Lòng trắc ẩn và sự công nhận: Bí quyết để hàn gắn những mối quan hệ rạn nứt
Trong suốt những năm tháng giúp mọi người sửa chữa mối quan hệ với bạn đời, bạn bè, cha mẹ và con cái của họ, tôi nhận ra một công cụ quan trọng hơn tất cả để hàn gắn những tổn thương là sự công nhận.
Sự công nhận là gì? Công nhận có thể được định nghĩa là sự ghi nhận hoặc khẳng định rằng một người hoặc cảm xúc hay ý kiến của họ là có lý hoặc có giá trị.
Tại sao sự công nhận lại có tác dụng?
Những tổn thương trong mối quan hệ khiến chúng ta bế tắc khi một hoặc cả hai bên tin rằng người kia không xem trọng ý kiến hoặc kinh nghiệm của mình. Quý vị đã bao giờ trải nghiệm tình huống: cố gắng giải thích điều gì đó với ai đó nhiều lần, nhưng họ chỉ từ chối hoặc bác bỏ những gì quý vị đang nói?
Quý vị cảm thấy thế nào khi trải nghiệm điều đó?
Trải nghiệm này sẽ gây ra khoảng cách trong mối quan hệ, và khoảng cách này có thể biến thành một cái hố sâu khi quá trình đó lặp lại hoặc nếu vấn đề đó rất quan trọng. Lặp đi lặp lại những trải nghiệm này với người khác khiến chúng ta ngừng liên hệ với họ hoặc chia sẻ với họ những điều quan trọng. Điều này thậm chí xảy ra trong các mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta: với bạn đời, cha mẹ, và con cái.
Chúng ta có thể nói ngắn gọn về một cuộc tranh cãi hoặc xung đột là: Tôi không chấp nhận quan điểm của bạn.
Sự công nhận có tác dụng như thế nào?
Sự công nhận giống như một liều thuốc giải độc cho thái độ phủ nhận, gạt bỏ, coi nhẹ, hoặc từ chối thừa nhận những thông tin quan trọng. Nó khiến người kia tin rằng bạn thực sự muốn biết và hiểu họ. Nó khiến họ muốn kể nhiều hơn, cởi mở hơn và cuối cùng chia sẻ nhiều hơn những thứ quan trọng với bạn. Tất cả chúng ta đều muốn được lắng nghe và quan tâm.
Tại sao chúng ta không công nhận nhau?
Thường thì chúng ta không công nhận nhau vì chúng ta nghĩ: nói với người kia rằng ý kiến của họ có lý cũng giống như hủy bỏ hoặc làm mất hiệu lực ý kiến của chúng ta, hoặc đồng ý với điều chúng ta không tin là đúng. Nhưng không phải vậy. Thừa nhận quan điểm của ai đó khác không có nghĩa là quan điểm của chúng ta vô lý, và cũng không có nghĩa là chúng ta đồng ý với họ. Điều đó có nghĩa là người kia có lý do để cảm nhận hoặc tin tưởng theo cách của họ, ngay cả khi chúng ta không đồng ý với họ.
Trong những mối quan hệ thân thiết hoặc mối quan hệ đã bị tổn thương, chúng ta phải chấp nhận những cảm xúc hoặc niềm tin tiêu cực của người kia về chúng ta, và có thể chúng ta không đồng ý hoặc cho rằng ý kiến đó là công bằng và đúng sự thật.
Có thể chúng ta không thể chịu đựng được cảm giác tiêu cực nó gây ra, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi hoặc tức giận vì người kia đã làm tổn thương chúng ta. Hoặc ý kiến của họ về chúng ta khiến niềm tin mạnh mẽ về bản thân của chúng ta bị lung lay. Ví dụ, tôi là một người tốt và tử tế mà, sao tôi có thể làm tổn thương bạn như thế này? Đó là phần khó nhất. Chúng ta phải dung hòa được tất cả sự khó chịu này thì mới chạm đến được người kia. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi cho thấy khi ai đó tin rằng chúng ta đang thực sự cố gắng lắng nghe và hiểu họ, họ sẽ sẵn sàng lắng nghe chúng ta.
Một khi cả hai bên trong cuộc xung đột đều cảm thấy như vậy, mối quan hệ sẽ được hàn gắn. Thực sự lắng nghe và thấu hiểu là chìa khóa. Đừng mong đợi điều đó xảy ra chỉ với một vài câu nói. Quý vị thực sự phải đặt tâm thực hiện nó với sự quyết tâm, và khi nó thực sự xảy ra, quý vị sẽ thấy khuôn mặt của người đó thay đổi và bầu không khí cũng thay đổi. Điều đó không phải luôn dễ dàng, nhưng nó có sức mạnh và rất bõ công nếu chúng ta khiến người thân yêu của mình gần gũi hơn, nối lại mối quan hệ bị rạn nứt, hoặc cứu vãn một cuộc hôn nhân.
