Luật sư David Matas: ĐCSTQ tiếp tục lạm dụng nhân quyền khi những quan chức khét tiếng của Phòng 610 bị điều tra
Ông Matas nói, chính quyền Trung Quốc vẫn không ‘thay đổi’ trong việc đàn áp tàn bạo các học viên Pháp Luân Công.
Các cáo buộc tham nhũng và sự rớt đài sau đó của một số quan chức đứng đầu trong “Phòng 610” kiểu Gestapo của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thay đổi cách thức của mình trong việc coi rẻ nhân quyền, luật sư nhân quyền nổi tiếng David Matas nói.
Ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), một quan chức lâu năm trong ngành an ninh công cộng Trung Quốc, gần đây đã bị điều tra vì nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật” theo một tuyên bố ngày 02/10 do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, bộ phận giám sát tham nhũng của ĐCSTQ, đưa ra.
Trước khi giữ chức bộ trưởng tư pháp từ năm 2018 đến năm 2020, ông Phó đứng đầu Phòng 610, một cơ quan bí mật do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân thành lập để điều phối và thực hiện chiến dịch bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công bắt đầu kể từ năm 1999.
Ông Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế tại Winnipeg, cho biết việc ông Phó và các thành viên cao cấp khác của Phòng 610 rớt đài trong những năm gần đây là do đấu đá chính trị gay gắt trong nội bộ chính quyền Trung Quốc, chứ không phải do ĐCSTQ thay lòng đổi dạ đối với Pháp Luân Công.
Ông Matas nói với The Epoch Times, “Mọi người, ít nhất là ở cấp cao của Đảng, đang luồn lách cho chức vị và mọi người đều muốn tiến lên một bậc … Nhiều người trong số họ đã sử dụng cuộc đàn áp Pháp Luân Công như một công cụ để nâng cao địa vị của họ trong Đảng, bao gồm cả ông Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang.”
“Nhưng tôi sẽ không cho đó là do thực tế rằng Đảng đã bằng cách nào đó thay đổi trong việc đàn áp Pháp Luân Công. … Cuộc đàn áp Pháp Luân Công chỉ tạm bị thế chỗ trong một cuộc tranh giành quyền lực bên trong nội bộ Đảng Cộng sản… và việc sử dụng [tội danh] tham nhũng của ủy ban kỷ luật về căn bản chỉ là một công cụ chính trị để thao túng trong cuộc tranh giành quyền lực này.”
Phiên tòa xét xử và tuyên án vào năm 2013 của ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã mở đầu cho chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh, vốn trong vòng vài năm đã chứng kiến các vụ bắt giữ và xét xử nhiều đảng viên cấp cao của ĐCSTQ, bao gồm cả ông Chu Vĩnh Khang, người từng đứng đầu bộ máy an ninh nội địa đầy quyền lực.
Các quan chức cấp cao bị lật đổ trong cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ trong những tháng gần đây bao gồm ông Bành Ba (Peng Bo), cựu phó giám đốc Phòng 610, người đã bị khai trừ khỏi Đảng vào ngày 17/08 sau nhiều tháng điều tra, và ông Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), một cựu quan chức an ninh đã bị xét xử về tội hối lộ vào ngày 10/09.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền và các bài giảng dựa trên nguyên lý chân, thiện và nhẫn. Môn tu luyện truyền thống này nhanh chóng truyền ra khắp Trung Quốc vào những năm 1990, ước tính có khoảng 70-100 triệu học viên vào năm 1999.
Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân coi sự phổ biến của Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với sự cai trị toàn trị của chế độ cộng sản vốn chính thức vô thần, và vào tháng 07/1999 đã tiến hành một chiến dịch đàn áp bạo lực nhằm xóa sổ môn tu luyện này.
Ông Matas nói rằng chiến dịch đàn áp này đã tạo thành điều được biết đến như là “một cuộc diệt chủng lạnh.”
“Khái niệm của diệt chủng lạnh là một cuộc diệt chủng không xảy ra trong thời gian ngắn, nhanh chóng, có thể trông thấy, mà xảy ra từ từ, và nó không dễ thấy đến thế. Và số lượng [những người bị sát hại] tích lũy theo thời gian thay vì xảy ra cùng một lúc.”
Ông nói rằng cộng đồng quốc tế nên “làm mọi việc có thể” để đưa ĐCSTQ ra trước công lý vì những vi phạm nhân quyền của họ.
Ông cũng cảnh báo rằng chính sách ngoại giao con tin của Trung Quốc vẫn chưa kết thúc với việc [chính quyền này] gần đây đã thả ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor, hai người Canada bị họ giam giữ vào tháng 12/2018 ngay sau khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành cao cấp của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, theo một lệnh của Hoa Kỳ để dẫn độ bà vì tội gian lận ngân hàng.
Ông Kovrig và ông Spavor về Canada hôm 25/09, sau khi Bắc Kinh thả hai người trong một thỏa thuận bảo đảm bà Mạnh trở về Trung Quốc vào cùng ngày.
“Tôi sẽ không nói rằng chỉ vì hai ông Michael đã được thả về, mối đe dọa ngoại giao con tin từ Trung Quốc đã chấm dứt. Ngược lại, toàn bộ trình tự cho thấy rằng một khi việc này đã xảy ra, nó rõ ràng có thể xảy ra một lần nữa,” ông Matas nói và cho biết thêm rằng vẫn còn hơn 100 người Canada bị giam giữ ở Trung Quốc, bao gồm cả bà Tôn Thiến (Sun Qian), người bị bỏ tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
“Nó không giống như là người Trung Quốc nói ‘OK, chúng tôi xin lỗi, đáng lẽ chúng tôi không nên làm vậy, chúng tôi xin lỗi.’ Họ đang nói rằng điều đó đã không xảy ra, rằng đó không phải là ngoại giao con tin, có nghĩa là rõ ràng họ có thể làm điều đó một lần nữa bởi vì họ chỉ phủ nhận nó đang xảy ra, nhưng cùng lúc ấy nó đang xảy ra.”
Anh Andrew là một phóng viên sinh sống tại Toronto.
Bản tin có sự đóng góp của phóng viên Frank Fang
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: