Lũ lụt ở miền Trung: Nhiều nơi vẫn ngập sâu, dân chơi vơi giữa dòng nước
Từ ngày 6/10 đến nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới (trong đó có nhiều xoáy thấp phát triển thành bão, áp thấp nhiệt đới), 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mưa rất to. Một số nơi ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, lượng mưa đã vượt mức lịch sử.
Theo Vnexpress, thống kê đến sáng 20/10, mưa lũ và sạt lở đất đã làm 105 người chết, 27 người chết, tập trung ở ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.
Theo dự báo thời tiết ngày 21/10, miền Bắc duy trì hình thái lạnh về đêm và sáng. Các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Bình tiếp tục mưa và lũ rút chậm nên nước vẫn ngập nhiều nơi.
Quảng Bình – Quảng Trị: Người dân đứng ngồi không yên
Tại Quảng Trị, mưa lũ từ ngày 6/10 đến ngày 20/10 đã khiến 53.000 nhà dân bị ngập, 49 người chết, 8 người mất tích.
Theo Vnexpress, chiều 20/10, tại một số xã vùng hạ du ở Quảng Bình và Quảng Trị lũ vẫn cao; bộ đội, công an và chính quyền xã khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn.
Nhiều người dân phải dùng chiếc xuồng tự chế từ săm ô tô và thùng rỗng để chở vợ con và đồ dùng cá nhân đi sơ tán. Trẻ em, người già, phụ nữ được đưa lên xe ben, xe kéo, công nông… để đến nơi cao ráo.
Trong khi đó, Quảng Bình phát hiện sụt lún và sạt đồi nghiêm trọng từ hôm 19/10 do mưa lũ. Chiều cao của khối núi bị sạt lở khoảng 150 m so với mặt đường. Toàn bộ tài sản của đồn biên phòng Cha Lo bị vùi lấp, 450 m mặt đường 12A bị xé nát, giao thông nối với nước bạn Lào hoàn toàn tê liệt.
Quân nhân đồn biên phòng Cha Lo phải đi sơ tán, dãy nhà ở cán bộ chiến sĩ, nhà chỉ huy và dãy tường rào bị sập, sụt lún. Trụ và tường của các dãy nhà nứt nẻ, nghiêng, nền nhà đứt gãy.
Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng CSGT đã cấm toàn bộ người và xe lưu thông ở đoạn tuyến QL12A từ ngã 3 Khe Ve lên Cửa khẩu Cha Lo. Trên phía cửa khẩu còn một số phương tiện bị mắc kẹt, cộng với việc tuyến đường độc đạo bị chia cắt nên mọi hoạt động ở khu vực bị ngưng trệ. Lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan và người còn ở lại cửa khẩu rơi vào tình trạng thiếu lương lực.
Hà Tĩnh: Nước ngập tới 2 m ở ‘rốn lũ’
Nước lũ dâng đến 2 m tại huyện Cẩm Xuyên, nhấn chìm hàng nghìn nhà cửa, nhiều người dân phải di dời đến nơi an toàn.
Trưa 20/10, các khu dân cư, đường giao thông ở huyện Cẩm Xuyên vẫn ngập sâu trong nước lũ. Đây được xem là rốn lũ của Hà Tĩnh, với hàng nghìn nhà dân đang bị ngập, có nơi đến 2 mét; toàn huyện hiện mất điện, sóng điện thoại bị gián đoạn.
Theo người dân địa phương, nước lũ hôm nay đã rút 20-30 cm so với hôm 19/10, song xuống chậm.
Bà Biện Thị An, 49 tuổi, ở thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh cùng chồng trú trên nóc nhà cấp 4, chờ đoàn cứu hộ phát cơm trưa. “Lũ về làm ướt hết lương thực, thực phẩm, trong nhà không còn gì ăn. Vợ chồng tôi giờ mong được hai suất cơm và ít mì tôm, nước lọc”, bà nói.
Còn cụ bà Hoàng Thị Tâm, 78 tuổi và cháu trai ở xã Cẩm Thành được người dân dùng thuyền nan đi sơ tán thì cảm thán: “Mấy chục năm qua mới thấy lũ khủng khiếp thế này, trắng băng hết cả”.
Đến hôm 20/10, Hà Tĩnh đã phải sơ tán hơn 25.500 người, chủ yếu là người già và trẻ em.
Quảng Nam: Bờ biển cửa Đại tan hoang
Mưa kéo dài và sóng mạnh đánh sập hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại, ăn sâu vào đất liền hơn 15 m.
Những ngày gần đây, bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An dài 7,5 km tiếp tục sạt lở, hàng trăm mét bờ kè mềm bằng bao tải cát bị sóng đánh sập. Hàng chục nhà hàng, khu nghỉ dưỡng bị nước biển xâm thực. Từng đợt sóng ngoài biển tấp vào tạo cột sóng cao gần 4 m hất vào bờ.
Chủ một nhà hàng ở ven biển cho biết: “Đầu tháng 10 đến nay mưa lớn kéo dài, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh liên tục. Lũ trong sông Thu Bồn chảy ra, cộng với thủy triều dâng cao khiến nước biển ở Cửa Đại lên tạo những đợt sóng lớn”.
Để đối phó với tình hình, nhân viên nhà hàng ven biển bưng bao cát thả xuống chống sạt lở. Một ngày có khoảng 500 bao bị cuốn trôi, sau đó, họ lại tiếp tục dùng bao mới bổ sung.
Thừa Thiên Huế: Lũ đã xuống, nhiều nơi vẫn ngập sâu
Theo Vtv, Tại “rốn lũ” Quảng Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù nước lũ đang xuống nhưng ở nhiều xã của huyện mực nước dâng vẫn còn cao, có nơi lên tới gần 2 m.
Trận lũ này gây ra những thiệt hại nặng nề. 0h ngày 12/10, ngọn núi nằm bên cạnh thủy điện Rào Trăng 3 đổ xuống, san phẳng nhà điều hành, 17 công nhân bị vùi lấp. Ngày 20/10, khoảng 100 người gồm công binh, đội quy tập mộ liệt sĩ 192 đã tới thủy điện Rào Trăng 3 tìm kiếm các công nhân bị mất tích.
Tuy nhiên, công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Mưa lớn những ngày qua đã làm tuyến đường 71 nối từ tỉnh lộ 11B đến các thủy điện bị sạt lở, cắt ngang tại km13. Một tảng đá hơn 20 tấn rơi án ngự tại km18. Trên tuyến còn có 3 ngầm tràn, trong đó một ngầm ngập 1,2 m, có 2 đoạn trôi luôn cả đường.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Huế đã cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học bắt đầu từ ngày 17/10.