Bạn thực hiện điều đó như thế nào?
- Chăm chú lắng nghe.
- Vui lòng trao đổi lại với người đó những gì quý vị hiểu về lập trường, ý kiến, hoặc quan điểm của họ và hỏi xem quý vị hiểu có chính xác không. Nếu cần, hãy tiếp thu phản hồi và thay đổi cách hiểu của quý vị cho đến khi họ đồng ý rằng quý vị đã trình bày nó chính xác.
- Ngay cả khi quý vị không đồng ý với kết luận của người đó, hãy xem liệu quý vị có thể hiểu hoặc tưởng tượng vì sao họ lại có quan điểm đó không rồi trao đổi lại với họ. “Tôi có thể hiểu tại sao em/anh.. cảm thấy như vậy bởi vì…” Hãy nhớ thực hiện điều này với lòng trắc ẩn, ngay cả khi những gì họ nói khó nghe. Điều quan trọng là họ sẽ lắng nghe quý vị và chấp nhận ý kiến hoặc lời khuyên của quý vị nếu họ tin rằng quý vị thực sự hiểu họ.
Nếu quý vị không thể hiểu được ý kiến của họ hoặc họ liên tục không đồng ý với cách hiểu của quý vị, thì hãy nói với họ rằng quý vị thực sự đang cố gắng hiểu nhưng quý vị không thể: “Tôi thực sự đang cố gắng tiếp thu những gì em/anh nói, nhưng tôi không thể hiểu tại sao em/anh cảm thấy như thế. Em/anh có thể giúp tôi được không?” Phong thái và giọng điệu tử tế cũng như sự chân thành của quý vị sẽ có ích nếu quý vị thể hiện được rằng quý vị thực sự quan tâm đến họ.
- Sự thay đổi mạnh mẽ! Nếu quý vị có thể mở rộng quan điểm của đối phương, nói với họ cách nó liên hệ với những ý tưởng, suy nghĩ, hoặc hành vi khác của họ, quý vị đang tháo gỡ trúng chỗ rồi. “Ồ, bây giờ nó có lý tại sao em/anh không bao giờ muốn ngồi cạnh tôi trong bữa ăn tối, em/anh đã lo lắng tôi sẽ chỉ trích em/anh!”, “Tôi hiểu tại sao em/anh không bao giờ cảm thấy về tôi như trước kể từ ngày đó!”
- Khắc phục sự cố: Hãy thông báo rằng quý vị muốn khắc phục bất kỳ tổn thất nào. “Bây giờ tôi đã hiểu, tôi thực sự muốn làm cho nó tốt hơn. Tôi không thể chịu được những gì điều này đã gây ra cho mối quan hệ của chúng ta! ”
- Bây giờ, hãy chia sẻ ý kiến của quý vị. “Em/anh có sẵn sàng lắng nghe những gì tôi đã suy nghĩ về điều này không?”
Hãy thử một lần
Có ai mà quý vị muốn thân thiết hơn không? Hãy thử công nhận họ nhiều hơn. Quý vị không cần phải thử làm điều này đầu tiên với người mà quý vị có mâu thuẫn lớn. Hãy thử với một người bạn hoặc cháu của quý vị. Chú ý tại sao họ muốn chia sẻ với quý vị nhiều hơn, vì họ cảm thấy như quý vị đang thực sự tiếp nhận những gì họ nói. Và hãy xem liệu cảm nhận của họ về quý vị có thay đổi hay không.
Khi quý vị đã tập dượt một chút và thấy thoải mái, hãy thử thực hiện điều này trong những mối quan hệ thân thiết hoặc khó khăn hơn. Hãy để ý cảm xúc của quý vị khi lắng nghe đối phương, nhưng hãy công nhận trải nghiệm của họ cho đến khi có sự thay đổi hoặc họ cảm nhận tốt hơn về quý vị. Sau đó, hãy xem liệu quý vị có thể chia sẻ với họ về cảm xúc và suy nghĩ của mình hay không.
Michael Courter là một cố vấn và nhà trị liệu tâm lý, ông tin vào sức mạnh của sự phát triển cá nhân, phục hồi các mối quan hệ, và theo đuổi các ước mơ. Có thể liên lạc với ông tại địa chỉ [email protected]. Trang web của ông là CourterCounsel.com
Lý Bình biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: