Long Vương trong lịch sử Trung Hoa
Trung Hoa cổ xưa là mảnh đất nơi Thần và nhân đồng tại, tạo ra một nền văn hóa Thần truyền. Do đó, lịch sử sơ khai của Trung Hoa và thần thoại hòa quyện với nhau một cách chặt chẽ. Loạt bài “câu chuyện thần thoại” của Shen Yun sẽ giới thiệu đến quý vị những nhân vật chính trong kho tàng thần thoại đồ sộ của Trung Hoa.
Rồng. Truyền thuyết Trung Hoa cho rằng rồng có đủ loại lớn nhỏ, với nhiều hình dạng khác nhau, có thể bay vọt lên trời cao hay lặn xuống biển sâu. Hình ảnh rồng thường đi cùng với phượng hoàng và ngọc trai. Rồng là biểu tượng của trí huệ, của hoàng đế và những cảnh giới vượt khỏi cõi phàm.
Thần long ôn hòa của Trung Hoa là sinh vật mang theo đặc tính của 9 loài. Chúng cũng có một loạt khả năng siêu nhiên như điều khiển nước, lửa, gió và băng, sống cả trên cạn, dưới nước và trên không. Ngoài ra chúng còn có khả năng biến hình, tạo mây và nhiều thần thông khác.
Và như chúng ta sắp tìm hiểu, những vị Long Vương đều sở hữu đoàn quân có lính tôm, tướng cua, rùa và cá chép.
Câu chuyện về Long Vương
Mỗi vùng nước, từ đại dương bao la đến dòng suối, thác nước hay thậm chí mỗi giếng nước đều nằm dưới sự cai quản của rồng.Truyền thuyết kể rằng Nữ Oa đã giao nhiệm vụ cho Tứ Hải Long Vương cai quản 4 vùng biển xung quanh Đông Thắng Thần Châu. Kể từ đó, Long Vương sống trong những Thủy Cung nguy nga dưới đáy đại dương.
Thủy Cung được thiết kế tương tự như cung điện của vua trên mặt đất nhưng có những đặc điểm khác biệt ở dưới nước: Cổng chính được làm từ mã não để lộ ra những tinh thể trong suốt phức tạp, ngói lợp mái được làm từ vỏ sò cầu vòng, và có những con rồng phù điêu cuộn xung quanh cột trụ khảm ngọc. Long vương ngồi trên một ngai ngọc khảm đủ loại đá quý lấp lánh. Trong cung điện, lối đi dát vỏ bào ngư dẫn tới vườn ngự uyển đầy san hô và các loại rong biển phong phú, uốn lượn theo dòng nước.
Long Vương của bốn vùng Đông, Nam, Tây và Bắc Hải thường xuất hiện dưới nhân dạng có hình rồng mặc long bào, chuyên bảo vệ các vùng biển tương ứng và thần dân dưới đáy đại dương của họ. Theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế trên thiên thượng, bốn vị Long Vương này quản việc tụ mây làm mưa cho những vùng đất liền kề với vương quốc của họ.
Rất nhiều bút tích trong lịch sử Trung Hoa có nhắc tới Long Vương. Trong đó, những câu chuyện nổi tiếng nhất là từ Phong Thần diễn nghĩa và Tây Du Ký.
Sử sách ghi lại
Trong nhiều năm qua, những câu chuyện dân gian đã xuất hiện thông qua biểu diễn vũ múa Shen Yun. Nhưng những câu chuyện hoàn chỉnh thì phức tạp và chi tiết mà một vở kịch múa khó lòng biểu đạt hết được. Phần thú vị nhất là gì? Mỗi giai thoại đều đến từ những câu chuyện thần thoại, kết nối trời, đất và biển trong nền văn hóa đầy cảm hứng thần truyền của Trung Hoa.
Vượt khỏi sân khấu
Vở diễn Hầu vương đại náo long cung của Shen Yun 2016 có nhân vật Đông Hải Long Vương. Tôn Ngộ Không, nhân vật chính trong câu chuyện, đang muốn tìm vũ khí. Một con khỉ già nói với Ngộ Không rằng cung điện của Đông Hải Long Vương có kho vũ khí nhiều vô kể. Tôn Ngộ Không tìm đến, làm náo động long cung và tìm thấy cây gậy Như Ý nặng 13.500 cân. Sau đó Tôn Ngộ Không tháo chạy về Hoa Quả Sơn.
Chuyện vẫn chưa hết. Đại Thánh được thần khí nhưng cũng chưa hài lòng, sau đó lại đòi Long Vương một bộ chiến bào thật đẹp để mặc. Không thoát được sự bám riết phiền nhiễu của con khỉ, Đông Hải Long Vương gióng trống chiêng mời 3 anh em của mình từ 3 vùng biển còn lại đến. Cuối cùng họ cũng góp được cho Đại Thánh một bộ đồ gồm có giáo giáp vàng, mũ lông phượng và giày bằng kim cang huyền thiếc. Lúc đó Tôn Ngộ Không mới thấy vừa ý và chịu rời khỏi cung điện.
Đệ tử thứ tư
Những vở diễn của Shen Yun như: Kim hầu xuất thế, Ngộ Không thu phục Trư Bát Giới, và Sa Tăng quy phục đều kể về câu chuyện ba người trở thành đệ tử của Đường Tăng, phò trợ Sư phụ hoàn thành chuyến đi thỉnh kinh khó khăn. Nhưng trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, còn một vị đệ tử nữa là Bạch Mã Long.
Khi Bồ Tát Quán Âm cứu khổ cứu nạn đang trên đường sắp xếp đệ tử đi giúp Đường Tăng, Bồ Tát đã gặp một con rồng sắp bị xử trảm. Con rồng này là tam thái tử của Tây Hải Long Vương, do vô tình phá hủy viên ngọc vô giá của cha mà mắc tội.
Bồ Tát liền biến tam thái tử thành ngựa cho Đường Tăng cưỡi, nói rằng sau khi hoàn thành sứ mệnh sẽ cho trở về thành hình rồng và trả tự do. Trong chương cuối của Tây Du Ký, bạch mã long được tắm trong Bể Hóa Rồng, mọc lại sừng, vẩy vàng, râu bạc và cũng được phong tước vị.
Long Vương cứu bốn thầy trò
Sau khi kết thân với bốn thầy trò Đường Tăng, các vị Long Vương đã cứu họ nhiều lần trên đường thỉnh kinh. Trong một lần gặp nạn, bốn người bị bắt bởi yêu quái ở núi Sư Tử và sắp bị cho vào một cái nồi nấu chín. Bởi vì ăn thịt Đường Tăng sẽ được trường sinh bất tử nên trên đường thỉnh kinh, yêu quái nào cũng thèm muốn, ra sức bắt cóc vị sư phụ không có chút phép thuật gì.
May mắn là Ngộ Không đã triệu hồi được Bắc Hải Long Vương – người quản việc làm băng và tạo tuyết. Đứng trên mây, Long Vương biến ra gió lạnh để ngăn không cho lửa nấu chín bốn người, cứu họ thoát khỏi một cơn hoạn nạn.
Hậu quả sau khi đại náo Thủy Cung
Vở diễn Na Tra đại náo thủy cung của Shen Yun 2014 lấy cảm hứng từ một câu chuyện trong Phong Thần diễn nghĩa. Tấm màn sân khấu khép lại với cảnh Na Tra rút gân con rồng độc ác, vốn là con trai của Đông Hải Long Vương.
Câu chuyện tiếp tục với Long Vương cùng các huynh đệ dọa sẽ nhấn chìm ngôi làng của Na Tra. Họ cũng dâng tấu lên Ngọc Hoàng để đòi gia đình Na Tra phải chịu trách nhiệm. Để tránh liên lụy tới cha mẹ và bách tính, Na Tra đã hy sinh bản thân mình. Cảm động trước lòng hiếu nghĩa của Na Tra, Long Vương đã quên đi mối thù và quay về Thủy Cung.
Câu chuyện đến đó vẫn chưa hết. Một vị đạo sĩ đã tái tạo thân thể của Na Tra từ những tinh túy của hoa sen, Na Tra đã trở lại với nhiều thần thông hơn trước.
Quý vị tham khảo bản gốc từ Shenyun.org