Luật ‘Chống các lệnh trừng phạt của ngoại quốc’ của Bắc Kinh sẽ ràng buộc các doanh nghiệp toàn cầu hơn nữa
Các công ty ngoại quốc làm ăn tại Trung Quốc sẽ sớm nhận thấy môi trường hoạt động của họ bị cản trở bởi các rào cản kinh tế do một loạt các quy định “Chống các lệnh trừng phạt của ngoại quốc” mới được cơ quan lập pháp của Trung Cộng nhanh chóng thông qua hôm 10/06.
Các quy tắc mới được đưa ra là một biện pháp đối phó với các quốc gia đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh. Diễn biến này có thể đặt các tổ chức và cá nhân ngoại quốc đang thực thi các lệnh trừng phạt của quốc gia họ đối với Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn trong tương lai.
Luật mới mở rộng bộ công cụ của Trung Cộng để chống lại các lệnh trừng phạt và có thể được sử dụng cùng với ‘Danh sách các doanh nghiệp không đáng tin cậy’ do Trung Cộng lập ra vào năm 2020.
Các biện pháp này đem lại cho Trung Cộng quyền hạn rộng mở hơn trong việc xử phạt các tổ chức và cá nhân tuân thủ các lệnh trừng phạt chống lại Trung Cộng. Vậy thì, chính xác Trung Cộng có thể làm những gì? Trung Cộng có thể từ chối cấp thị thực, trục xuất và hạn chế đi lại đối với các bên gây ra ảnh hưởng, tịch thu tài sản của họ ở Trung Quốc, chặn các giao dịch kinh doanh hoặc giao dịch của cá nhân, gây áp lực lên thân nhân và cộng sự của các tác nhân này, và bất kỳ “biện pháp cần thiết nào khác” được cho là phù hợp với Trung Cộng.
Về căn bản, luật pháp cho phép Trung Cộng làm bất cứ điều gì họ muốn với lý do chống lại các lệnh trừng phạt “phân biệt đối xử” của ngoại quốc.
Áp lực lớn
Trung Cộng đã vội vã ban hành luật này; vài ngày trước đó, trong kỳ họp thứ 29 của Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13, Trung Cộng đã ám chỉ rằng luật này sẽ sớm được ban hành và không có thời gian trưng cầu ý kiến như thường lệ.
Bắc Kinh ngày càng mất tinh thần trước sức ép leo thang gần đây từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh. Cộng đồng quốc tế đã liên tiếp chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Cộng đối với các dân tộc thiểu số người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công cũng như sự đàn áp các quyền tự do chính trị ở Hồng Kông.
Một số hành động đã được thực hiện trong vài năm qua, bao gồm cả việc Canada bắt giữ tại Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu, tẩy chay bông thu hoạch ở Tân Cương của các nhà bán lẻ quốc tế, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và các hạn chế thương mại ảnh hưởng đến những công ty có liên kết với Trung Cộng, cũng như việc EU trì hoãn hoạt động thương mại và đầu tư với Bắc Kinh; tất cả các sự việc này đều được Trung Cộng cho là biện pháp “kiềm chế và đàn áp” một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Các công ty ngoại quốc bị gạt ra ngoài lề
Ngôn ngữ mở của luật trừng phạt trả đũa mới của Trung Cộng khiến luật này có phạm vi rộng chưa từng có so với các lệnh trừng phạt trước đây do các quốc gia khác ban hành. Do đó, các công ty ngoại quốc có thể dễ dàng thấy rằng họ bị nhắm mục tiêu ở ngay sau lưng mình. Bắc Kinh có thể trả đũa các công ty hoặc cá nhân tuân thủ các biện pháp trừng phạt [Trung Cộng] của pháp luật từ nước sở tại.
Chủ tịch AmCham tại Trung Quốc, ông Greg Gilligan, đã tóm tắt khéo léo như thế này.
Ông nói với Bloomberg News trong một cuộc phỏng vấn rằng, “Luật mới đưa ra các vấn đề tuân thủ không thể hòa giải đối với các công ty ngoại quốc.”
Ví dụ, hãy tưởng tượng một ngân hàng quốc tế tuân thủ sắc lệnh cập nhật của Tổng thống (TT) Joe Biden để khẳng định chính sách của chính phủ cựu Tổng thống Trump về việc hạn chế mua cổ phiếu của một số công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội [Trung Cộng] bằng cách từ chối mua cổ phiếu của những công ty đó trong quỹ thị trường mới nổi Á Châu.
Trong kịch bản này, Trung Cộng có thể trừng phạt bằng cách buộc các công ty Trung Quốc hủy bỏ mọi hoạt động kinh doanh với ngân hàng này. Bắc Kinh có thể đi xa hơn như thu giữ tài sản hoặc cơ ngơi thuộc sở hữu của họ tại Trung Quốc. Nếu đây là một trong những ngân hàng đầu tư lớn của Hoa Kỳ như JPMorgan, mà gần đây mới toàn quyền sở hữu công ty con ở Trung Quốc, thì Trung Cộng có thể tịch thu toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của ngân hàng này.
Lấy nhà bán lẻ thời trang nhanh H&M làm một ví dụ khác. Đầu năm nay, H&M đã hứng chịu một cơn bão lửa ở Trung Quốc vì những tuyên bố trước đó lên án lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Với luật mới, Trung Cộng có thể tiến xa hơn nhiều so với việc kích động người dùng mạng xã hội tẩy chay H&M ở Trung Quốc. Trung Cộng có thể đóng cửa hoàn toàn các cửa hàng của H&M tại Trung Quốc hoặc vĩnh viễn cấm H&M hoạt động tại Trung Quốc.
Mặc dù đây là những ví dụ có phần hơi ngoa ngôn, nhưng tôi không mong đợi Trung Cộng tùy tiện dùng các biện pháp như vậy mặc dù các biện pháp này hiện đã sẵn sàng để Trung Cộng áp dụng theo luật mới rồi.
Đối với các nhà đầu tư ngoại quốc và các nhà đầu tư trong các tập đoàn đa quốc gia đang hiện diện tại Trung Quốc, luật này là một cơn ác mộng về việc tuân thủ và làm tăng rủi ro hoạt động tại Trung Quốc. Các giám đốc điều hành tập đoàn có thể phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan cùng một ít các giải pháp khả thi.
Hôm 11/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các ký giả ở Bắc Kinh, trong một trong những tuyên bố kỳ lạ nhất của tuần lễ kết thúc vào ngày 13/06, rằng Luật ‘Chống các lệnh trừng phạt của ngoại quốc’ đem lại hiệu quả tích cực cho đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc.
Ông Uông cho biết, “Trung Quốc sẽ chỉ mở rộng cửa hơn với thế giới và tiếp tục cam kết thúc đẩy một môi trường kinh doanh tốt hơn dành cho các công ty ngoại quốc.”
Trớ trêu thay, nếu luật này được thực thi, Trung Cộng sẽ tự động ép buộc các công ty ngoại quốc thoát khỏi Trung Quốc.
Tác giả Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, đã đóng góp các bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Fan Yu thực hiện
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: