Bắc Kinh tước giấy phép của luật sư vì bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công
Hôm 16/12, chính quyền Trung Quốc đã thu hồi giấy phép hành nghề luật sư của luật sư Lương Tiểu Quân vì ông đã bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công, một số người trong số họ đang bị giam giữ vì niềm tin của họ.
“Ông là giám đốc của Công ty luật Đạo Hành Bắc Kinh và là một luật sư chuyên nghiệp. Nhưng ông đã công khai phủ nhận rằng Pháp Luân Công là một tà giáo, và tiếp tục ủng hộ Pháp Luân Công,” Cục Tư pháp Bắc Kinh viết về quyết định thu hồi.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần của Trung Hoa cổ đại bao gồm các bài tập tĩnh tại đơn giản, chậm rãi và các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào cuối thập niên này, theo ước tính chính thức tại thời điểm đó.
Nhưng vào tháng 07/1999, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch đàn áp tàn bạo nhằm mục đích xóa sổ môn tu luyện ôn hòa này.
“Tôi đã tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công khi tôi còn ở Trung Quốc. Tôi có thể cảm nhận rõ ràng rằng họ đã trở nên có trách nhiệm hơn sau khi tu luyện. Họ theo đuổi sự thật,” ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một nhà hoạt động nhân quyền và luật sư nổi tiếng ở Trung Quốc sống lưu vong, nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ hôm 15/12, một ngày sau khi luật sư Lương bị thu hồi giấy phép. “Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vu khống cho luật sư Lương Tiểu Quân. Họ chỉ đơn giản là tạo ra một tội danh và dùng nó để truy tố một luật sư.”
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư người Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 16/12 rằng thật trớ trêu khi hệ thống tư pháp Trung Quốc đã thu hồi giấy phép hành nghề luật sư của ông Lương vì bào chữa cho Pháp Luân Công.
“Cả Bộ Công an hay bất kỳ cơ quan nào khác của chính quyền Trung Quốc đều không công bố bất kỳ tài liệu nào gọi Pháp Luân Công là một tà giáo. Làm thế nào mà Cục Tư pháp Bắc Kinh lại có định nghĩa đó?” ông Ngô đặt câu hỏi.
“Hành động thu hồi này là một cú đánh trực diện vào thứ gọi là ‘pháp quyền’ ở Trung Quốc dưới chế độ cộng sản này,” ông Trương Nhi Bình (Zhang Erping), phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở New York, nói với The Epoch Times hôm 20/12. “Chế độ cộng sản này đang vi phạm điều 36 của hiến pháp Trung Quốc, trong đó nêu rõ: Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.”
Ông Trương nói rằng ông Lương, một luật sư nhân quyền được nhiều người kính trọng, đang thực hiện quyền hiến định của mình để bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ông Trương thúc giục: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế và những người có lương tâm lên tiếng chống lại những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.”
Một luật sư đáng kính
Ông Lương đã tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn học tại Đại học Sư phạm Hà Bắc vào năm 1995 và Cử nhân Luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc vào năm 2000. Kể từ đó, ông làm việc với tư cách là một luật sư ở Bắc Kinh.
Trong hơn hai thập niên qua, ông Lương đã đại diện cho vô số người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, tù nhân lương tâm, nhà hoạt động, và những người kiến nghị.
Trước khi bị thu hồi giấy phép, ông Lương đã bào chữa cho cô Hứa Na (Xu Na), một nhà thơ, họa sĩ, và học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh, cùng 10 bạn đồng tu của cô.
“Chạy đua với thời gian! Cố gắng hoàn thành mọi việc trước khi giấy phép của tôi bị thu hồi,” ông Lương viết trên Twitter hôm 15/12. Vào ngày hôm đó, ông đến trại tạm giam để gặp cô Hứa và cập nhật cho cô ấy về việc sắp bị thu hồi giấy phép. “Cô [Hứa] đã lo lắng cho tôi và liên tục hỏi về tình trạng của tôi,” ông Lương đăng.
Ông Lương cũng bào chữa cho ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), một nhà hoạt động và học giả pháp lý nổi tiếng của Trung Quốc, người bị giam giữ vì không ngừng theo đuổi pháp quyền ở Trung Quốc.
Ông Lương từng nói với một phóng viên của New York Times vào năm 2016 lý do tại sao ông dũng cảm bào chữa cho những người bất đồng chính kiến. Ông nói: “Quyền lợi của người dân đang bị chà đạp. … Tôi không thể làm ngơ [trước điều này].”
Luật sư bào chữa của ông Lương, ông Tạ Yến Ích (Xie Yanyi), nói với The Epoch Times hôm 14/12 rằng chính quyền Trung Quốc muốn bịt miệng các luật sư nhân quyền và không muốn có người bênh vực ông Lương.
Ông Tạ cho biết, “Trung tâm Dịch vụ Pháp lý Công cộng Bắc Kinh đã không cho tôi tham gia phiên điều trần ngay từ đầu. Chúng tôi tiếp tục nói với trung tâm này rằng hiến pháp và luật pháp đã cho tôi quyền tham gia phiên điều trần. [Sau khoảng một giờ] cuối cùng trung tâm cũng cho phép tôi vào.”
Hôm 14/12, cô Vương Vũ (Wang Yu), ông Dương Huy (Yang Hui) và một số luật sư bảo vệ nhân quyền khác đã đến buổi điều trần để trợ giúp cho ông Lương, nhưng hầu hết họ không được phép vào trung tâm này. Cô Vương cho biết các luật sư và nhà hoạt động khác thậm chí không thể đến vì sự can thiệp của nhà cầm quyền.
Cô Vương nói, “Ông Lý Đại Vĩ (Li Dawei) đến từ thành phố Thiên Thủy ở Tây Bắc tỉnh Cam Túc đã bị bắt giữ khi ông đến ga xe lửa. Một số luật sư đã không dám đến sau khi họ nhận được cảnh báo từ Cục Tư pháp Bắc Kinh.”
“Tất cả các luật sư của chúng tôi đều bị choáng váng [về việc ông Lương bị thu hồi giấy phép hành nghề]. [Ông Lương] Tiểu Quân là một luật sư điềm đạm và nhẹ nhàng. Chính quyền thậm chí không thể dung nhẫn nổi một luật sư như ông ấy! Nó cho thấy nhà cầm quyền này đã thiết lập một lằn ranh đỏ nghiêm ngặt hơn,” ông Dương nói với The Epoch Times.
Luật sư Dương giải thích rằng ông Lương không mất bình tĩnh trước các quan chức tư pháp Trung Quốc khi đối mặt với sự bất công. Ông luôn cố gắng sử dụng luật pháp và quy định của Trung Quốc khi nói chuyện với các quan chức. Nói cách khác, ông Lương đã tôn trọng các quan chức ngay cả khi họ không hành xử theo luật pháp.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Bản tin có sự đóng góp của Kiều Kỳ (Qiao Qi)
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: