Lòng can trường tại Tòa Bạch Ốc: Đệ nhất phu nhân Lucretia Garfield dũng cảm vượt qua những ngày đen tối
Trong 46 đời tổng thống Hoa Kỳ, có bốn vị tổng thống đã bị ám sát khi đang tại vị. Một trong số đó chính là tổng thống James Garfield. Tuy nhiên, thay vì qua đời ngay lập tức hoặc vài ngày sau cuộc ám sát, thì tổng thống Garfield đã chịu đựng suốt 80 ngày trong khi một đội ngũ bác sĩ cố gắng cứu chữa cho ông. Trong những ngày hè nóng bức năm ấy, khi phu quân hầu như nằm liệt giường trong một căn phòng nhỏ tại Tòa Bạch Ốc, thì đệ nhất phu nhân Lucretia Garfield đã săn sóc ông, đưa ra những quyết định về việc chữa trị cho ông, đồng thời nuôi dạy bốn người con trai và một người con gái của họ ở độ tuổi từ 9 đến 19 tuổi.
Mặc dù bản thân đã gần như suýt mất mạng bởi dịch bệnh sốt rét bùng phát vào tháng 05/1881, nhưng bà Lucretia đã giải quyết vụ nổ súng ám sát tổng thống James vào ngày 02/07/1881, thủ phạm là một bệnh nhân tâm thần tên là Charles Guiteau, bằng lòng kiên cường bà đã giúp củng cố một quốc gia vẫn đang lung lay sau sự chia rẽ của cuộc Nội Chiến. Theo quyển sách “Destiny of the Republic” (Định Mệnh Của Nền Cộng Hòa) của tác giả Candace Millard, mặc dù bà cho rằng bản thân kém xa so với những đệ nhất phu nhân tiền nhiệm, nhưng công chúng vẫn “luôn tự hào vì lòng can trường của bà Lucretia.” Cuốn sách viết rằng, tại thời điểm đó, tờ báo The New York Times đã đăng tin nói rằng “Bà Garfield đã nhận được một danh hiệu cao quý và lâu bền hơn bao giờ hết trong vai trò là một phu nhân của Tổng thống.”
Bà Mabel Bell, vợ của nhà phát minh Alexander Graham Bell, đã viết một bức thư cho chồng mình và chia sẻ về phu nhân Lucretia như sau: “Bà ấy nhất định là một người phụ nữ rất dũng cảm. Cả đất nước này đều trông cậy vào sự kiên cường của bà.”
Tính đến thời điểm vụ nổ súng diễn ra, những khó khăn trong cuộc sống, bệnh tật, và những nỗi thất vọng đã làm suy yếu lòng quyết tâm của bà Lucretia. Thực tế là, bà đã ở trong tình trạng sức khỏe suy nhược khi ông James đưa bà đến nhà ga xe lửa vào tháng 06/1881 để tiễn bà đến tiểu bang New Jersey phục hồi sau căn bệnh sốt rét. Thực ra, khi đó có một người đang theo dõi họ tên là Charles Guiteau, người đã lên kế hoạch thực hiện vụ ám sát đúng vào hôm đó. Sau này, ông Guiteau đã kể lại rằng “Bà Garfield trông thật ốm yếu và ôm chặt cánh tay của Tổng thống một cách dịu dàng, khiến tôi cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến việc chia rẽ họ.” Tổng thống James đã dự định sẽ gặp lại bà vào tháng 07/1881; vào thời điểm bị bắn, ông đang chuẩn bị lên tàu hỏa tại Hoa Thịnh Đốn. Bất chấp tình trạng yếu ớt của mình, khi bà Lucretia nhận được một bức điện tín thông báo về việc chồng bà đang “bị thương nghiêm trọng,” bà đã khăng khăng muốn biết sự thật.
Từ thời điểm này trở đi, ngay cả khi đang chịu đựng một tai nạn tàu hỏa trên chuyến tàu trở về Hoa Thịnh Đốn để đoàn tụ với người chồng bị trọng thương của mình, bà Lucretia đã cho thấy một sự thay đổi diện mạo từ một bệnh nhân yếu ớt trở thành một đệ nhất phu nhân kiên cường.
Kiên cường bất chấp nghịch cảnh
Phu nhân Lucretia được sinh ra ở vùng quê Garrettsville, tiểu bang Ohio, vào ngày 19/04/1832, được nuôi dạy trưởng thành trong một gia đình làm việc chăm chỉ nhưng theo trường phái khắc kỷ. Bà rất thích đi học. Tại Geauga Seminary, một học viện dành cho cả nam lẫn nữ ở ngay giao lộ của Thị Trấn Chester, tiểu bang Ohio, bà đã gặp ông James lần đầu tiên. Tuy nhiên, mãi đến mùa thu năm 1851, khi cả hai đều đã là những sinh viên của Học Viện Chiết Trung Western Reserve ở Hiram, tiểu bang Ohio, họ mới cùng nhau chia sẻ những sở thích về văn học cũng như nhiều chủ đề khác. Họ đã trò chuyện, viết thư cho nhau mỗi khi phải xa cách, và cuối cùng trao cho nhau nụ hôn đầu tiên vào năm 1854.
Ngài James là người hòa đồng, thân thiện trong cách cư xử và tính cách, còn bà Lucretia được mô tả là một người nhút nhát, kín tiếng, và nghiêm túc. Ông đã bày tỏ tình cảm của mình đối với bà, tuy nhiên bà không hề đáp lại. Tuy vậy, họ đã kết hôn vào năm 1858 để “thử một cuộc sống bên nhau.” Sau đó Nội Chiến đã nổ ra, trong suốt thời gian đó ông James đã tích cực đảm nhiệm nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau và cũng có một mối tình ngắn ngủi, mà bà Lucretia đã tha thứ cho ông. Về phía gia đình họ, có hai trong số bảy người con đã qua đời từ khi còn rất nhỏ.
Thay vì gục ngã bởi áp lực cuộc sống, thì chính sự ngoan cường thầm lặng của bà Lucretia đã tác động đến ông James theo một cách đầy bất ngờ. Cuối cùng ông cũng đã yêu thương người vợ của mình và bà cũng vậy. Tháng 12/1867, ông viết một bức thư cho bà như sau: “Chúng ta không còn là yêu bởi vì chúng ta nên có nghĩa vụ như vậy, mà là do chúng ta thật lòng nguyện ý yêu thương nhau. Nếu tôi có thể tự do chọn bất kỳ ai trên khắp thế giới này làm người chia sẻ trái tim, tổ ấm và cuộc sống của mình, thì tôi sẽ bay đến bên em và ngỏ lời với em rằng hãy trở thành người phụ nữ của tôi như chính con người của em.”
Tháng 09/1870, bà Lucretia đã viết cho ông James như sau: “Em đã không còn ngẩn ngơ khi thấy mình đang ngồi bên lò sưởi của chúng ta, là một người vợ đang yêu và được yêu, … chúng ta là những người hoàn toàn khác biệt, nhưng như những vị vua chinh phục, chúng ta sống trong cách biệt trùng trùng, gắn bó hòa hợp trong trái tim, tâm hồn và cả cuộc sống.”
Trui rèn
Khi đã hoàn toàn chắc chắn rằng ngài James sẽ không thể qua khỏi vì những vết thương do đạn bắn từ tên sát thủ gây ra, bà Lucretia đã hôn lên đôi mày của ông và rồi, sau khi các bác sĩ, nhân viên phục vụ, và thư ký của ông James đều đã rời khỏi phòng, thì bà đã ngồi lại hơn một giờ với thi hài của người đàn ông mà bà đã kết hôn trong suốt 23 năm “Không nói một lời nào, bà đã đứng lên, và cho phép [bằng hữu của hai vợ chồng, ông Almon Rockwell] dìu bà đi ra,” nữ tác giả Millard đã viết.
Sau khi tham dự tang sự của chồng, được cho là “tang lễ của thế kỷ” bởi vì sự nổi tiếng của tổng thống James cũng như sự thương cảm của người dân trào dâng sau vụ ám sát, bà Lucretia đã định cư tại trang trại Mentor, ở tiểu bang Ohio, cùng với sáu người con của mình, bằng hữu, và nhiều thành viên khác của gia đình. Báo chí đã gán cho bà là “Đệ Nhất Phu Nhân Biến Mất,” tuy nhiên bà đã quyết định chuyên tâm chăm lo cho các con, phát triển nông trại, và sáng lập thư viện tưởng niệm tổng thống đầu tiên của đất nước để làm nơi lưu giữ an toàn cho các tư liệu của chồng cũng như ký ức về ông luôn sống mãi.
Thay vì trở thành một đệ nhất phu nhân theo truyền thống, bà Lucretia đã phải chịu đựng điều không thể tưởng tượng nổi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi tại Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, khi bà qua đời, gần 37 năm sau khi chồng mất, bà có 5 người con vẫn còn sống, 16 người cháu, và 45 người cháu cố, đồng thời bà được quý mến và kính trọng như một vị tổ mẫu của gia đình.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times