông ấy đã trở thành một phần của chúng ta.
Tôi đã quen biết ông David Kilgour trong suốt quãng đời trưởng thành của mình. Ngay từ đầu, tôi đã có thể thấy ông ấy là người có tính cách thân thiện, thoải mái, hòa đồng.
Ông David theo học tại trường Đại học Manitoba ở Winnipeg vào đầu những năm 1960, cùng thời với tôi. Ông ấy đi trước tôi một chút, nhưng cũng tích cực trong các vấn đề sinh viên như tôi, và còn hơn thế nữa. Tình cờ, cả hai chúng tôi đều đến Ottawa và sau đó là Paris vào cuối thập niên 60, mỗi người đều theo đuổi công việc và nghiên cứu của riêng mình. Tôi đã đến dự đám cưới của ông ấy ở Edmonton hồi năm 1974. Lúc đó ông ấy là một biện lý.
Tháng 03/2006, theo yêu cầu của một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi bắt đầu một cuộc điều tra phối hợp về việc liệu các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc, một môn tu luyện tinh thần, có bị sát hại để lấy nội tạng bán cho các bệnh nhân cần cấy ghép tạng hay không. Kể từ đó, mối quan hệ bình thường của chúng tôi đã thay đổi đáng kể. Trong suốt 16 năm qua, tôi đã liên lạc với ông David gần như hàng ngày, thường là vài lần một ngày.
Phiên bản báo cáo đầu tiên của chúng tôi được công bố vào tháng 06/2006, kết luận rằng việc ngược đãi các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công ở Trung Quốc mà chúng tôi được yêu cầu điều tra thực sự đã diễn ra.
Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không thể chỉ công bố báo cáo, rồi sau đó bỏ qua vấn đề này để tập trung vào rất nhiều trách nhiệm khác của mình. Chúng tôi đã phải tiếp tục kiên trì nói về vấn đề này để nó luôn được nhận thức. Và chúng tôi đã làm như thế, qua các bản cập nhật cho báo cáo của mình, qua việc đồng sáng lập một tổ chức phi chính phủ về vấn đề này (Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc, ETAC) với ký giả Ethan Gutmann, và qua một loạt các chuyến đi đến các hội nghị, các cuộc diễn hành, và các phiên điều trần, cũng như các tuyên bố, bài diễn thuyết, đơn đệ trình, bài báo, bài đăng trên internet, và gửi thư điện tử cho nhiều người trên diện rộng.
Chúng tôi đã trở thành những cộng sự không chỉ trong vấn đề này mà còn về nhiều vấn đề nhân quyền khác mà chúng tôi có chung mục đích — chế độ chuyên chế ở Iran, sự tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ, các mối đe dọa đối với Đài Loan, cuộc đàn áp ở Hồng Kông, chủ nghĩa bài Do Thái được thúc đẩy bởi các cuộc tấn công xuyên tạc về Israel, v.v. Qua việc chia sẻ các mối quan tâm giống nhau về nhiều vấn đề ở mức độ sâu sắc như vậy trong một thời gian dài, nên tôi biết khá rõ về ông David. Tôi thấy ông ấy là một người luôn bảo trì sự kiên định với các nguyên tắc của mình. Những nguyên tắc mà ông ấy kiên cường giữ vững chứa đựng những niềm tin cá nhân mãnh liệt.
Khi rời Nghị viện sau 27 năm làm việc, ông ấy là nghị viên có thời gian phụng sự lâu nhất tại Nghị viện [Canada]. Trong giai đoạn đó, ông ấy đã bị khai trừ khỏi Đảng Bảo Thủ Tiến Bộ vì không thỏa hiệp, ông gia nhập Đảng Tự Do, và sau đó rời bỏ do bất đồng với các chính sách của họ. Với tính cách của ông ấy, đó là một số phận đã có thể được tiên đoán trước. Tính cách khoáng đạt, cũng như tư duy độc lập và cam kết tuân thủ nguyên tắc đã khiến ông được nhiều người bầu chọn. Nhưng cũng chính vì sự độc lập đó mà ông không thể đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, ‘trèo lên đỉnh cây cột trơn trượt’ như Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli đã từng nói. Khả năng thỏa hiệp không có trong từ điển của ông.
Thời gian tuyệt vời nhất của ông David là những thời khắc ông dành cho hoạt động nhân quyền sau khi rời Nghị viện. Những vấn đề xung quanh nhân quyền nói chung và tại Trung Quốc nói riêng bộc lộ điều tốt nhất ở ông trong khi cho thấy điều xấu xa nhất ở những người khác. Những người khác có thể sẵn sàng thỏa hiệp hoặc hạ thấp nguyên tắc để đổi lấy tiền bạc hoặc quyền lực, địa vị hoặc cơ hội. Những người khác có thể sẵn sàng chấp nhận những lời hứa hẹn thay vì hiện thực, chỉ nói suông mà không hành động. Những người khác có thể không chống lại những ảo tưởng hão huyền vì thủ phạm đã nói những lời mà những người nghe của họ muốn nghe. Nhưng không phải David Kilgour. Sự ủng hộ vô điều kiện của ông dành cho các nạn nhân, sự khước từ tuyệt đối của ông với thói đạo đức giả, và nỗi day dứt khôn nguôi của ông về tình trạng thủ phạm không bị trừng phạt khiến ông khác biệt.
Ông David đã từ trần hôm 05/04. Cầu chúc ông ấy được yên nghỉ, nhưng tôi không nghĩ là ông ấy sẽ được như vậy. Linh hồn của ông ấy sẽ luôn phải nhẫn chịu sự tàn bạo của hành tinh này. Sự phẫn nộ của tâm linh ông ấy sẽ tiếp tục bùng phát, và sự nhẫn nại của ông ấy sẽ tiếp tục bị sự tấn công liên tục của các thủ phạm thách thức; lòng vị tha của ông ấy sẽ bền bỉ che chở những cuộc diễn hành không ngừng của các nạn nhân, và nỗi lo lắng của ông ấy dành cho họ sẽ không bao giờ lắng dịu.
Tất cả những ai đã từng biết đến David Kilgour sẽ luôn nhớ về ông ấy. Tuy nhiên, ông ấy sẽ không ra đi. Sự mẫu mực của ông ấy sẽ vẫn mãi nhắc nhở chúng ta về sự khác biệt giữa thờ ơ và đồng cảm, giữa mập mờ và trung thực, giữa thỏa hiệp và giữ vững lập trường, giữa sống tốt [cho bản thân] và làm điều tốt [cho người khác]. Ông ấy chưa mất đi bởi ông ấy đã trở thành một phần của chúng ta.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông David Matas là một luật sư nhân quyền người Canada từng đạt giải thưởng và được tặng thưởng Huân chương Canada. Ông cũng góp mặt trong hội đồng quản trị của Trung tâm Phát triển Dân chủ và Nhân quyền Quốc tế có trụ sở tại Toronto. Năm 2010, ông được đề cử giải Nobel Hòa bình cho những cống hiến liên quan đến cuộc điều tra tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Ông Matas là đồng tác giả của cuốn sách “Bloody Harvest: The Killing of Falun Gong for their Organs” (Thu Hoạch Đẫm Máu: Sát Hại Học Viên Pháp Luân Công Để Lấy Nội Tạng) và là đồng biên tập cuốn sách “State Organs: Transplant Abuse in China” (Nội Tạng Sống: Lạm Dụng Cấy Ghép Ở Trung Quốc)
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: